Khi nữ nhà văn “ẩn mình” bên giá vẽ

Thứ Hai, 29/10/2007, 08:00
Khi nghĩ tới một nhà văn Đoàn Lê, người đọc thường nhắc đến giải thưởng Hội Nhà văn năm 1990 dành cho tiểu thuyết "Cuốn gia phả để lại", và gần đây nhất là giải thưởng cho tập truyện ngắn "Trinh tiết xóm Chùa" của chị.

Và khi nhắc đến một Đoàn Lê điện ảnh, người xem không thể quên bộ phim "Làng Vũ Đại ngày ấy". Còn Đoàn Lê hội họa ư? Đó dường như là một sự quay về với một Đoàn Lê trẻ trung dịu dàng của thời con gái.

Hẳn thế, sự run rẩy của cảm xúc luôn luôn như mới bắt đầu mỗi khi Đoàn Lê cầm cây cọ để giải tỏa những ẩn ức trong tâm hồn mình. Phải thế chăng mà đứng trước các bức tranh về hoa tôi bỗng nhớ lại những câu thơ ngày ấy của chị trong bài thơ "Bói hoa":

"Ngày xưa em thơ ngây

Ngồi bói hồng mới nở

Đoán tình yêu sau này

Vẹn tròn hay dang dở…"

Cái kiếp hoa ấy sau này nhập hồn vào giá vẽ của Đoàn Lê với các tên khác nhau như "Hoa bèo", "Hoa lan tiêu", "Hoa hồng"… Nhưng có thể nói, ngoài những đề tài tập trung về phong cảnh, thì mảng tranh "nuy" của Đoàn Lê có sức thu hút đặc biệt.

Đoàn Lê thi sĩ hơn khi gắn bó tinh tế trong những bức tranh này. Qua tác phẩm "Hoa bèo", chị đã có một ẩn dụ sâu sắc và giàu lòng thương cảm những thân phận của các cô gái trôi dạt về bãi biển Đồ Sơn như những cánh bèo lềnh bềnh và bị sóng đánh tả tơi trên bãi cát.

Hình tượng ấy qua bức tranh "nuy" gây xúc động lòng người, nó không còn gây dấu ấn ở sự trần trụi gợi dục mà sự đày ải trần gian ấy đã đánh thức lương tâm con người.

Hay như bức "Giếng Lan Tiêu", đâu chỉ có riêng cảnh một cô gái tắm bên giếng, mà ở đó còn toát lên hương vị thanh tân của tuổi trẻ với một sắc đẹp thiên nhiên dịu dàng trong gam xanh trong vắt của miền quê biển.

Để chuẩn bị cho cuộc triển lãm lần thứ tư, Đoàn Lê đã vẽ thêm một sêri tranh mới về tĩnh vật, chân dung và thiên nhiên. Chị thổ lộ, từ ngày chuyển về ở ẩn tại chân núi đến nay lại vẽ được nhiều. Những cảnh trí thiên nhiên của vùng biển Đồ Sơn đã thôi miên cảm xúc của một họa sĩ đã luống tuổi như chị.

Và khi tôi bất chợt dừng lại ở một bức tranh đã bạc mầu, lỗ chỗ vết màu loang được đặt ở góc tường thì nữ họa sĩ đến bên rồi nhỏ nhẻ nói, đó là bức họa mình tâm đắc và có nhiều kỷ niệm nhất, và không bao giờ bán nó đi.

Tác phẩm mang tên "Một góc đàn ông", với hình ảnh còn in dấu lờ mờ một con chó nằm gác hai chân lên đôi guốc mộc, phía sau là một cái ba toong không có điểm tựa như trượt rơi từ trên xuống, chông chênh…

Thấy lạ tôi tò mò hỏi, chị giải thích đó là ký ức của một chuyện tình buồn thuở xa xưa, một cuộc tình không tới, nhưng hạnh phúc của hai người không bao giờ nhạt phai. Tình yêu ấy ẩn giấu lặng lẽ và nhớ nhung da diết…

Vậy đó, nữ họa sĩ khẽ thở dài, rồi chắp hai bàn tay khô gầy đưa về phía trước như một sự tạ ơn với trời đất. Nhưng tôi lại chợt thấy những giọt lệ âm thầm ứa ra từ nơi khóe mắt nhăn nheo của chị.

"Một góc đàn ông" mà Đoàn Lê đã gìn giữ để nhớ, để tôn thờ và sáng tạo ở nơi chân núi xa xôi kia. ở đó có giàn nho đang trổ hoa với những cây cau quả vàng mà chị đang dành phần đời còn lại bên giá vẽ.

Chia tay Đoàn Lê, tôi nghĩ rằng sẽ có "Một gia phả để lại" là những bức tranh đằm thắm, dịu dàng về tình yêu, về những thân phận bọt bèo mà chị hằng quan tâm chia sẻ.

Chị như một tu sĩ ẩn giấu trong mình những khát khao sáng tạo nghệ thuật. Và tôi biết những giọt lệ Đoàn Lê luôn âm thầm chảy trên những bức tranh giải tỏa nỗi cô đơn cháy bỏng của chị với tình yêu cuộc sống

Vương Tâm
.
.