Những điều ít biết về tác giả ‘Giết con chim nhại’

Thứ Ba, 22/03/2016, 08:00
Là một người nổi tiếng xa lánh truyền thông, trong suốt cuộc đời gần trọn một thế kỷ, nữ nhà văn Harper Lee - tác giả tiểu thuyết lừng danh "Giết con chim nhại" hầu như không tiếp xúc với báo chí. Tuy nhiên cũng đã có một số lần hiếm hoi, bà phá lệ.


Kể chuyện là một bản năng

Theo Los Angeles Times có đề cập đến một đoạn băng thu âm cuộc phỏng vấn Harper Lee được thực hiện năm 1964, vừa được thư viện của Đại học California tại Los Angeles (UCLA) công bố. Nhà báo Roy Newquist đã thực hiện cuộc phỏng vấn cho Ðài phát thanh WQXR tại New York. Thư viện trường UCLA đã công bố đoạn băng này sau khi nữ nhà văn Harper Lee qua đời ở tuổi 89 ngày 21-2.

Trong đoạn phỏng vấn, bà Lee nói về sự thành công cả về thị trường lẫn trong giới phê bình về cuốn tiểu thuyết đầu tiên. "Phản ứng của tôi… không còn là sự ngạc nhiên nữa. Nó gần như là mất hết tri giác vậy", bà Lee cười trong lúc chia sẻ với nhà báo Newquist.

"Đó là cảm giác như bị ai đó đánh vào đầu và chết cứng. Cảm giác mà tôi chưa từng nghĩ tới. Ngay từ đầu tôi chưa bao giờ nghĩ cuốn sách sẽ bán được. Tôi đã nghĩ nó sẽ chết rất nhanh và là một cái chết tội nghiệp dưới bàn tay của các nhà bình sách".

Nhà văn Harper Lee và tác phẩm “Giết con chim nhại”. Ảnh: Independent’ 

Với đoạn băng ghi âm, người nghe có thể cảm nhận rõ ràng thổ âm phương Nam và giọng điệu hóm hỉnh của nữ nhà văn. Khi nói đến từ "chết cứng", bà đã bật cười.

Nhà văn Harper Lee cũng đề cập tới trong cuộc phỏng vấn là bà đã bắt đầu viết một cuốn tiểu thuyết khác. Bà nói: "Cũng giống như "Giết con chim nhại", nó đi rất chậm. Tôi là một người lao động chậm chạp. Tôi nghĩ mình là một người thợ chắc chắn. Quá nhiều nhà văn không thích viết... Tôi thích viết và đôi khi tôi sợ là mình đã quá yêu việc đó vì khi tôi bắt tay vào viết, tôi không muốn rời khỏi nó. Và do đó tôi sẽ viết trong rất rất nhiều ngày mà chẳng đi đâu khỏi nhà mình".

Nhà văn cũng bàn bạc về văn chương miền Nam khi nhà báo Newquist hỏi tại sao có nhiều tiểu thuyết vĩ đại xuất hiện ở miền Nam. Bà Lee trả lời: "Cô phải xem xem những người miền Nam là ai chứ. Chúng tôi hầu hết đều là người Ireland, người Scotland, người Anh và người xứ Wales. Chúng tôi đã lớn lên trong một xã hội nông nghiệp, chủ yếu là vậy. Truyền thống của miền Nam không phải là đô thị... Tôi nghĩ chúng tôi là một vùng của những người kể chuyện, một cách tự nhiên, ngay từ trong bản năng tộc người của mình. Chúng tôi không có thú vui của nhà hát, của khiêu vũ, điện ảnh khi chúng xuất hiện. Chúng tôi đơn giản làm cho nhau vui bằng cách nói chuyện".

Tình cảm đặc biệt với tài tử Gregory Peck

Năm 1978, tác giả Michael Freedland cũng đã trò chuyện với bà trong thời gian viết tác phẩm tiểu sử về nam tài tử Gregory Peck, một trong những ngôi sao điện ảnh lớn nhất của 20th Century Fox giai đoạn thập niên 40 đến 60. Nam diễn viên Gregory Peck đã tham gia trong tác phẩm điện ảnh chuyển thể từ tiểu thuyết "Giết con chim nhại"

Tác giả Michael Freedland sau này từng viết trên báo Guardian rằng ông là nhà báo hiếm hoi đã phỏngvấn bà Harper Lee còn sống, và chính nhờ tài tử Gregory Peck mà ông đã có cuộc trò chuyện hiếm hoi với bà Lee tại một căn hộ của bà ở New York.

Ông Michael Freedland cho biết, vào khoảng năm 1978 ông đã gặp bà Lee. Ông bác bỏ việc một số hãng tin nói rằng bà Harper Lee đã không hề trả lời phỏng vấn báo chí trong 50 năm. Thời gian đó ông đang viết cuốn sách tiểu sử cho tài tử Peck và trong lúc tìm kiếm tư liệu đã hé lộ mối quan hệ đặc biệt giữa tác giả tiểu thuyết và nam diễn viên tham gia bộ phim chuyển thể.

Michael Freedland viết: "Thực sự thì dường như họ yêu nhau - nhưng giống như tình yêu một cô con gái dành cho cha mình vậy. Họ chỉ cách nhau 10 tuổi và mặc dù dường như theo tôi, ông ấy (Peck) không phải là mẫu hình một người cha thay thế, chưa kể là người cha thực sự của bà ấy, người là khuôn mẫu cho vai diễn Atticus Finch do ông Peck đóng trong phim, vẫn đang còn sống".

Năm 1978, bà Harper Lee sống trong một căn hộ gần khu Central Park ở New York. Họ đã cùng ngồi quanh một chiếc bàn lớn trong căn phòng toàn sách là sách. Theo Michael, mặc dù như hầu hết mọi người trên thế giới đều biết, lúc đó bà Lee chưa bao giờ viết cuốn sách nào khác ngoài cuốn "Giết con chim nhại", nhưng những người hàng xóm đều biết bà là "nhà văn".

Những phỏng đoán trong hình dung của ông Michael về bà Harper Lee hóa ra đều không chính xác. Tiếp đón ông là một phụ nữ tóc đen duyên dáng trong độ tuổi đầu năm mươi. Bà nói thổ âm phương Nam hấp dẫn, tỏ ra vui vẻ hơn khi nói về những chuyện vặt vãnh trong làm phim và về người bạn chung của họ, tài tử Gregory Peck.

Nam tài tử Gregory Peck và nhà văn Harper Lee - Ảnh: Bettmann/Corbis.

Michael đã có hơn một năm trước đó chu du thế giới cùng tài tử Peck để lấy tư liệu viết sách. Cả ông và bà Lee đã gọi ông Peck là "Greg". Ông Michael vẫn nhớ như in cách tài tử Peck thu xếp cuộc gặp bà Lee cho mình. Ông và Peck ngồi trong căn bếp tại Holmby Hills. Vào cái thuở điện thoại di động chưa phổ biến như ngày nay, căn bếp là chỗ thuận tiện nhất để nghe điện thoại. Ông Peck quay số và tác giả Michael bảo rằng, rất nhiều năm sau này, ông vẫn nhớ từng lời trao đổi của ông ấy với bà Lee qua điện thoại.

Ông nói: "Harper này, anh muốn em gặp người thanh niên tốt bụng này. Từ nước Anh đến. Em sẽ không làm cậu ấy thất vọng phải không?". Ở đầu dây bên kia bà Lee đáp: "Tất nhiên rồi, em sẽ không đâu Greg". Đó là khoảng thời gian của cha và con gái.

Và rồi trong cuộc trò chuyện của họ, đương nhiên ông Michael sẽ phải nói về Greg. Ông đã đoán chừng sẽ phải nghe một số lời phàn nàn. Thực tế thì rất ít nhà văn thực sự hài lòng với cách các diễn viên thể hiện nhân vật của họ. Thêm nữa, nhân vật luật sư Atticus Finch (do Peck thủ vai) lại không phải là kiểu nhân vật bình thường. Ông ấy chắc chắn đã được xây dựng từ người cha thương yêu của bà Lee. Tuy nhiên ngay từ những lời đầu tiên, bà Lee đã nói, tài tử Peck đã diễn xuất rất hoàn hảo.

Chính bản thân tài tử Peck cũng từng nói, với ông rằng việc thủ vai luật sư Atticus, một người sẵn sàng đảm nhận các vụ việc khó khăn chỉ vì ông tin vào thân chủ của mình, ngay cả đôi khi họ không có tiền trả ông, giống như mặc lên người một bộ đồ cũ, rất thoải mái.

Thực sự thì bà Harper Lee cũng nghĩ như vậy. Ngày đầu tiên bà trông thấy Greg trong bộ trang phục màu trắng, bà đã nghĩ nó rất hợp với ông ấy. Bà nói: "Tôi thấy ông ấy đi ra khỏi phòng thay đồ với bộ cánh màu trắng ba mảnh và hét lên: 'Lạy Chúa, ông ấy có cái bụng phệ nhỏ giống hệt cha tôi'". Greg nhớ lại lúc đó đã nói với bà: "Đó không phải là bụng phệ đâu Harper, nó là diễn xuất tuyệt vời". Bà Lee bảo bà thích điều đó. Đó là một cách nói mà cha bà, ông Amasa Lee, có thể nói vậy.

Người vượt tầm thời đại

Nhà văn Harper Lee từng đoạt giải thưởng Pulitzer hạng mục tiểu thuyết năm 1961 với tác phẩm "Giết con chim nhại". Năm 2015 bà vừa ra mắt cuốn tiểu thuyết thứ hai trong đời văn, cuốn "Go set a watchman". Nhà xuất bản HarperCollins đã bán được hơn 1,1 triệu bản cuốn này chỉ trong vòng một tuần, là kỷ lục sách bán chạy nhất trong lịch sử công ty này.

Nhà văn Haper Lee sinh ngày 28-4-1926 tại Monroeville, bang Alabama, bà là con út trong gia đình có bốn người con của vợ chồng luật sư Amasa Coleman Lee và Frances Cunningham Finch Lee.

“Giết con chim nhại” đã bán được hơn 30 triệu bản và được dịch ra hơn 40 thứ tiếng. Từ năm 2010 tới nay, trung bình mỗi năm vẫn có gần nửa triệu bản tác phẩm này ấn hành, liên tục 98 tuần nằm trong danh mục sách bán chạy nhất của New York Times. Theo Telegragh, cho tới cuối đời, trung bình nhà văn Harper Lee đã nhận được 3,2 triệu USD mỗi năm tiền bản quyền từ cuốn sách này.

Những năm cuối đời, sức khỏe của nhà văn Harper Lee giảm sút nhiều, nhất là từ sau cơn đột quỵ đã khiến bà bị liệt, phải di chuyển bằng xe lăn.

Cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush đã nói thế này khi trao tặng nhà văn Harper Lee Huân chương Tự do năm 2007: "Nhà văn Harper Lee đã vượt trước thời đại của bà, và kiệt tác "Giết con chim nhại" đã hối thúc nước Mỹ theo kịp bà ấy". Và ông Bush cũng đã bày tỏ lòng thương tiếc ngay khi biết tin bà qua đời: "Người con gái của bang Alabama này đã bày tỏ thái độ về lòng tôn trọng, sự bao dung, và hơn tất cả, về tình yêu, và điều đó sẽ còn mãi tiếng vang".

Đỗ Dương
.
.