Muôn chiêu chống sách lậu

Thứ Bảy, 21/04/2018, 08:22
Xâm phạm bản quyền trong ngành xuất bản vốn là nỗi ám ảnh của những người làm nghề. Khi chế tài của cơ quan hành pháp còn chưa đủ sức răn đe kẻ xâm phạm, các đơn vị làm sách và tác giả không thể bình chân như vại, nhất là khi công nghệ khiến tình trạng này thêm trầm trọng. Họ nôn nóng tìm đủ mọi cách tự "cứu mình".


Từ Facebook đến sách "biết" tương tác

Vừa qua, phát hiện một số tác phẩm của nhà văn Từ Kế Tường bị in lậu và rao bán công khai trên mạng, một người bạn nhanh chóng thông tin cho nhà văn qua Facebook. Cụ thể, một số đầu sách của ông như "Sống chung với ruồi" (trong bộ Tiếu lâm hiện đại), "Một mình tôi bước đi", "Một chút hương thời gian", "Mùa áo vàng", "Ngày vắng mưa thưa", "Như mưa ngọt ngào"...  đã được Công ty sách Thành Nghĩa liên kết cùng Nhà xuất bản TN ấn hành từ năm 2011.

Bất ngờ vì sách đã in cách đây 7 năm mà tác giả không hề hay biết, nhà văn Từ Kế Tường đã đến làm việc với Nhà xuất bản TN (chi nhánh phía Nam) và Công ty sách Thành Nghĩa, nhưng cả hai đơn vị đều trả lời là không biết có những tác phẩm đó ngoài thị trường. Khi yêu cầu giải quyết, ông bị yêu cầu phải tự tìm và trình ra các tác phẩm "in mà tác giả không biết".

Quá bức xúc, trên trang Facebook cá nhân, nhà văn Từ Kế Tường đã đăng loạt bài khiếu nại Nhà xuất bản TN và Công ty sách Thành  Nghĩa, yêu cầu nhanh chóng giải quyết vụ việc trên: "Tôi, Từ Kế Tường, đề nghị cơ quan điều tra vào cuộc để làm rõ và Nhà xuất bản nào in 5 tác phẩm trên (đang rao bán trên mạng) chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật.

Ký tặng sách là một hoạt động thiết thực để các nhà văn nâng cao ý thức sử dụng sách thật cho độc giả.

Cũng cần lưu ý, tôi đang tiến hành xúc tiến hợp đồng giao toàn bộ tác phẩm của tôi (trong đó có 5 tác phẩm trên) cho một Nhà xuất bản độc quyền in ấn. Nếu có Nhà xuất bản nào in lậu sẽ phải chịu trách nhiệm về mặt pháp luật và thiệt hại kinh doanh, phải đền bù thỏa đáng cho nhà xuất bản mà tôi giao độc quyền tác phẩm".

Nhờ Facebook, vụ việc được hàng nghìn đồng nghiệp, bạn bè của nhà văn Từ Kế Tường lên tiếng phản ứng, đòi quyền lợi cho nhà văn. Dưới áp lực dư luận, ngày 2-4, Công ty sách Thành Nghĩa và Nhà xuất bản TN phải chịu "xuống nước" mời nhà văn đến nhận nhuận bút bốn tác phẩm đã in vào tháng 11-2011 gồm: Tiếu lâm hiện đại "Sống chung với ruồi", "Ầm ĩ chuyện hoa hậu", "Hội chứng lộ hàng", sách dành cho tuổi mới lớn "Ngày vắng mưa thưa".

Công ty sách Thành Nghĩa cũng bảo đảm không còn tựa sách nào khác của Từ Kế Tường phát hành ngoài thị trường. Từ Kế Tường cũng yêu cầu Thành Nghĩa không in tiếp sách của ông theo danh mục sách tác giả đã gửi từ năm 2011. Ngay khi giải quyết xong vụ việc, Từ Kế Tường đã gỡ các bài viết trước đây có liên quan đến vụ việc trên trang Facebook cá nhân.

Rõ ràng sức mạnh cộng đồng của Facebook trong những vụ xâm phạm bản quyền, đòi lại quyền lợi chính đáng cho tác giả đang phát huy hiệu quả mạnh mẽ. Nó khiến các đối tượng xâm phạm bản quyền phải dè chừng vì phải đứng trước nguy cơ bị công chúng tẩy chay. Nó cũng là diễn đàn mà người bị xâm phạm chủ động lên tiếng tố cáo, tìm công bằng cho mình mà không quá tốn nhiều thời gian, công sức, tiền bạc. Trước đây, nhắc đến chuyện vác đơn đi kiện, tác giả và các đơn vị làm sách nào cũng ngao ngán. Quá trình "đáo tụng đình"  vô cùng gian nan.

"Được vạ má đã sưng" cũng còn chút an ủi. Lắm người thậm chí còn "xôi hỏng bỏng không". Tấm gương sáng giá nhất chính là vụ Công ty First News - Trí Việt thua kiện một cơ sở in lậu "khủng" tại Hà Nội cách đây vài năm.

Một cách đối phó với sách lậu khá hữu hiệu được nhiều đơn vị làm sách rục rịch áp dụng hiện nay là tem thông minh, sách tương tác thông minh. Đây được ví như một mũi tên trúng nhiều đích. Bởi nó không chỉ giúp bạn đọc nhận biết đâu là sách thật, sách giả (vì sách giả không ứng dụng công nghệ chăm sóc khách hàng kiểu này) mà còn giúp bạn đọc nhận những ưu đãi, chương trình khuyến mãi của nhà sản xuất, tương tác với tác giả nhờ mã số tem, mã QR code...

Nhà xuất bản Trẻ dùng tem thông minh định dạng như một thẻ cào điện thoại. Mỗi tem có một mã số riêng và duy nhất. Độc giả cào và lấy mã số để soạn tin nhắn về tổng đài của Nhà xuất bản Trẻ hoặc đăng nhập vào trang web nhà xuất bản để được hưởng các chính sách hậu mãi, dịch vụ chăm sóc khách hàng, gửi phản hồi....

Riêng Công ty sách Anbooks lại ứng dụng giải pháp công nghệ Social Books (hay còn gọi là sách tương tác thông minh). Sách tương tác thông minh dùng tem QR code in trên bìa cuối cuốn sách để độc giả quét trên các thiết bị công nghệ như điện thoại thông minh.

Từ đây, độc giả có thể tham khảo những thông tin giới thiệu về sách, thông tin tác giả trước khi quyết định bỏ tiền mua và có thể phản hồi, đóng góp ý kiến, tương tác trực tiếp với nhà sản xuất, tác giả; nhận được nhiều ưu đãi hơn về những nội dung ngoài sách...

Nâng cao chính sách chăm sóc khách hàng bằng ứng dụng công nghệ là phương pháp  hiệu quả chống nạn sách lậu, sách giả (Trong ảnh: Sách tương tác thông minh tiếp cận độc giả nhờ mã tem QR code).

Tháng 12-2017, Anbooks chính thức áp dụng giải pháp công nghệ Social Books trên các tác phẩm: "Nhìn. Hỏi rồi, Nhảy đi" (tái bản lần 1)," Quảy gánh băng đồng ra thế giới" (tái bản lần 6), "Con nít con nôi" và "Dạy con trong "hoang mang" 2".

Ký sách kiêm "nâng cao ý thức độc giả"

Dù đã áp dụng tem thông minh nhưng ông Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ thừa nhận mình không quá kỳ vọng hiệu quả của tem thông minh trong cuộc chiến với sách lậu, sách giả. Bởi theo ông, "công nghệ làm sách giả" hiện nay vô cùng tinh vi mà những người làm sách thật nhiều khi không theo kịp chứ đừng nói là đối phó.

Trước đây, người ta mặc định sách lậu, sách giả sẽ có hình thức kém chất lượng hơn sách thật,  giá thì rẻ bèo. Bây giờ, không hiếm sách lậu lung linh, mạ vàng, in chữ nổi hẳn hoi. Ở khoảng giá cả, nhiều cuốn còn mắc hơn sách thật gấp 2, 3 lần. Độc giả bị tung hỏa mù nên không biết đường nào mà lần. Ngoài ra, hệ thống phát hành của các nhà xuất bản vẫn tập trung ở các đô thị lớn chứ chưa có mặt ở các huyện lị. Do đó, người đọc ở nông thôn, vùng sâu vùng xa thường mua phải sách giả.

"Ngoài việc mở rộng hệ thống phát hành, tôi nghĩ giờ chỉ còn cách là mình tuyên truyền, nâng cao ý thức dùng sách thật cho độc giả để họ chung tay chống vấn nạn sách giả, sách lậu. Mấy năm nay, Nhà xuất bản Trẻ lồng ghép nội dung này trong tất cả các buổi tác giả ký tặng sách" - ông Nguyễn Minh Nhựt cho hay.

Người có số lượng độc giả đông đảo và kiên nhẫn xếp hàng từ sáng tới chiều là nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Đây cũng là lứa độc giả trẻ tuổi nên việc nâng cao ý thức "nói không với sách giả" càng trở nên cần kíp. Ký tặng sách khắp từ Nam ra Bắc, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh tá hỏa khi thấy tình trạng sách lậu, sách giả nhiều vô kể. Thậm chí ở không ít trường đại học mà ông đến giao lưu, số lượng sách giả chiếm tới 50%.

Năm năm trở lại đây, hễ bạn đọc nào chỉ đem một cuốn sách đến xin chữ ký mà không may đó là sách giả thì nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đều nói rõ: "Đây là sách giả chú không ký được". Người của Nhà xuất bản Trẻ sẽ nhanh chóng đổi cuốn sách thật, thu sách giả để người đọc được tặng chữ ký, không bõ công xếp hàng chờ đợi. 

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đồng cảm: "Nhiều khi bạn đọc người ta mua nhầm sách giả vì không phân biệt được chứ không phải cố ý. Nhất là độc giả ruột của mình thì các em càng không làm vậy. Nên tôi nghĩ cần làm sao để công chúng nhận biết được đâu là sách thật, sách giả".

Để làm điều này, ông Nguyễn Minh Nhựt cho biết, ở buổi ký sách sẽ luôn có bảng ghi rõ "Ở đây không tặng chữ ký cho sách giả" và nhắc nhở các bạn trót vớ phải sách giả nên đi đổi trước khi xếp hàng. Còn làm thế nào để phân biệt thật giả thì có thêm một bảng hướng dẫn cụ thể khác.

"Với những bạn đọc chưa kịp đổi sách thật, nhà xuất bản tặng cho họ tấm postcard có chữ ký nhà văn. Vì chúng tôi biết, cái các bạn cần là chữ ký nhà văn coi như một món quà kỷ niệm. Thiệt hại tài chính vì phải đổi sách thật cho các bạn với chúng tôi không đáng là bao. Cái chính là  cách làm này rất văn minh, lịch sự, vừa trân trọng bạn đọc, vừa không tiếp tay cho sách lậu, sách giả. Tôi tin chắc làm riết thì người ta sẽ hình thành thói quen mua sách thật" - ông khẳng định.

Mai Quỳnh Nga
.
.