Dạo chơi thung lũng hoa vàng

Thứ Ba, 30/10/2018, 08:23
Giờ đây, đường bay từ Hà Nội lên thành phố Điện Biên nhanh đến nỗi, đọc chưa cạn chữ một tờ báo đã đến nơi. Nhưng có điều thú vị, trên tờ báo đó có bài thơ viết về Điện Biên, làm tôi lịm người: “Nậm Rốm ơi hãy ngừng trôi mùa xuân/ Anh đã về với em tháng tư hoa ban trắng quá./ Thung lũng trổ tím hoa riềng phấn vàng bay lả/ Ôi! Không gian uống rượu nắng say mềm/ Anh nghiêng đằm xòe múa cùng em...”.


Ký ức trở về

Thành phố Điện Biên Phủ nằm lọt thỏm trong thung lũng Mường Thanh rộng mênh mông. Tôi đến đây đúng mùa hoa dã quỳ, nên mọi ngả đường như dát vàng. Dòng sông Nậm Rốm giữa lòng thành phố cũng thành dòng sông hoa. Tôi đê mê với những áng mây trắng bồng bềnh trôi về phía tít tắp cánh đồng rộng nhất Tây Bắc này.

Chả thế người ta nói cả cái xứ Tây Bắc trù phú xanh tươi, hạt gạo không đâu thơm bằng gạo Điện Biên. Đó là một bí ẩn của phù sa Nậm Rốm. Đồng thời thung lũng Mường Thanh còn giữ trong mình những dấu vết đạn bom của trận chiến thế kỷ Điện Biên Phủ, cùng với những di tích lớn mà không phải nơi nào cũng có được. Tôi được ông Xuân, một chiến binh thời 1954 kể những câu chuyện của hơn 60 năm về trước, qua mỗi kỳ quan lịch sử.

Tôi cùng ông leo hơn 300 bậc lên đỉnh đồi D1, ngắm pho tượng đồng nặng tới 220 tấn. Đó là cụm tượng đồng “Chiến thắng Điện Biên Phủ” lớn nhất nước ta. Ở độ cao hơn 50m, chúng tôi nhìn thấy toàn bộ thung lũng Mường Thanh và thành phố Điện Biên. Con sông Nậm Rốm như một dải lụa mềm, dịu dàng trôi về phía xa tít tắp…

Tác giả và người dân bản Khơ Mú.

Cứ thế ông Xuân say sưa nhớ lại những ký ức của một thời khói lửa. Đã quá lâu chợt nhớ chợt quên, nhưng khi ông kể về đội pháo binh Tô Vĩnh Diện thì cứ vanh vách như mới xảy ra hôm qua. Thế là ông đưa tôi đi đến tận đầu xã Nà Nhạn, bên sông Nậm Rốm, ngắm lại con đường kéo pháo ngày ấy. Bởi đây là những ký ức luôn  tươi mới trong ông. Chúng tôi đứng trước ngôi nhà tưởng niệm Anh hùng  - liệt sĩ Tô Vĩnh Diện, người đã lấy thân mình chèn khẩu trọng pháo, giữ gìn vũ khí cho quân đội, chuẩn bị tấn công vào trận địa Mường Thanh.

Trên sườn núi, cụm tượng đài “Bộ đội kéo pháo bằng tay”, biểu tượng Anh hùng Tô Vĩnh Diện được thể hiện sống động qua từng ánh mắt, động tác chỉ huy kéo pháo. Bức tượng gồm 29 chiến sĩ kéo khẩu đại bác 105 ly xuyên rừng, vượt dốc đèo lên trận địa.

Ông Xuân bước đến gần cụm tượng sờ vào tay từng đồng đội năm nào. Mỗi người một kỷ niệm dội về làm chấn động tâm hồn ông. Vừa chào bạn vừa ứa nước mắt, người mất người còn, giờ đây không biết ở nơi nao. Bỗng nhiên, ông quay đầu lại, co chân như muốn góp sức đồng đội như ngày ấy, rồi hô: “Hai. Ba!... Hò dô ta nào. Kéo pháo ta vượt qua đèo. Hò dô ta nào, kéo pháo ta vượt qua núi…”.

Tôi sững người bởi thấy trên khóe mắt ông những giọt nước chảy lăn trên gò má nhăn nheo vì sương gió. Giọng ông tắc nghẹn vì những ký ức trở về.

Chúng tôi quay lại thành phố và cùng bách bộ trên cầu sắt Mường Thanh. Con cầu nhỏ, một đầu nối đường dẫn vào chợ thành phố, một đầu hướng tới căn hầm Đờ Cát. Những bước chân trĩu nặng ký ức khốc liệt nhất, bởi đây là con cầu dẫn đoàn quân tấn công trực diện vào khu chỉ huy đầu não của giặc Pháp.

Cầu Mường Thanh giờ đây vẫn được giữ nguyên, như một minh chứng cho chiến thắng lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu của quân dân ta. Những vết đạn vẫn găm trên thành cầu. Chúng vẫn rung lên trong tâm tưởng của mọi người mỗi khi đến đây và cùng với đó là hình ảnh tên tướng chỉ huy Đờ Cát giơ hai tay lên trời dưới mũi lưỡi lê của chiến sĩ Điện Biên ngày nào. 

Vào bản Khơ Mú

Khi tôi đi dạo chợ trung tâm Điện Biên, cốt ngắm tà áo của những cô gái Thái, chợt có tiếng ồn ào chung quanh hai mẹ con người Khơ Mú bán mấy con chim họa my. Có người nghi ngại, chắc gì nó biết hót, thôi cảm ơn. Lại có người xem chán chê rồi trả cả ba con lẫn hai cái lồng có hai trăm ngàn. Quá rẻ.

Người mẹ lắc đầu cười gượng gạo. Bỗng có một thanh niên sán tới nói, đây không phải sáo đá, nói làm sao được, đến hót vu vơ cũng khó…Thế là mọi người tản đi. Tôi bỗng dưng không bước đi được nữa. Định gọi hai mẹ con bán họa my lại nhưng họ đã đi khuất sau đám đông. Tôi dướn người tìm đó đây mà không nhìn thấy đâu.

Mọi người đều vội vã bán mua. Tôi lang thang một lúc rồi rẽ lại cầu Mường Thanh, bỗng phát hiện thấy hai mẹ con bán họa my đi lướt qua. Vội lấy máy chụp những người đi chợ qua cầu, nhưng cũng chỉ thoáng chốc, hai mẹ con họ lại mất hút.

Nhưng rồi tôi giật mình khi thấy cô bé quay lại. Nó nhìn tôi lắp bắp nói hãy mua cho nó, vì hai mẹ con đã mỏi chân lắm rồi. Cô bé chỉ dẫy núi phía trước nói, chợ đã tan, hai mẹ con phải về kẻo tối. Nó mong có tiền mua rượu cho bố, và còn nói, được bao nhiêu tốt bấy nhiêu. Tuy không biết gì về chim họa my, nhưng tôi vội vã rút ví, trả ba trăm ngàn đồng, rồi vác cả hai lồng chim về khách sạn.

Mấy người biết chuyện lấy làm ngạc nhiên, nhưng lại khích lệ, biết đâu chúng sẽ hót và nói được tiếng người. Bán lại cũng lãi to. Tôi chỉ cười khì khì, rồi hỏi dò về bản người Khơ Mú, nơi hai mẹ con người bán họa my. Tự nhiên tôi muốn gặp lại hai mẹ con trong ngôi nhà của họ.

Không phải là tò mò mà muốn biết họ sống thế nào. Lại nghe nói bản người Khơ Mú đó rất đẹp, dù nó có cái tên rất lạ, bản Cò Pục (nhiều người gọi nó với cái tên rất gợi cảm là bản “Mưa rơi”, bởi người Khơ Mú nơi đây có những câu hát dân ca rất hay như: “Mưa rơi cho cây tốt tươi. Búp chen lá chen cành. Rừng đẹp trăm hoa rung rinh theo gió. Bướm tung cánh bay vờn…”). Tôi vội vã lên đường.

Đẽo gọt thời gian.

Cò Pục đúng là một bản nghèo ở gần thành phố Điện Biên, chỉ chừng hơn gần trăm nóc nhà, nhưng mang phong vị thơ mộng trên sườn đồi. Cỏ hoa hồn nhiên bên những hàng rào cùng đống củi khô. Chúng tôi gặp mấy phụ nữ đang vót nan tre, hỏi xem nhà hai mẹ con người bán chim họa my.

Họ lắc đầu chỉ lên núi. Một bà nói, họ đi săn bắt trên núi cứ vài ngày, đúng phiên chợ mới về một lần. Nói rồi bà mời chúng tôi vào nhà chơi. Đó là bà Quàn Thị Thanh. Bà ngỡ tôi là người đi sưu tầm dân ca giống như ai đó.

Bởi theo bà, cứ thấy người nào khoác túi vải, đeo máy ảnh hoặc máy ghi âm, đích thị là đến nhờ bà hát để ghi lại. Bà xởi lởi kể mình thuộc nhiều điệu Tơm của người Khơ Mú. Tơm Kân Chơ (hát giao duyên), hay Tơm Muôn (hát về mùa xuân), hoặc Tơm Kmun (mừng đám cưới)… bà đều thuộc.   

Tôi đang bần thần lắng nghe bà Thanh hát mấy câu Tơm, thì bất chợt có tiếng cô bé nào đó hát bài dân ca “Mưa rơi” ở phía ngoài. Thấy tôi dỏng tai lắng nghe, bà Quàn Thị Thanh hỏi: "Bài hát của người Khơ Mú đó. Ông thích à?". Tôi gật đầu và yêu cầu bà hát lại cho nghe. Không ngờ mấy người phụ nữ ngồi quanh đó hồ hởi xúm lại cùng hát. Những âm sắc khê khàn như hòa quyện bên nhau. Một hợp ca mang âm hưởng rừng rú nhưng tràn đầy niềm vui.  

Bà Thanh kể, đây là bài hát được sinh ra từ trò chơi cầu mưa. Mặc cho trời không mưa, nhưng mọi người đều đội nón đi từng nhà gõ cửa. Họ gọi nhau cùng hò reo cầu xin trời mưa. Một số người khác tưởng tượng ra trời mưa, vờ mang xô chậu ra hứng, rồi cùng gõ và reo: Mưa đây!. Mưa rồi!...Mưa nào! Mát quá, mưa rồi đấy...

Sau đó các bạn trẻ cùng hát: “Trên nương hương thơm nếp vàng. Măng cười hé vươn lên cùng. Ngọt ngào hương thơm bay bay theo gió. Những chim nướng cùng nếp thơm. Nhìn mà no…”. Tôi ngỡ là mình đang mơ trong giai điệu mưa không tưởng. Những con đường hoa dã quỳ bừng lên trước mắt tôi. Vụ lúa mới vàng óng chuẩn bị vào mùa gặt hái. Khắp nơi như đang chuẩn bị đón tiết xuân về. Thung lũng Điện Biên lung linh, thơm ngát trong nắng mới, hun hút về phía chân trời.

Cảnh Linh
.
.