Truyền hình thực tế chuộng thực… tệ?

Thứ Bảy, 17/10/2015, 08:00
Chương trình Vietnam's Next Top Model (VNTM) đã khép lại với chiến thắng thuộc về Hương Ly trong đêm chung kết 11/10. Thế nhưng, cái để lại ấn tượng cho công chúng vẫn là cơn mưa "gạch đá" càng lúc càng dữ dội khi chương trình đến chặng cuối. "Giọng hát Việt" trước đó và không ít các chương trình truyền hình thực tế khác cũng khép lại với vô số ồn ào quanh sự chọn lựa khó hiểu của ban giám khảo.

1.Hồng Xuân, Nguyễn Thị Hợp được xướng tên vào vòng chung kết VNTM  ví như gáo nước lạnh tạt thẳng vào những khán giả vốn đam mê thời trang. Đây là hai thí sinh có sự tiến bộ chậm so với nhiều thí sinh trong ngôi nhà chung. Nguyễn Thị Hợp nhiều lần rơi vào nhóm nguy hiểm nhưng lần nào cô cũng chỉ bị cảnh cáo rồi thôi. Hồng Xuân thì luôn khiến người xem hồi hộp mỗi khi cô đi catwalk. Ngay cả đêm công bố 4 thí sinh vào chung kết, cô đi đứng loạng choạng và suýt té nếu không có người khác đỡ.

Với các thử thách, người ta quá quen cảnh một Hồng Xuân mếu máo hoặc khóc tức tưởi. Đỉnh điểm là thử thách chụp hình dưới nước, Hồng Xuân là người có bức ảnh đẹp nhất thì lại trông như bóng ma chân dài, gương mặt bị khuất nhòa. Bức ảnh của Nguyễn Thị Hợp bị ví như người đuối nước. Nhưng cả hai đều an toàn trong khi H'Hen Niê có tấm ảnh đẹp hơn lại bị loại.

Ca sĩ Mỹ Tâm mừng chiến thắng của học trò Đức Phúc ở "Giọng hát Việt" 2015. Một chiến thắng gây ra nhiều tranh cãi.

Nếu nói như giám khảo là xét cả quá trình tiến bộ, thì rõ ràng H'Hen Niê có phong độ vững vàng nhất. Còn Hồng Xuân và Nguyễn Thị Hợp tiếp thu chậm. Thậm chí, Nguyễn Thị Hợp luôn tỏ ra khó ưa, không chịu tiếp thu nhận xét của ban giám khảo. Điệp khúc "Để họ có cơ hội sửa đổi lần sau" của giám khảo Thanh Hằng không làm cho khán giả nguôi bức xúc.

Nếu cứ khư khư giữ quan điểm đó thì người ta cũng nên tìm kiếm những thí sinh tiềm năng nhất để trao cơ hội chứ không phải là loại hết các thí sinh tài năng và để lại những thí sinh kém cỏi. Điều dễ nhận thấy là các thí sinh được giữ lại đều là những thí sinh có lắm điều tiếng hoặc có yếu tố đặc biệt gây chú ý.

Chiều cao "khủng" 1,9m của Hồng Xuân từ vòng loại trở thành "của lạ" cho nhà sản xuất. Ngay từ đầu, siêu mẫu Hà Anh thẳng thừng bảo rằng Hồng Xuân không có tố chất của một người mẫu. Những tưởng qua vòng catwalk tồi tệ của cô, nhà sản xuất thôi hy vọng đưa Hồng Xuân vào ngôi nhà chung, thế nhưng mọi sự đã đảo ngược.

 Nếu Hồng Xuân còn có điểm mới hấp dẫn để nhà sản xuất tạo sự chú ý thì Nguyễn Thị Hợp lại được phân vai đanh đá, khó ưa. "Vai ác" ở chương trình này rất được ưa chuộng. Nguyễn Thị Hợp chẳng khác phiên bản của Nguyễn Thị Oanh - quán quân mùa giải 2014 - là mấy. Do đó, nhiều thí sinh tha hồ "ác", nói xấu bạn thi, tỏ ra khó ưa, xét nét... lại được lọt sâu vào vòng trong.

Bên cạnh vấn đề về thí sinh, thì nội dung thi mùa này cũng bị sự chỉ trích của giới chuyên môn. Các bộ ảnh như chụp hình cùng khỉ, lơ lửng trong không trung, leo núi nhân tạo hay tạo dáng trước phông cảnh lá vàng mùa thu đều bị chê là thiếu thời trang, không khác gì trò hề. Các thử thách cũng tập trung quá nhiều vào những kỹ năng thừa (như thử thách bán hàng rong, làm tiếp viên trên máy bay...) trong khi chụp hình và catwalk - kỹ năng quan trọng của một người mẫu - lại không được chú trọng nhiều như các mùa trước đó.

Trước đó, "Giọng hát Việt" cũng xảy ra tranh cãi nảy lửa về kết quả. "Con không có ngoại hình đẹp như mọi người, không sáng tác được, không có vũ đạo, nói chung con không được gì hết. Cái duy nhất con có là giọng hát…" - Đó là nhận xét của Mỹ Tâm trong đêm chung kết dành cho "gà cưng" Đức Phúc. Thế nhưng nếu dõi theo hành trình của anh ở cuộc thi, sẽ khó dám chắc rằng giọng hát run rẩy và tầm tầm, Đức Phúc sẽ vụt sáng sau khi đoạt quán quân. Chẳng qua anh là "chiến binh" cuối cùng của đội Mỹ Tâm - ca sĩ có lượng fan hùng hậu.

Cái để nhà sản xuất muốn anh chàng đi sâu nữa là bởi công chúng luôn bàn tán về ngoại hình có vẻ khù khờ và cách trình diễn lập cập của anh. Chính Đức Phúc cũng thừa nhận: "Ngoại hình xấu xí giúp tôi khác biệt". Những thí sinh có yếu tố đặc biệt như cô gái vừa ăn kẹo vừa hát Phượng Vũ dù giọng hát một màu không nổi trội cũng liên tục đi sâu vào vòng trong.

Đức Phúc khiến người ta nhớ đến Yasuy của Vietnam Idol 2012. Cách hát bản năng của Yasuy không đẩy được tên tuổi của anh lên hàng sao khi phong độ thất thường và kỹ thuật thanh nhạc còn kém. Năm đó, cả hai thí sinh có giọng hát kiểu "karaoke" được nhà sản xuất ưu ái là Hương Giang Idol và Yasuy. Hương Giang thu hút công chúng vì cô là người chuyển giới còn Yasuy lại xuất thân từ một gia đình dân tộc thiểu số thuần nông nghèo trên cao nguyên.

2. Xét cho cùng, những cuộc thi tài năng trên truyền hình, nhất là các cuộc thi có định dạng truyền hình thực tế, là những chương trình giải trí. Càng về sau những yếu tố như định hướng thẩm mỹ, giáo dục, tìm kiếm tài năng thực thụ.. chìm khuất. Thay vào đó, chức năng giải trí lấn át kéo theo sự lên ngôi của những chiêu trò nếu giọng ca tài năng không đủ sức tạo nên cơn sốt như kiểu Uyên Linh, cô bé Thiện Nhân, cậu bé Nguyễn Đức Vĩnh... 

MC Lê Đỗ Quỳnh Hương phân tích: "Vẫn cần khẳng định ngay, truyền hình thực tế không phải không có những chương trình minh bạch, trong đó người xứng đáng nhất sẽ nhận phần thưởng lớn nhất. Tuy vậy, với áp lực của yếu tố thương mại, bằng mọi giá phải tạo kịch tính, hấp dẫn, thu hút lượng khán giả theo dõi cao ... cho nên  chương trình nào cũng khao khát những thí sinh đặc biệt, những câu chuyện lạ lùng, gây xúc động, thậm chí xoáy sâu vào những tình huống kịch tính khi khai thác sự đối đầu giữa giám khảo và thí sinh".

Những chiêu trò ban đầu khá lành, chủ yếu nhấn mạnh vào quá trình từ "con vịt xấu xí thành thiên nga xinh đẹp". Cho nên các thí sinh quê kệch từ ngoại hình đến lối hành xử, gia cảnh... có tài năng được ưu ái. Nhưng kể từ khi Lệ Rơi, Bà Tưng, Kenny Sang... "làm mưa làm gió" thì các chương trình đua nhau tận dụng tai tiếng, giật gân để câu khách, gần như bỏ qua các nguyên tắc nghề nghiệp, yếu tố chuyên môn thậm chí là xây dựng "thực tế" giả dối hoặc trái thuần phong mỹ tục...

Cách đây không lâu, trong một chương trình, thí sinh lộ nguyên bộ ngực lúc thay quần áo. "Nhân tố bí ẩn" 2014 gây sốc với vụ ca sĩ Anh Thúy đeo mặt nạ giả làm thí sinh Huyền Minh bị sẹo đầy mặt sau một tai nạn. Ở VNTM mùa này, ban giám khảo cho các thí sinh nhận xét công khai và loại nhau. Nhìn cảnh Nguyễn Thị Hợp thẳng thắn yêu cầu loại thẳng Đào Thị Thu khiến cô này khóc tức tưởi khiến người xem không khỏi khó chịu. Không thí sinh nào chịu nhìn nhận sai sót của mình mà chỉ tìm cách dìm hàng nhau để đối thủ bị loại sớm chừng nào thì họ hả hê chừng ấy.

Một nội dung chụp hình bị cho là kém tính thời trang của Vietnam's Next Top Model năm nay.

Trước những ồn ào của dư luận, đại diện nhà sản xuất VNTM 2015, Tùng Leo không ngượng ngùng cho rằng anh chỉ quan tâm đến chỉ số rating (lượng người xem). "Ý kiến trái chiều của số đông đều nằm trong tính toán từ trước của chúng tôi. Đây không phải là chương trình chuyên môn như một học viện mà là chương trình thực tế. Với đặc thù của loại chương trình truyền hình thực tế thì nó cần tạo ra chiều dư luận thì mới tồn tại được" - anh nói.

Điều đáng lo ngại là các chương trình càng xảy ra càng tai tiếng thì rating càng cao. Đơn cử như bảng giá quảng cáo đều tăng sau vụ tai tiếng của giám đốc âm nhạc Phương Uyên mùa "Giọng hát Việt" 2012. Vậy nên, phản ứng dữ dội của công chúng trước những bất thường của một chương trình truyền hình thực tế không đem lại thay đổi khả quan. Lâu dần, nó còn tạo nên khuynh hướng tiêu cực rằng người ta chờ đón chương trình đó không phải bởi vì nó hay mà vì chờ xem scandal nào sẽ xảy ra. 

Khi các quán quân bị chê không xứng đáng, nhà sản xuất và ban giám khảo thường biện hộ rằng tài năng của người chơi không phải là mấy tuần lễ thi thố mà là cả một quá trình sau khi cuộc thi khép lại. Thế nhưng, như nhận định của MC Quỳnh Hương: "Là định dạng lột tả cận cảnh quá trình "from zero to hero" (từ số 0 thành người hùng) nhằm đem lại sự phấn khích và giải tỏa ước mơ nổi tiếng nơi những người bình thường, nên cùng với việc phát hiện cho công chúng nhiều gương mặt thú vị, truyền hình thực tế đối mặt với một thực tế: không nhiều gương mặt hóa thiên nga sau chương trình có thế sải cánh vẫy vùng".

Đơn giản, thí sinh chỉ là quân cờ của nhà sản xuất để thu về món hời. Việc phát triển phụ thuộc rất nhiều vào bản thân thí sinh, trong khi họ đã bị bơm quá nhiều ảo tưởng về tài năng của mình từ những lời có cánh của ban giám khảo.

Phan Thi Uyên
.
.