Xử lý đạo nhạc: Đòn đau mới chừa

Chủ Nhật, 04/09/2016, 09:46
Vụ bài hát “Chúng ta không thuộc về nhau” của Sơn Tùng M-TP bị tố đạo nhạc chưa ngã ngũ thì dông bão tương tự lại sầm sập ập đến. Giữa tháng 8, nghệ sĩ piano người Nhật Marika Takeuchi đăng bản nhạc không lời “Rain in the Park” của mình và ca khúc “Vết mưa” của Vũ Cát Tường trên trang cá nhân để mọi người cho nhận xét vì nhiều fan của chị thấy đoạn đầu hai bài na ná nhau. 


Ngay lập tức, hầu hết ý kiến “ném đá” Vũ Cát Tường, bảo “cười người hôm trước hôm sau người cười” vì trước đó cô mới “đá xéo” Sơn Tùng vì vụ “Chúng ta không thuộc về nhau” bị nghi ngờ “chôm chỉa” “We dont talk anymore” của Charlie Puth. 

Không im ỉm như cách làm thường thấy của hầu hết nhạc sĩ trẻ lúc lâm chuyện, Vũ Cát Tường trực tiếp liên lạc với Marika Takeuchi để giải quyết vụ việc. Tường cung cấp các bằng chứng về việc cô đã gửi ca khúc “Vết mưa” cho nhà sản xuất Trọng Nguyên vào ngày 18-6-2013 còn “Rain in the Park” của Marika Takeuchi lại phát hành vào ngày 26-6.

Sau khi kiểm tra, nhạc sĩ người Nhật đã lên tiếng xác nhận Vũ Cát Tường không hề đạo nhạc và trầm trồ: “Việc này hẳn là một sự trùng hợp kinh ngạc khi chúng ta đều viết ra những giai điệu tương tự trong cùng một khoảng thời gian”.

Hot girl Mờ Navie biểu diễn và mạo nhận ca khúc “Điều em muốn nói” là của mình trong chương trình “Bữa trưa vui vẻ”. (Ảnh cắt từ clip).

Không lâu sau, làng nhạc lại nóng lên vì đòn giáng mạnh mẽ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với hot girl Mờ Navie (tên thật là Trần Hà My). Cụ thể, Mờ Navie “nhận vơ” ca khúc “Điều còn lại” (tên cũ là “Điều em muốn nói”) của tác giả Hoàng Thu Trang (nghệ danh Chim Sau) là của mình khi biểu diễn trong chương trình “Bữa trưa vui vẻ” trên VTV6 ngày 8-7-2016.

Lúc bị tác giả Hoàng Thu Trang lên tiếng, Mờ Navie chối đây đẩy, trắng trợn bảo mình không làm gì sai. Đến khi tác giả mời luật sư làm rõ trắng đen và Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vào cuộc thì cô nàng mới ú ớ xin lỗi. Ngày 24-8, Mờ Navie bị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lập biên bản và xử phạt hành chính. Vụ việc này cũng là lần đầu tiên cơ quan chức năng xử phạt hành chính kẻ đạo nhạc.

Năm 2004, ca khúc “Tình thôi xót xa” của Bảo Chấn và “Tuổi 16” của Quốc Bảo cũng bị xử lý nhưng chỉ dừng lại ở mức xin lỗi, cảnh cáo trong phạm vi của Hội Nhạc sĩ Việt Nam và Hội Âm nhạc TP Hồ Chí Minh. Về sau, hàng loạt các “nghi án” đạo nhạc của hàng loạt các nhạc sĩ trẻ mãi chỉ là “nghi án”. Từ Phạm Hồng Phước, Khắc Việt đến Only C, Châu Đăng Khoa... đều dễ dàng bước qua bão dư luận.

Nhưng chính cái chữ “nghi án” này càng khiến bài hát tăng độ nóng. Bằng chứng sống động nhất là Sơn Tùng M-TP. Nào là “Cơn mưa ngang qua”, “Đừng về trễ”, “Em của ngày hôm qua” rồi đến “Chắc ai đó sẽ về” và bây giờ là “Chúng ta không thuộc về nhau” đều sốt sình sịch.

Hồi lùm xùm “Em của ngày hôm qua” giới âm nhạc đã “choảng” nhau chan chát về thế nào là đạo nhạc. Kẻ bảo phải, người bảo không. Nhiều nhạc sĩ phân tích rằng việc đạo nhạc có thể quy thành hai trường hợp: cố ý và vô tình. Việc cố ý như Mờ Navie thì không còn gì để nói, nhưng đáng ngại nhất là vô tình, tức là bị ảnh hưởng.

Trong trào lưu cập nhật các xu hướng âm nhạc nước ngoài để học hỏi, cho ra lò các ca khúc thời thượng, không ít nhạc sĩ trẻ không đủ bản lĩnh để rồi bị nhiễm hoàn toàn “chất” của người ta mà không hay biết. Nhưng cũng chính lằn ranh mong manh giữa cố ý và vô tình mà nhiều người chai mặt chen chân đứng vào lằn ranh này, vừa đủ gây ồn ào, vừa có cớ ngụy biện.

Đến vụ “Chắc ai đó sẽ về” năm 2014 thì có một hội đồng thẩm định hẳn hoi để kiên quyết kéo kẻ đạo nhái ra khỏi lằn ranh đó. Hội đồng xác nhận ca khúc này giống 90% ca khúc “Because I miss you” của một nhạc sĩ Hàn Quốc nhưng khốn nỗi Sơn Tùng vẫn bình an vô sự vì phía bị đạo không hề kiện tụng. Ca khúc vẫn được lưu hành nếu thay đi phần nhạc. Nó như một gáo nước lạnh khiến người làm nghề ngao ngán.

Nhưng sự thẳng thắn đầy văn minh của Vũ Cát Tường khi trực tiếp giải oan cho mình hay sự vào cuộc quyết liệt của tác giả Hoàng Thu Trang, của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch gần đây là tín hiệu đáng mừng để những người làm nghề tin tưởng rằng nền âm nhạc sẽ có tiếng nói minh bạch, cứng rắn từ chính ý thức nghệ sĩ và trách nhiệm của cơ quan chức năng. Nó khẳng định một điều như chính Hoàng Thu Trang bày tỏ: “Không thể để cho sự việc chìm xuống như rất nhiều lần tranh cãi không có hồi kết của các vụ việc mạo nhận quyền tác giả xảy ra trước đó, hay nhận một lời xin lỗi thế là xong. Tôi nghĩ chúng ta, những người đã đủ 18 tuổi, đều cần có trách nhiệm với những gì mình nói, mình làm. Nếu bạn làm sai, bạn hãy dũng cảm gánh chịu hậu quả”.

Nhà báo, nhạc sĩ Hữu Trịnh: Không có “vùng bất khả thi” khi xử lý đạo nhạc

Để chấm dứt tình trạng đạo nhạc hiện nay, các cơ quan quản lý văn hóa phải vào cuộc và có những quy định mạnh tay. Cũng giống như trước đây, vấn đề hát nhép rất nhức nhối nhưng từ khi Cục Nghệ thuật Biểu diễn có quy định về xử phạt hát nhép thì tôi thấy tình trạng này giảm đi đáng kể. Tương tự, vấn đề đạo nhạc cần có những quy định xử phạt mang tính chất răn đe. Tuy nhiên, một khó khăn hiện nay cho các nhà quản lý và nhà chuyên môn là câu hỏi: như thế nào là đạo nhạc?

Còn nhớ năm 2014, Cục Bản quyền đã ủy thác cho Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam thành lập một hội đồng thẩm định bài “Chắc ai đó sẽ về” của Sơn Tùng có đạo nhạc hay không. Sau đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng thành lập một hội đồng để thẩm định lại bài hát này.

Đây là trường hợp mà trên thế giới thường làm: muốn biết đạo nhạc hay không thì phải có hội đồng chuyên môn về lĩnh vực đó xác nhận và họ xử dựa theo nguyên tắc “phai mờ”. Nghĩa là khi làm một tác phẩm phái sinh, nếu những đặc trưng của tác phẩm có sẵn chưa được “phai mờ” trong tác phẩm mới, thì tác phẩm mới đó không có giá trị sáng tạo và không được công nhận là tác phẩm độc lập thuộc quyền sở hữu của người tạo ra tác phẩm mới.

Một số luật sư cho rằng người bị đạo nhạc có đơn khiếu kiện thì mới có một cơ quan nhà nước xử khiếu kiện đó. Nhưng tôi nghĩ rằng đó là vấn đề pháp lý. Còn trong quá khứ, các hội âm nhạc đã căn cứ vào đạo đức, trách nhiệm... của người nhạc sĩ là hội viên để xử lý vấn đề này. Nhưng cũng từ đó mà có suy nghĩ: nếu người đạo nhạc là hội viên thì hội đó đứng ra xử lý, còn nếu người đó không phải là hội viên thì không ai đứng ra xử lý.

Nhưng tôi nghĩ, đã là người tham gia hoạt động âm nhạc thì người đó phải chịu trách nhiệm về mặt tác giả. Nên chăng các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch ở mỗi địa phương kết hợp với đơn vị chuyên môn xác định cá nhân nào đạo nhạc để có hình thức xử phạt từ mức độ cảnh cáo đến cấm hoạt động nghệ thuật biểu diễn.

Nhạc sĩ Minh Châu: Muốn tránh ảnh hưởng, nhạc sĩ phải hiểu biết và cẩn trọng

Người ta thường nói âm nhạc có 7 nốt nhạc, trong khi có hàng triệu bài hát thì sao tránh khỏi chuyện giống nhau? Đồng ý là vậy nên chúng ta càng phải cẩn thận và am hiểu về tác phẩm của mình. Theo tôi, để biết đâu là ranh giới của mình mà không xâm lấn người ta, chúng ta cần hiểu nhạc của người khác. Có tác phẩm dễ bị trùng lặp vì nhạc sĩ không thèm nghe nhạc ai khác ngoài nhạc của mình. Họ có thể không biết rằng trước đó trong tiềm thức đã bị ngấm một vài dòng giai điệu khi nghe văng vẳng đâu đó rồi khi sáng tác ra cứ tưởng của mình.

Nghiên cứu về âm nhạc dân gian và viết nhiều trường ca về con người đất nước Việt Nam đòi hỏi tôi không chỉ tìm hiểu âm nhạc Việt Nam, nghe nhiều tác phẩm của nghệ sĩ trong nước mà còn tìm hiểu âm nhạc của Thái Lan, Trung Quốc, Lào, Ấn Độ.... Vì khi hiểu biết càng nhiều đặc trưng âm nhạc các nước, mình càng tránh được nét nhạc tương đồng với họ.

Có câu: biết người biết ta, trăm trận trăm thắng. Trong âm nhạc cũng vậy. Mình hiểu biết càng nhiều thì càng chắc tay khi sử dụng nó. Để được vậy, người làm âm nhạc cần khiêm tốn học hỏi và nghiên cứu không ngừng. Ngay cả bản thân tôi viết ra một đoạn nhạc phải nghiệm tới nghiệm lui để thấy nó có bị ảnh hưởng ai đó không. Nếu có thì phải chỉnh sửa để tác phẩm cuối cùng đến tay công chúng không làm mình lấn cấn.

Mai Quỳnh Nga
.
.