Truyền hình thực tế có tạo nên "cú hích" cho đội ngũ sáng tác ca khúc Việt ?

Thứ Hai, 05/12/2016, 08:00
Một câu hỏi đặt ra là liệu truyền hình thực tế có thể tạo ra cú hích "đầy chất lượng" cho đội ngũ sáng tác ca khúc ở Việt Nam hiện nay hay không, khi sáng tác - công việc đặc thù, phụ thuộc phần lớn vào cảm xúc, vốn tri thức, văn hóa của người sáng tác bị bó hẹp trong khuôn khổ của những vòng thi, thời gian thi...


Một hướng đi mới của truyền hình thực tế

Trong sự bùng nổ các chương trình truyền hình thực tế từ Đài trung ương đến địa phương thì âm nhạc là lĩnh vực được khai thác nhiều nhất. Điều này dễ hiểu bởi so với các loại hình nghệ thuật khác, âm nhạc luôn hiện diện trong đời sống con người từ thành thị đến nông thôn, trong mọi lứa tuổi, thành phần xã hội.

Các chương trình tìm kiếm tài năng âm nhạc nhiều đến mức khán giả cảm thấy "bội thực" vì chất lượng giảm sút, thiếu vắng tài năng đích thực, trong khi quá thừa những chiêu trò câu khách, phản cảm. Những chương trình tìm kiếm tài năng ca hát, biểu diễn thì nhiều nhưng chương trình tôn vinh nhà sản xuất âm nhạc, sáng tác ca khúc lại đang bị bỏ ngỏ.

Bên cạnh đó, trong sự phát triển của nền âm nhạc hiện đại, trào lưu nghệ sỹ đa năng vừa có thể sáng tác, vừa hát xuất hiện ngày càng nhiều. Điều này góp phần tạo nên sự đa dạng cho thị trường âm nhạc nhưng cũng đặt ra yêu cầu tìm kiếm những nhân tố mới "đa di năng" như một cách "đi tắt, đón đầu" cho sự phát triển âm nhạc. Chính vì vậy, sự ra đời của "Sing my song - Bài hát hay nhất" gây được sự chú ý là điều tất yếu.

Thí sinh Lê Thiện Hiếu gây chú ý trên các diễn đàn với ca khúc "Ông bà anh".

So với chương trình "Bài hát Việt", một sân chơi hiếm hoi cho nhạc sỹ sáng tác ca khúc Việt thì "Sing my song" đã có nhiều sự thay đổi đáng ghi nhận. Rõ ràng, "Bài hát Việt" không có được một format chương trình giải trí hấp dẫn mà "nặng" về yếu tố chuyên môn.

Có người nhận xét rằng, "Bài hát Việt" chỉ là "cuộc chơi nội bộ" vì thiếu tính giải trí, sự tương tác với khán giả. Ở những mùa giải đầu tiên, "Bài hát Việt" đã gây được tiếng vang, tạo được chỗ đứng trong lòng khán giả.

Đến tận bây giờ, những ca khúc từng "xuất hiện" và được vinh danh ở sân chơi này như "Mưa bay tháp cổ" (Trần Tiến), "Thu tình yêu" (Lưu Thiên Hương), "Bà tôi", Giọt sương bay lên" (Nguyễn Vĩnh Tiến), "Giấc mơ trưa" (Giáng Son), "Mong anh về" (Dương Cầm), "À í a" (Lê Minh Sơn), "Giấc mơ mang tên mình" (Văn Phong), "Bài ca tình yêu" (Thành Vương), "Em trong mắt tôi" (Nguyễn Đức Cường), "Thềm nhà có hoa" (Lê Thanh Tâm), "Chuông gió" (Võ Thiện Thanh), "Ngọn cỏ lau", "Quạt giấy" (Lưu Thiên Hương), "Con cò" (Lưu Hà An), "Góc tối" (Nguyễn Hải Phong), … vẫn có chỗ đứng trang trọng trong lòng khán giả yêu nhạc Việt. Tuy nhiên, càng về sau, "Bài hát Việt" càng hụt hơi và phải tạm dừng trong sự tiếc nuối của người làm nghề.

"Sing my song" xuất hiện "đánh trúng" tâm lý thời thượng của khán giả Việt vào thời điểm "chuộng" truyền hình thực tế. Nói gì thì nói, truyền hình thực tế có sự hấp dẫn riêng về cách thức thể hiện. Cùng một nội dung và mục đích hướng tới nhưng cách thể hiện của truyền hình thực tế sinh động, sáng tạo và sự tương tác với khán giả tốt hơn.

Với format chương trình hấp dẫn, "Sing my song" sẽ là cuộc "chạy đua" đầy kịch tính giữa các thí sinh qua bốn phần thi: "Sơ tuyển", "Thu âm", "Sáng tác và tranh đấu", "Truyền hình trực tiếp". "Sing my song" được kỳ vọng sẽ là cầu nối để các tài năng trẻ có cơ hội tỏa sáng, đồng thời, tạo cơ hội cho các nhà sản xuất tìm thấy những cá tính âm nhạc độc đáo.

Kỳ vọng nhiều sẽ thất vọng lắm?

Qua hai tập phát sóng, một số thí sinh, ca khúc xuất hiện ở "Sing my song" đã trở thành tâm điểm của truyền thông. Đặc biệt nhất phải kể đến ca khúc "Ông bà anh" của Lê Thiện Hiếu. Bỏ qua câu chuyện giới tính của Lê Thiện Hiếu cũng đang gây chú ý không kém, phải khẳng định một cách "chắc nịch" rằng, "Ông bà anh" là bài hát có "tứ" độc đáo, ca từ giản dị, giai điệu dễ nghe, dễ đi vào lòng người.

Các huấn luyện viên của chương trình là nhạc sĩ Đức Trí, Lê Minh Sơn, Giáng Son, Nguyễn Hải Phong đều cho rằng, ca khúc sẽ tạo hit trong giới trẻ. Ngay sau khi xuất hiện trên sóng truyền hình, "Ông bà anh" cùng tác giả của Lê Thiện Hiếu đã gây sốt trên khắp các diễn đàn.

Vô số những bản cover ca khúc "Ông bà anh" đã xuất hiện. Lê Thiện Hiếu trở thành ngôi sao sau một đêm chương trình lên sóng. Có lẽ, trong những vòng thi tiếp theo của chương trình, Lê Thiện Hiếu khó vượt qua được "cái bóng" của "Ông bà anh".

Ngoài Lê Thiện Hiếu, ca khúc "Đã có anh hai" của Phạm Hồng Phước, "Không giờ" của Phạm Trần Phương, "Happy Birthday xoay xoay" của Vicky Nhung, "Lời tự sự" của Ưng Đại Vệ cũng được các huấn luyện viên đánh giá cao.

Dàn giám khảo của "Sing my song - Bài hát hay nhất" 2016. Từ trái qua, nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong, Giáng Son, Đức Trí, Lê Minh Sơn.

Một câu hỏi đặt ra là liệu truyền hình thực tế có thể tạo ra cú hích "đầy chất lượng" cho đội ngũ sáng tác ca khúc ở Việt Nam hiện nay hay không, khi sáng tác - công việc đặc thù, phụ thuộc phần lớn vào cảm xúc, vốn tri thức, văn hóa của người sáng tác bị bó hẹp trong khuôn khổ của những vòng thi, thời gian thi.

Thực tế cho thấy, để có một ca khúc hay, người nhạc sỹ có thể có giây phút "xuất thần", hoàn thành sáng tác trong khoảng thời gian ngắn nhưng cũng có khi phải mất vài năm "thai nghén". Trong khi đó, ở phần thi "Sáng tác và tranh đấu", các thí sinh sẽ phải ở cùng huấn luyện viên trong vòng 12 - 24 tiếng và sáng tác ca khúc theo chủ đề mà huấn luyện viên đưa ra. Không hiểu khi bị "ép" sáng tác thì chất lượng ca khúc sẽ đi đến đâu?

Một trong những mục tiêu của "Sing my song" là tìm ra ca khúc hit cho thị trường âm nhạc. Nhạc sĩ Đức Trí từng chia sẻ với giới báo chí, đại ý rằng, trong quá trình tuyển chọn, Ban tổ chức cũng bắt gặp rất nhiều ca khúc nặng tính chuyên môn nhưng phải gạt bỏ vì tiêu chí tìm sản phẩm âm nhạc của chương trình là phải đến được với công chúng ngay lập tức chứ không chờ đợi hay thậm chí là cầu may.

Tuy nhiên, trên thực tế, không phải ca khúc nào tạo hit cũng được giới chuyên môn đánh giá cao về giai điệu và ca từ của ca khúc. Chẳng hạn như ca khúc "Bốn chữ lắm" của Phạm Toàn Thắng từng "càn quyét" rất nhiều bảng xếp hạng âm nhạc hai năm trước đây nhưng lại bị các nhạc sỹ "gạo cội" trong nghề chê vì ca từ ngô nghê như "Yêu lắm/thương lắm/mà xa lắm/đau lắm…".

Phần lớn những ca khúc hit của Sơn Tùng M-TP cũng bị không ít người "ném đá" về sự lủng củng trong ca từ. Nói như vậy để thấy rằng, "Sing my song" có thể sẽ mang đến nhiều ca khúc mới, được khán giả trẻ đón nhận nhưng chưa chắc sẽ tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ cho thị trường âm nhạc Việt.

Thị trường âm nhạc luôn cần đến những tác phẩm hay và đào tạo đội ngũ sáng tác chuyên nghiệp cần có thời gian, không thể trông chờ vào một, hai chương trình truyền hình thực tế diễn ra trong vài tháng. Có thí sinh đến với "Sing my song" chưa từng trải qua đào tạo về âm nhạc, thậm chí không biết nốt nhạc, họ sáng tác dựa trên cảm xúc và ghi âm lại những giai điệu âm nhạc mà họ "cảm nhận" được.

Không biết nhạc lý vẫn có thể sáng tác ca khúc hay, thậm chí đây còn là lợi thế khi cảm xúc của người sáng tác chưa bị chi phối bởi quy tắc, nguyên lý hàn lâm của âm nhạc. Tuy nhiên, nói gì thì nói, người nhạc sỹ vẫn cần phải có trong tay "bảo bối" của mình, đó chính là kiến thức cơ bản về âm nhạc, thêm vào đó là cảm xúc, tri thức, văn hóa, vốn sống… Không "có bột" thì khó có thể "gột nên hồ". Truyền hình thực tế có thể tìm kiếm nhân tố mới, đẩy nhân tố đó trở thành một ngôi sao nhưng không thể đào tạo ra nhạc sĩ sáng tác chuyên nghiệp…

Tường Phạm
.
.