“Sự trỗi dậy” của nhạc phim Việt

Thứ Bảy, 10/03/2018, 08:39
Thời gian gần đây, ngày càng nhiều ca khúc nhạc phim truyền hình, điện ảnh Việt nhận được sự yêu thích của khán giả. Điều đáng quan tâm là có ca khúc nhạc phim liên tiếp đứng đầu các bảng xếp hạng âm nhạc trực tuyến. Rõ ràng, khi được đầu tư một cách nghiêm túc và chỉn chu thì nhạc phim hoàn toàn có thể thu hút lượng người xem, người nghe không thua kém bất kỳ ca khúc độc lập nào khác.


Những ca khúc nhạc phim triệu view

Giải thưởng âm nhạc trực tuyến "Zing Music Award" 2017 lần đầu tiên có thêm hạng mục nhạc phim hay nhất. Điều này cho thấy, sự phát triển mạnh mẽ và có sức lan tỏa của nhạc phim trong thời gian gần đây. Nhiều ca khúc nhạc phim đã có "sức sống" mạnh mẽ ngay cả khi bộ phim kết thúc, liên tiếp có được thứ hạng cao trên các bảng xếp hạng âm nhạc Vpop.

Top 5 ca khúc nhạc phim xuất hiện trong danh sách đề cử "Ca khúc nhạc phim được yêu thích nhất" 2017 gồm: "Yêu là tha thu" (phim "Em chưa 18", sáng tác và biểu diễn Only C), "Cô Ba Sài Gòn" (phim "Cô Ba Sài Gòn", sáng tác: Only C, Nguyễn Phúc Thiện, biểu diễn Đông Nhi), "Cô gái ngày hôm qua" (phim "Cô gái đến từ hôm qua", sáng tác và biểu diễn Vũ Cát Tường), "Em chưa 18" (phim "Em chưa 18", biểu diễn Will, Kaity Nguyễn, Lou Hoàng), "Lạc nhau có phải muôn đời" (phim "Chờ em đến ngày mai", sáng tác Triết Phạm, biểu diễn Erik). Kết quả chung cuộc, ca khúc "Yêu là tha thu" được vinh danh ở hạng mục "Ca khúc nhạc phim được yêu thích nhất".

"Yêu là tha thu" được vinh danh ở hạng mục "Ca khúc nhạc phim được yêu thích nhất" giải thưởng Zing Music Award 2017 hồi trung tuần tháng 1-2018.

Có thể khẳng định rằng, sự thành công vang dội của bộ phim "Em chưa 18" có sự "góp sức" không nhỏ của ba ca khúc hit thu hút hàng chục, thậm chí là hàng trăm triệu lượt xem trên youtube: "Yêu là tha thu" với 99 triệu lượt xem, "Nơi ta chờ em" thu hút gần 15 triệu lượt xem, "Em chưa 18", thu hút hơn 15 triệu lượt xem. Ba ca khúc có giai điệu âm nhạc khác nhau đã mang đến sự đa dạng, phong phú cho phần âm nhạc của phim.

"Yêu là tha thu" được khán giả yêu thích nhất vì giai điệu nhẹ nhàng, dễ nghe, thời thượng, phù hợp với nội dung phim. Ngay cả cái tên ca khúc - "Yêu là tha thu" cũng gây tò mò cho khán giả. Ca khúc này thậm chí còn trở thành bản hit trước khi bộ phim "Em chưa 18" khuynh đảo các phòng vé và đạt kỷ lục về doanh thu trong lịch sử phim Việt.

MV ca khúc "Cô Ba Sài Gòn" do Đông Nhi thể hiện thu hút gần 3 triệu lượt người xem trên youtube. Ca khúc gây chú ý nhờ giai điệu sôi động, trẻ trung. MV ca khúc được đầu tư mạnh mẽ về trang phục, bối cảnh, biên đạo, tạo nên một tổng thể hài hòa, ấn tượng.

Ca khúc nhạc phim "Lạc nhau có phải muôn đời" do ca sĩ Erik biểu diễn thu hút gần 30 triệu lượt người xem trên youtube. "Lạc nhau có phải muôn đời" có giai điệu đẹp, dễ nghe được thể hiện thành công qua giọng hát cảm xúc, đầy nội lực của chàng ca sĩ trẻ được "mệnh danh" là "Hoàng tử nhạc phim" - Erik.

Ngoài ra, có thể "điểm danh" một số ca khúc bước ra từ phim và được khán giả yêu thích với tư cách một ca khúc độc lập trong thời gian gần đây như "Ngồi hát đỡ buồn" (sáng tác Nguyễn Hải Phong, biểu diễn Trúc Nhân, phim "Cô gái đến từ hôm qua", "Mình yêu nhau tự bao giờ" (phim "Em là bà nội của anh"), "Cho em gần anh thêm chút nữa" trong bộ phim cùng tên…

Trong lĩnh vực truyền hình có ca khúc "Cánh hoa tàn" (sáng tác Cao Trung Hiếu, ca khúc chủ đề phim "Mẹ chồng"), "Càng ghét, càng yêu" (sáng tác nhạc sĩ Đặng Duy Chiến, phim "Ghét thì yêu thôi), "Chút tình mùa lá bay" (sáng tác nhạc sĩ Nguyễn Đức Cường trong phim "Giao mùa"), "Ngược chiều nước mắt" (sáng tác Trần Quang Duy) trong bộ phim truyền hình cùng tên, "Trầu không" (sáng tác Nguyễn Quang Hưng, phim "Thương nhớ ở ai"), "Ngơ ngác cỏ may" (sáng tác nhạc sĩ Tiến Minh) phim "Hoa cỏ may" phần 3…

Có thể là "cứu tinh" cho nhạc Việt?

Có thể thấy rằng, thị hiếu thưởng thức nghệ thuật của khán giả Việt ngày càng được nâng cao. Một bộ phim hay không chỉ đơn thuần ở nội dung, diễn xuất của diễn viên, cảnh quay đẹp… mà còn cần ca khúc âm nhạc chủ đề hay. Nhạc phim hay không chỉ góp phần làm tăng cảm xúc cho khán giả, giúp khán giả hiểu sâu sắc hơn nội dung phim mà trong một số trường hợp, nhạc phim còn là "cứu tinh" cho phim.  

Bộ phim "Chờ em đến ngày mai" bị đánh giá là không thành công về mặt nội dung cũng như diễn xuất của các diễn viên, nhưng ca khúc "Lạc nhau có phải muôn đời" đã trở thành ca khúc ăn khách của Erik. Tương tự như vậy, dù không đạt doanh thu như kỳ vọng nhưng phim "Lôi báo" của đạo diễn Victor Vũ cũng được sự chú ý ở nhạc phim.

Ca khúc "Chỉ có tình yêu ở lại" (sáng tác Dương Khắc Linh, biểu diễn Trọng Hiếu Idol) đã truyền tải được đầy đủ nội dung phim với thông điệp nhân văn sâu sắc. Đi ra từ nhạc phim nhưng "Chỉ có tình yêu ở lại" cũng có được "cuộc sống độc lập" trong đời sống âm nhạc Việt.

Ca khúc "Lạc nhau có phải muôn đời" do ca sĩ Erik biểu diễn thu hút gần 30 triệu lượt người xem trên youtube dù bộ phim "Chờ em đến ngày mai" không được đánh giá cao.

Nhiều người cho rằng, sở dĩ thời gian gần đây xuất hiện nhiều nhạc phim hay là do được cộng hưởng từ sức hút của bộ phim. Bên cạnh đó là chất lượng ca khúc được đầu tư chỉn chu, kỹ lưỡng hơn. Khi được đầu tư nghiêm túc, bài bản, có chất lượng nghệ thuật cao, ca khúc nhạc phim được khán giả nồng nhiệt đón nhận là điều dễ hiểu.

Một bộ phim không chỉ có một ca khúc chủ đề mà còn có nhiều ca khúc khác nhau. Nhà sản xuất chú tâm vào thực hiện những sản phẩm riêng biệt cho nhạc phim. MV, MV Lyric được đầu tư kỹ lưỡng về nội dung và tung ra vào nhiều thời điểm khác nhau cùng với chiến lược PR phim. Có ca khúc nhạc phim còn gây sốt trước cả khi bộ phim được giới thiệu đến công chúng.

Một thực tế dễ nhận thấy là các nhà sản xuất phim tìm đến các nhạc sĩ "hot", những "phù thủy tạo hit" - "hit - maker" để đặt hàng viết nhạc phim. Sức nóng từ tên tuổi của nhạc sĩ, ca sĩ thể hiện ca khúc cũng gây được sự chú ý của đông đảo khán giả, nhất là khán giả trẻ. Mẫu số chung của những ca khúc nhạc phim hit là giai điệu, lời ca ý nghĩa, khái quát được nội dung tư tưởng của phim và được thể hiện bởi những giọng ca giàu cảm xúc. Lời ca khúc phải dễ nghe, dễ thuộc, thậm chí là "thời thượng", "đánh trúng" tâm lý của giới trẻ.

Một số nhạc sĩ cho rằng, viết nhạc phim có điều kiện thuận lợi là nội dung ca khúc rõ ràng vì phải bám sát mạch phim nhưng khó viết hay do cảm xúc sáng tạo bị giới hạn trong khuôn khổ nội dung phim. Trong sáng tạo nghệ thuật nói chung thì cảm xúc đóng vai trò hết sức quan trọng. Người sáng tác phải tìm được "tứ" từ nội dung phim, khơi gợi cảm xúc sáng tạo nghệ thuật để có được ca khúc hay, ý nghĩa, có sức lan tỏa trong cộng đồng.

Nhạc phim giống như tuyên ngôn, chủ đề tư tưởng của bộ phim. Nhạc phim hay sẽ tạo điểm nhấn, làm cho cảnh phim, lời thoại của diễn viên thêm cảm xúc, hấp dẫn hơn. Nhạc phim là một bộ phận quan trọng, góp phần không nhỏ tạo nên thành công của phim. Bên cạnh đó, nhạc phim còn là một kênh quảng bá phim hiệu quả. Với ca sĩ, nhạc sĩ thì phim cũng là cơ hội để ca khúc được đến gần hơn với công chúng thông qua sức nóng của phim và các sự kiện quảng bá phim.

Nhạc phim và phim có sự cộng sinh hiệu quả. Điều này lý giải tại sao trong thực tế, không chỉ nhà sản xuất phim tìm đến nhạc sĩ đặt hàng ca khúc mà có nhạc sĩ tìm đến nhà làm phim để "ứng cử" sáng tác ca khúc.

Nhiều người cho rằng, trong thời gian tới, nhạc phim sẽ tiếp tục được các nhà sản xuất phim đầu tư và là lĩnh vực hứa hẹn có nhiều đột phá mới mẻ . Sự lên ngôi của nhạc phim là dấu hiệu đáng mừng cho thị trường nhạc Việt và nền điện ảnh, phim truyền hình Việt. Trong bối cảnh nhạc Việt đang bị đánh giá là có quá nhiều quá khúc nhạt nhẽo, ca từ vô nghĩa thì những ca khúc nhạc phim với chủ đề và nội dung rõ ràng có thể sẽ là "cứu tinh" cho nhạc Việt.

Tường Phạm
.
.