Ứng xử phải có văn hóa

Thứ Năm, 09/06/2016, 15:32
Nhiều người trong chúng ta chắc cũng không ít lần đã có những tiếp xúc với người ngoại quốc trong hoàn cảnh ta sơ suất mắc một lỗi nhỏ gì đó với họ và mình phải chủ động nói lời xin lỗi. Sau lời xin lỗi ấy, điều chúng ta đón nhận lại được là gì? Đơn giản, thường là những câu nói mang tính an ủi kiểu như: “Ồ không sao đâu. Chuyện nhỏ thôi mà”...


Những dạng đối thoại đó thể hiện tiêu chuẩn lịch sự tối thiểu trong ứng xử và chỉ khi nào một xã hội định hình những tiêu chuẩn lịch sự cơ bản và tối thiểu, xã hội đó mới được coi là có văn hóa, hướng tới ứng xử văn minh và thanh lịch.

Nhắc lại chuyện cư xử lịch sự tối thiểu đó để nhìn lại hai sự việc vừa xảy ra mới đây thôi, trong cùng một show diễn, với những băn khoăn rất lớn.

Đầu tiên là việc diễn viên điện ảnh Ngô Thanh Vân lên trang cá nhân của mình viết thư ngỏ “dằn mặt” Angela Phương Trinh vì cho rằng cô bé này chẳng biết kính trên nhường dưới gì mà rốt cuộc chỉ muốn dùng tên tuổi của các bậc đàn chị như Ngô Thanh Vân, Tăng Thanh Hà… để PR cho chính bản thân mình.

Số là Angela Phương Trinh đến sự kiện và cúi đầu chào các bậc đàn chị, sau đó chuyện này được các tờ báo mạng đưa tin, kèm theo ảnh. Ngô Thanh Vân đón nhận lại lời chào đó bằng cách xét nét còn “căng” hơn mẹ chồng khi cho rằng nó giả dối, không thành thực, cố lợi dụng tên tuổi người khác.

Theo Ngô Thanh Vân, muốn chào thực lòng thì phải nhìn thẳng vào người đối diện mà cúi đầu chào chứ không phải chào theo kiểu “láo liên” như Angela Phương Trinh đã làm. Dù rằng Ngô Thanh Vân không nói thẳng tên Angela Phương Trinh nhưng ai cũng hiểu cô cố tình ám chỉ vào cô gái kia.

Và kể cả Angela Phương Trinh có “chào để PR” đi nữa thì cách phản ứng của Ngô Thanh Vân là kém lịch sự. Người ta chào mình, gì đi nữa, mình cũng nên đón nhận nó một cách lịch sự. Và mình càng thanh lịch hơn người ta, cái giả dối (nếu có) của người ta sẽ càng dễ trở nên “lố bịch”.

Nhưng đỉnh điểm phải là lúc Đỗ Mạnh Cường ra chào khán giả. Anh đi giữa hai người mẫu Xuân Tiền và Kha Thúy Vân trên sàn catwalk và lúc ấy, Á khôi Quốc tế 2015 Thúy Vân bước tới tặng anh một bó hoa chúc mừng thành công của đêm diễn. Điều Thúy Vân đón nhận được là gì? Là cái lắc đầu và trề môi của Đỗ Mạnh Cường. Thậm chí, Cường cũng không giơ tay ra nhận bó hoa đó, và Thúy Vân ái ngại trở về chỗ ngồi với bó hoa bị từ chối. Sau tình huống đó, người đại diện của Đỗ Mạnh Cường đã cho biết rằng: “Từ đầu chương trình đã thông báo là sẽ không nhận hoa.

Rõ ràng cô ấy và các khách mời xem show thời trang nên chú ý nguyên tắc là không tặng hoa. Trên thế giới, các show thời trang lớn cũng giữ nguyên tắc này, không ai tặng hoa như vậy. Tôi nghĩ Việt Nam cũng nên dần theo chuẩn này. Một phần nó là quy định để không phá vỡ không gian thời trang, nhà thiết kế chỉ có vài phút bước lên sàn diễn chào khán giả và họ muốn tập trung ở góc độ đó chứ không ưu tiên cho bất kỳ ai lên sân khấu tặng hoa”.

Đúng là show diễn của Đỗ Mạnh Cường có quy định điều đó thật và Thúy Vân đã mắc lỗi không xem kỹ thiệp mời trước khi mua hoa mang tới tặng nhưng trước một cái lỗi nhỏ, và có phần dễ thương như thế, sự chối từ thẳng thừng quả thật vô cùng bất lịch sự. Người ta thường nói, từ chối một đề nghị đúng mực và trong khả năng của mình từ một người phụ nữ đã là thiếu lịch lãm rồi, đằng này lại còn từ chối cả người phụ nữ đẹp lẫn một bó hoa khi cả hai đều là đại diện của vẻ đẹp.

Đỗ Mạnh Cường có nguyên tắc riêng cho show diễn của mình, nhưng cái bĩu môi của anh cũng đã phá vỡ một nguyên tắc rất chung dành cho đàn ông. “Đừng làm đau phụ nữ dù chỉ bằng một cành hoa” nhưng Đỗ Mạnh Cường đã làm tổn thương đại diện cái đẹp bằng chính cái lý do liên quan đến “hoa”, hay nói đúng hơn là bằng thái độ thiếu nhã nhặn, thiếu linh hoạt, thiếu lịch sự tối thiểu mà một người đàn ông cần phải có. 

Văn Đoàn
.
.