Truy “đạo nhạc” – mốt của cộng đồng mạng?

Thứ Sáu, 23/12/2016, 08:02
Một ca khúc mới trình làng thì ngay lập tức trên mạng sốt sắng cơ man nào là bình phẩm, so sánh; điều tra xem ca khúc đó có na ná bài này hay không, giông giống bài nọ hay không, để kết luận tác giả đạo nhạc. Việc làm đó đang trở thành mốt thịnh hành của những "thánh soi", "quan tòa" trên mạng. Dù lực lượng này đa số kiến thức âm nhạc còn hạn chế.


Chạy đâu cho thoát

Từ dạo những nghi án đạo nhạc của Sơn Tùng M-TP trở nên ầm ĩ, khiến dư luận bất bình, cư dân mạng tự dưng được trang bị đôi tai nhạy cảm hết mức với ca khúc mới ra lò. Dạo đó, công chúng vô cùng hoang mang khi hết fan hâm mộ mắng nhau sa sả đến lượt giới chuyên môn cũng choảng nhau chan chát "mẻ đầu sứt trán" vì người bảo Sơn Tùng đạo nhạc, kẻ bảo không...

Giai đoạn ấy thật là một thời kỳ nước sôi lửa bỏng đến nỗi chính người được coi là nạn nhân bị Sơn Tùng "thó" mất ca khúc cũng chẳng giải quyết được gì dù có lên tiếng xác nhận. Vụ việc cứ thế đi vào dĩ vãng. Khi không có đội ngũ, cá nhân nào đủ sức cung cấp cho công chúng sự thẩm định đáng tin cậy thì họ nhìn mọi ca khúc mới trình làng với một cặp mắt soi mói và đôi tai nghi ngờ. Được đà, họ "thay trời hành đạo" luôn thể.

Nhiều bài hát mới lạ do chính người sáng tác trình bày khiến chương trình "Sing my song" (Bài hát hay nhất) trở thành khối nam châm cực mạnh với giới chuyên môn lẫn công chúng Việt Nam. Và đây là nơi béo bở để các "quan tòa trên mạng" lập chiến tích bởi chương trình được ngầm hiểu là nơi đạo nhạc khó có đất tồn tại (bởi ai dại gì mà mang ca khúc mình chôm chỉa đi thi thố công khai trên truyền hình).

Ca sĩ Trương Thảo Nhi trình diễn ca khúc "Tự sự tuổi 25" trong "Sing my song".

Thế mà, nhờ sự "chăm bẵm" tận tình của lực lượng hùng hậu này, lần lượt các bài hát trong chương trình "Sing my song" bị đem ra luận tội. Bị lên thớt nhiều nhất là những bài hát được ban giám khảo chú ý và tạo hiệu ứng tốt tại chương trình như "Tự sự tuổi 25" của Trương Thảo Nhi, "Good bye my love" của Đào Bá Lộc...

"Tự sự tuổi 25" được bộ tứ giám khảo Lê Minh Sơn, Giáng Son, Đức Trí, Nguyễn Hải Phong bấm chọn và tìm mọi cách tranh giành, chiêu dụ Trương Thảo Nhi về đội của mình. "Tôi như hạt cát giữa vũ trụ bao la/Tình cờ lạc bước vào trái tim anh/ A ha, bơi qua năm tháng/ Rửa trôi bụi đời"… 

Giai điệu cùng lời ca, cách biểu diễn mang đậm tính tự sự ma mị, đầy hình ảnh và sức sáng tạo của cô gái trẻ đã thuyết phục các nhạc sĩ. Ngay lập tức, cư dân mạng "khai quật" bài "Ngựa hoang biết bay" của thí sinh Dương Khỏa Nhi trong chương trình "Sing my song" phiên bản Trung Quốc và cho rằng Trương Thảo Nhi đã bắt chước cô gái này.

Thứ nhất là bắt chước cách miệng kêu xùy xùy như tiếng gió, tiếng xào xạc cỏ cây, tay múa, rung... khi thể hiện ca khúc. Thứ hai là giai điệu ma mị, na ná nhau. Thứ ba, lời bài hát cũng kiểu tự sự, thể hiện khát vọng tung hoành, tự do, phóng khoáng.

Ngoài ra, có người còn chỉ ra đoạn hát kiểu cà lăm của Trương Thảo Nhi đã từng xuất hiện ở thí sinh Vương Căng Lâm khi anh biểu diễn bài "Mẹ cô ấy không thích tôi"; hoặc phần mở đầu "Tự sự tuổi 25" mang âm hưởng "Dã tử" của Tô Vận Doanh. Hai thí sinh này đều thuộc "Sing my song" phiên bản Trung Quốc.

Nghe dư luận buộc tội, Trương Thảo Nhi bình tĩnh đáp trả rằng mình sáng tác hoàn toàn độc lập. Cô nghe "Ngựa hoang biết bay" và nhận thấy không hề giống "Tự sự tuổi 25". Nội dung, giai điệu hoàn toàn khác nhau, có giống chăng là kiểu tự sự mang cá tính, nỗi niềm gần nhau của hai cô gái trẻ, từ đó tạo nên cái tứ gần gũi. Riêng một vài kỹ thuật biểu diễn giống nhau là điều hết sức bình thường.

Trong khi đó, "Good bye my love" của Đào Bá Lộc bị nghi chôm chỉa bài "Sứ Thanh Hoa" của ca sĩ Đài Loan Châu Kiệt Luân. Khác với Trương Thảo Nhi, dù khẳng định đó là ca khúc mình sáng tác nhưng Đào Bá Lộc cũng thừa nhận hai bài hát có nhịp điệu gần nhau. Anh cho rằng có thể mình vô tình bị ảnh hưởng mô típ vì đã từng nghe "Sứ Thanh Hoa".

Ngoài hai trường hợp bị tố đạo nhạc trên còn có hàng loạt ca khúc khác bị cho là mượn ý tưởng chỗ này một ít, chỗ kia một tí. Chẳng hạn như "Tình lãng phí" của Hứa Kim Tuyền là sự hòa trộn của hai bài nhạc Việt: "Vết mưa" và "Yếu đuối". Người khác thì bảo "Tình lãng phí" giống "Suffer" của Charlie Puth. "Một mai chúng ta sẽ già" hao hao bài "Khi em già đi" của Triện Chiếu, phiên bản "Sing my song" Trung Quốc...

Luận tội đã đời, các "quan tòa" kết luận: "Thì ra mấy "đạo sĩ" quy ẩn trên núi bấy lâu đều xuống núi để thi chương trình này hết à!? Mới phát ba tập đếm sơ sơ cũng cỡ ba bài đạo nhạc, "mượn ý tưởng" lời, "na ná" phong cách, cách hát! Đổi tên thành "Sing China's song" đi cho rồi! Ôi đến nản".

Đừng vội chụp mũ, phán xét

Không thể phủ nhận lợi ích từ việc truy tìm dấu vết đạo nhạc của cộng đồng mạng. Chính nhờ tính đa nghi như Tào Tháo này khiến cho người sáng tác không dám dễ dãi, xài chùa bừa bãi dù là nạn nhân có ở tận đẩu tận đâu.

Mạng internet với hàng loạt công cụ tìm kiếm thông minh đã kết nối khắp nơi trên trái đất trở thành một thế giới phẳng và nhanh. Có người lăm lăm soi xét, ý thức của người làm nhạc từ đó đi vào nề nếp, văn minh hơn. Hàng loạt bài hát của Sơn Tùng bị đưa ra ánh sáng.

Ca sĩ Đào Bá Lộc thừa nhận ca khúc "Good bye my love" của mình có nhịp điệu gần giống ca khúc "Sứ Thanh Hoa" của Châu Kiệt Luân.

Dù kết luận cuối cùng nhiều lúc không được công khai như trường hợp ca khúc "Chắc ai đó sẽ về" nhưng những lùm xùm này đã giúp công chúng nhận diện được cách làm nhạc và chỗ đứng của Sơn Tùng. Họ ý thức hơn khi tiếp nhận sản phẩm âm nhạc.

Nó cũng đủ sức gióng lên hồi chuông cảnh báo cho thói sáng tác dựa trên phần hòa âm, phối khí (beat) có sẵn - cách làm quen thuộc và xu hướng sáng tác hiện nay của nhiều nghệ sĩ trẻ. Tai hại ở chỗ, việc sáng tác trên nền nhạc có sẵn rất dễ dẫn đến những giai điệu na ná nhau, dễ bị tố đạo nhái. Chuyện sáng tác trên beat có sẵn chỉ nên dùng trong bài tập của sinh viên nhạc viện, còn người sáng tác chuyên nghiệp thì cần từ giã thói quen này để sự sáng tạo không bị cùn mòn và phụ thuộc.

Tuy nhiên, điều gì cũng mang tính hai mặt. Việc "đi tuần" quá đà và tỏ ra ta đây là chuyên gia của cư dân mạng đã khiến nhiều nhạc sĩ có tự trọng lâm vào cảnh khốn đốn và uy tín bị tổn thương ghê gớm. Một nhạc sĩ trẻ xin giấu tên cho biết anh từng điên đầu lao vào tranh cãi với những người bảo mình ăn cắp ca khúc.

Thời gian bị dư luận ném đá, anh gặp áp lực nặng nề, sốc và hoang mang khi ca khúc mình dồn nhiều tâm sức bị vu oan. Sau này anh học cách vượt qua dư luận bởi "cây ngay không sợ chết đứng". Miễn sao vẫn có người hiểu anh và anh tự thấy không hổ thẹn với lương tâm để tiếp tục hồn nhiên sáng tác.

Nhạc sĩ Hà Chương cho rằng bản thân anh không hề thấy "Tự sự tuổi 25" và "Ngựa hoang biết bay" giống nhau. Lắm người chỉ thấy vài điểm na ná đã vội vã quy chụp Trương Thảo Nhi đạo nhạc. Theo anh, việc quy chụp, phán xét bừa bãi theo cảm tính này rất nguy hiểm.

Những người có khả năng sáng tác đâm ra nhát tay, thiếu tự tin khi viết bởi bất cứ cái gì cũng bị bới lông tìm vết, hơi giống mô típ đã bị gán cho hai chữ ghê gớm là đạo nhạc. Cảm hứng sáng tạo của họ bị thui chột từ trong trứng nước. Đồng thời, công chúng cũng bị định hướng sai lệch vì mất niềm tin vào tác giả, tác phẩm đó.

Việc đánh giá, công chúng nên lắng nghe ý kiến từ phía các nhà chuyên môn với căn cứ rõ ràng, thuyết phục. Bởi để xác định tác phẩm này có đạo tác phẩm kia hay không là điều không hề đơn giản. Nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố như giai điệu, tiết tấu, cách hòa âm, phối khí... mà người có nghề mới định lượng được. 

Đôi khi, chính giới chuyên môn cũng lúng túng. Bởi như nhạc sĩ Minh Châu cho hay, từng dòng nhạc như jazz, pop, hip hop, bolero... sẽ có một phong cách âm nhạc gần nhau. Âm nhạc lại chỉ có 7 nốt nhạc và đã có biết bao thế hệ nhạc sĩ sử dụng, nên chuyện ảnh hưởng nhau là khó có thể tránh khỏi. Điều đáng lưu tâm nhất là độ ảnh hưởng này nằm ở mức nào, có đáng bị gọi là đạo nhạc hay không?

Phan Thi Uyên
.
.