Khi nốt nhạc bật ra từ cuộc sống

Thứ Bảy, 11/02/2017, 08:00
Thay vì khai thác đề tài tình yêu đầy giận hờn, mong nhớ, thất tình... đã quá quen thuộc thì đề tài xã hội với sự đa dạng và biến chuyển không ngừng của nó đang trở thành mảnh đất béo bở cho các nhạc sĩ trẻ trổ tài. Rất nhiều ca khúc bước ra từ thực tế đời sống đã chinh phục thính giả...


Những tiếng nói của cộng đồng

Mùa Tết 2017 có thêm hai ca khúc mới khuấy đảo làng nhạc trẻ: “Bao giờ lấy chồng” và “Đi để trở về”.  Không sa đà vào không khí đoàn viên, lễ hội tưng bừng, chúc tụng đầu năm… thường thấy ở các nhạc phẩm về đề tài Tết đến, xuân sang, “Bao giờ lấy chồng” chọn hướng đi riêng đầy mới mẻ, khác biệt nhưng cũng rất gần gũi mà mọi người không mấy để ý.  Đó là câu chuyện của những cô gái bị gắn mác “gái ế” trước câu hỏi muôn năm cũ của gia đình, bà con chòm xóm mỗi khi các cô về quê ăn Tết: “Bao giờ lấy chồng?”.

Ca khúc của êkip ca sĩ Bích Phương tinh ý chạm đúng nỗi lòng của các nàng bị gắn mác “ế” nên không ngạc nhiên khi nó làm khuynh đảo các bản xếp hạng và được chia sẻ rầm rộ trên các trang mạng xã hội.

Bích Phương chia sẻ: “Ngay từ đầu Phương đã lên kế hoạch cho một sản phẩm nhạc xuân có khả năng lan tỏa rộng rãi bởi Phương nhận thấy bao năm nay dường như giới trẻ thiếu đi một khúc ca xuân nào đó khiến mọi người hát theo nhiều. Câu chuyện lấy chồng là đề tài rất thời sự và gần gũi với các bạn gái đã gần tuổi “băm””.

Ca sĩ Bích Phương gây chú ý khi cho ra mắt ca khúc “Bao giờ lấy chồng”.

Còn “Đi để trở về” là ca khúc mới nhất do Tiên Cookie sáng tác riêng cho Soobin Hoàng Sơn. Đó là hành trình khám phá của một chàng trai trẻ ở những chân trời mới, anh đi khắp mọi miền gặp gỡ người dân muôn nơi và chìm đắm trong thiên nhiên hùng vĩ. Chặng cuối hành trình của chàng trai là mái ấm thân thương, nơi có vòng tay mẹ cha đón đứa con xa nhà trở về.

Bài hát thu hút hàng triệu lượt xem bởi đã gửi gắm một triết lý sâu sắc mà giản dị: “Điều kỳ diệu là con người ta đi xa hơn để trưởng thành hơn, nhưng không quên mang theo bên cạnh hành trang nỗi nhớ gia đình”. Và có đi xa thì mới có sự trở về, có đi xa mới hiểu được tình yêu mình dành cho nơi chôn nhau cắt rốn đầy vơi nhường nào.Từ đó mà trân quý để sống tốt hơn.

“Đi để trở về” nhanh chóng trở thành slogan mới mẻ của tuổi thanh xuân. Trên chặng đường phượt hoặc bon bon chiếc xe máy về quê, rất nhiều bạn trẻ đã mặc những chiếc áo in hình slogan ấy và hát vang ca từ đầy mến thương mà Soobin Hoàng Sơn đã thể hiện rất nhân văn, xúc động.

Hai ca khúc trên nằm trong trào lưu sáng tác các nhạc phẩm mang đậm tính xã hội, gắn liền với các vấn đề thời sự, nhân sinh đang sôi động vài năm trở lại đây. Tiếp theo những tuyệt phẩm như “Bác làm vườn và con chim sâu”, “Thật bất ngờ”, “Vì tôi còn sống”, “Sống như những đóa hoa”…, năm nay nổi lên các ca khúc như “Trên tường nhà dưỡng lão” của Hamlet Trương, “Nước ngoài” của Phan Mạnh Quỳnh, “Đừng nhìn bề ngoài” nói về mặt trái của giới showbiz (nhóm MTV); “Uống trà”, “Người” của Phạm Toàn Thắng thể hiện suy nghĩ của thế hệ trẻ đối với bậc cha ông đã hy sinh thầm lặng trong chiến tranh. Đặc biệt, ở chương trình “Sing My Song”, những ca khúc đề tài xã hội được dịp bùng nổ. Đó là “Ông bà anh”, là “1+1=”, là “Xách balô lên và đi”, “Người mù”, “Hồi ức” …

Cảm xúc thật giúp né lối mòn?

Nhạc sĩ Lê Minh Sơn cho rằng viết về đề tài xã hội rất dễ bị nhạt. Các vấn đề xã hội thường rất rộng, nếu người nhạc sĩ không biết chọn lấy một vấn đề khác biệt cụ thể mà chỉ viết chung chung thì dễ cho ra đời những nhạc phẩm có ca từ đao to búa lớn, lên mặt dạy dỗ kiểu sáo rỗng, giáo điều.

Nhạc sĩ Mew Amazing, tác giả của “Bác làm vườn và con chim sâu”, “Thật bất ngờ”, cho rằng đề tài xã hội khó ở chỗ nó đòi hỏi người viết phải có trải nghiệm thật, cảm xúc thật; đồng thời phải tri thức, nhân sinh quan bao quát, có tâm hồn rộng mở, cảm nhận tinh tế và phải trau chuốt ca từ thì ca khúc mới chạm được vào cảm xúc của người nghe.

Nhiều người trong giới chuyên môn vẫn e ngại đề tài này vì nó dễ bị khô khan, không mang nhiều tính lãng mạn như đề tài tình yêu – điều mà ai cũng có trải nghiệm để lấy được cảm xúc của công chúng.

E ngại này càng tăng với đội ngũ sáng tác trẻ. Bởi tuổi đời của họ thường bị cho là còn non nớt để có trải nghiệm, cảm xúc dày dặn. Ngay cả những bản nhạc về tình yêu của cây viết trẻ dù có là “hit” (ca khúc ăn khách) hiện nay thì nó cũng nổi lên một thời gian rồi chìm xuồng bởi độ sâu sắc, thông điệp của bài hát hầu như không có. Nó “hit” bởi đơn giản nhờ giai điệu và phần hòa âm bắt tai, ca từ dễ nghe, dễ thuộc chứ không có ý tứ sâu xa.

Một cảnh trong MV “Đi để trở về”.

Thế nhưng sự lo lắng ấy bây giờ đang dần được xóa nhòa. Đội ngũ nhạc sĩ trẻ biết cầu tiến và học hỏi từ sự hỗ trợ của thế hệ đi trước. Những người trẻ thực sự tài năng và làm nghề nghiêm túc đang tự tạo áp lực và thách thức cho chính mình để tạo ra sản phẩm hay, cân bằng được yếu tố nghệ thuật và thị trường chứ không sa đà vào những thứ dễ dãi, rẻ tiền. Câu chuyện được đề cập trong các ca khúc rất đời thường với ca từ gần gũi, giản dị nhưng cũng rất chuẩn mực, văn chương, đặc biệt là thông điệp nhân văn chuyển tải trong đó.

Các nhạc sĩ trẻ đã biết lượng sức mình, họ không với tới điều cao siêu mà viết từ những điều mình nghe, mình thấy trong cuộc sống thường nhật. “Ông bà anh” là hai cách yêu khác biệt của hai thế hệ già – trẻ; thế hệ của những điều giản dị với chiếc xe đạp Thống Nhất màu xanh, với đóa hoa là món quà đầu tiên; thế hệ của của những bạn trẻ yêu nhau thời công nghệ thông tin, mạng xã hội như Facebook, Zalo… lên ngôi.

Thời đại này, hai người trẻ yêu nhau ngồi bên nhau hằng giờ những rất ít nói chuyện với nhau, ai cũng chăm chăm vào thế giới ảo trên chiếc điện thoại.Đó là hiện tượng đáng buồn mà chúng ta bắt gặp nhan nhản hằng ngày ở các quán cà phê, ở công viên nơi trai gái hẹn hò nhưng chúng chưa hề được đưa vào âm nhạc.

Lê Thiện Hiếu là người đầu tiên. Nên không lạ khi “Ông bà anh” gây sốt đến nỗi Hội đồng Thi học kỳ I Trường THPT Trường Chinh (TP Hồ Chí Minh) đưa ngay vào đề thi môn ngữ văn nhằm giáo dục nhân cách, cách ứng xử của giới trẻ trong thời đại bùng nổ thông tin. Rõ ràng, âm nhạc của người trẻ đã có tiếng nói tác động tích cực đến cộng đồng.

Còn Bùi Caroon sáng tác bài “Người mù” từ chính sự xúc động khi hằng ngày chứng kiến một ông lão mù bán vé số thanh thản đón nhận mọi âm thanh bộn bề của cuộc sống mà không bận tâm năn nỉ người mua rủ lòng thương. Nói về chuyện vô ý thức của người đi đường khiến cho nạn kẹt xe thêm trầm trọng có bài hát “Hai con dê qua cầu” của Trần Toàn K300; “Nước ngoài” của Phan Mạnh Quỳnh đề cập đến nỗi lòng tha phương của người Việt đi xuất khẩu lao động…

Những cảm xúc rất thật đã giúp các sáng tác trẻ tránh được lối mòn, tìm kiếm cho mình sự tươi mới khác biệt mà chạm vào cõi người. Khi họ biết đau, biết khóc, biết vui, biết buồn trước thực tế cuộc sống, dù đó là điều nhỏ bé nhất, thì khi ấy âm nhạc bật ra như một điều tất yếu.

Theo đuổi đề tài xã hội, cộng đồng, Lê Thiện Hiếu tâm sự anh muốn âm nhạc của mình phải là tiếng nói chung của mọi người chứ không phải chỉ là câu chuyện vụn vặt, yêu ghét của cá nhân mình. Đó cũng là cách nhạc sĩ thể hiện trách nhiệm công dân với xã hội. Bởi điều cuối cùng mà các ca khúc này hướng tới là giúp con người ta sống đẹp hơn, xã hội bớt dần điều chướng tai gai mắt.

Nhạc sĩ Trần Tiến - người có nhiều ca khúc xã hội như “Ý nghĩa trong phòng hải quan”, “Đồng hồ”, “Trần trụi 87”… -  luôn tin tưởng vào những cây bút trẻ dù có lúc dòng nhạc của họ toàn ồn ào các bài hát hời hợt, thô thiển. Ông cho rằng những ca khúc dễ dãi của nhạc trẻ chỉ là bề nổi, vẫn còn đó những cây bút đầy tài năng như mầm xanh đợi mưa.

“Một khu rừng bị cháy tàn lụi nhưng sau một thời gian sẽ có cây non mọc lên và đâm chồi nảy lộc.Nền âm nhạc của chúng ta cũng vậy thôi. Hãy để giới trẻ có cơ hội thể hiện sự sáng tạo và đột phá của mình. Họ có nhiều cái hay ho lắm” – nhạc sĩ Trần Tiến khẳng định.

Phan Thi Uyên
.
.