Điện ảnh Việt năm 2020: Điểm nhấn từ dòng phim độc lập

Thứ Năm, 21/01/2021, 17:56
Năm 2020, Điện ảnh Việt chịu không ít ảnh hưởng từ dịch bệnh COVID - 19. Tuy nhiên, sau khi dịch bệnh được khống chế, với nỗ lực vượt khó của những người làm nghề, điện ảnh Việt vẫn tạo được những dấu mốc đáng tự hào. Trong số đó, sự khởi sắc của dòng phim độc lập được ví như điểm nhấn nhiều hy vọng trên thị trường phim Việt.


Theo các nhà chuyên môn, khái niệm "phim độc lập" ra đời ở Mỹ, chỉ những bộ phim được sản xuất bởi những nhà làm phim cá nhân không thuộc Hollywood. Họ là những người làm điện ảnh trẻ, sản xuất những bộ phim với kinh phí thấp, không quan tâm đến mục đích thương mại mà tập trung đề cập những vấn đề xã hội và đặc biệt chú ý đến những tìm tòi nghệ thuật. 

Tuy vậy, lịch sử điện ảnh thế giới đã ghi nhận nhiều bộ phim độc lập giành được những giải thưởng danh giá tại các LHP quốc tế tên tuổi. Dòng phim độc lập của Việt Nam đến từ những đạo diễn Việt kiều. Thập niên 1990, đạo diễn Trần Anh Hùng đã từ Pháp về Việt Nam làm phim. 

Những bộ phim này của anh từng giành giải ở LHP Cannes, Venice, thậm chí "Mùi đu đủ xanh" (sản xuất năm 1995) còn được đề cử giải Oscar cho "Phim nước ngoài hay nhất". Sau đó là thế hệ những đạo diễn như Tony Bùi với "Ba mùa", Nguyễn Vũ Nghiêm Minh với "Mùa len trâu"... 

Sau này, tham gia đội quân làm phim độc lập là các đạo diễn trẻ trong nước. Họ cũng sản xuất phim với nhiều mảng đề tài khác nhau. Điện ảnh ngoài việc phục vụ nhu cầu giải trí của số đông công chúng thì còn cần nói lên tiếng nói thời cuộc, thể hiện những sáng tạo mang tính tiên phong. Và dòng phim độc lập đáp ứng được tiêu chí đó.

Những hình ảnh tư liệu quý trong phim tài liệu “Màu cỏ úa”. 

Không thể phủ nhận, điện ảnh phải gắn với khán giả, với doanh thu phòng vé. Nếu như trước đây, sản phẩm thuộc dòng phim độc lập thường rơi vào tình trạng được các nhà chuyên môn đánh giá cao hay nhận giải thưởng tại các LHP quốc tế, tuy nhiên, khi về Việt Nam lại không thu hút được khán giả như mong đợi. 

Nhưng, trong năm 2020, điều này đã có sự thay đổi. Thành công thương mại bất ngờ của "Ròm" với doanh thu 55 tỷ đồng chỉ sau 10 ngày công chiếu đã khiến bộ phim trở thành một hiện tượng được truyền thông nhắc tới. Tính ra, trong 10 ngày đầu khởi chiếu đã có 750 nghìn khán giả mua vé thưởng thức bộ phim đầu tay của đạo diễn Trần Thanh Huy. "Ròm" là bộ phim hài hòa được cả yếu tố giải thưởng và công chúng. 

Trước đó, phim từng nhận vị trí cao nhất ở hạng mục New Current của LHP quốc tế Busan (Hàn Quốc) năm 2019. Có lẽ đó là phần thưởng xứng đáng cho dự án phim mà đạo diễn Trần Thanh Huy đã đeo đẳng tới 8 năm với 27 bản dựng khác nhau cùng không ít vất vả, khó khăn. 

Bộ phim nói về số phận chênh vênh của những đứa trẻ đường phố làm nghề "cò đề" được Trần Thanh Huy triển khai từ phim ngắn tốt nghiệp mang tên "16:30" - tác phẩm từng đoạt giải Cánh diều Vàng 2012, được trình chiếu tại Góc phim ngắn của LHP Cannes 2013 và tiếp tục theo đuổi đạo diễn này trở thành phim dài đầu tay. 

Và nói như đạo diễn Trần Thanh Huy, dù bộ phim đã từng nhận được nhiều giải thưởng quốc tế trước đó nhưng niềm vui khi chứng kiến phim được khán giả quê hương đón nhận vẫn là một hạnh phúc không gì sánh bằng.

Năm 2020 đã ghi nhận những thành công của dòng phim độc lập này từ các LHP Quốc tế như "Mây nhưng không mưa" (Vũ Minh Nghĩa và Phạm Hoàng Minh Thy) chính thức tham dự tranh giải tại hạng mục Orizzonti Short Conpetition tại LHP quốc tế Venice. 

"Thiên đường gọi tên - Dòng sông không nhìn thấy  - An act of Affection" của Dương Diệu Linh, Phạm Ngọc Lân và Việt Vũ lọt vào danh sách tranh giải ở hạng mục phim ngắn quốc tế dưới 40 phút tại LHP quốc tế Locarno 2020. 

Trước đó, "Chạm" (Touch) (đạo diễn Nguyễn Đức Minh) là phim được yêu thích nhất trong khuôn khổ LHP lần thứ 11, "Dành cho tháng 6" của Nguyễn Hữu Tuấn, "Đường đua" (Nguyễn Khắc Huy), "Thưa mẹ con đi" (Trịnh Đình Lê Minh) cũng đã tạo được cơn sốt nho nhỏ trong giới trẻ. 

"Trái tim quái vật" (Tạ Nguyên Hiệp) với thể loại hình sự mổ xẻ tâm lý tội phạm cùng sự trở lại của diễn viên Hoàng Thùy Linh cũng là một điểm nhấn thú vị của bức tranh điện ảnh năm nay.

Dù vậy, trong dòng phim độc lập năm nay, một số phim được đánh giá là có nhiều điểm mới, mang tính thể nghiệm, chạm được đến cảm xúc người xem nhưng lại không có được doanh thu kỳ vọng như "Sài Gòn trong cơn mưa) (đạo diễn Lê Minh Hoàng). Phim khai thác câu chuyện của những người trẻ xa quê đến Sài Gòn lập nghiệp với sự góp mặt của dàn diễn viên viên mới như Avin Lu, Hồ Thu Anh... Dù không thành công về mặt thương mại nhưng "Sài Gòn trong cơn mưa" ghi dấu sự nỗ lực đáng khen của ê kíp làm phim. Nó cho thấy một tinh thần độc lập, dân thân muốn thử thách chính mình của những nhà làm phim trẻ.

Bên cạnh mảng phim điện ảnh, dòng phim độc lập năm 2020 đã tạo được hiệu ứng tích cực ở mảng phim tài liệu. Trước đó, khán giải yêu phim tài liệu đã biết tới nhưng bộ phim như "Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng" (đạo diễn Nguyễn Thị Thắm, năm 2012), "Lửa Thiện Nhân" (Phạm Hồng Giang, 2015), "Đi tìm Phong" (đạo diễn Trần Phương Thảo, 2018)... Những bộ phim này đã không theo cách phổ biến thông thường là chiếu trên truyền hình mà đã mạnh dạn chủ động phát hành tại rạp. 

Những tháng cuối năm 2020, chứng kiến sự ra mắt của 2 bộ phim tài liệu độc lập đặc biệt đó là "Đoạn trường vinh hoa" (đạo diễn Lê Mỹ Cường) và "Màu cỏ úa" (đạo diễn Lan Nguyên). Nếu như "Đoạn trường vinh hoa" được làm theo lối điện ảnh trực tiếp kể về đam mê nghệ thuật và câu chuyện mưu sinh của một gánh hát tuồng cổ miền Tây thì "Màu cỏ úa" là bộ phim về chân dung nhạc sĩ Trần Tiến. Dù vẫn là những suất chiếu cố định tại rạp, nhưng những buổi chiếu này luôn chật cứng khán giả.

Một cảnh trong phim “Sài Gòn trong cơn mưa”.

Cùng với sự xuất hiện và ngày càng thể hiện vai trò, vị trí của dòng phim độc lập đã mang đến những thay đổi trên thị trường điện ảnh Việt. Nếu như trước đây, dòng phim Nhà nước đặt hàng và phim thị trường là 2 dòng chính lưu, phim độc lập xuất hiện lẻ tẻ, rời rạc và gần như chỉ được nhắc tới khi tham dự các LHP quốc tế. 

Giờ đây, khi dòng phim Nhà nước đặt hàng trở nên rất hiếm hoi, bên cạnh dòng phim giải trí nhiều năm thống lĩnh là vị trí của dòng phim độc lập. Việc khán giả dành sự quan tâm hơn với dòng phim độc lập bắt nguồn từ việc chất lượng các bộ phim đã ngày một nâng cao. 

Sự tâm huyết của các nhà làm phim trẻ đã dần thuyết phục được công chúng tới xem phim. Thời điểm trước, trong bảng thăm dò phim nào sẽ khiến bạn chờ ra rạp xem sắp tới của trang Box Office Vietnam thì phim "Ròm" từng có số phiếu cao hơn cả "Tiệc trăng máu". 

Nhiều người cho rằng, nếu như ngày càng có nhiều những bộ phim tâm huyết, chỉn chu như "Thưa mẹ con đi" hay "Ròm" thì sự chiếm lĩnh của dòng phim độc lập là không xa. Thay vì phản ánh những vấn đề có phần xa lạ với công chúng, những nhà làm phim độc lập hiện nay đã đi vào khai thác những vấn đề xã hội, về thân phận người. 

"Ròm" là một minh chứng cho thấy, phản ánh một cách chân thực, xúc động thân phận tầng lớp dưới đáy xã hội, phim hoàn toàn có thể tạo nên kỳ tích phòng chiếu. 

Từ những bộ phim chưa có được lượng khán giả cũng như doanh thu như mong muốn, chúng ta cũng nhìn ra được những điểm nguyên nhân. Phim đề cập đến những vấn đề quá khó hiểu, cách làm phim hoặc dàn diễn viên chưa tới để có thể chạm tới khán giả.

Có thể nói, ngày càng có nhiều đạo diễn trẻ đứng vào hàng ngũ những nhà sản xuất phim độc lập. Dù vẫn biết bước vào con đường làm phim độc lập là chấp nhận vô vàn khó khăn, chông gai từ kinh phí, đến phát hành, công chiếu. 

Thậm chí, việc đó được ví như "tay không bắt giặc". Để tìm được nhà tài trợ cho sản xuất phim độc lập không hề đơn giản vì nhà tài trợ không được phép can thiệp vào nội dung phim. Ngoài ra, khi làm phim độc lập sẽ không có nhà sản xuất để hỗ trợ đạo diễn trong những việc ngoài chuyên môn... 

Tuy nhiên, với những điểm sáng thấy được từ dòng phim độc lập thời gian vừa qua, công chúng có thể hy vọng. Những nhà làm phim độc lập ngày càng đông đảo và sẽ tạo thành một làn sóng mới, góp phần trở thành lực lượng sáng tác quan trọng của điện ảnh nước nhà.

Khánh Thảo
.
.