Những khác biệt văn hóa trong thế giới mở

Thứ Năm, 23/06/2016, 19:43
Mới đây, sau báo cáo của tổ chức hoạt động vì động vật của Úc (RSPCA) về phương pháp giết mổ gia súc ở một số nước, trong đó có Việt Nam, Bộ nông nghiệp Úc đã có động thái đe doạ cấm xuất khẩu bò Úc nếu như tình hình giết mổ gia súc không được cải thiện hơn mà nói cụ thể là phải nhân tính hơn. Đây là một trường hợp vô cùng tiêu biểu về khác biệt văn hoá trong tình hình thế giới ngày một mở rộng với những giao thoa tưởng như xoá nhòa mọi đường biên như ngày hôm nay.


Chúng ta phải thừa nhận rằng, cách giết mổ gia súc của Việt Nam hiện tại hoàn toàn không phù hợp với các tiêu chuẩn nhân đạo của các nước phương Tây và một người phương Tây nếu chứng kiến cảnh giết mổ gia súc ở Việt Nam có thể sẽ bị sốc.

Nhưng nếu cải thiện phương pháp giết mổ gia súc cho phù hợp các quy chuẩn đó, rõ ràng chúng ta chưa thể thực hiện ngày một ngày hai bởi nó đòi hỏi sự nâng cấp các lò mổ một cách triệt để về công nghệ.

Trong khi đó, các lò mổ hiện tại ở trong nước đa phần hoạt động theo dạng hộ kinh doanh gia đình và chính vì thế, các hộ kinh doanh gia đình như thế khó có điều kiện để cải thiện điều kiện nhằm đáp ứng các quy chuẩn khắt khe ở tầm quốc tế. Nhưng, chúng ta cũng nên hiểu thêm rằng, thực phẩm là một yếu tố thuộc về văn hóa và rõ ràng, cách sử dụng, chế biến, xử lý thực phẩm ở Việt Nam cũng khác hẳn so với nước ngoài rất nhiều.

Đơn giản, đó còn liên quan đến tín ngưỡng và nhiều người Việt cũng chưa nhận thấy việc mình đang làm là vượt quá các quy chuẩn đạo đức mà nước ngoài áp đặt. Dễ hiểu, khi hai thước đo khác nhau, phán xét nhau là một điều không hề đơn giản chút nào.

Nhưng câu chuyện xoay quanh thịt bò Úc này dẫn đến một điều vô cùng đáng lưu tâm hiện nay là khả năng tự cung, tự cấp, hay nói lớn lao hơn là tự cường. Hồi 2011, Indonesia cũng bị bộ nông nghiệp Úc cấm nhập bò Úc trong vòng 6 tháng.

Ứng phó của Indonesia khi đó là quan tâm đến việc phát triển khả năng tự cung tự cấp thịt bò. Họ không muốn phụ thuộc vào nước ngoài, với các quy chuẩn văn hóa hoàn toàn khác biệt, nhất là khi Úc là nước cung cấp tới 25% sản lượng bò tiêu thụ tại Indonesia. Và chính phủ Indonesia đặt mục tiêu tới năm 2014 họ phải cơ bản chủ động tự cung cho nhu cầu thịt bò trong nước.

Họ đã đạt được mục tiêu đó bởi họ ý thức rằng khó có thể thay đổi truyền thống và văn hóa quốc gia cũng như không thể bắt dân Indonesia (vốn dĩ rất nhiều người theo đạo Hồi) tìm kiếm một thứ thực phẩm khác để thay thế.

Từ câu chuyện thịt bò ấy, chúng ta nhận ra rõ ràng rằng sự xâm nhập của các tư duy, của văn hoá thế giới vào Việt Nam hiện đang diễn ra với cường độ và tốc độ cao. Đó là những hội nhập cần thiết song giữ gìn (có cải tiến) những nét văn hóa cổ điển của dân tộc cũng là một nhiệm vụ cần kíp không kém.

Chúng ta đã quá quen với lập luận kiểu "Ở nước ngoài họ làm thế này, ở nước ngoài họ làm thế kia" ngõ hầu coi đó là thước đo chuẩn mực nhất. Đúng, chúng ta cần phải học hỏi, như việc cải thiện các lò giết mổ làm sao cho đạt tiêu chuẩn của thế giới văn minh, song chúng ta cũng nên nhìn nhận sâu sắc xem thử những thước đo ngoại lai có hẳn đã là chuẩn mực, nhất là khi nó dùng để "nắn chỉnh" lại xương sống văn hóa của dân tộc.

Thế giới này trở nên tươi đẹp hơn bởi nó đa dạng và có nhiều khác biệt. Chúng ta cần phân biệt những khác biệt để nhận ra vẻ đẹp đó mặc dù chúng ta không nên kỳ thị những khác biệt, bởi đó là hành vi thiếu văn minh.

Câu chuyện con bò Úc cũng không chỉ dừng ở đó mà nó là câu chuyện để mở rộng sang cả những gì chúng ta chứng kiến mỗi ngày, đặc biệt là các sản phẩm văn hoá nhập ngoại, như những chương trình truyền hình có nguồn gốc công thức (format) nước ngoài. Đừng để đến lúc, ngay trong nước sẽ tồn tại những thế hệ "quả chuối", tức là da thì vàng mà lòng lại trắng, là người Việt nhưng lại xa Việt đến vô cùng.

Văn Đoàn
.
.