Một bình minh An Khê

Thứ Hai, 01/07/2019, 08:00
Nằm giữa trục đường 19, thị xã An Khê (Gia Lai) là một thung lũng có độ cao 400m so với mặt biển. Muốn vào thị xã An Khê, từ Quy Nhơn đi lên, mọi người đều phải vượt qua đèo An Khê, quanh co men dãy núi cao ngàn mét. Đây là con đèo hiểm trở kéo dài chừng 10 cây số bên vực sâu và rừng cây rậm rạp. Từ xưa dân gian đã có câu: “Không đi thì mắc cái eo. Ra đi thì sợ cái đèo An Khê”.


Tây Sơn thượng đạo

Sự hiểm trở của con đèo đã làm vùng đất An Khê xưa trở nên mênh mông hoang vu. Người dân Ba Na cổ ở rải rác đó đây trên bờ sông Ba chảy qua thung lũng. Một thời vùng đất này được gọi là Tây Sơn thượng đạo (vùng đất cao của huyện Tây Sơn, thuộc tỉnh Bình Định cũ). Vào đầu thế kỷ XVIII, gia đình bên nội tộc của Nguyễn Huệ đã bị Chúa Nguyễn bắt lên đây khai hoang mở đất. Dần dần họ trở nên một thế lực ở vùng đất Tây Sơn thượng đạo.

Do vậy, ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ đã lấy vùng đất này làm căn cứ khởi nghĩa (năm 1771) chống các thế lực Chúa Trịnh,  Chúa Nguyễn. Những người anh hùng áo vải từ đây đã làm nên nghiệp lớn. Trải qua tám năm trường kỳ chiến đấu, quân Tây Sơn tiêu diệt được Chúa Nguyễn ở Đàng Trong (1778).

Nguyễn Nhạc lên ngôi Hoàng đế, lập nên triều đại nhà Tây Sơn, đóng đô ở Bình Định. Năm 1786, Nguyễn Huệ tấn công thành Thuận Hóa và đánh ra thành Thăng Long, tiêu diệt Chúa Trịnh ở Đàng Ngoài. Năm 1788, Nguyễn Huệ lên ngôi khi anh trai mất. Hoàng đế Quang Trung đã lập chiến công lừng lẫy khi đánh tan 28 vạn quân Thanh sang xâm lược nước ta vào năm 1789.

Đội cồng chiêng làng Pốt (xã Song An) biểu diễn bài Mừng lúa mới.

Đến nay, những di tích về một thời kỳ vẻ vang của nhà Tây Sơn vẫn còn được ghi dấu ở An Khê. Đó là núi Ông Bình (Nguyễn Văn Bình - tức Nguyễn Huệ), núi Ông Nhạc, núi Hoàng Đế hay Gò Chợ… Đặc biệt là An Khê Trường, nơi tập hợp lực lượng và tập luyện võ nghệ của các nghĩa binh áo vải từ những ngày đầu. Cụm di sản như các ngôi đình và miếu vẫn được tôn tạo giữ gìn bảo tồn nguyên vẹn.

Ngày nay An Khê Trường còn là nơi dân chúng đến dự lễ kỷ niệm “Khởi nghĩa nông dân Tây Sơn” (năm 1771) và “Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa” (năm 1789), vào mùng 4 Tết âm lịch hằng năm. Bên cạnh đó, thị xã An Khê còn phục hồi lại Hội hát cầu Huê (cầu mùa màng tươi tốt no ấm).

Đây là ngày hội đoàn kết của đồng bào dân tộc và người Kinh có nguồn gốc từ thời Tây Sơn khởi nghĩa. Sự đóng góp của đồng bào Ba Na, Jrai, Chăm… trong cuộc khởi nghĩa này có ý nghĩa quan trọng. Họ chính là lực lượng nghĩa binh đầu tiên cùng chiến đấu cho đến ngày toàn thắng.

Hội hát cầu Huê là ngày vui lớn của người Ba Na ở An Khê. Họ mang đến đây những điệu múa lời ca, với âm hưởng núi rừng mênh mang, dạt dào sự sống. Con sông Ba chảy từ trên thượng nguồn là nơi những làn điệu ru Ba Na và trao gửi tình duyên được hình thành. Những điệu múa và lời ca của các chàng trai cô gái Ba Na tạo nên màu sắc độc đáo cho Hội cầu Huê.

Ngày cuối hội bao giờ cũng là màn trình diễn cồng chiêng, múa xoang đường phố do những đội văn nghệ của các dân tộc cùng biểu diễn. Thị xã An Khê như nổi sóng trong âm thanh của những dàn cồng chiêng đại ngàn. Bài ca cuộc sống ngân vang với câu hát gọi chiều: “Ơ đồi ơi. Nắng chiều đã xuống rồi. Ơ đồi ơi! Chiều xuống dần núi đồi. Ơ đồi ơi! Đàn chim về tổ rồi…” (Chiều về - dân ca Ba Na).

Mọi nẻo đường An Khê bập bùng với nhịp điệu Tây Nguyên thiết tha yêu đời. Một không gian kỳ lạ tràn xuống thung lũng. Tiếng hát vang lên trong bản hòa ca: “Trời An Khê quanh năm trong xanh, khắc ghi lời thề Nguyễn Huệ. Rừng An Khê voi đi quân reo, dấu chân xưa còn in trên đá…” (An Khê miền quê mãi nhớ). Tiếng cồng chiêng rạo rực suốt đêm. Phố núi An Khê bừng sáng trong bình minh vui reo.

Dòng sông di sản

Hình ảnh sông Ba gắn liền với chân dung anh hùng Núp bên sườn Đông dãy núi Trường Sơn. Đây là con sông dài 380 cây số, bắt nguồn từ ngọn núi cao 1.549 mét xuống. Từ tỉnh Kon Tum, sông Ba chảy qua Gia Lai, rồi qua Phú Yên trôi ra biển. Về tới Gia Lai không ai không nhớ đến câu hát của nhạc sĩ Trần Quý: “Đây bất khuất Tây Nguyên cao cao. Núi mây điệp trùng gió ào ào. Đây sóng nước sông Ba dâng trào. Người Ba Na như đàn chim chơ rao…” (Bài ca anh hùng Núp).

Dòng sông Ba từ xưa là mạch nguồn của những trường ca Ba Na và những huyền thoại bi tráng của những dũng sĩ Ba Na hàng trăm năm qua. Không những thế, sông Ba còn là chứng tích cho thời kỳ phát triển huy hoàng của đế chế Chăm một thuở. Ngọn tháp Bang Beng ở cửa sông Krông Năng đổ vào sông Ba vẫn còn đó. Di sản chiếc đầu rắn Naga cùng bia đá Chăm Tư Lương (thuộc huyện Đak Pơ) được xác định niên đại vào thế kỷ XV.

Nước sông Ba cuộn sóng bao đời nay với bao dấu ấn văn hóa và lịch sử phát triển của các đồng bào dân tộc Ba Na, Xê Đăng, Jrai, Chăm. Nay làng kháng chiến Stor là một biểu tượng huyền thoại chống thực dân Pháp bên sông Ba ngày nào vẫn là dấu ấn sâu đậm với thời gian. 

Nhưng gần đây sông Ba (phần chảy qua An Khê) còn làm chấn động thế giới về địa chất, khi các nhà khảo cổ học Việt Nam và quốc tế đã tìm ra những công cụ của thời đá cũ (công bố năm 2016). Sau kiểm chứng những di vật khai quật, các nhà khoa học đã xác định An Khê chính là miền đất cách đây hơn 80 vạn năm đã có người nguyên thủy sinh sống.

Nhà khảo cổ, PGS TS Nguyễn Khắc Sử khẳng định, những chiếc rìu đá khai quật ở An Khê còn đẹp và chuẩn hơn so với một số nơi trên thế giới. Những công cụ ghè hai mặt của thời kỳ đá cũ hay một mặt như rìu đá, dụng cụ mũi nhọn tam diện… đều được người nguyên thủy ghè đẽo bằng đá thạch anh và đá sét silic.

Những kết quả khảo cổ cho biết, lịch sử nước ta có cơ sở khai mở rộng hơn so với những niên đại đã xác định hàng trăm năm qua. Giờ đây, An Khê đã được ghi vào bản đồ thế giới, một trong những nơi lưu giữ dấu tích văn hóa của tổ tiên loài người. 

Một góc An Khê Trường.

Câu chuyện bí ẩn hàng vạn năm trên dòng sông Ba giờ đã được kể lại. Hơn ba năm qua, các nhà khảo cổ đã phát hiện ra 21 địa điểm Đá Cũ tại An Khê. Các vị trí khảo sát ở đây đều có địa tầng nguyên vẹn. Những hình ảnh được đồ họa theo sự hình dung của các nhà khảo cổ nên càng nhận biết ra đã có người đứng thẳng sống ở đây một thời gian dài. Sông Ba nay được gọi là dòng sông di sản thật thỏa đáng. Bức xạ cầu vồng bảy màu lung linh thần bí luôn hiện lên trên dòng sông. Thị xã An Khê trở thành miền đất huyền thoại với muôn vàn câu chuyện cổ tích đang ẩn giấu trong từng viên đá nhành cây.

Những giai điệu An Khê

Hàng chục năm nay, An Khê được nhiều văn nghệ sĩ tìm đến với những cảm xúc dạt dào. Họ coi đây là vùng đất trầm tích của “Những giai nhân và những anh hùng”. Hình ảnh các cô gái Ba Na xinh đẹp luôn xuất hiện trên đường phố với đôi mắt rất “Ba Na” mơ mộng và huyền bí. Đó còn là những chàng trai luôn rộn ràng trong điệu múa cồng chiêng tràn đầy sức sống.

Không ít nhạc sĩ đã để lại những ca khúc đậm chất Tây Nguyên. An Khê với chiến dịch thắng lợi năm 1953 và hình ảnh anh hùng Núp luôn là đề tài hấp dẫn trên dòng sông Ba. “Phố núi” là dấu ấn đầu tiên của nhạc sĩ Trần Tiến với: “Người thiếu nữ vú cong môi hồng. Tà váy rộng, gió thổi tung, bắp chân trần như chớp đêm giông”. Một thời gian sau, nhạc sĩ Văn Ký viết tiếp rằng: “Mái tóc em xanh như màu núi. Ánh mắt em giấc mơ huyền thoại. Em đẹp quá tôi thành thơ dại. Tới An Khê tôi quên đường về” (Ngày về An Khê).

Rồi những “Bên dòng sông Ba” (nhạc sĩ Ngọc Tường), “An Khê miền quê mãi nhớ” (Văn Chừng)... Nhưng có lẽ những khúc dân ca Ba Na, Jrai bên dòng sông Ba đã tạo nên màu sắc sống động trong những đêm ca múa vây quanh cây nêu bên ngôi nhà Rông. Hãy lắng nghe nghệ nhân A Thút vừa đánh chiêng, vừa hát với giai điệu nồng nhiệt bất tận: “Rừng đầy hoa, sắc hương thơm. Con chim Pơ ra tôk - Chị em ơi. Sông, nước, rừng trong xanh. Vui sướng quá cuộc đời ơi...” (dân ca Ba Na). Đó là hình ảnh của một dòng sông âm nhạc trôi qua thị xã An Khê với những ngọn đuốc bập bùng cháy sáng trong lễ hội mùa xuân.

Vương Tâm
.
.