Thung lũng cô đơn

Thứ Tư, 10/10/2018, 19:28
Đôi khi tôi nghĩ, nếu tôi và Phong chẳng có chung một lời hứa về những miền đất mới và mẹ cứ để tình cảm của tôi và Phong đến như những điều giản đơn nhất, biết đâu chúng tôi cũng dễ dàng đi qua đời nhau chẳng mấy vấn vương…

Chiều nhạt nắng trên những nương chè ngút tầm mắt. Những nụ chè xuân bắt đầu đâm chồi, tua tủa như những ngọn mác chĩa thẳng lên bầu trời xanh ngắt. Ngọn núi mang hình con voi bị chặt cụt đầu mây vờn trắng đỉnh mang một màu xanh thẫm, kéo dài như một hình cung về phía cuối bản.

Mỗi lần lên nương chè cùng mẹ, tôi lại hút tầm mắt về phía đỉnh núi đó, ước ao mình là một cánh chim ưng, chim cắt sải đôi cánh rộng đứng trên cây phong già đường bệ nơi đỉnh núi để ngắm nhìn cả một vùng đồi núi xanh ngút ngàn bên dưới. Những tháng ngày xanh ngắt đầu tiên của tôi ngật ngưỡng trên lưng bà ngoại gắn liền với cái nương chè ấy.

Cái địu được dệt bằng vải thổ cẩm đầy những hoa văn quấn ngang người tôi, ôm chặt cái lưng cong cong của bà. Tay bà lướt trên những vồng chè, ném từng nắm búp vào chiếc gùi nặng trĩu trên lưng mẹ. Miệng bà bỏm bẻm, cốt trầu xểu ra. Mỗi khi tôi ọ ẹ, bà lại ầu ơ mấy câu cũ rích. Giờ tóc bà trắng như mây trên đỉnh núi, gối chẳng còn dẻo để leo lên những nương chè. Cái địu xưa cũ ấy bà đã chuyển hẳn cho mẹ. Mẹ cất vào chiếc tủ gỗ cọt kẹt tiếng mọt, và chờ đợi một sự chuyển giao từ tôi, một thằng trai vừa tròn 17 tuổi.

Nhà nằm lọt thỏm giữa những nương chè, bốn mùa hứng gió từ rừng già quẩn xuống. Những lần trèo lên cây trám nơi đỉnh dốc, tôi mường tượng ngôi nhà như vết sẹo dài trên khuôn mặt lỗ chỗ tàn nhang. Xám ngoét. Tuổi thơ tôi quanh quẩn trong mấy gian nhà vách gỗ nền đất nện ấy, chẳng thấy muộn phiền, chỉ cảm giác thiếu vắng một cái gì đó, rất lớn mà không biết gọi tên.

Xưa mỗi chiều đợi mẹ đi cân chè ngoài thị trấn về, bà ngoại nằm bên tôi trên cái chõng tre ngoài sân, ngửa mặt lên mảnh trời cong cong hình nón, chỉ cho tôi về những hình nhân ẩn hiện và biến đổi trong đám mây thong dong đủ loại sắc màu.

Bà bảo sống ở cái thung lũng này, buồn nhưng an nhiên tự tại, chẳng phải suy nghĩ nhiều về cuộc sống xô bồ như bên ngoài thị trấn. Giờ nghĩ lại tôi chẳng hiểu sao bà bảo ngoài thị trấn xô bồ, chỉ thấy nó buồn như đôi mắt của người phụ nữ quanh quẩn cả đời bên những nương chè, buồn như màu mắt mẹ. Ngày cuối tuần, cánh trai bản phóng xe máy khùng khục ra thị trấn, vùi mặt vào quán game online và gào rống trở về từ những hàng rượu ốc. Mẹ không cho tôi ra thị trấn cùng chúng, tôi cũng chẳng thích bởi chẳng thấy có gì là đẹp. Ngoại trừ Phong.

Mẹ tôi không mấy ưa đứa con gái đó. Mẹ bảo: “Con gái mà cái mắt cứ lúng liếng thế, đứa nào yêu nó thì chả mấy nỗi mà nó cắm sừng lên đầu thôi Phan ạ”. Tôi bảo chúng con chỉ là bạn, có gì đâu mà mẹ cứ lo xa. Mẹ gằn lên: “Bạn cũng không được, việc của mày là học, trai gái để rồi hư thân…”.

Tôi ấm ức và thấy mẹ thật bất công, bất công với tôi và cả với những người con gái đẹp như Phong. Ở trường tôi, Phong như cây trẩu tháng tư bung nở những vồng hoa trắng khiết thoảng hương xôn xao cả một vùng chè xanh ngắt.

Phong có 3 chị gái, bố làm Trưởng phòng trên huyện nên được cưng chiều, áo quần xúng xính cả, cộng với đôi mắt đen như biết nói cười, cái má lúm đồng tiền và giọng hát trong veo nên được nhiều người để ý. Tôi thích Phong còn bởi cô ấy học giỏi, lớp 10 đã biết nói tiếng Anh rành rõ nhất trường.

Còn Phong, Phong bảo quý tôi từ những mẩu truyện tôi viết trên báo tường của lớp, thích từ những truyện ngắn tôi được đăng trên báo dành cho tuổi học trò. Phong hẹn tương lai sẽ là sinh viên một trường ngoại ngữ, và muốn tôi theo học một trường dạy viết văn ở mãi dưới Hà Nội. Tôi cười nhẹ như làn gió thoảng, đầu vẩn vơ nghĩ không biết nương chè của mẹ có đủ để cho tôi ăn học ở cái nơi tôi chưa một lần đặt chân đến như ước muốn của tôi và cả của Phong ấy hay không…

*

- Phan, cái gì đây hả?

Mẹ rít lên sau khi lật giở cuốn truyện Phong tặng tôi từ hồi sáng và làm rơi ra bức ảnh của cô ấy. “Thằng mất dạy, mẹ khổ sở trăm bề cho mày ăn học để mày chưa nứt mắt ra đã yêu đương nhăng nhít thế này hả Phan?”. Tôi ngớ người ra, giật lấy tấm ảnh ngó xem và phân bua theo cảm tính: “Con không biết, là bạn ấy tặng con cuốn truyện, con đâu biết trong đó có gì”.

Minh họa: Nguyễn Đăng Phú

Mẹ chẳng nghe tôi nói, vung cái chổi đót lên nhằm thẳng chân tôi. Tôi nhảy lên giường, mẹ lao theo… Rồi bỗng chốc, tôi đứng trân trân giữa nhà. Tôi hét lên: “Đây, mẹ đánh chết con đi, con làm gì sai. 17 tuổi, con không được phép có bạn bè à. Mẹ còn cấm con cái gì nữa chứ?”. Mẹ khựng lại, cái chổi rơi xuống nền nhà ẩm thấp…

Bà ngoại chạy ra lụi cụi cầm cái chổi cất vào góc nhà rồi kéo tôi ngồi xuống giường, mắt bà đục mờ thảng thốt nhìn theo đàn gà con đang nháo nhác chui vào trong đôi cánh mẹ ngoài sân. Bà nắm lấy tay tôi. Đôi bàn tay khô khốc để mặc tôi khóc rưng rưng. Bà bảo: “Mẹ chỉ muốn tốt cho cháu thôi Phan ạ, việc của cháu giờ là học, sang năm thi đại học rồi, cháu có muốn mãi ở cái thung lũng xó xỉnh bìa rừng này không hả”. Tôi gạt nước mắt: “Nhưng cái gì mẹ cháu cũng cấm, độc đoán và độc ác, cháu đâu phải trẻ con nữa chứ…”.

Tôi không hiểu sao mẹ lại là người độc đoán như thế với tôi đến mức nhiều lúc tôi nghĩ mẹ chẳng yêu thương mình. Tôi thèm một sự săn sóc từ bàn tay người mẹ như chúng bạn, nhưng mẹ dành sự quan tâm đến tôi như thể một người đàn ông mà đứa bạn học hàng xóm gọi là bố. Nhưng ước mong ấy của tôi mãi chẳng được đáp đền bởi tôi không có bố. Chính xác hơn là tôi không biết bố mình là ai. Tờ giấy khai sinh cũng không cho tôi biết điều đó.

Ngày chưa đi học, khi quanh quẩn với mẹ trên nương chè, tôi hỏi mẹ về điều đó, mẹ bảo: “Bố đi công tác ở một nơi xa lắm, con lớn bố sẽ về…”. Khi đã đủ lớn để mang máng hiểu về điều bất thường trong lý lịch, hoặc giả thấy thiếu thốn một sự quan tâm, tôi lại hỏi mẹ. Và mẹ quát tôi: “Việc của người lớn, con không được hỏi, việc của con là lo mà học đi”. Sau lần ấy tôi không hỏi mẹ nữa. Tôi cắm đầu vào những trang sách những đêm mẹ tất bật hong chè. Rồi một lần nhớ ra, tôi hỏi bà. Bà lắc đầu: “Nếu tao mà biết thì mày đã chả khổ như thế này đâu Phan ạ…”.

Tôi tha thẩn vừa chơi với bạn, vừa lắng nghe những điều người lớn xì xào. Nhưng họ nói vào tai nhau rất khẽ, và chắc hẳn họ chẳng mấy quan tâm đến chuyện của nhà tôi. Ở cái bản tôi ở, có gần chục đứa trẻ cũng đâu có bố. Mẹ tôi và mẹ của chúng hầu hết không sinh ra ở cái bản giữa lòng chảo của những đồi chè này. Họ dạt đến đây theo phong trào Thanh niên Xung phong xây dựng kinh tế mới ở nông trường thanh niên ngoài thị trấn.

Tuổi xuân của họ vùn vụt trôi theo những khát vọng, để rồi khi nhìn màu xanh phủ kín khắp các nương chè, họ giật mình nhận thấy sự lỡ làng của đời người con gái. Rồi người chọn cho mình cuộc sống cô quạnh, người gạt nước mắt đi đến ở nhà của những người đàn ông tóc ngả màu sương trong vùng.

Còn mẹ tôi, mẹ chọn cho mình con đường khác, khó khăn ở đoạn khởi đầu và an yên suốt cả hành trình đời mẹ. Mẹ nghĩ thế… Bà ngoại bảo những phận đời như mẹ ở lòng chảo đồi chè này nhìn nhau với ánh mắt cảm thông hơn ghét bỏ và chẳng bận tâm những đứa trẻ như tôi bắt nguồn từ mạch sống nào. Nhưng người thị trấn thì khác. Và mẹ không muốn tôi cứ vấn vương với cái thị trấn lắm sự thị phi vì thế.

                           *

Đêm. Sương rơi như mưa khắp các đồi chè... Mẹ ngồi ở bậu cửa, nghe rõ những tiếng thở dài. Tôi biết mẹ lo cho cả một lứa chè xuân mới nhú, và buồn với sự phản kháng của tôi... Ánh điện leo lét từ chiếc bóng điện đỏ lờ mờ hắt ngược từ phía sau lưng, để lại một khoảng tối đìu hiu trên gương mặt xương gầy của mẹ… “Mẹ, con xin lỗi”, tôi nói khẽ, buồn rười rượi… “Phan, dù mẹ có làm gì thì cũng chỉ muốn điều tốt nhất đến với con, bởi con là tất cả những gì mẹ và bà có…”.

Mẹ nói với tôi, những câu nói chất chứa tự tận đáy lòng, ngọt đắng ngân dài như vị búp chè xanh mới hái. Từ khi đủ lớn để lưu giữ những ký ức, tới giờ tôi mới thấy mẹ mềm lòng như thế. Tôi ngồi đó, lặng im nhìn vào màn sương với nỗi buồn hoang hoải, những hạt sương cứ nhòa đi theo những ký ức hanh hao…

Đã 30 mùa xuân của mẹ trôi trên những triền đồi mù sương bạc. Bà ngoại bảo 17 năm có tôi sao mà trôi đi lâu thế, buồn và cơ cực như thung lũng những ngày mùa đông sương mù hòa trong làn khói, một cuộc sống lầm lũi như con mang quanh quẩn sống bên mấy gốc tre nứa mãi vùng lõi rừng già.

Những lần ngó qua ô cửa sổ, ngắm ánh nắng tràn qua những mái nhà, rồi vời vợi trên những đỉnh đồi chè xanh mê mải, tôi mường tượng thung lũng đẹp miệt mài như trong một câu truyện cổ. Mẹ bảo trai gái trong bản lấy nhau, dựng thêm những ngôi nhà mới. Rồi những người đàn ông đi biền biệt ở một nơi rất xa nào đó. Sự chờ đợi trở thành một vết sẹo dài, bám mãi cuộc đời những người đàn bà trong bản.

Mẹ bảo tôi không được sống với nỗi buồn đìu hiu ấy, cho dù mẹ có khổ cực tôi cũng phải thoát xác khỏi nơi này. Tôi không biết đã bao lần mẹ lau vội những giọt nước mắt chực lăn dài, quên hẳn chuyện dỗi hờn và lãng quên niềm nhớ thương, như một mảnh thuyền nan rệu rã mà chẳng muốn có một bến bờ...

Những giọt nước mắt cứ lặng lẽ rơi trên khuôn mặt tôi, và nhòa trong hốc mắt hao gầy của mẹ… Bà ngoại đứng ở phía sau, giọng nhẹ như những bông bồ công anh xoay trong gió: “Thôi, hai mẹ con vào nhà đi, khuya rồi…”. Tôi đứng dậy, thấy cả một thung lũng im lìm. Những giọt sương giá tí tách rơi trên mái lá, ngấm sâu vào lòng tôi và mẹ…

                       *

Những bài giảng và kỳ thi đại học phía trước cuốn tôi lăn tròn qua mùa xuân tuổi 18, lấp đầy những nỗi buồn vu vơ. Tôi ít quan tâm đến Phong như lời hứa về sự đáp đền những ưu tư của mẹ. Những chiều không đến lớp, đứng trên đồi chè hướng đôi mắt về thị trấn, đôi lúc thấy lòng chợt bâng khuâng chút gì. Tôi nhìn về phía mẹ, một vệt sẫm in giữa nương chè xanh ngắt, thấy mẹ thật tội và thấy mình có lỗi nếu rời xa thung lũng, rời xa mẹ để về miền đất thị thành. Nhưng mẹ đặt kỳ vọng vào tôi, và tôi không thể phụ lại sự trông mong của mẹ. Lại một mùa hoa trẩu nở trắng trên những nương chè, tỏa hương dịu nhẹ trong cơn gió xôn xao. Bất chợt tôi nhớ Phong, nhớ đôi mắt buồn buồn của cô ấy cả một mùa đông lạnh lẽo…

                         *

Mẹ bỏ mặc luống chè đang hái dở để chạy về khi nghe tin tôi đỗ đại học. Bà ngoại lụi cụi từ bếp chui ra, nắm bàn tay tôi rưng rưng khóc, cái miệng móm mém dỗi hờn: “Sư bố thằng ranh con, thế là mày sắp xa bà rồi đấy!”. Tôi bảo: “Hay cháu không đi nữa, ở nhà để giã trầu cho bà”. Bà móm mém: “Mày ở nhà để ăn bám hai người già này mà không thấy xấu hổ hả con…”.

Đêm ấy tôi nằm bên bà mãi trên cái chõng tre không muốn ngủ, ngắm nhìn bầu trời được thiên thần nào đó phẩy lên những đốm sao sáng rực. Tôi ngồi dậy, lấy cái cối đồng thau nhỏ xíu cáu cạnh cốt trầu bà để trong cái cơi cuối chõng tre, vừa giã miếng trầu thật nhuyễn vừa bảo: “Sau này cháu chẳng được giã trầu cho bà mỗi tối nữa. Tay bà yếu rồi, và bà cũng chỉ còn mấy cái răng sứt mẻ, hay là bà bỏ trầu đi...”.

Bà chì choẹt nhai miếng trầu tôi giã, tay phe phẩy cái quạt mo như một thói quen, xương khớp lục cục theo nhịp quạt, miệng lầu bầu: “Sư bố anh, thế anh có bỏ ăn cơm, bỏ uống nước được không”. Tôi bảo: “Mấy hôm nữa cháu đi rồi, bà có buồn không”. “Mày chả ở nhà bà càng đỡ khổ, chả phải giục mày đi tắm, sáng không phải gọi mày dậy như gọi đò…”.

Tôi lặng im. Quê bà ở một vùng chiêm trũng, có những con đò chiều chầm chậm ngang sông. Từ ngày mẹ quyết định có tôi, bà bỏ những chuyến đò chiều, bỏ những bãi bờ xanh ngắt để lên bầu bạn với những đồi chè buồn bã. Đôi lúc tôi nghĩ về nguyên nhân cuộc sống nhạt màu của hai người phụ nữ ấy, để rồi luôn không thoát khỏi nỗi buồn về sự hiện hữu của chính bản thân mình. Thế mà giờ tôi chuẩn bị thoát xác khỏi thung lũng đồi chè, tách mình khỏi sự bao bọc và vòng tay của bà và mẹ.

Một cảm giác tội lỗi đè chặt tôi xuống cái chõng tre mốc thếch… Bà đứng dậy, lần giở cái túi nhỏ xíu khâu bằng vải đỏ, đưa cho tôi đồng bạc trắng: Mày cất vào trong ví, xuống Hà Nội mà bị cảm lấy ra nhờ bạn cạo gió cho… Tôi mân mê đồng bạc đã mờ hàng chữ, chợt nhớ nó đã đi theo gần hết cuộc đời bà. Vậy là bao yêu thương bà cứ lần lượt chuyển hết cho tôi, chẳng giữ lại cho riêng mình dù chỉ là niềm vui nho nhỏ…

Phong hẹn gặp tôi ở đập tràn con suối vắt qua nương chè của mẹ mải miết đổ ra thị trấn. Chiều đã trễ tràng trên đỉnh núi, những chiếc xe máy phóng vút từ thị trấn về nơi những đụn khói bốc lên từ những mái lá cũ màu, mây bạc tràn cả bầu trời đổ dồn lên trên đỉnh núi.

Ngồi đợi Phong, tôi thấy lòng bâng khuâng như một vệt gió, rồi phấp phỏng lo lắng một cách mơ hồ… Phong dựng xe đạp cạnh tôi, hút mắt về một nơi nào xa xôi lắm, kéo theo cả một ánh chiều tà buồn rười rượi: “Phong phải lỡ hẹn với Phan về ngôi trường đại học. Bố Phong chẳng còn gắng gượng được nhiều…”.

Tim tôi thắt lại, cảm giác mất mát ùa về. Ba tháng trước tôi biết tin bố Phong bị ung thư phổi và người ta bảo cái bệnh đó cầm cự lắm cũng chẳng quá nổi 1 năm. “Tớ có thể giúp bạn điều gì không”, tôi hỏi. Phong lắc đầu, rồi bảo: “Nếu có thể, hãy coi tớ là một người bạn thân, đừng cố tình xa lánh tớ…”. Tôi thấy tim mình ngừng đập. Tôi không thở được. Một cảm giác quặn đau ở một nơi rất sâu trong lòng: “Phong, tớ xin lỗi…”.

                         *

Mẹ bảo thấy tiếc cho con bé đó vì nó học giỏi, đỗ đại học mà chẳng được đi, thôi cũng là cái số trời đã định. Mắt mẹ buồn buồn, một nỗi buồn vô định như cuộc sống bàng bạc khói phủ sương ở thung lũng đồi chè. Tôi gói ghém nỗi buồn ấy về Hà Nội, đêm vùi mình trong chiếc chăn mỏng trong khu ký túc xá mà cảm giác tim mình vỡ vụn. Những tháng mùa thu đầu tiên của tôi ở Hà Nội trôi qua rất chậm với nhiều lần đứng tần ngần ở cửa bưu điện gần ký túc xá rồi lặng lẽ quay trở về bởi sợ phá đi cái tĩnh lặng cần có của gia đình có người lâm bệnh trọng, thấy mình bất lực trước quá nhiều điều.

Đôi khi tôi nghĩ, nếu tôi và Phong chẳng có chung một lời hứa về những miền đất mới và mẹ cứ để tình cảm của tôi và Phong đến như những điều giản đơn nhất, biết đâu chúng tôi cũng dễ dàng đi qua đời nhau chẳng mấy vấn vương… Những tháng ngày cứ lặng lẽ trôi như bóng chiều về trên đỉnh núi và tôi cứ lặng lẽ buồn…

Tôi nhận được tin mẹ muốn tôi thu xếp về đúng ngày cuối tuần một ngày đông lạnh giá. Tôi lo lắng với ý nghĩ bà đổ bệnh… Chiều đông chầm chậm trôi trên những đồi chè lặng thinh của mẹ. Những cây chè ủ dột và tàng cây trẩu trơ trụi lá, xám xịt cả một vùng trời. Bà ngoại ngồi co ro như con mèo bên bếp lửa, đôi mắt màu tro tèm nhèm khói, quýnh quáng chạy ra khi thấy tôi đứng giữa sân gọi mẹ…

Bà bảo, “cái đất thủ đô mày ở nó cũng tốt đấy chứ, làm mày trắng ra và ra dáng thị thành hơn rồi đấy Phan ạ”. Tôi cười hỏi: “Thế bà không bị ốm à?” Bà bảo: “Mày muốn tao ốm lắm đấy hả thằng chó con...”. Tôi lại cười: “Cháu thấy mẹ nhắn, lo bà bị ốm nên cháu về với bà ngay đây, thế mà bà mắng cháu…”. “Ờ, mày còn phải chửi nhiều, chửi để nên người thôi thằng chó con ạ. Mà mày cất ba lô rồi đi rửa mặt mũi đi, mẹ mày cũng sắp về rồi đấy…”.

Mẹ về nhà khi trời nhập nhoạng, chẳng vui, chẳng rõ buồn... Bữa cơm chẳng đủ lấp liếm cho một điều gì đó, dường như rất khó để mẹ bắt đầu. Trời hun hút gió từ rừng già phả xuống, rin rít qua vách gỗ và nhòa đi trong vẻ lặng lẽ của mẹ. Mẹ khoác thêm chiếc áo, khẽ bảo tôi sau tiếng thở dài: “Mai là 49 ngày bố cái Phong đấy, đến mà thắp cho bố nó nén hương, chắc chả đứa nào bảo mày lúc ông ấy mất…”.

Tôi lặng đi. Tôi khóc. Những giọt nước mắt của tôi in lên hàng mi của Phong khi tôi thắp 3 nén hương lên ban thờ nhà bạn. Mẹ Phong nhìn tôi thật lâu, và tôi chẳng biết nói gì để bà ngừng khóc. Phong tiễn tôi ra cổng, khuôn mặt hằn in những nét ưu tư. “Bao giờ Phan đi?”. Phong hỏi. Tôi bảo: “Sáng mai tớ sẽ đi sớm, sắp thi hết kỳ rồi”. Phong nói, giọng trầm buồn như chiều đông nơi thung lũng đồi chè: “Chiều Phan gặp Phong ở đập tràn lát nhé”. Tôi khẽ gật đầu…

Trời đông xám xịt. Lòng suối trơ những tảng đá to như chiếc thúng mẹ đựng những búp chè tươi mới hái trước khi gom tất cả vào bao tải dứa để mang ra thị trấn. Phong ngồi đó, im lặng thật lâu trước khi đưa cho tôi tờ giấy nắm chặt trong bàn tay nhỏ. Mắt Phong nhòa ướt: “Phan đọc đi, lá thư cuối cùng bố Phong để lại...”.

Tôi mở thư ra, đọc thật chậm những hàng chữ nắn nót như thể được viết trong lúc điềm tĩnh nhất của một đời người cần phải nói ra một sự thật chôn giấu bấy lâu nay trước khi rời xa tất cả… Những giọt nước mắt của tôi lã chã rơi, và hai tay tôi run lẩy bẩy đánh rơi lá thư xuống đất khi đọc đến chữ cuối cùng…

Tôi vùng chạy về phía những đồi chè… Tôi khuỵu xuống ôm lấy chân mẹ: “Mẹ ơi, sao mẹ giấu con, sao mẹ không cho con biết…”.

Ngoài trời mưa rơi rả rích, ướt đẫm cả đầu tôi…

Truyện ngắn của Nguyễn Kiên Cường (Công an tỉnh Phú Thọ)
.
.