Chờ đợi những làn gió mới từ dòng phim Việt hóa

Thứ Bảy, 11/04/2020, 08:23
Lên sóng tập đầu tiên vào ngày 19/3 vừa qua, “Phòng trọ Balanha” (đạo diễn Khải Anh, Việt hóa từ bộ phim “Welcome to Waikiki” của Đài JTBC, Hàn Quốc) đang nhận được nhiều phản hồi tích cực của khán giả. Sự trở lại của dòng phim remake cùng những gương mặt mới đang tạo nên làn gió mát lành cho phim truyền hình Việt.


Làn gió mát lành từ những gương mặt trẻ

Năm 2019 được đánh giá là một năm thành công của phim truyền hình thuần Việt, nổi bật nhất phải kể đến “Về nhà đi con” phát sóng trên kênh VTV 1 (đạo diễn Nguyễn Danh Dũng). Bộ phim khai thác đề tài gia đình, trở thành “bộ phim quốc dân” với tần suất người xem cao ngất ngưởng. Cùng với đó, tên tuổi của những diễn viên trẻ tham gia phim như Quốc Trường, Bảo Thanh, Bảo Hân… “lên như diều gặp gió.

Một số phim thuần Việt khác nhận được sự chú ý của khán giả trong năm 2019 còn phải kể đến như “Hoa hồng trên ngực trái” (đạo diễn Vũ Trường Khoa), “Mê Cung” (đạo diễn Nguyễn Khải Anh, Trần Trọng Khôi), “Bán chồng” (đạo diễn Lê Hùng Phương), “Những cô gái trong thành phố” (đạo diễn Vũ Trường Khoa), “Tiếng sét trong mưa” (đạo diễn Nguyễn Phương Điền)… 

Thành công của những bộ phim truyền hình thuần Việt kể trên khiến sự xuất hiện của “Phòng trọ Balanha” làm không ít người bất ngờ. Bởi lẽ, tưởng rằng, “thừa thắng xông lên”, dòng phim thuần Việt sẽ tiếp tục được khai thác để chiếm lĩnh thị trường. Bên cạnh đó, sự thất bại của một số dự án phim remake đình đám thời gian gần đây có thể làm các nhà sản xuất “chùn bước”.

Dàn diễn viên tham gia phim “Phòng trọ Balanha”, phim Việt hóa từ tác phẩm “Welcome to Waikiki” của Hàn Quốc.

Mới lên sóng được vài tập nhưng “Phòng trọ Balanha” đã ngay lập tức tạo được sức hút với khán giả, nhất là các bạn trẻ. Bộ phim là cuộc hành trình vào đời của các bạn trẻ Lâm (Công Dương đóng), Bách (Xuân Nghị đóng) và Nhân (Trần Nghĩa đóng) cùng những người bạn của mình. Trong cuộc hành trình ấy, họ gặp không ít thất bại, vấp ngã rồi đứng dậy, sửa sai. Đan xen câu chuyện theo đuổi ước mơ là những mối quan hệ về tình bạn, tình yêu, tình người… Phim hấp dẫn người xem nhờ yếu tố bất ngờ, hài hước, cách kể chuyện dí dỏm, có duyên.

Nhiều người cho rằng, một trong những yếu tố tạo nên thành công ban đầu của “Phòng trọ Balanha” chính là dàn diễn viên trẻ đầy năng lượng, tươi mới. Nói mới thì chưa hẳn là mới bởi những cái tên như Công Dương, Xuân Nghị, Trần Nghĩa, Quỳnh Kool… không xuất hiện nhiều trên truyền hình nhưng lại khá phổ biến trên mạng xã hội. Công Dương được biết đến với biệt danh “hotboy lai Thái”, với nhiều bộ ảnh đẹp và một số phim ngắn online. Trần Nghĩa cũng là cái tên được “lùng sục” sau khi xuất hiện với vai thầy giáo trong phim điện ảnh “Mắt biếc” ra rạp hồi đầu năm 2020…

Tuy nhiên, “Phòng trọ Balanha” là một trong số ít bộ phim của Đài Truyền hình Việt Nam sử dụng gần như toàn bộ diễn viên trẻ mà không có diễn viên gạo cội, đóng vai trò “đinh” trong phim. Có lẽ, sự mạo hiểm của đạo diễn Khải Anh lần này đã phát huy vai trò tích cực khi người xem thấy được năng lượng mới, sự trong sáng, vô tư, mộc mạc, có phần “ngây ngô” trong diễn xuất của các diễn viên. Đồng thời, khán giả cũng thấy được sự đồng đều trong diễn xuất của các diễn viên.

Ngoài “Phòng trọ Balanha”, một số bộ phim truyền hình remake khác sẽ lên sóng thời gian tới còn có: “Gia đình là số 1” (phần 3, phát sóng trên HTV7) làm lại từ bộ phim ăn khách cùng tên phiên bản Hàn Quốc, “Vua bánh mì” (mua bản quyền từ Hàn Quốc) sẽ lên sóng Đài truyền hình Vĩnh Long... Trong đó, “Gia đình là số 1” phần 3 sẽ có sự xuất hiện của gương mặt mới nổi là diễn viên Quốc Anh.

Không dễ thành công với phim Việt hóa

Thực tế cho thấy, thời gian gần đây, các nhà sản xuất đã khá mạnh dạn, “đặt niềm tin” vào những gương mặt trẻ. Phim remake trở thành “mảnh đất màu mỡ” để phát hiện, ươm mầm những tài năng mới. Đồng thời, chính những gương mặt mới đã thổi vào phim truyền hình những làn gió mát lành.

Những cái tên như Bảo Thanh trong “Sống chung với mẹ chồng”, Thúy Ngân, Phương Hằng trong “Gạo nếp gạo tẻ”, Xuân Nghị trong “Ngày ấy mình đã yêu”… là những phát hiện thú vị của các nhà sản xuất. Cũng chính từ “bệ phóng” của phim truyền hình nói chung, phim remake nói riêng, những nghệ sĩ này đã vươn lên, khẳng định tài năng diễn xuất của mình.

Tuy nhiên, sử dụng diễn viên trẻ, ít kinh nghiệm trong những tác phẩm vốn đã nổi tiếng cũng khá mạo hiểm bởi không phải diễn viên nào cũng có thể hóa thân thành công vào nhân vật. Sự thất bại của “Hậu duệ mặt trời” phiên bản Việt là một ví dụ.

Dù có ngoại hình đẹp không kém gì diễn viên Hàn Quốc nhưng rõ ràng, cách diễn, biểu cảm của Khả Ngân, Hữu Vi không thể so sánh với tài năng của dàn diễn viên tham gia “Hậu duệ mặt trời” phiên bản gốc. Lỗi tương tự về việc lựa chọn diễn viên cũng xảy ra với “Ngôi nhà hạnh phúc” phiên bản Việt trước đây.

Điều này đặt ra vấn đề với các nhà sản xuất khi lựa chọn diễn viên phù hợp, tương xứng với phiên bản gốc. Có thể thấy rằng, với những tác phẩm có nhân vật đòi hỏi khả năng diễn xuất, biểu cảm đa dạng của diễn viên thì việc lựa chọn gương mặt mới, tài năng chưa được khẳng định và kiểm chứng sẽ là phương án mạo hiểm.

Một cảnh trong phim “Hậu duệ mặt trời” phiên bản Việt.

Tất nhiên, không phủ nhận rằng, có những diễn viên trẻ, mới có tài năng xuất sắc. Bên cạnh đó, với những tác phẩm mà nhân vật không đòi hỏi quá cao về chiều sâu diễn xuất thì việc tìm kiếm gương mặt mới là điều nên làm. Quan trọng nhất vẫn là sự phù hợp của diễn viên với vai diễn.

Điều này có thể minh chứng qua trường hợp phim “Phòng trọ Balanha”. Các vai diễn trong phim không đòi hỏi sự đa dạng, chiều sâu trong diễn xuất như các nhân vật của “Hậu duệ mặt trời” nên lựa chọn những bạn trẻ, đang có sức hút trên mạng xã hội là giải pháp thông minh. Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận rằng, êkip sản xuất “Phòng trọ Balanhan” chịu ít áp lực từ phiên bản gốc hơn so với “Hậu duệ mặt trời” vì không nhiều khán giả biết đến bộ phim “Welcome to Waikiki”.

Quay trở lại câu chuyện về dòng phim remake. Câu hỏi đặt ra là, tại sao dòng phim remake lại quay trở lại vào thời điểm hiện nay?. Rất nhiều người cho rằng, để phát triển phim Việt, không nên “trông chờ” vào dòng phim này và phim remake phát triển chứng tỏ phim thuần Việt đang “cạn kiệt” ý tưởng. Tuy nhiên, luồng ý kiến khác cho rằng, phim remake quay trở lại chỉ đơn giản là “sự giao thoa văn hóa”, đáp ứng nhu cầu của khán giả.

Phần lớn các nhà sản xuất cho rằng, làm phim remake có mức độ an toàn về mặt kịch bản. Nhiều phim đã có tiếng trong khu vực và trên thế giới nên đã có lượng fan nhất định. Ngoài ra, kịch bản của những tác phẩm này rất tốt.

Bên cạnh đó, các đài truyền hình đã và đang phát triển các ứng dụng tiện ích để thuận lợi trong việc tiếp cận khán giả. Khi lượng khán giả tăng lên, điều đó cũng đồng nghĩa rằng sẽ có nhiều phân khúc khách hàng khác nhau với thị hiếu đa dạng. Có khách hàng thích xem phim nước ngoài, phim thuần Việt nhưng cũng có khách thích xem phim Việt hóa. Khai thác dòng phim remake cũng là cách đáp ứng thị hiếu đa dạng của khách hàng.

Có những thuận lợi từ phiên bản gốc, phim Việt hóa tưởng dễ làm nhưng thực tế không hoàn toàn như vậy. Kinh phí mua bản quyền cao, nhất là phim đã có tiếng vang trên thị trường. Bên cạnh đó, phim remake còn phải tuân thủ nhiều điều kiện rất khắt khe từ đơn vị nắm giữ bản quyền. Điều này sẽ hạn chế khâu sáng tạo của nhà sản xuất mới.

Tuy nhiên, rào cản lớn nhất của các nhà sản xuất chính là áp lực từ sự thành công của phiên bản gốc. Không dễ vượt qua cái bóng để phiên bản remake trở thành “sự sáng tạo tiếp theo” của phiên bản gốc. Sự thất bại của các sản phẩm Việt hóa “Hậu duệ mặt trời”, “Ngôi nhà hạnh phúc”, “Mối tình đầu của tôi”… là bài học nhãn tiền cho các nhà sản xuất. Bám quá sát phiên bản gốc, sự “Việt hóa” chưa tới nơi, tới chốn, thiếu tính sáng tạo… được cho là nguyên nhân của thất bại này. Sự sáng tạo nào cũng đáng được trân trọng và thêm một phim remake thành công là mang thêm một món ăn tinh thần cho khán giả Việt.

Phạm Thiên Giang
.
.