Sách lậu trên mạng, làm sao chống bằng tem?

Thứ Sáu, 01/09/2017, 08:02
Từ lâu cuộc chiến chống sách lậu được giới xuất bản ví như Đôn Kihôtê đánh nhau với cối xay gió. Dù Việt Nam có đủ hành lang pháp lý, tham gia các công ước quốc tế và áp dụng nhiều biện pháp, nhưng mọi thứ đến giờ xem ra vẫn không khả quan hơn là mấy, nhất là vấn nạn xâm phạm trên mạng.


Cục Xuất bản - In và Phát hành thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông vừa quyết định tạm dừng ý tưởng xây dựng dự thảo Thông tư "Dán tem phòng chống in lậu, in giả, sao chép trái phép xuất bản phẩm". Trước đó, Cục đã triển khai lấy ý kiến về Thông tư này. Nếu Thông tư được ban hành, các xuất bản phẩm sẽ được dán một mẫu tem chung mang các thông tin như: mã số sách tiêu chuẩn quốc tế (ISBN); số xác nhận đăng ký xuất bản của Cục Xuất bản, in và phát hành; số quyết định xuất bản của giám đốc nhà xuất bản; số thứ tự theo số lượng bản xuất bản phẩm được in. Con tem được liên kết với trung tâm dữ liệu của Cục để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra cho các cơ quan chức năng. Đồng thời nó còn giúp người đọc tra cứu nguồn gốc sách bằng điện thoại thông minh.

Thừa nhận mẫu tem chung chỉ là giải pháp tình thế chứ không phải là giải pháp lâu dài nhưng ông Chu Văn Hòa, Cục trưởng Cục Xuất bản - In và Phát hành vẫn đánh giá đây là giải pháp cấp bách, đáng được kỳ vọng trước vấn nạn sách lậu diễn biến ngày càng tinh vi, phức tạp. Luật Sở hữu trí tuệ và Công ước Berne đã có hiệu lực hơn một thập niên tại Việt Nam nhưng chúng ta vẫn khiến nhiều nhà sách nước ngoài khóc thét, nhiều lần cắt hợp đồng với đơn vị sách Việt Nam vì sách lậu không khác gì đại dịch.

Ý thức tôn trọng bản quyền của độc giả chưa cao và chế tài chưa đủ sức răn đe khiến sách lậu vẫn sống khỏe. (Ảnh mang tính chất minh họa).

Nhờ sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, chất lượng in lậu ngày càng cao cùng chi phí rẻ, thời gian in ngắn. Thậm chí có cuốn nhà xuất bản chưa kịp in thì sách lậu đã có trên kệ. Theo đánh giá của Cục, sách lậu không chỉ khiến các nhà xuất bản tổn thất nặng nề mà còn ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự, chính trị, văn hóa xã hội.

Trước nay, người ta vẫn quan niệm sách in lậu giá rẻ, chất lượng kém nhưng giờ đây, không hiếm sách lậu còn đẹp hơn sách thật, giá bán cao hơn sách thật nhiều lần. Công ty sách First News từng hoang mang không phân biệt nổi đâu là sách của mình, đâu là sách lậu vì chất lượng ngang ngửa. Các kỹ thuật tiên tiến như mạ vàng, đóng dập nổi... đều bị "đạo chích" nhái lại ngon ơ.

Tuy nhiên, dự thảo Thông tư buộc phải dừng lại vì ngoài một số nhà xuất bản đồng thuận, không ít các nhà chuyên môn khác cho rằng Thông tư không chỉ không khả quan mà còn gây thêm rắc rối, phiền hà. Bởi chuyện dán tem trên sách không phải là chuyện mới. Trước đó, NXB Giáo dục, NXB Trẻ, NXB Phụ nữ... đều dán tem để tự bảo vệ mình. Nhưng hình thành mẫu "tem quốc gia bắt buộc" để các đơn vị làm sách đều phải thực hiện lại là chuyện khác.

Trong khi điều kiện tài chính, nhân lực, trụ sở... của nhiều NXB còn gặp vô vàn khó khăn thì việc dán tem sẽ trở thành một gánh nặng với họ. Ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam nhẩm tính, nếu thông tư thành hiện thực thì một năm số tiền ngành xuất bản ngốn vào con tem lên đến 80 tỷ. Con số này hơn quá nửa mức doanh thu toàn ngành. Đó là một sự lãng phí rất lớn. Hơn nữa, xưa nay các NXB chỉ dán tem trên những cuốn sách nào bán chạy, dễ bị làm lậu nhất chứ không phải dán trên tất tần tật sách.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Thái Hà Books cho rằng, ngoài tác dụng giúp cơ quan quản lý dễ dàng kiểm soát tình hình xuất bản thì con tem không được trông đợi ở khả năng chống sách lậu. "Công nghệ luôn rất tuyệt vời, giúp chúng ta đi xa, đi nhanh, tiết kiệm rất nhiều. Nhưng công nghệ vẫn do con người làm ra nên nếu tội phạm nghiên cứu và dùng công nghệ chống lại công nghệ thì ta vẫn "chết" như thường" - ông nói.

Đại diện Cục Xuất bản - In và Phát hành từng khẳng định rằng tem khó bị làm giả vì đã mã hóa. Nhưng thực ra, tiền lệ đã có. Alphabooks phải nhờ Hội Xuất bản can thiệp những cơ sở làm giả sách và cả con tem in trên đó. Mã vạch hai chiều của NXB Trẻ cũng bị làm giả. Năm 2015, ra thêm tem thông minh nhưng ông Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc NXB Trẻ thú thật, con tem chỉ để tương tác, tăng thêm tiện ích dịch vụ cho khách hàng chứ không hy vọng gì ở việc phòng chống nạn xâm phạm bản quyền. Bởi ý thức của độc giả vẫn chưa cao, họ mua nhưng không mấy chủ ý đến mẫu tem mà chỉ coi chất lượng, nội dung sách. Nếu có chú ý thì nhìn bề ngoài tem giả và thật rất giống nhau.

Việc truy xuất nguồn gốc hiếm người thực hiện. Còn nếu muốn nhập mã số của tem thông minh để nhận ưu đãi thì họ phải mua cuốn sách đó rồi mới được cào tem. Nếu không nhận được ưu đãi, biết mình vơ phải sách giả thì sự cũng đã rồi, khó mà trả lại.

Đặc biệt, bây giờ, nạn sách điện tử (ebook) lậu, sách nói (audio book) lậu trên mạng mới thực sự đáng báo động và ảnh hưởng trầm trọng đến người làm sách vì chưa hề có biện pháp hiệu quả để ngăn chặn. Đương nhiên, con tem mà Cục đề xuất hoàn toàn vô dụng trước kiểu vi phạm này. Đầu tháng 8, Hội Xuất bản tá hỏa khi hàng loạt bằng chứng về nạn xâm phạm bản quyền sách trên mạng được các NXB, đơn vị làm sách ồ ạt gửi về nhờ giải quyết. Câu lạc bộ Sách Sài Gòn phản ánh tình trạng Công ty Yeah1 Network tuyển cộng tác viên để chuyển thể hàng loạt tác phẩm của các đơn vị làm sách trong Câu lạc bộ sang dạng sách nói mà không xin phép bản quyền.

Đáng nói là dù Yeah1 Network đã xin lỗi nhưng họ đinh ninh rằng mình làm sách nói chỉ để lưu hành nội bộ thì không hề vi phạm bản quyền. Trắng trợn hơn, tài khoản Facebook mang tên Nguyễn Ngọc Hưng  "hồn nhiên" chia sẻ cuốn Marketing 4.0 của Philip Kotler đã được dịch sang tiếng Việt để mọi người cùng đọc trên mạng trong khi NXB Trẻ giữ bản quyền cuốn sách này và đang chuyển ngữ để xuất bản.

Nạn xâm phạm bản quyền xuất bản phẩm trên internet tràn lan nhưng vẫn chưa có biện pháp hiệu quả để ngăn chặn.

Nạn xâm phạm ấn phẩm trên internet gia tăng và nguy hiểm hơn sách giấy bởi độ lan tỏa nhanh nhạy, nhân bản khủng khiếp của nó. Chỉ cần một file mềm được đưa lên là lập tức hàng nghìn trang chia sẻ về cho hàng triệu người đọc miễn phí. Ông Đồng Phước Vinh, Giám đốc Công ty Sách điện tử Trẻ - Ybook bức xúc: "Làm ebook có bản quyền phức tạp không kém sách in nhưng sách điện tử lậu lại vô cùng dễ làm, chỉ cần biết chút công nghệ. Vì đỡ tốn công gấp mấy lần sách in lậu nên tình trạng ebook, audio book lậu phát triển rầm rộ".

Để đối phó, tạm thời Hội Xuất bản Việt Nam trở thành đầu tàu kết hợp cùng các đơn vị xuất bản, phát hành sách tập hợp chứng cứ, chia sẻ rộng rãi các trường hợp vi phạm trên Facebook, YouTube, website… và gửi đến các cơ quan chức năng để xử lý theo pháp luật. Hàng chục trang vi phạm được liệt kê như: downloadsach, dtv-ebook, santruyen, sachvui, sachtruyen, tailieu, taisachhay, asach, tusachcuaban, 123doc, nguoivietdautu, toithichdocsach...

Điều mà những người làm sách mong mỏi nhất đó là sự vào cuộc ráo riết, mang tính răn đe đối với kẻ làm hàng gian, hàng giả chứ không phải là tròng thêm gánh nặng, rắc rối vào cổ những người làm hàng thật. Theo dõi kỹ sẽ thấy, nhiều năm nay, hầu như các đơn vị xuất bản đều tự mình vật lộn với vấn nạn này. First News Trí Việt là công ty đi đầu trong phòng chống sách lậu khi không ngừng lập đội đi "săn" và sẵn sàng "đáo tụng đình". Nhưng mức xử phạt nhẹ hều, thậm chí First News thua trắng khi kiện một cơ sở in lậu quy mô lớn tại Hà Nội dù vất vả nhiều năm tự điều tra, thu thập chứng cứ.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Thái Hà Books than thở: "Cuộc chiến chống sách lậu rất gian nan mà xử phạt không thỏa đáng khiến người làm sách lắm lúc phát nản. Chúng tôi đề nghị việc xử phạt không chỉ dừng lại ở phạt hành chính mà có thể truy tố. Thậm chí, Thái Hà cũng tính đến phương án mạnh nhất: đóng dấu công ty trên từng cuốn sách. Nếu kẻ gian làm giả dấu mà đóng lên thì vi phạm luật hình sự rồi".

Ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam cũng hy vọng khi Bộ luật hình sự chính thức có hiệu lực từ tháng 1-2018, điều 344 chính thức được áp dụng với những nội dung hình sự hoá tội danh in lậu sách với mức phạt tiền nặng, có thể bị cải tạo không giam giữ hoặc bắt ngồi tù thì vấn nạn này mới mong bớt nhức nhối.

Phan Thi Uyên
.
.