Trào lưu hát, làm mới những ca khúc Bolero: Hãy trả lại tên cho em...

Chủ Nhật, 06/11/2016, 08:00
“Nhạc bolero đang quay trở lại”, “sự hồi sinh của dòng nhạc xưa”... là thuật ngữ được đề cập khá nhiều trong thời gian gần đây. Có thể nói rằng, chưa bao giờ, nhạc bolero lại xuất hiền ồ ạt, ồn ào trên các sân khấu Việt như hiện nay. Trong bối cảnh, “người người hát bolero”, việc tìm tòi, thử nghiệm cách thể hiện ca khúc mới là điều rất đáng trân trọng nhưng đã xuất hiện những “phá cách” mà có thể, với cách làm mới này, bolero đã không còn là chính nó nữa.


Bolero trở lại, có lợi hại hơn xưa?

Phải thừa nhận một điều rằng, truyền hình “có công” rất lớn trong việc đưa nhạc bolero quay trở lại, “phổ cập” dòng nhạc này với đông đảo công chúng yêu âm nhạc. Trong thị trường âm nhạc hiện đại vốn tồn tại song hành nhiều dòng nhạc khác nhau nhưng cơ bản nhất vẫn là nhạc trẻ sôi động thì sự xuất hiện những ca khúc trữ tình, ngọt ngào, sâu lắng, da diết của dòng nhạc bolero là một “nốt lặng” rất đáng quý.

Chương trình “Solo cùng bolero” (Đài truyền hình Vĩnh Long) mùa thứ ba đã lên sóng tập đầu tiên hôm 28/10 vừa qua. Theo thông tin từ Ban tổ chức thì “Solo cùng Bolero” 2016 thu hút số lượng thí sinh đăng ký dự thi ở mức kỷ lục - 24 nghìn người, cao gấp 3 lần so với mùa đầu tiên và hơn 20% so với mùa thứ hai. Ngoài việc có những thay đổi về luật chơi, “Solo cùng bolero” năm nay còn có thêm 18 ca khúc sáng tác trước năm 1975 được cấp phép lần đầu tiên xuất hiện trong chương trình.

Chương trình “Solo cùng Bolero” 2016 thu hút số lượng thí sinh “khủng” đăng ký dự thi, cao gấp 3 lần mùa đầu tiên.

Trước khi “Solo cùng bolero” 2016 diễn ra, chương trình “Tình bolero” (phiên bản dành cho nghệ sỹ) cũng thành công vang dội. Một chương trình khác “chuyên trị” dòng nhạc bolero là “Thần tượng bolero” (phát sóng trên VTV3 - Đài truyền hình Việt Nam) cũng nhận được sự chú ý của nhiều khán giả. Ngoài ra, cũng không ít thí sinh lựa chọn ca khúc thuộc dòng nhạc bolero để thể hiện trong những chương trình truyền hình thực tế tìm kiếm tài năng âm nhạc như “Nhân tố bí ẩn”, “Giọng hát Việt”…

Câu hỏi đặt ra là, vì sao lại có nhiều bạn trẻ yêu mến dòng nhạc bolero và tại sao phải chờ đến thời điểm này, bolero mới quay trở lại một cách “ngoạn mục” như vậy?. Lý giải vấn đề này, nhiều người cho rằng, bolero chưa bao giờ “chết” hay “biến mất” mà vẫn tồn tại như mạch ngầm lặng lẽ chảy trong lòng những khán giả trung thành của nó. Những giọng ca vàng của dòng nhạc bolero luôn có chỗ đứng trang trọng trong lòng khán giả yêu nhạc.

Bên cạnh đó, số lượng thí sinh lựa chọn dòng nhạc bolero khi tham gia các cuộc thi tìm kiếm tài năng âm nhạc chưa thể khẳng định được rằng, liệu “dòng nhạc tình” này có thực sự phát triển mạnh mẽ hay không. Có thế, các thí sinh hát bolero đơn thuần theo “phong trào” và không phải giọng ca nào cũng phù hợp để hát bolero.

Trào lưu ca sĩ Việt hát bolero đang “thịnh” trong showbiz Việt hiện nay. Có người còn nói vui rằng, muốn “mở rộng biên độ khán giả” hoặc “giữ chân” fan hâm mộ thì ca sĩ phải biết hát nhạc tình. Mới đây nhất, ca sĩ Hồ Quỳnh Hương đánh dấu sự trở lại của mình bằng một album nhạc bolero mang tên “Tuyển tập âm nhạc Hương xưa 1” khiến nhiều khán giả cảm thấy bất ngờ.

Là một ca sĩ thành danh từ dòng nhạc trẻ với không ít ca khúc “hit” nên việc Hồ Quỳnh Hương “đột ngột” chuyển hướng sang hát bolero được đánh giá là “khúc cua” mạo hiểm. Hồ Quỳnh Hương chia sẻ rằng, cô đã phải mất 4 năm để hoàn thành album “Tuyển tập âm nhạc Hương xưa 1”.

Album gồm những ca khúc nổi tiếng những năm 60, 70 của thế kỷ trước, gắn liền với khán giả của nhiều thế hệ như “Xin thời gian qua mau”, “Sầu lẻ bóng”, “Mưa nửa đêm”, “Giọt lệ sầu”, “Câu chuyện đầu năm”, “Kỷ niệm xa bay”, “Thao thức vì em”, “Sao chưa thấy hồi âm”, “Chuyến tàu hoàng hôn”, “Chuyện hợp tan”, “Sương lạnh chiều đông”.

Những ca khúc trong album được cô lựa chọn kỹ lưỡng, nghe, tập luyện để “thấm” từng ca từ của bài hát. Bên cạnh những lời khen tặng, cũng có ý kiến cho rằng, “Tuyển tập âm nhạc Hương xưa 1” không có nhiều sự đột phá, cách hát của Hồ Quỳnh Hương giống với cách hát của Lệ Quyên - ca sĩ đã thành danh từ dòng nhạc bolero.

Trước Hồ Quỳnh Hương, nhiều ca sĩ Việt đã thử sức với bolero như Đàm Vĩnh Hưng, Cẩm Ly, Phương Thanh, Quốc Thiên, Phương Vy, Phạm Thu Hà… Thậm chí, “Họa mi tóc nâu” Mỹ Tâm, ngôi sao hàng đầu V-pop cũng thể hiện rất “mùi” hai ca khúc “Sầu lẻ bóng” và “Chỉ hai đứa mình thôi nhé” trong liveshow kỷ niệm sinh nhật cô hồi đầu năm nay được tổ chức tại Nhà hát Hòa Bình, TP Hồ Chí Minh. Mỗi ca sĩ có cách cảm nhận và thể hiện ca khúc bolero theo cách riêng khiến dòng nhạc này có thêm những màu sắc mới.

Làm mới hay phá nát?

Xoay quanh câu chuyện về sự “hồi sinh” của bolero có nhiều vấn đề phải quan tâm, ngay cả cách hiểu thế nào cho đúng về dòng nhạc này. Chương trình “Thần tượng bolero” từng bị dư luận phản ứng mạnh khi đưa một số ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên, Phạm Duy vào chương trình.

Có người cho rằng, việc đưa những ca khúc không thuộc dòng bolero vào chương trình tìm kiếm tài năng bolero là sự khiên cưỡng và hiểu chưa đúng về dòng nhạc bolero, khiến “Thần tượng bolero” trở thành chương trình “ăn theo”, không phải bolero “chính hiệu”.

Một cảnh trong MV Bolero Mix – Quách Tuấn Du Pool Party phát sóng trên Youtube hồi đầu tháng 5/2016.

Thực tế cho thấy, nhiều ca sĩ trẻ tìm đến bolero là điều đáng mừng nhưng để tìm ra giọng ca thực sự nổi bật là câu chuyện không hề đơn giản. Theo các chuyên gia nghiên cứu âm nhạc, bolero có những nguyên tắc hát “không thành văn”, đôi khi đi ngược lại với những quy chuẩn, kỹ thuật thanh nhạc kinh điển. Lối hát giọng mũi - cách hát được cho là rất đặc biệt của dòng nhạc này thường bị các ca sĩ được đào tạo bài bản bỏ qua.

Bolero Mix đang là một trào lưu làm mới những ca khúc nhạc tình được nhiều ca sĩ trẻ lựa chọn. Theo đó, nhưng ca khúc thuộc dòng nhạc bolero được làm mới bằng cách pha trộn với nhạc điện tử (EDM), cộng với phần mình họa sôi động, nóng bỏng, ít liên quan đến nội dung bài hát.

“Bolero Mix – Quách Tuấn Du Pool Party” phát hành trên kênh Pops Music của Youtube thời gian gần đây đã gây nên những luồng dư luận trái chiều. Tiếp sau đó là MV tương tự của Lưu Chí Vỹ, Châu Ngọc Tiêu…

Ngoài ra, không ít ca sĩ cũng chọn cách remix bolero để trình diễn trên sân khấu. Ca sĩ Quách Tuấn Du từng chia sẻ rằng, đã có quá nhiều giọng ca thành danh khi hát bolero theo lối cũ, vì thế, anh lựa chọn cách làm mới dòng nhạc này bằng phiên bản remix.

Dường như là một nghịch lý, những ca khúc bolero remix nhận được sự ủng hộ rất lớn của khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ. Tuy nhiên, chính cách làm mới này đã làm bolero đánh mất đi chất riêng của mình.

Thật khó có thể chấp nhận những ca khúc đậm chất trữ tình, tự sự, với những ca từ đầy chất thơ như “Phố vắng em rồi”, “Về đâu mái tóc người thương”, “Chuyện tình nàng thiếu nữ tên Thi”, “Những đêm lạnh giá”, “Lâu đài tình ái”… lại được hát trên nền nhạc sàn với tiết tấu mạnh, ồn ào, hoàn toàn khác lạ so với những gì mà người yêu nhạc từng nghe trước đây.

Sức mạnh của bolero chính là ở những ca khúc với ca từ giản dị, gần gũi, dễ nghe, dễ cảm, phù hợp với đại đa số công chúng yêu nghệ thuật. Chính vì vậy, giữa đời sống ồn ào như hiện nay, khi đắm chìm trong ca từ của một ca khúc nhạc xưa, nỗi buồn như được vơi đi ít nhiều.

Thị trường âm nhạc nhạc không ngừng chuyển động và nhạc bolero cũng cần phải đổi mới để phù hợp với thị hiếu của lớp khán giả mới. Tuy nhiên, dù sáng tạo, đổi mới cũng phải dựa trên nền tảng có sẵn, phá cách nhưng phải giữ được tinh thần, “hồn cốt”, “chất” của bolero. Những bản hòa âm, phối khí mới mẻ, hiện đại, có sự pha trộn chút nhạc nhẹ, màu sắc cổ điển nhưng vẫn giữ được tinh thần của bolero là việc làm cần khuyến khích.

Cách làm mới bolero theo kiểu remix đang bị coi là sự “cưỡng bức âm nhạc”, là một cách để “lấp liếm”, che đậy những giọng ca “chưa đủ tầm” nhưng lại muốn gây sự chú ý, “ăn theo” trào lưu hát bolero…

Tường Phạm
.
.