Điện ảnh Việt đầu năm: Kẻ khóc người cười

Thứ Năm, 11/03/2021, 15:04
Chỉ mới hơn 2 tháng đầu năm nhưng Điện ảnh Việt đã trải qua nhiều trạng thái khác nhau. Có phim phải hoãn lịch ra rạp sát ngày công chiếu vì COVID - 19, có phim phải rút khỏi rạp sớm vì không có khán giả tới xem nhưng cũng có những phim đã xác lập kỷ lục doanh thu "khủng" chỉ sau vài ngày khởi chiếu.... Những điều đó đã cho thấy một bức tranh điện ảnh Việt đa sắc và khó lường hơn bao giờ hết.


Sự quay trở lại bất ngờ của dịch bệnh COVID-19 vào những ngày sát Tết Nguyên đán đã khiến điện ảnh Việt năm nay mất mùa phim Tết. Những bộ phim được kỳ vọng sẽ làm thành một mùa phim Tết tưng bừng đành phải hoãn chiếu khiến Tết Tân Sửu trở thành cái Tết đầu tiên vắng mùa phim Tết. 

Trước đó, 4 bộ phim đã ấn định ra rạp ngày Tết gồm "Trạng Tí phiêu lưu ký", "Lật mặt: 48 giờ", "Bố già" và "Gái già lắm chiêu V: Những cuộc đời vương giả". Điều này đã khiến cho doanh thu phòng vé dịp Tết giảm 95%. Thực tế này vô cùng đáng tiếc bởi trong cán cân so sánh với phim ngoại ra rạp vào dịp Tết năm nay thì ưu thế nghiêng hẳn về các bộ phim Việt Nam. 

Rõ ràng, sự ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 đã khiến cho một số mùa phim trong năm đã trở thành sân chơi riêng của phim Việt. Nhất là năm nay không có phim bom tấn nước ngoài của các thương hiệu lớn. Số lượng suất chiếu của các phim Việt cũng đang áp đảo trong các mùa phim. Chính vì vậy, ít có cơ hội cho các phim hoạt hình nước ngoài vượt lên về mặt doanh thu. 

“Gái già lắm chiêu 5: Những cuộc đời vương giả” có sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ kỳ cựu.

Các phim hoạt hình này sẽ chỉ hướng đến đối tượng khán giả thiếu nhi, bị hạn chế lứa tuổi ở một số bộ phim Việt Nam. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu không có sự xuất hiện trở lại của dịch bệnh, chúng ta đã có một mùa phim Tết thắng lợi trọn vẹn.

Nhìn vào bức tranh điện ảnh Việt đầu năm 2021 có thể nói, những bộ phim mở màn đầu năm đã từng khiến không ít người bi quan. Bởi một thực tế đáng buồn là không một bộ phim nào có lãi, thậm chí hòa vốn cũng là điều khó khăn. Mặc dù trước đó, nhiều người hy vọng, thị trường điện ảnh sẽ khởi sắc sau một năm chật vật vì COVID. 

Ngay từ những ngày đầu năm 2021 đã chứng kiến sự ra mắt của 4 bộ phim là "Cậu vàng", "Võ sinh đại chiến", "Em là của em" và "Sám hối". Tuy nhiên, cả 4 phim đều nhận về những kết quả không như mong đợi. 

Trong số đó, bộ phim võ thuật mang tên "Võ sinh đại chiến" - mở màn cho năm 2021 có doanh thu thấp đến mức kinh ngạc. Phim được sản xuất với kinh phí 25 tỷ đồng. Tuy nhiên, doanh số thu về chỉ hơn 1 tỷ đồng. 

Phía nhà sản xuất thì cho rằng, nguyên nhân một phần là do phim không có được những suất chiếu vào khung giờ thuận lợi khiến khán giả khó tiếp cận. Nhưng nhiều ý kiến lý giải sự thành công hay thất bại của phim còn phụ thuộc vào chất lượng phim, chiến lược quảng bá... Cuối cùng, nhà sản xuất phải rút phim sớm.

Một dự án phim đình đám, nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận khi mới chỉ bắt tay vào sản xuất là "Cậu vàng" nhưng cũng có kết quả tương tự. Khi phim đang trong quá trình sản xuất, dư luận đã lên tiếng về việc chọn chú chó không phù hợp, tuy nhiên, ê kíp sản xuất vẫn tiếp tục bảo lưu quan điểm của mình. Dẫn đến kết cục phim bị một làn sóng tẩy chay trước khi ra rạp. Nhưng quan trọng hơn, nhiều ý kiến cho rằng, phim đã đi quá xa so với nguyên tác của nhà văn Nam Cao. 

Ngoài ra, phim còn có khá nhiều hạn sạn. Đơn cử như nhân vật mợ ba - vợ Bá Kiến được giới thiệu là người xuất thân Nam Bộ, do gia cảnh nghèo mà chấp nhận làm vợ lẽ Bá Kiến. Đối chiếu với giai đoạn lịch sử đó thì tình huống ấy rất khiên cưỡng. Chưa kể tới việc, phim lấy bối cảnh nông thôn Việt Nam trước năm 1945 nghèo đói nhưng nhiều nhân vật quá hồng hào, béo tốt, cảnh sắc khang trang, xanh mướt, đất đai trù phú... không phù hợp. Kết quả là bộ phim thua lỗ 30 tỷ đồng.

Bộ phim "Em là của em" mặc dù có sự hóa thân xuất sắc vào vai giả gái của Ngô Kiến Huy nhưng cũng không thay đổi được cục diện. Cốt truyện không đặc sắc lại thêm những chi tiết vô lý. Ví dụ, mặc dù 2 người bạn nối khố vô cùng thân thiết nhưng người này không hề nhận ra bạn của mình đang giả gái. Thậm chí còn cảm mến và tán tỉnh bạn thân của mình. 

Tiếp đó, "Sám hối" là dự án phim khủng của Bình Minh về đề tài võ sĩ với mức đầu tư lên tới 50 tỷ đồng. Tuy nhiên, phim cũng không có được hiệu ứng khán giả như mong đợi. Phim có quá nhiều chi tiết vô lý khiến khán giả lắc đầu ngao ngán. Thất bại ở thị trường trong nước, "Sám hối" đang được hy vọng sẽ vớt vát được doanh thu khi công chiếu ở thị trường Ấn Độ. Nhưng xem ra điều này không hề đơn giản.

Sự thất bại của những bộ phim ra mắt ngay thời điểm đầu năm 2021 cho thấy mặc dù khán giả có nhu cầu giải trí rất lớn sau thời gian hạn chế tiếp xúc vì dịch bệnh nhưng nếu phim không hấp dẫn thì cũng khó có thể kéo khán giả tới rạp. Mặc dù đang trong hoàn cảnh thênh thang, một mình một lối nhưng đường đua phim Việt vẫn khắc nghiệt hơn bao giờ hết. 

Trước đó, "Người cần quên phải nhớ" của bộ đôi đạo diễn có tiếng Charlie Nguyễn và Đức Thịnh cũng chỉ thu về 1,9 tỷ đồng và rời khỏi rạp sau 15 ngày ra mắt.

Thế nhưng, trong khi những người yêu điện ảnh Việt đang hoang mang trước bức tranh với những mảng màu kém tươi sáng ấy thì mấy ngày vừa qua sự kiện "Bố già" làm mưa làm gió tại rạp lại mang về hy vọng. 

"Bố già" (đạo diễn Trấn Thành - Vũ Ngọc Đãng), trong đó Trấn Thành đóng vai chính, lấy bối cảnh là con hẻm nhỏ với cư dân nghèo Sài Gòn. Phim xoay quanh cuộc sống mưu sinh của ông Ba Sang làm nghề chở hàng thuê. Dù nghèo nhưng ông hay bao đồng, giúp đỡ họ hàng, làng xóm. Con trai ông có lối sống đối lập với ông. 

Một cảnh trong phim “Bố già” đang tạo cơn sốt phòng vé.

Phim đề cập đến sự khác biệt về thế hệ giữa cha mẹ - con cái trong gia đình với những vấn đề, hình ảnh khá gần gũi. Phim thu hút được khán giả nhờ có nhiều chi tiết hài hước, xúc động, phù hợp với nhiều lứa tuổi. Ngoài ra, còn ghi điểm ở lối thoại đậm chất đời thường. Trấn Thành cũng đã khắc phục lối diễn "sân khấu" để vào vai mềm hơn. 

Mặc dù ngày 12-3 phim mới được khởi chiếu toàn quốc nhưng đến tối 6/3, bộ phim đã chạm mốc 33 tỷ đồng. Với 10,6 tỷ đồng chỉ sau 6 tiếng ra mắt, "Bố già" trở thành phim Việt có doanh thu và tổng suất chiếu 1 ngày cao nhất, vượt kỷ lục trước đó là "Cua lại vợ bầu" (19,6 tỷ một ngày).

Ra mắt cùng thời điểm với "Bố già" là "Gái già lắm chiêu 5: Những cuộc đời vương giả" của đạo diễn Nam Cito và Bảo Nhân. Phim là câu chuyện xoay quanh mâu thuẫn của ba chị em nhà họ Lý với bối cảnh là biệt thự cổ cùng vườn bạch trà tốn kinh phí khá lớn. Ngoài ra, phim còn được quay ở nhiều thắng cảnh nổi tiếng ở đất cố đô Huế như Tử Cấm Thành, Nhật Thành Lâu, cung An Định... 

Các phần trước của "Gái già lắm chiêu" thu hút khán giả bởi sự xa hoa, chỉn chu đẹp mắt trong dàn dựng, sắp xếp các cảnh phim và trang phục diễn viên. Những nghệ sĩ có nghề như NSND Lê Khanh, NSND Hồng Vân, diễn viên Ninh Dương Lan Ngọc, Katy Nguyễn... cũng đã hóa thân xuất sắc cho vai diễn của mình. Hiện tổng số vé bán ra của "Bố già" chiếm 80% tổng vé, gấp 6 lần so với "Gái già lắm chiêu 5". Tuy nhiên, vẫn nhiều bất ngờ trước mắt.

Bên cạnh cuộc đua phòng vé của 2 bộ phim trên thì còn 2 bộ phim mà khán giả mong đợi là "Lật mặt: 48 giờ" và "Trạng Tí phiêu lưu ký". Đây là những bộ phim được kỳ vọng là những điểm sáng của điện ảnh đầu năm, đã được ấn định ra mắt dịp Tết nhưng sau đó phải rời lịch chiếu. Trong đó, phim "Trạng Tí phiêu lưu ký" (đạo diễn Phan Gia Nhật Linh) sản xuất dựa theo bộ truyện tranh "Thần đồng đất Việt" và được đầu tư lên tới cả chục tỷ đồng. 

Với sự thành công của 4 phần trước đó, hy vọng "Lật mặt: 48 giờ", bộ phim hài hành động của đạo diễn Lý Hải sẽ vẫn tiếp tục thu hút được khán giả. Những mảng màu đối lập trong bức tranh điện ảnh đầu năm 2021 cho thấy nghệ thuật thứ 7 luôn chứa đựng những bất ngờ. Tuy nhiên, một điều dễ dàng nhận thấy là khán giả vẫn luôn hào hứng và ủng hộ phim Việt.

Khánh Thảo
.
.