Khoảng trống nhạc phim Việt
- “Sự trỗi dậy” của nhạc phim Việt
- Chuyện mua vai trong phim “Phượng Khấu”: Sự dễ dãi của phim Việt
- Chờ đợi những làn gió mới từ dòng phim Việt hóa
Cách đây hai tuần, nhà soạn nhạc lừng danh người Ý Ennio Morricone qua đời ở tuổi 92. Ông được coi là một trong số hiếm hoi những người viết nhạc phim vĩ đại nhất thế giới.
Những tác phẩm kinh điển mà ông để lại cho hậu thế như phần nhạc phim “Cinema Paradiso”, “The Good, the Bad and the Ugly”, “Once upon a time in the West”… vẫn được coi là bài học mẫu mực cho những nhạc sỹ viết nhạc phim sau này.
Ngay sau khi ông qua đời, trên mạng xã hội cũng đã xuất hiện rất nhiều chia sẻ yêu mến dành cho ông của những khán giả hâm mộ điện ảnh Việt Nam.
Một câu hỏi bỗng nhiên bật ra. Xem lại các bộ phim Việt được sản xuất trong vòng 20 năm trở lại đây, chúng ta sẽ cảm thấy giật mình vì dường như đang tồn tại một sự bất tương xứng giữa cảm nhận và kỳ vọng của khán giả với thực tế của nhạc phim Việt. Không phải là không có những bộ phim Việt Nam có nhạc phim xuất sắc. Đơn cử như nhạc phim “Áo lụa Hà Đông” của Đức Trí, nhạc phim “Dòng máu anh hùng” của Christophe Wong chẳng hạn.
Nhưng trong khoảng dăm năm trở lại đây, rõ ràng nhạc phim đang là một mảng bị xem nhẹ bởi nhà sản xuất. Lý do thì rất nhiều, từ việc đầu tư cho nhạc phim thực sự rất đắt đỏ cho tới trình độ thẩm mỹ âm nhạc của lớp đạo diễn trẻ ăn xổi hiện thời… Nhưng cơ bản nhất vẫn là lý do đến từ chính những nhạc sỹ nhận làm nhạc phim.
Nói thẳng, lớp nhạc sỹ trẻ không có đủ trình độ làm nhạc phim như lớp trước và họ cũng không biết làm nhạc phim. Viết nhạc phim là một nghề chuyên nghiệp thực thụ đòi hỏi phải qua học hành bài bản. Không phải cứ là nhạc sỹ là có thể làm nhạc phim.
Tình trạng chung của phim Việt đương đại là chỉ cần một ca khúc bắt tai, ăn khách trong phim là đủ. Còn phần còn lại, nhạc có ăn nhập với phim hay không, có thể hiện được tinh thần của tác giả kịch bản hay không, có nâng câu chuyện phim lên hay không thì… không quan trọng.
Rất nhiều bộ phim Việt ra rạp mà nhạc phim gần như không có chính đề (theme) hoặc nếu có thì cũng quá nhạt nhoà bởi nhạc sỹ viết nhạc phim ấy không có ý thức phát triển chính đề ở mỗi phân đoạn khác nhau.
Viết nhạc phim cũng gần gần như viết một giao hưởng vậy. Một giao hưởng có ouverture gom các nhạc đề chính của các chương lại thành một chỉnh thể liền mạch. Một tác phẩm nhạc phim hoàn chỉnh cũng có các nhạc đề của từng phân đoạn được phát triển, biến tấu từ chính đề ban đầu. Chính vì thế, nhiều khán giả xem phim xong đều nhớ ngay giai điệu chính đề và đó chính là thành công của người viết nhạc phim.
Thực tế, ở Việt Nam có nhiều nhạc sỹ có tài viết nhạc phim. Điển hình là Đức Trí, Trần Mạnh Hùng, Bảo Chấn… Có những người đã bắt đầu viết nhạc phim từ khi còn rất trẻ. Nhưng lực lượng nhạc sỹ trẻ kế cận họ có thể viết nhạc phim thì gần như không có hoặc nếu có thì cũng chưa tới độ chín.
Trớ trêu thay là thế hệ nhạc sỹ trẻ hiện nay lại đang rất ăn khách trong vai trò những người viết các ca khúc hits. Vì thế, những nhà sản xuất, những đạo diễn không am tường về nhạc phim đã tìm đến họ với hi vọng duy nhất: có ca khúc hits để quảng bá tốt cho phim.
Một số ít đạo diễn khắt khe vẫn trung thành với một người viết nhạc phim duy nhất. Điển hình là mối quan hệ Lưu Huỳnh - Đức Trí, Charlie Nguyễn - Christophe Wong chẳng hạn. Họ thừa nhận rằng lực lượng nhạc sỹ trẻ chưa đủ tầm, chưa đủ trình để viết nhạc phim thực thụ.
Còn những nhạc sỹ trẻ, họ nghĩ gì ngoài việc làm sao mỗi năm phải cày cho ra một hai ca khúc hits. Họ không quan tâm tới việc phải cải thiện mình để làm được những việc lớn lao hơn (viết nhạc phim). Và điều đó đang tạo ra một khoảng trống thực sự cho nền âm nhạc điện ảnh Việt.