Lại nóng chuyện Việt hoá kịch bản ngoại

Thứ Tư, 04/09/2013, 09:00

"Váy hồng tầng 24" (đạo diễn Nguyễn Minh Chung), bộ phim truyền hình dài 30 tập đang được phát sóng trên khung giờ vàng, kênh VTV3 - Đài Truyền hình Việt Nam vào tối thứ hai, thứ ba, thứ tư hằng tuần. Được chuyển thể từ "Unbeatable 1" - một trong những seri phim truyền hình ăn khách của Đài Loan, "Váy hồng tầng 24" rất được khán giả mong đợi, nhất là khán giả trẻ. Mặc dù đã phát sóng được hơn nửa chặng đường nhưng "Váy hồng tầng 24" chưa tạo được ấn tượng cho người xem và trên các diễn đàn lại nổi lên những lời bàn luận xung quanh chuyện "Việt hóa" kịch bản ngoại.

1. Nội dung "Váy hồng tầng 24" thực chất không có gì quá mới mẻ. Bộ phim lấy bối cảnh của một công ty truyền thông đa quốc gia có tên là S.H.E với nhiều quy định "quái", kiểu như bộ phận sáng tạo chỉ tuyển nữ, mà đó phải là những cô gái cao trên 1m60, xinh đẹp, giỏi giang và tất cả nhân viên ở đây đều được gắn với hai chữ "giám đốc", từ "giám đốc tạp vụ" đến "giám đốc sáng tạo" rồi "giám đốc điều hành sáng tạo"… Nổi bật giữa những nhân viên PR "chân dài" đó là bốn nhân vật chính: An Nhiên (diễn viên Diễm My 9x), Khánh Ly (diễn viên Khánh My), Thảo Vy (diễn viên Minh Khuê) và Thùy Như (diễn viên Yumi Dương). Đặc điểm chung của những cô gái này là tự tin (đôi khi thái quá), bản lĩnh và sẵn sàng làm tất cả để bảo vệ tình yêu của mình. Bên cạnh bốn cô gái xinh đẹp là những chàng trai với "hành tung" bí ẩn, bao gồm Trác Nguyên (diễn viên Huy Khánh), Hữu Điền (diễn viên Hứa Vĩ Văn), Hoàng Khải (diễn viên Quốc Trường)… Những người trẻ năng động làm việc trong môi trường quảng cáo sôi động phải đối mặt với thế lực đen tối trong công ty muốn thành lập "đế chế truyền thông". Những cuộc ganh đua, đố kỵ giữa những người phụ nữ xinh đẹp, toan tính không hiếm trên màn ảnh Việt. Bên cạnh đó, "Váy hồng tầng 24" cũng không phải là bộ phim đầu tiên làm về đề tài quảng cáo. Trước đó, vào năm 2010, bộ phim "Phía cuối cầu vồng" (đạo diễn Mai Hồng Phong) được chuyển thể từ tập truyện dài có tên "Công ty" của nhà văn trẻ Phan Hồn Nhiên cũng nói về những người trẻ làm việc trong ngành quảng cáo được nhiều khán giả yêu thích. Tôi chưa được xem "Unbeatable 1" của Đài Loan nên không thể so sánh "Váy hồng tầng 24" với bản gốc của nó nhưng rõ ràng bộ phim này không có sức hấp dẫn và thiếu những nét "Việt" như ở "Phía cuối cầu vồng".

S.H.E là một công ty truyền thông đa quốc gia nhưng sự hào nhoáng của công sở, cách ăn tiêu "vô tội vạ", xài hàng sang của những nhân viên công ty khiến người ta nghĩ đến bối cảnh ở một quốc gia tiên tiến nào đó hơn là Việt Nam. Sự "lấp lánh" trong bối cảnh phim làm không ít người lầm tưởng về ánh hào quang của nghề PR. Chính điều này, ngay trên facebook có tên "Váy hồng tầng 24" - một diễn đàn để quảng cáo và trao đổi về bộ phim đã có người lên tiếng rằng, mặc dù đang làm trong ngành PR nhưng họ không tìm thấy mình trong những tập phim khi lên sóng. Đạo diễn Nguyễn Minh Chung từng chia sẻ: "Nói thật, trước đây tôi chẳng biết gì về nghề truyền thông, vì nó quá mới tại Việt Nam, kịch bản chặt chẽ này đã giúp tôi hiểu hơn. May mắn là con tôi làm trong ngành truyền thông, nó đã giúp đỡ rất hiệu quả, qua bộ phim này tôi lại hiểu về con mình và công việc của nó nhiều hơn". Một bối cảnh "Việt hóa" chưa thành công là điểm trừ đầu tiên của "Váy hồng tầng 24".

Nhóm "tứ cô nương" của phim "Váy hồng tầng 24".

2. Cách xây dựng nhân vật và tình huống của "Váy hồng tầng 24" đôi khi "giả" đến mức không thể tưởng tượng được. An Nhiên, cô gái tốt nghiệp thủ khoa ngành PR ở Singapore, tự giới thiệu là cô gái thông minh, trẻ trung, bản lĩnh và sáng tạo nhưng những điều đó hầu như chưa được thể hiện trên màn ảnh. Ngay từ tập đầu của phim, tình huống mà An Nhiên gặp Trác Nguyên trong thang máy khi đến Công ty S.H.E dự tuyển khiên cưỡng và… vô duyên. "Vô duyên" nhất phải kể đến đoạn, sau khi dự tuyển không thành công, An Nhiên quay trở lại gặp Trác Nguyên tại sảnh công ty và hai người... nhảy điệu Tango. Trong khi nhiều nhân viên công ty hiếu kỳ đứng tập trung trên sảnh công ty thì Trác Nguyên và An Nhiên say sưa biểu diễn điệu Tango "rất mùi". Chỉ có điều, nền nhạc chậm và những động tác nhảy rời rạc giống điệu valse hơn. Màn nhảy múa này tiếp tục được tái hiện ở tập 3 khi An Nhiên bị Giám đốc Frank sa thải vì những sai sót trong quá trình tác nghiệp. Trong nhiều phim nước ngoài, các đạo diễn cũng thường sử dụng những màn nhảy múa để gây bất ngờ, tạo sự lãng mạn và góc quay đẹp cho phim. Tuy nhiên, màn khiêu vũ của hai nhân vật chính trong "Váy hồng tầng 24" không làm được điều đó, thậm chí trở thành một cảnh quay "lạc lõng"  với dòng chảy của phim.

Tình huống mà An Nhiên được đẩy vào vị trí giám đốc điều hành sáng tạo chắc không thể xảy ra với một công ty PR tầm cỡ như S.H.E trên thực tế. Chỉ vì trong buổi giới thiệu sản phẩm mới bị lỗi, khi mọi người náo loạn tìm cách khắc phục sự cố và chạy trốn ống kính phóng viên thì duy nhất An Nhiên - vị khách không mời mà đến lại "tự dưng" cười rất tươi và tạo dáng "xì tin" trước ống kính. Chính hành động bột phát này mà cô được S.H.E đề cử vào vị trí giám đốc điều hành để biến "bại thành thắng", biến buổi ra mắt sản phẩm thất bại thành buổi giới thiệu giám đốc mới một cách có chủ ý. Không chỉ có An Nhiên mà những nhân vật khác trong bộ phim này cũng được xây dựng với nhiều nét "khác thường" thái quá. Khánh Ly, chị họ của An Nhiên, cô gái 28 tuổi đã trải qua 12 mối tình. An Nhiên yêu Trác Nguyên mà chỉ biết có duy nhất tên và số điện thoại của chàng trai này...

"Váy hồng tầng 24" cố gắng tạo tiếng cười từ lời thoại trong phim - một đặc trưng phổ biến của những phiên bản được chuyển thể từ "Sex and the city". Lời thoại trong phim từng được PR rất kêu là "chuẩn, không thừa một chữ". Những câu nói dí dỏm như "người không phạm lỗi còn gì là đáng yêu nữa", "vì cá vàng nhà anh không thích em", "tôi nhận thua chứ không chịu thua", "thật ra trong tình yêu không có lừa gạt, chỉ có thắng thua"… được giới trẻ yêu thích. Tuy nhiên, đã có một số khán giả hài hước nhận xét rằng, họ phải "nín thở mỗi lần An Nhiên và Trác Nguyên gặp nhau vì lời thoại quá dài". Những lời thoại thiếu tự nhiên của An Nhiên kiểu như "lúc nhận được phong thư em rất háo hức giống như đứa trẻ tìm được bản đồ kho báu vậy, nhưng khi đọc lý lịch của Frank thì em rất hoang mang giống như một vực thẳm đang dần hé mở ra vậy"… không phải hiếm trong phim. Có ý kiến đề xuất nên lồng tiếng vì diễn viên nói như đọc, gượng gạo, không truyền cảm. Chưa hết, cách kể truyện của "Váy hồng tầng 24" không mạch lạc và thiếu kịch tính. Dù đã xem đến nửa bộ phim mà nội dung phim vẫn rất khó hiểu. "Ông Bụt" là ai và "Liên minh ma quỷ" trong đế chế truyền thông này là gì mà khiến cả giới truyền thông "náo loạn" đến vậy?

3. "Việt hóa" kịch bản ngoại vốn được coi là con dao hai lưỡi. Một mặt nó là món "mì ăn liền" thỏa mãn cơn "khát" kịch bản ở Việt Nam hiện nay, song nếu "Việt hóa" không thành công thì bộ phim sẽ trở nên nhàm chán. Không ít đạo diễn thừa nhận rằng, chúng ta đang bị hổng về công nghệ và làm lại phim nước ngoài chính là cách giúp các nhà làm phim truyền hình trong nước học hỏi và tích lũy dần công nghệ. Theo tôi, "Cô gái xấu xí" (kịch bản Columbia) và "Cầu vồng tình yêu" (Việt hóa từ phim Hàn Quốc) là hai trong số ít bộ phim được Việt hóa thành công. Khi xem phim, người ta không thấy sự "xung đột" văn hóa, sự "sống sượng" trong bối cảnh phim cũng như diễn biến tâm lý của nhân vật. Sự thất bại của "Cô nàng bất đắc dĩ" (kịch bản gốc Argentina), "Ngôi nhà hạnh phúc" (Việt hóa từ phim Hàn Quốc), "Những người độc thân vui vẻ" (Việt hóa từ phim của Trung Quốc)... đã làm cho "làn sóng Việt hóa" kịch bản phim nước ngoài trầm xuống. Rõ ràng, một phiên bản gốc hay, một dàn diễn viên đẹp, đầu tư kinh phí "khủng" không phải lúc nào cũng mang đến thành công. "Việt hóa" kịch bản phim nước ngoài cần phải là sự sáng tạo tiếp nối kịch bản cũ nhưng theo phong cách Việt và có lẽ, "Váy hồng tầng 24" đang thiếu yếu tố này

P.M.T.
.
.