Văn hóa Việt và ý thức tự cường

Thứ Bảy, 23/07/2016, 07:37
Người ta mất nước không phải là mất quê cha đất tổ mà là mất cái cội rễ văn hoá của cha ông. Khi cái cội rễ văn hoá mạnh, ăn sâu trong một dân tộc nếu họ mất đi mảnh đất quê hương thì dân tộc đó, đất nước đó vẫn trường tồn. Ngược lại, khi cái cội rễ đó lung lay, thoái hoá, cho dù họ vẫn còn sống trên đất tổ quê cha, dân tộc đó cũng gần như đã mất nước...


Cảnh giác với mẹo "xâm lăng văn hóa"

Ngay sau phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực PCA về nội dung "Trung Quốc không có chủ quyền lịch sử ở Biển Đông", hàng loạt ngôi sao làng giải trí Hoa ngữ  đã đăng đàn phát biểu phản đối phán quyết này. Tràn ngập trên các trang cá nhân của các nghệ sĩ, tràn ngập trên các lời tuyên bố, tràn ngập các trang mạng là hình ảnh bản đồ có đường lưỡi  bò phi pháp và khẩu hiệu  đã được  chính phủ Trung Quốc "mớm" sẵn: "Trung Quốc nhất điểm đô bất năng thiểu" (Trung Quốc, một mẩu cũng không thể thiếu).

Lập tức, hàng loạt fanpge từng được lập ra để bày tỏ sự  hâm mộ đối với các nghệ sĩ Trung Quốc đã bị gỡ xuống. Hàng loạt  người hâm mộ Việt đã lên trang cá nhân và các diễn đàn tuyên bố từ bỏ thần tượng Trung Quốc một thời  của họ. Hàng loạt nghệ sĩ Việt Nam đã lên tiếng tẩy chay các đồng nghiệp Hoa ngữ đã có phát biểu thể hiện nhận thức lệch lạc về lẽ phải và chủ quyền.

Đó là một hành động đúng đắn.

Dàn sao Hoa ngữ bị người hâm mộ Việt tẩy chay vì đăng đàn phản đối phán quyết về đường lưỡi bò của tòa trọng tài quốc tế.

Ăn sâu vào máu của các vị vua chúa Trung Quốc trước đây là cảm thức Hoa Hạ tự tôn, coi Trung Hoa là cái rốn vũ trụ. Đối với họ, bốn phương tám hướng xung quanh chỉ là những dân tộc thấp kém, mặc nhiên là "phiên thuộc", gọi chung là (Nam) man, (Bắc) di, (Tây) nhung, (Đông) địch. Lịch sử Trung Hoa hàng ngàn năm là lịch sử của những cuộc thôn tính đất đai và lãnh thổ của những dân tộc, quốc gia đã bị cảm thức Hoa Hạ mặc nhiên coi là phiên thuộc đó. Tất cả những cuộc thôn tính bành trướng ấy đều được họ gọi bằng một từ mỹ miều là… thu hồi!

Lịch sử đã chứng minh, chính bản sắc văn hóa, sức đề kháng văn hóa kiên cường đã giúp chúng ta trở thành một thiểu số khó nuốt, không bị đồng hóa, tránh được đại họa bị xóa tên trên bản đồ thế giới, bị biến thành một châu, một quận nào đó của các đời vua chúa Trung Hoa đầy tham vọng và triều chính luôn bất ổn.

Cảm thức sặc mùi dân tộc cực đoan, hẹp hòi của không ít người trong bộ máy cầm quyền các thế hệ sau này của họ vẫn chưa dừng lại. Không hiếm những bộ phim cổ sử, giả sử của điện ảnh Trung Quốc là câu chuyện tìm về hoặc bảo tồn, phát huy những giá trị tự tôn của Trung Nguyên, Trung Thổ, với những đe dọa, nguy cơ ảo tưởng đến từ những vùng đất "phiên thuộc" khắp bốn chung quanh. Sản phẩm văn nghệ lấy đề tài cận đại, hiện đại cũng không quên thêm thắt, xuyên tạc, bóp méo những nguy cơ đó, tự biến dân tộc Trung Hoa thành nạn nhân của những âm mưu, sự công kích, lấn lướt của thế giới quanh họ vốn dĩ là thấp kém, vốn dĩ từng được họ nhường nhịn và giúp đỡ (!)

Thủ vai hay ngợi ca điều đó, nhiều thế hệ nghệ sĩ Trung Quốc đã bị nhồi sọ, lệch lạc về nhận thức. Nghệ sĩ Thành Lộc đã vạch rõ: "(Họ) vốn đã xem chúng ta là thần dân của họ, tài nguyên nước ta là tài sản của quốc gia họ từ bao đời nay rồi!". Những giá trị văn hoá Việt còn sót lại đang ngày càng tỏ ra lép vế trước sự lấn át và xâm thực của văn hóa Trung Quốc vẫn xuất hiện nhan nhản hàng đêm trên các phương tiện giải trí, trên các trang mạng, các diễn đàn. Cuộc thập tự chinh văn hóa đang diễn ra âm thầm nhưng quyết liệt và rộng khắp, dai dẳng.

Các nhà hoạt động từng đến bãi cạn tranh chấp Scarborough và bị tàu tuần duyên Trung Quốc chặn đường vài tháng trước, vui mừng trước phán quyết của tòa trọng tài tại một nhà hàng ở Manila. Ảnh Reuters.

Cũng đã từng có người hâm mộ Việt tỏ ra rộng lượng (và hời hợt) khi băn khoăn: Chẳng qua nghệ sĩ Trung Quốc cũng chỉ thể hiện lòng yêu nước của họ, hoặc giả họ vì miếng cơm manh áo, vì sự phát triển sự nghiệp, đành phải nói theo điều chính phủ họ muốn. Tẩy chay, hoặc quyết liệt hơn, lên án họ liệu chúng ta có quá hẹp hòi?

Xin thưa: Chủ nghĩa dân tộc cực đoan và hẹp hòi không bao giờ đồng nghĩa với lòng yêu nước. Lao theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan chỉ đưa quốc gia dân tộc đến vị thế một hung thần, một con ngáo ộp quốc tế, khiến dân tộc đó trở nên xấu xí, tự đánh mất mình, không bao giờ giúp dân tộc trở nên mạnh mẽ và được kính trọng.

Phản ứng quyết liệt, vạch mặt và tẩy chay mầm mống xâm lăng văn hóa, do đó, không hề là phản ứng cực đoan. Góp sức chống lại sự xâm lăng, tha hóa bản sắc và họa bị đồng hóa không bao giờ là suy nghĩ hay hành động hẹp hòi. Đó là tiếng nói của lương tri và lòng yêu nước mà nghệ sĩ, trí thức và công chúng văn nghệ cần góp sức.

Tuy là muộn nhưng không thể khác, chúng ta ta cần loại trừ việc vô tình hoặc cố ý tiếp tay cho sự bành trướng của cảm thức Hoa Hạ. Chúng ta cần ngừng ngay lập tức việc tung hô, ca ngợi những nghệ sĩ Trung Quốc mang nhận thức méo mó và sai trái, đang tự biến mình thành công cụ truyền bá thứ văn hóa xâm lăng đó. Đừng nhìn ai đó đang bắn nọc độc văn hóa vào dân tộc mình như những người hùng.

Chúng ta cần thức tỉnh!

Nhạc sĩ Trần Minh Phi: Văn hóa là cội rễ dân tộc

Người ta mất nước không phải là mất quê cha đất tổ mà là mất cái cội rễ văn hoá của cha ông. Khi cái cội rễ văn hoá mạnh, ăn sâu trong một dân tộc nếu họ mất đi mảnh đất quê hương thì dân tộc đó, đất nước đó vẫn trường tồn. Ngược lại, khi cái cội rễ đó lung lay, thoái hoá, cho dù họ vẫn còn sống trên đất tổ quê cha, dân tộc đó cũng gần như đã mất nước.

Dân Do Thái là một điển hình cho thấy điều đó: Họ từng là một dân tộc mất đất, không quốc gia nhưng nhờ vào cội rễ văn hoá mạnh mẽ, họ vẫn là một dân tộc bản sắc và ưu tú của thế giới, cuối cùng rồi cũng hình thành nên một đất nước đáng ngưỡng mộ như hôm nay.

Như vậy, cái yếu tố nội sinh của một đất nước là sức mạnh văn hoá cực kỳ quan trọng hơn yếu tố ngoại sinh là biên giới, hải phận trong việc quyết định đất nước đó còn hay mất.

Khi Toà án Trọng tài (PCA) tại Hague, Hà Lan phán quyết đường "9 đoạn" còn gọi là đường "lưỡi bò" của Trung Quốc là không có giá trị, không những chính quyền Trung Quốc mà ngay cả những ngôi sao văn hoá giải trí đang là thần tượng của thanh thiếu niên khắp khu vực Đông Nam Á đều lên tiếng phản đối và ngoan cố không chấp nhận sự thật lịch sử cùng những phán quyết khách quan khoa học.

Lúc này, nhiều người trong chúng ta mới giật mình nhận ra rằng vẫn có một "đường lưỡi bò" trong văn hoá của Trung Quốc đang "liếm" dần những bản sắc văn hoá của dân tộc ta.

Riêng trong lĩnh vực âm nhạc giải trí là một mặt trận văn hoá hết sức rộng chi phối gần như toàn bộ giới trẻ, tức là những tương lai của đất nước đã có một sức ảnh hưởng rất lớn đến đời sống tinh thần của người Việt.

Đã có thời nhạc Hoa tràn lan từng con phố, con hẻm. Nó rộ lên cả một phong trào nhạc Hoa, lời Việt. Rồi dần dần người ta nghe thấy cả âm điệu Trung Hoa ngay trong những sáng tác của khá nhiều nhạc sĩ Việt Nam. Lực lượng các sao Hoa ngữ cũng hút khá đông fan cuồng mê nhạc của chúng ta.

Âm nhạc cũng thể hiện khí dân, vận nước. Khi trong âm nhạc của lớp trẻ hầu hết đều mang yếu tố lai căng về văn hoá thì đó là một dấu hiệu cho thấy sức mạnh nội sinh của dân tộc đó đang và sẽ mất dần đi.

Cho nên, hơn khi nào hết chúng ta phải thức tỉnh và đánh thức lớp trẻ để cùng nhau nhận thức một cách sâu sắc về những "đường lưỡi bò trong văn hoá" còn nguy hại hơn "đường lưỡi bò trên biển" bội phần.

Tuy nhiên, chúng ta cũng phải sáng suốt phân biệt đâu là lòng yêu nước và đâu là chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Chúng ta không để văn hoá chúng ta bị xâm thực, bị lai căng bởi văn hoá dân tộc khác không đồng nghĩa là chúng ta kỳ thị và tẩy chay hoặc khinh bỉ một cách mù quáng những tinh hoa văn hoá khác. Bởi đó, suy cho cùng, cũng chính là văn hoá của nhân loại.

Vì như thế, không khác nào nhân danh lòng yêu nước để chống lại một phần của nhân loại.

Đạo diễn Hoàng Vũ: Bình tĩnh không có nghĩa là thờ ơ

Mọi người đều được có quyền tự do quan tâm điều mình muốn dù là nó ở thể loại hay kích cỡ phạm trù xã hội hay triết học nào.  Cần chỉ ra rằng nếu có một vấn đề trực tiếp, nguy hại, hay bị xúc phạm, bóp méo thuộc về dân tộc, về đất nước mình, về sự thiêng liêng gấm vóc, toàn vẹn lãnh thổ mà chúng ta lại vô tâm khi thì quả là phi lý.

Ngay sau ngày 12/7, để "nghênh tiếp" phán quyết của PCA, lãnh đạo Trung quốc đã thực hiện "chiến lược ngoại giao công chúng" nhằm định hình nhận thức của quốc tế về "chính nghĩa và lòng yêu hòa bình". Họ sử dụng internet, dùng tất cả celeb, các ngôi sao văn hóa nghệ thuật phủ nhận phán quyết PCA.

Trung Quốc có tính toán, chuẩn bị sẵn lực lượng đông đảo, ứng phó ngay lập tức trong cuộc chiến truyền thông của mình.

Và cũng ngay lập tức, trên trang facebook của mình, nghệ sĩ Thành Lộc đã viết: "Những cái tên như Phạm Băng Băng, Triệu Vy, Huỳnh Hiểu Minh... vốn đã xem chúng ta là thần dân của họ, tài nguyên nước ta là tài sản của quốc gia họ từ bao đời nay rồi. Vậy có đúng là nghệ thuật kinh tế đi trước để lót đường cho chính trị... không?". Anh nhấn mạnh: "Hãy tỉnh táo và sáng suốt mà lo bảo vệ những giá trị văn hoá Việt còn sót lại trong mong manh và chỉ có chúng ta mới là những người phải thể hiện lòng tự tôn dân tộc mình. Tôi không kêu gọi kỳ thị mà tôi kêu gọi sự thức tỉnh!".

Rất  nhiều người đã  xúc động và ủng hộ nghệ sĩ Thành Lộc bởi tinh thần yêu nước chân thành của mình, một công dân Việt Nam. Anh truyền được nhiều cảm hứng tình cảm dân tộc.

Chúng ta không thể vô tâm với vận mệnh của đất nước. Dù bạn là ai, ở đâu thì chúng ta vẫn là người Việt Nam. Hãy nối một vòng tay lớn cho dân tộc mạnh mẽ lên.

Nhạc sĩ Hà Quang Minh: Văn hóa để tự cường

Cuối tuần trước, tại Bali, Indonesia, có một sự kiện giải trí lớn đã diễn ra. Đó là Liên hoan nội dung số (tạm gọi như vậy) với cái tên Asia Viral Fest 2016. Đây là lần đầu tiên liên hoan ấy diễn ra và nó có thể sẽ được tổ chức mỗi năm một lần, vòng quanh các nước châu Á. Đơn vị đứng ra tổ chức sự kiện này là WebTVAsia, một kênh nội dung của Tập đoàn Prodigee, một tập đoàn của Malaysia.

Tuy nhiên, tập đoàn này có thể được coi là mang đậm tinh thần Trung Quốc khi các sáng lập viên của nó là các doanh nhân người Hoa ở Đông Nam Á, Đài Loan và Trung Quốc đại lục. Và Asia Viral Fest 2016 đã để lại cho tôi rất nhiều suy nghĩ, sau khi tham dự các sự kiện của nó trong suốt 2 ngày bao gồm hội thảo, Gala dinner và Concert bế mạc.

Trong buổi hội thảo, Fred Chong, Chủ tịch, CEO của WebTv Asia lên tiếng khá mạnh mẽ về khát vọng "cạnh tranh với các mạng lưới đa kênh (MCN- Multi Channel Network) của Mỹ và muốn cho thế giới thấy sức mạnh châu Á". Khát vọng này nghe rất lành mạnh, mang đầy tính tự tin và có vẻ thôi thúc những người Á Đông đến với tinh thần tự tôn. Song, ẩn chứa đằng sau thông điệp của Fred Chong lại là những mục tiêu khác và chúng ta sẽ không khỏi không trăn trở khi nhận biết được mục tiêu ấy là gì?

Thực chất, Fred Chong và các đồng sự đang rất muốn phổ cập văn hoá đại chúng của Trung Quốc lên khu vực Đông Nam Á nói riêng và châu lục nói chung để tạo nên một quyền lực mềm cho cộng đồng người Hoa, từ đó giúp cho các doanh nhân người Hoa (trong đó có cả Fred Chong) chiếm lĩnh thị trường. Fred Chong luôn muốn nhấn mạnh đến sức mạnh Á Đông theo đúng kiểu tinh thần Đại Đông Á mà Nhật Bản đã xây dựng hồi thập niên 30 và 40 của thế kỷ trước.

Và xuyên suốt Asia Viral Fest, các tiết mục trình diễn của các nghệ sỹ giải trí Đông Nam Á đã hoàn toàn thỏa mãn tham vọng của Fred Chong nói riêng và WebTV Asia nói chung. Từ Thái Lan cho tới Malaysia; từ Indonesia cho tới Singapore…, dấu ấn bị ảnh hưởng đậm nét của nhạc nhẹ Trung Quốc và Hàn Quốc chính là thứ bộc lộ rõ nhất ở cuộc Liên hoan đầu tiên này. Nó khiến cho tôi cảm giác nghẹt thở vì lo ngại trước sức mạnh xâm thực văn hoá đại chúng từ Trung Quốc và Hàn Quốc.

Thậm chí, Fred Chong còn khẳng định rằng: "Văn hóa đại chúng Hàn Quốc đã thắng lợi và bây giờ là thời đại mới, thời đại của chúng ta". Chong nhấn mạnh vào hai chữ "chúng ta" với hàm ý WebTV Asia rất muốn bắt đầu một kỷ nguyên văn hóa đại chúng Trung Quốc sẽ chinh phục toàn cầu và tấn công cả vào thị trường Bắc Mỹ, vốn được coi là thị trường "Bắc đẩu" của nền văn hóa giải trí của toàn cầu hiện nay.

Trước những màn trình diễn không có được cá tính riêng của quốc gia Đông Nam Á tham dự mà thay vào đó là sự vay mượn từ hình mẫu Trung Quốc, Hàn Quốc, tôi cho rằng quyền lực mềm của văn hóa Trung Quốc đã được thiết lập một cách rất nền tảng ở khu vực Đông Nam Á hiện nay. Tất nhiên, Trung Quốc làm được điều đó vì họ có lợi thế ở tất cả các quốc gia Đông Nam Á đều có cộng đồng Hoa kiều đông đảo. Song, chúng ta không thể phủ nhận rằng, việc tự dễ dãi đánh mất cá tính riêng của mình từ chính các cộng đồng dân tộc bản địa đã góp phần rất lớn cho sự xâm thực kể trên.

Trong bối cảnh đó, quay trở lại với tranh cãi xoay quanh các phản ứng của giới giải trí Việt Nam liên quan đến quan điểm của các sao Hoa ngữ trên sự kiện phán quyết PCA, chúng ta nhận thấy rằng bây giờ là lúc phải củng cố mạnh mẽ cá tính văn hóa Việt Nam hiện đại. Giữ gìn toàn vẹn lãnh thổ quốc gia phải được bắt đầu từ chính việc định danh, định tính bản sắc nền văn hóa và giải trí đại chúng. Trách nhiệm ấy không thể chỉ giao phó cho các nghệ sỹ mà nó thuộc về cả lực lượng khán giả cũng như báo chí. Nếu các tay bút văn hoá, giải trí trong nước biết từ chối lăng xê cho các sản phẩm lai tạp, copy phong cách, hình thức, ý tưởng nước ngoài và luôn ưu ái lớn cho những sản phẩm có cá tính riêng, có tính nguyên bản trong sáng tạo, chúng ta sẽ không mất quá nhiều thời gian để định hình công chúng và dẫn tới minh định cá tính của nền văn hóa, giải trí Việt đương đại.

Nhiệm vụ của báo giới là vô cùng quan trọng, bởi cộng đồng vẫn luôn tin vào báo chí như một điểm tựa "xác nhận" thông tin. Bởi vậy, việc tồn tại những ý kiến kiểu như "Một ca sỹ, một diễn viên, vốn là một sản phẩm văn hóa - cũng hoàn toàn có thể "nhiễm độc" nếu họ sử dụng sức mạnh của mình để tuyên truyền chính trị. Văn hóa và chính trị buộc phải rạch ròi, không có sự ở giữa" của một nhà báo trẻ có tiếng gần đây là vô cùng thiếu trách nhiệm và nông cạn.

Chúng ta có thể không phải chính trị gia nhưng chúng ta không thể tách mình ra khỏi đời sống chính trị, cho dù ta làm bất kỳ nghề nào. Chính trị mặc định tồn tại trong tất cả các hoạt động xã hội, từ văn học nghệ thuật cho tới văn hóa giải trí. Tách rời nghĩa vụ chính trị ra khỏi thị trường văn hoá giải trí là hành động xuẩn ngốc và có thể mang lại tác hại lớn về lâu về dài khi các quốc gia khác đang coi văn hoá đại chúng là một sức mạnh mềm dọn đường cho thôn tính thị trường.

Bởi vậy, đã đến lúc chúng ta phải định tính lại sự khác biệt của văn hoá giải trí đương đại Việt Nam. Đó chính là bước đi để tới với sự tự cường văn hoá, một bước rất quan trọng góp phần vào sự tự cường của cả quốc gia. 

Nguyễn Hồng Lam
.
.