Người kể chuyện bằng hình ảnh

Thứ Hai, 25/01/2016, 08:00
Mặc dù bộ phim "Snowden" của đạo diễn Oliver Stone đã mất đi cơ hội tranh tài tại giải Oscar 2016 do phát hành muộn, song việc trình chiếu bộ phim này vẫn đang trở thành chủ đề được bàn tán nhiều nhất trong giới truyền thông Mỹ hiện nay.


Nhà báo dũng cảm

Bộ phim không chỉ kể lại cuộc đời của cựu nhân viên Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA), người đã làm rò rỉ hàng loạt bí mật của chính phủ Mỹ- Anh mà còn tạo dựng nên những hình ảnh rõ nét về các nhà báo đầu tiên tiếp xúc với nhân vật này. Trong số 3 nhà báo được nêu tên, nhà quay phim tài liệu Laura Poitras được quan tâm nhiều nhất bởi lẽ bà đã không dưới một lần được chính "người thổi còi" ca ngợi, mà còn giúp công chúng thế giới hiểu hơn về những khó khăn của người làm báo khi đưa tin về các bí mật quân sự, tình báo của Mỹ thông qua bộ phim đoạt giải Oscar 2015 mang tên "Citizenfour".

Theo thông tin được tờ The New York Times đăng tải, bộ phim "Snowden" được bấm máy từ hồi tháng 3 năm 2015, hoàn thành vào tháng 9 cùng năm với mục tiêu là để tranh cử giải Oscar 2016. Tuy nhiên, do một số yếu tố chủ quan mà đạo diễn kỳ cựu Oliver Stone đã buộc phải dời thời điểm công chiếu bộ phim. Bộ phim đã được thực hiện dựa theo cuốn tiểu thuyết mang tên "The Snowden file: The inside story of the world's most wanted man" (tạm dịch là Hồ sơ Snowden: Chuyện về người đàn ông bị truy nã nhất thế giới) do nhà báo Luke Harding của tờ The Guardian chấp bút. Đạo diễn Oliver Stone cho biết, ngoài nhân vật chính Edward Snowden, ông đã mất rất nhiều thời gian để xây dựng 3 nhà báo Glenn Greenwald, Ewen MacAskill và đặc biệt Laura Poitras sao cho giống như ngoài đời thực.

Nhà quay phim tài liệu Laura Poitras, người được Edward Snowden gọi là nhà báo dũng cảm và có kỹ năng cần thiết để xử lý trước những nguy hiểm (ảnh: AP).

Đạo diễn tâm sự rằng, chỉ khi làm phim, ông mới thực sự hiểu rõ hơn câu nói của Edward Snowden trong một lần trả lời phỏng vấn tờ The New York Times cách đây 2 năm rằng, anh đã chọn Laura Poitras và Glenn Greenwald vì "họ là những người dũng cảm".

Oliver Stone nói: "Tôi thích nhất đoạn Edward Snowden nói chuyện với nhà báo Peter Maass của tờ The Times rằng: "Sau vụ 11-9, rất nhiều kênh truyền thông quan trọng ở Mỹ đã không còn thực hiện vai trò giám sát quyền lực, trong đó trách nhiệm của báo chí là chất vấn những biểu hiện thái quá của chính phủ. Lý do là vì họ sợ bị coi là không yêu nước và bị trừng phạt trên thị trường báo chí vốn đậm đặc chủ nghĩa dân tộc. Laura Poitras và Glenn Greenwald nằm trong số ít các nhà báo không sợ hãi về các chủ đề gây tranh cãi, ngay cả khi phải đối mặt với các chỉ trích cá nhân và kết quả là Laura trở thành mục tiêu đặc biệt của chương trình theo dõi mới tiết lộ gần đây".

Chưa hết, Edward Snowden còn nhận định rằng, nhà quay phim tài liệu Laura Poitras đã "chứng minh được sự can đảm, kinh nghiệm và kỹ năng cần thiết để xử lý trước những nguy hiểm mà bất cứ nhà báo nào cũng có thể gặp phải khi đưa tin về những bí mật của một chính phủ quyền lực bậc nhất thế giới. Và cô ấy có sự lựa chọn rất rõ ràng".

Vậy Laura Poitras là ai mà luôn nhận được sự "ưu ái" của "người thổi còi" và cả những lời nhận xét tốt đẹp từ một đạo diễn khó tính như Oliver Stone? Đó là một nhà quay phim độc lập người Mỹ nhưng lại đang phải sống tại Đức. Trước khi dấn thân vào nghề báo, Laura Poitras từng theo đuổi nghề đầu bếp và có nhiều năm làm bếp trưởng trong nhà hàng Pháp L'Espalier ở Boston. Sau khi tốt nghiệp Trường Sudbury Valley, Laura Poitras chuyển tới sống ở San Francisco và tiếp tục theo học Học viện nghệ thuật San Francisco, dành nhiều thời gian đi làm cùng các nhà làm phim nổi tiếng Ernie Gehr và Janis Crystal Lipzin.

Năm 2003, Laura Poitras bắt đầu thực hiện bộ phim tài liệu đầu tay mang tên "Flag Wars" và nhanh chóng giành được giải thưởng trong Liên hoan phim South by Southwest và Liên hoan phim dành cho những người đồng tính ở Seattle. Tiếp đó, Laura Poitras lại gặt hái thêm nhiều thành công ở giải Independent Spirit và Emmy với series phim tài liệu POV.

Năm 2006, Laura Poitras đã lặn lội tới tận Iraq để thực hiện bộ phim "My country, my country" kể về cuộc sống của người dân Iraq dưới sự kiểm soát của quân đội Mỹ. 4 năm sau đó, bộ phim "The Oath" của bà nói về 2 người đàn ông ở Yemen bị quân đội Mỹ bắt giữ trong cuộc chiến chống khủng bố lại giành giải phim tài liệu xuất sắc nhất trong Liên hoan phim Sundance.

Chưa hết, sau khi xây dựng bộ phim "Citzenfour" năm 2014 kể về những năm tháng mà Edward Snowden chạy trốn sự truy đuổi của Mỹ vì tiết lộ về chương trình do thám quy mô lớn, Laura Poitras đã được vinh danh tại giải Oscar 2015.

Thế nhưng, vinh quang đến với nhà làm phim này luôn đi kèm sự cay đắng và tủi nhục. Trước khi cùng làm việc với Glenn Greenwald, Laura Poitras từng bị cơ quan tình báo Mỹ theo dõi hồi năm 2006 sau khi tới Iraq quay bộ phim "My country, my country". Hai năm sau, bà còn bị bắt giữ bởi lực lượng biên phòng Mỹ khi thực hiện phóng sự điều tra về nạn tham nhũng ở vùng biên. Sau 4 tiếng đồng hồ bị tra khảo, cô đã được thả với lời đe dọa không nên trở lại Mỹ. Vì thế, Laura Poitras đã quyết định tới sống và làm việc tại Đức.

Hồi tháng 7 năm ngoái, Laura Poitras đã nộp đơn kiện Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ và Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ với cáo buộc các cơ quan này luôn gây khó khăn cho bà khi vào nước Mỹ trong 6 năm qua. Laura Poitras cho biết, mỗi khi tới sân bay ở Mỹ, bà đều bị hải quan chặn lại xét hỏi và thậm chí là giam giữ trong thời gian ngắn. Laura Poitras cho hay, lý do được đưa ra để biện minh cho việc này là bà thuộc "đối tượng cần phải theo dõi" và có tên trong danh sách đen của cơ quan an ninh. 

Luôn đồng hành cùng nhân vật

Ở tuổi 52, Laura Poitras đang đóng vai trò nhà sản xuất, quay phim và biên tập cho kênh truyền hình Channel 4. Đồng thời, bà cũng tham gia tích cực vào hoạt động của tờ The Intercept, trang web chuyên tiết lộ những mặt trái trong xã hội, trong hoạt động của các cơ quan tình báo và quân đội Mỹ. Nói về nữ nhà báo này, "người thổi còi" Edward Snowden từng thốt lên rằng: "Chỉ có Laura Poitras là kiên trì hơn cả. Bà ấy là người thứ hai tôi liên lạc nhưng lại là người có công lớn nhất trong vụ việc này".

Chính Laura Poitras trong một lần trả lời phỏng vấn tờ The New Yorker cũng cho biết, hồi tháng 1 năm 2013, bà đã nhận được một bức thư nặc danh của Edward Snowden, trong đó yêu cầu làm một chương trình điều tra khá nhạy cảm. Trong nghề làm phim tài liệu và phóng sự điều tra, Laura Poitras từng nhận được nhiều bức thư lạ, bà luôn trân trọng chúng và sẵn sàng trả lời một cách thẳng thắn. Lần này cũng vậy. Laura Poitras đã nói rõ quan điểm của mình và khẳng định sẵn sàng bảo vệ lẽ phải.

Laura Poitras và Gleen Greenwald (giữa) trong lễ trao giải Oscar 2015.

2 tiếng sau khi email được gửi, bà nhận được hồi đáp, trong đó nói về một chương trình an ninh cần phải được công bố rộng rãi nhưng nguồn tin thì lại giữ bí mật. Laura Poitras trả lời rằng, bà từng nghe đồn về một chương trình như vậy nhưng không ngờ nó có quy mô lớn, bao trùm toàn cầu. Trong suốt khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 3, Laura Poitras vẫn giữ liên lạc với Edward Snowden. Họ đã trao đổi rất nhiều điều về cuộc sống, về những bộ phim tài liệu mà Laura Poitras đã làm, cả về 3 kịch bản xung quanh vụ tấn công khủng bố 11-9-2001 của bà.

Tháng 5-2013, khi những thông tin đầu tiên về chương trình nghe lén được công bố và Edward Snowden chạy trốn tới Hong Kong (Trung Quốc), Laura Poitras đã cùng với Glenn Greenwald tới đây để thực hiện những thước phim đầu tiên về "người thổi còi". Kể từ đó, bà là người duy nhất được Edward Snowden tin tưởng để truyền tải những hình ảnh của anh ra trước công chúng.

Nhà sản xuất Katy Scoggin khi được hỏi về khoảng thời gian làm chung với Laura Poitras trong bộ phim "Citizenfour" đã phải thừa nhận: "Ở Laura toát lên nhu cầu khẩn thiết được làm người kể chuyện… Bà không phải là loại người gào to lên việc mình làm nhưng những gì bà thực hiện luôn chứa đầy nội lực và quyết tâm". Nhà sản xuất Katy Scoggin còn cho biết, vào giai đoạn cuối cùng của quá trình biên tập phim, sau nhiều dắn đo, Laura Poitras đã quyết định đưa tiếng nói của mình vào phim bằng việc tự đọc lại những lá thư điện tử mà bà đã trao đổi với Edward Snowden trong 6 tháng đầu năm 2013.

Katy Scoggin nói: "Từ người làm phim, bà đã chọn cách làm người đồng kể chuyện cùng nhân vật của mình. Với lựa chọn này, Laura Poitras trở thành một trong những "người thổi còi" của thời đại công nghệ thông tin, thể hiện sự phản kháng của người dân có lương tri đối với quyền lực công đi ngược lại quyền lợi của con người".

Các cộng sự khác của Laura Poitras cũng cùng chung quan điểm này và khẳng định, bà luôn song hành cùng nhân vật trong câu chuyện kể của mình, bất kể họ là ai, thuộc quốc gia nào và theo tôn giáo nào. Đây cũng chính là điểm khác biệt giúp các bộ phim tài liệu của Laura Poitras chiếm được cảm tình của độc giả và giành nhiều giải thưởng danh giá. Bản thân Laura Poitras trong lần trả lời phỏng vấn sau khi nhận giải Oscar 2015 cũng nói: "Tôi sẽ không thể tha thứ cho bản thân nếu không bước chân lên máy bay để tìm gặp nhân vật của mình".

Nguyễn Vũ Anh Thư
.
.