Nhà thơ Lê Thị Kim: Thơ - họa và "Đại gia nhà đất"

Thứ Bảy, 15/10/2016, 08:01
Đó là ấn tượng về chùm thơ đầu tiên đăng báo, đặc điểm của những bức tranh đã tham gia mấy kỳ triển lãm và thành công trong địa hạt kinh doanh của nữ nhà thơ Lê Thị Kim - tác giả bài thơ có tiếng một thời: "Tôi và cỏ". Riêng về đoản thi này, có lần nhà thơ kỹ tính Võ Văn Trực, từng là Trưởng ban thơ Báo Văn nghệ đã phải lên tiếng: "Tôi và cỏ" giống như hình ảnh một cô gái Sài Gòn mặc một chiếc áo dài đẹp...


Đến giờ, tôi vẫn nhớ như in một chuyện đã xảy ra cách nay đã 36 năm rồi - hồi tôi còn đang là sinh viên năm thứ hai Khoa Ngữ văn (Đại học Tổng hợp Hà Nội). Ấy là chuyện nhà thơ trẻ Lê Thị Kim có một chùm thơ 3 bài, gồm: "Tôi và cỏ", "Vòm me mùa hạ", "Thu" đăng trên Báo Văn nghệ vào năm 1980.

Với đám sinh viên chúng tôi ngày ấy, Báo Văn nghệ còn uy tín lắm và một người mới chân ướt chân ráo vào nghề, được đăng một lúc một chùm thơ, là điều khó hình dung ra nổi. Dễ giải thích vì hồi ấy, "đất" dành cho thơ trên các báo và tạp chí nhìn chung ít lắm, trong khi số người làm thơ, nhất là số người làm thơ có thâm niên, có kinh nghiệm lại đông. Quanh đi quẩn lại vẫn chỉ là Văn nghệ, Tác phẩm mới, Văn nghệ Quân đội. Thưa thoáng mỗi tuần, may ra những tờ báo không chuyên về văn học nghệ thuật mới để ý đến thơ và cho ra mắt bạn đọc đơn độc một bài thơ.

Trong chùm thơ từng dậy sóng trong đám sinh viên Khoa Văn và từng gây được ít nhiều tiếng vang trong giới văn chương, có bài thơ dễ thương và tinh tế: "Tôi và cỏ".

Bài thơ mở đầu như một câu chuyện kể rất cổ tích: Bấy giờ chưa có tôi/ đã có nhiều thảm cỏ/ không biết những ai đã đến ngồi/ trên tấm thảm trời êm mát đó và càng về sau, nó càng bộc lộ một cách nhìn rất con gái trong mối liên hệ rất nữ tính, rất đời sống với cỏ.

Đây là những câu thơ rất gợi, trong sự kết nối mong manh, thơ mộng giữa cỏ may, cỏ nứa và tình yêu: Sao tôi không là cỏ may/ để giữ người yêu lại/ đường về còn xa ngái/ e cỏ nứa đâm chân, để rồi cuối cùng, bất ngờ bật ra được sự gắn bó giữa thân phận người con gái và thân phận cỏ: Nếu có ai bắt gặp tôi tần ngần/ là thế nào cũng tìm ra cỏ. Bài thơ này đã được nhận "Tặng thưởng thơ hay" của Báo Văn nghệ năm 1980.

Cũng vào năm 1980, cho dù chưa ra Trường Sa, nhưng chỉ nghe nhà thơ Trần Đăng Khoa kể về Trường Sa mà Lê Thị Kim triển khai ngay được một tứ thơ về Trường Sa mang tên: "Gần lắm Trường Sa". Thế mới biết, đối với thi sĩ và người có tâm hồn thi sĩ, trí tưởng tượng quan trọng đến mức nào!

Có lắm khi, không có sự bay bổng, lãng mạn nào đó không có thơ. Rồi bài thơ được nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên phổ nhạc và gây được hiệu ứng tức thì. Sau này, nhiều người làm thơ nghiệp dư cứ mượn cái ý này mà "chế" ra những bài thơ khác. Bài thơ này là ca từ trong ca khúc cùng tên, đã được nhận giải B của Hội Âm nhạc TP Hồ Chí Minh năm 1980.

Những năm 80, 90 của thế kỷ trước, cho dù là kỹ sư hóa dầu nhưng văn chương và những hoạt động có liên quan đến văn chương như hút hồn Lê Thị Kim và trở thành mối quan tâm gần như là thường trực trong con người Lê Thị Kim.

Chị kể: "Tôi là người chịu ơn các bậc đàn anh như Bảo Định Giang, Nguyễn Quang Sáng, Chim Trắng, Diệp Minh Tuyền…nhiều lắm và là hội viên sáng lập của Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh - Hội Nhà văn địa phương đầu tiên của cả nước. Có năm, thơ tôi đồng loạt đăng trên 60 tờ báo, tạp chí trong phạm vi toàn quốc. Riêng trong năm 1990, thông qua sự bình chọn của Báo Tuổi trẻ và bạn đọc Báo Tuổi trẻ, tôi trở thành 1 trong số 13 phụ nữ tài năng và là 1 trong 2 nhà thơ yêu thích nhất của TP Hồ Chí Minh. Từ đó đến nay, tôi đã chính thức xuất bản 5 tập thơ, trong đó có 2 tập được tái bản. Ngoài ra, cũng đã cho xuất bản một tập thơ tái bản vài lần ở dạng bỏ túi, được nhiều độc giả ngoài nước biết đến".

Đến năm 1990, Lê Thị Kim xoay ra vẽ tranh. Khi xem tranh của Lê Thị Kim, nhà văn Huỳnh Bá Thành (lúc này đang là Tổng biên tập Báo Công an TP Hồ Chí Minh) phải thốt lên: "Tranh thế này mà sao không triển lãm, hả trời?".

Đến năm 1993, thông qua 13 người "giám định nghệ thuật", một triển lãm 38 tranh Lê Thị Kim đã được trưng bày. Hai năm sau, Lê Thị Kim lại cùng một số họa sĩ mở một triển lãm tranh chung nữa ở Công ty sơn mài Lam Sơn. Nhân dịp này, nhà điêu khắc Diệp Minh Châu bảo Lê Thị Kim: "Hễ bây giờ, em xin làm đơn vào hội (Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh) là anh ủng hộ liền".

Chị kể: "Tôi là người dũng cảm trong hai lần "ra quân" về tranh đấy. Tuy vậy cũng rất vui vì có lần, qua triển lãm, mà do bán tranh thu về được những 12 nghìn đô la. Vào thời điểm ấy, số tiền này rất đáng kể. Bởi vì lương của một kỹ sư như mình, trung bình mỗi tháng chỉ có 50 đô la thôi. Do vậy mà gia đình tôi đã sống được bằng tiền bán tranh trong 2 năm liền, khỏi phải lo nghĩ xa xôi. Nếu bạn xem tranh của tôi, bạn sẽ thấy hình những cô gái cổ dài, thậm chí rất dài, như cổ hươu cao cổ vậy. Ấy là "đặc trưng" tranh của Lê Thị Kim đó!".

Khi tôi hỏi: "Thấy nhiều người trong giới văn chương thành phố bảo nhà thơ Lê Thị Kim là "đại gia nhà đất", vậy chị nghĩ sao?", Lê Thị Kim cười cười: "Thì cứ tạm coi như vậy đi. Chả nhẽ trong thời buổi có nhiều biến động và đầy cọ xát này, nhà thơ lại cứ phải chui vào cái tháp ngà, xa lánh đời sống trần thế sao?".

Rồi chị nói tiếp: "Năm 1998, sau khi chồng mất, tôi phải làm việc cùng lúc ở hai nơi để mưu sinh. Có dạo, tôi mở một gallery để làm ăn, nhưng không được như ý muốn. Trong lúc đang hoang mang, quãng năm 2001, tôi đã may mắn được nắm tay vào một cái phao lớn. Cái phao lớn này chính là một người chú gần như ruột thịt, lúc ấy là giám đốc Công ty Đầu tư kinh doanh nhà. Ổng giúp đỡ tôi bằng cách giao cho làm phó giám đốc một trung tâm tư vấn tiếp thị. Từ đó, đời tôi như chuyển sang một thế giới khác và tư duy theo lối khác. Rồi tôi cũng gặp may nhờ gặp thời nữa.

Có dạo, tôi mua đất ở một nơi, mà sau một thời gian khi đã có đường, có cầu…giá đột ngột tăng hàng chục lần. Trên cái đà ấy, cộng với kinh nghiệm do năng động, bươn chải mà có, tôi đã vỡ ra nhiều thứ trong kinh doanh nhà đất. Từ 2004 đến nay, tôi là chủ Công ty tư vấn, đầu tư địa ốc nhà Viễn Đông. Mười mấy năm qua, tôi luôn bận bịu vì có nhiều kế hoạch để thực hiện và có nhiều việc để làm lắm".

Riêng về văn học và nghệ thuật, Lê Thị Kim bộc bạch: "Tôi cũng may có được người cha luôn hết lòng với con cái. Những năm 60, 70 của thế kỷ trước, tôi là nữ  sinh Gia Long, rồi sinh viên Trường Đại học Khoa học Sài Gòn.

Sinh thời, tuy là giáo viên dạy toán và Pháp văn nhưng cha tôi là người rất yêu thơ và hội họa. Ông từng có nhiều bài thơ viết trong sổ tay và là tác giả của nhiều bức tranh. Chính ông là người đã hướng tôi đến với văn chương ngay từ khi còn thơ ấu. Tôi nghĩ, thơ chính là vỏ ốc để trú ẩn giữa sóng gió của cuộc đời, là khoảng sân sau bí ẩn để cất giấu kỷ niệm và sống với những kỷ niệm giàu yêu thương, là chỗ để tìm lại chính mình, lắng nghe lòng mình để bước tiếp những bước đi của cuộc đời.

Tôi nghĩ, trong bất kỳ lĩnh vực nào, bên cạnh quan niệm "thất bại là mẹ của thành công" cần được bổ sung thêm: "Thành công là mẹ của thành công" nữa. Đó là trải nghiệm của cá nhân tôi. Bây giờ, người làm thơ luôn gặp khó. Những "vật cản" xuất hiện nhiều hơn. Đó là độc giả ít đọc thơ, người trong giới cũng ít đọc thơ và có người chỉ thích ai mới đọc thơ của người ấy".

Nhìn rộng ra, chị bảo: "Sống để mọi người yêu quý mình là khó. Dù ở hoàn cảnh nào cũng phải vươn lên, luôn hy vọng còn ánh sáng cuối đường hầm chờ đợi ta, vấn đề sau chót là liệu ta có cố gắng tìm đến với ánh sáng ấy không, xem ra còn khó hơn nhiều".

Khi chia tay nhà thơ Lê Thị Kim, tôi hỏi câu cuối cùng sau một cuộc gần như là trò chuyện: "Vậy nhìn lại, đời chị được nhiều hay mất nhiều?". Và gần như ngay lập tức, tôi nhận được câu trả lời: "Mất nhiều hơn được.

Tôi góa chồng từ rất sớm. Một thời gian dài, tôi phải làm việc hai nơi, cùng lúc phải nuôi một con ăn học, một con bị tàn tật. Đến nay, con trai thứ hai của tôi đã 23 tuổi mà vẫn đi lại không bình thường. Tôi đang tính phải lo rất nhiều tiền để đưa cháu ra nước ngoài chữa trị. Mà không biết có "đi đến nơi, về đến chốn" được không đây?

Nhiều lúc thấy cháu di chuyển bằng đôi chân hết sức khó khăn, tôi thấy buồn phiền và lo lắng lắm. Cũng vì gia cảnh như thế mà tôi phải bỏ dở luận án tiến sỹ về xúc tác hóa dầu và sự nghiệp hóa dầu của tôi bị đứt gánh giữa chừng đấy". 

Đặng Huy Giang
.
.