Trống vắng văn học dành cho thiếu nhi

Thứ Sáu, 31/05/2019, 08:09
Theo nhà thơ Lê Thiếu Nhơn, lực lượng văn học thiếu nhi quá mỏng và rất thiếu vắng những cây bút chuyên nghiệp, theo đuổi dài hơi, bền bỉ như Nguyễn Nhật Ánh. Các cây bút mới vẫn không ngừng xuất hiện, thử nghiệm cách sáng tạo mới nhưng ở cuộc đua đường dài, họ dần rơi rụng vì không trụ nổi. Số lượng đã ít ỏi, chất lượng lại càng khiêm tốn...


Không thể để nhà văn “tự bơi”

Mai Quỳnh Nga

Việc Ban Văn học thiếu nhi của Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh bị xóa sổ vài năm nay khiến những người viết tâm huyết không khỏi xót xa, chạnh lòng. Nhiều người cho rằng trong dòng chảy văn học đương đại, văn học thiếu nhi lặng lẽ, ảm đạm và dường như đang bị đẩy ra bên lề.

Nói về văn học thiếu nhi hiện nay, người ta thường nghĩ ngay đến nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Ông được ví như “một mình một chợ” bởi cuốn sách nào của ông cũng “cháy hàng”, trở thành best seller. Nói vậy không có nghĩa chỉ có một mình Nguyễn Nhật Ánh viết sách cho thiếu nhi. Cũng có nhiều nhà văn khác theo đuổi con đường này như Nguyễn Ngọc Thuần, Trương Huỳnh Như Trân, Thu Trân, Võ Diệu Thanh, Võ Thu Hương, Lê Hữu Nam, Trần Nhã Thụy...

Một số tác phẩm từng gây ấn tượng trên văn đàn như “Khi quá buồn, hãy tưới nước cho một cái cây” của Trương Huỳnh Như Trân, “Siêu nhân cua” của Võ Diệu Thanh, “Mật ngữ rừng xanh” của Lê Hữu Nam, “Những đứa trẻ mắc dịch” của Trần Nhã Thụy... Thế nhưng so sánh hiệu ứng, độ phủ sóng tác phẩm và tên tuổi ở thời điểm này, Nguyễn Nhật Ánh vẫn ở vị trí độc tôn trong mảng văn học dành cho tuổi thơ.

Nhiều cuốn sách ra đời đã lâu của ông như “Bàn có năm chỗ ngồi”, “Chú bé rắc rối”, “Những chàng trai xấu tính”, “Mắt biếc”... vẫn được bạn đọc bây giờ tìm mua. Và năm nào cũng vậy, những tác phẩm mới nhất của Nguyễn Nhật Ánh đều được nhà xuất bản tổ chức quảng bá, PR rầm rộ khi ra mắt độc giả. Hầu hết các nhà văn còn lại đều không có “diễm phúc” sống được bằng nghề khi cầm bút viết cho tuổi thơ như Nguyễn Nhật Ánh.

Theo nhà thơ Lê Thiếu Nhơn, lực lượng văn học thiếu nhi quá mỏng và rất thiếu vắng những cây bút chuyên nghiệp, theo đuổi dài hơi, bền bỉ như Nguyễn Nhật Ánh. Các cây bút mới vẫn không ngừng xuất hiện, thử nghiệm cách sáng tạo mới nhưng ở cuộc đua đường dài, họ dần rơi rụng vì không trụ nổi. Số lượng đã ít ỏi, chất lượng lại càng khiêm tốn.

Văn học dành cho thiếu nhi đang thiếu hụt các tác phẩm của nhà văn trong nước.

Đạo diễn Trần Hồng Yến từng mong mỏi có nhiều tác phẩm hay, thú vị để bà chuyển thể thành phim phục vụ khán giả thiếu nhi. Nhưng đỏ mắt tìm kiếm, số lượng tác phẩm như thế rất ít ỏi, đa số vẫn là “văn thiếu nhi, vị người lớn”. Một tác giả trẻ không ngần ngại cho biết cuốn sách của anh tuy viết về thế giới trẻ em nhưng nếu để các em đọc e là khó “tiêu hóa” trong khi người lớn lại dễ đọc bởi cuốn sách vẫn chen lẫn nhiều bài học nhân sinh khá to tát.

Văn học thiếu nhi được hiểu là văn học dành cho thiếu niên và nhi đồng. Nhưng nhiều người không phân biệt được sự khác nhau về tâm lý của hai lứa tuổi để có tác phẩm riêng phù hợp mà viết chung chung. Người viết dễ sa đà vào những bài học giáo dục khô khan, giáo điều khiến các em nhanh chóng quay lưng.

Chuyên gia tâm lý Thu Hiên phân tích, hai lứa tuổi thiếu niên (9-15 tuổi) và nhi đồng (5-8 tuổi) là hai lứa tuổi có tâm sinh lý khác nhau hoàn toàn. Nếu độ tuổi nhi đồng chủ yếu là học tập, ham thích khám phá cuộc sống xung quanh thì lứa tuổi thiếu niên dần chuyển mối quan tâm đến tình bạn, những rung cảm giới tính đầu đời.

Giai đoạn “gần bạn xa mẹ” này, các em thích chơi với bạn, thích tâm sự với bạn vì bạn bè đồng điệu chứ ít tâm sự với cha mẹ. Do vậy đối với mỗi lứa tuổi, nhà văn cần đặt mình vào tâm lý, cách ứng xử và ngôn ngữ của các em để viết.

PGS.TS Hoàng Thị Tuyết, Giám đốc Trung tâm Phát triển văn hóa đọc và kỹ năng sống Hướng Dương Việt cho hay, thiếu nhi hiện nay rất thích truyện dịch vì truyện dịch rất phong phú, đa dạng thể loại, cốt truyện kịch tính hấp dẫn, còn truyện Việt Nam bị các em chê nội dung đều đều, motif khuôn mẫu. Qua khảo sát, bà nhận thấy các em yêu thích những cuốn sách mang màu sắc fantasy (kỳ ảo), khoa học viễn tưởng hơn cả.

Trong khi đó, ở Việt Nam, dòng văn học fantasy, khoa học viễn tưởng còn quá mới mẻ. Đa số các tác phẩm viết cho thiếu nhi của nhà văn Việt Nam hiện nay vẫn là nhắc lại ký ức tuổi thơ của mình với những kỷ niệm khó quên. Số tác phẩm khai thác cuộc sống của trẻ em và lứa tuổi mới lớn ngày hôm nay gần như không có trong khi các em trông chờ những cuốn sách gần gũi với lứa tuổi của mình, phản ánh cuộc sống, tâm tư tình cảm của các em bây giờ.

Việc thiếu nhi xa rời sách còn bởi sức quyến rũ khó cưỡng của truyện tranh, hoạt hình, trò chơi điện tử và vô số loại hình vui chơi giải trí hấp dẫn khác... cũng là điều khiến các nhà văn lo lắng. Là tác giả của hơn 20 đầu sách dành cho bạn đọc nhỏ tuổi như “Đứa con hoang”, “Quê ngoại”, “Cô bé mộng mơ”, “Vua nói dóc”... , nhà văn Mai Bửu Minh không khỏi xót xa: “Nhiều người nửa đùa nửa thật với tôi: mày viết cho thiếu nhi hoài thì không bao giờ lớn nổi đâu, chuyển sang viết truyện khác đi.

Quả thật, nhuận bút cho tác phẩm rất bèo bọt, không xứng với công sức mình bỏ ra vì viết cho thiếu nhi dụng công hơn rất nhiều văn viết cho người lớn. Các cuộc thi văn chương thì ít chú trọng đến mảng văn học này. Nếu tổ chức thì cũng như kiểu thêm thắt cho có. Đau lòng nhất là ngay chính tổ chức nghề nghiệp của các nhà văn - Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh cũng xóa sổ Ban Văn học thiếu nhi”.

Vẫn còn đó nhiều tác giả âm thầm gieo hạt giống trên mảnh đất ít người vun xới này, nhưng gặt hái được quả ngọt hay không vẫn phải chờ may rủi. Nhiều cuốn sách thú vị, hấp dẫn không kịp được vinh danh, được giới thiệu rộng rãi nên nó vẫn ít cơ hội đến tay bạn đọc. Viết xong, nhà văn thỏa niềm đam mê nhưng lại phải ngậm ngùi để đứa con tinh thần im ỉm đóng bụi trên góc tủ.

Nhà văn Võ Thu Hương: Nếu phụ huynh định hướng tốt, văn học thiếu nhi vẫn luôn có chỗ đứng

Là người mẹ có con đang ở tuổi thiếu nhi, thiếu niên, cũng là người vẫn đang vừa học, vừa viết văn cho độ tuổi này, tôi quan tâm nhiều đến những ý kiến đa chiều về văn học thiếu nhi. Nhiều người có cảm giác xót xa cho người viết sách văn học thiếu nhi, khi mà thiếu nhi hiện “truy lùng” truyện tranh, phớt lờ truyện chữ.

Tôi nghĩ có nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân chính cần nhìn nhận là do người lớn thiếu định hướng cho các con ngay từ nhỏ. Truyện tranh sinh động, ít phải đọc nhiều chữ thì các con sẽ có xu hướng chọn cho đỡ mệt đầu, đó là suy nghĩ cực kỳ đơn giản của con trẻ. Nếu bố mẹ hiểu được sự hấp dẫn của truyện chữ đưa lại những giá trị nhân văn, trí tưởng tượng phong phú, rèn khả năng ngôn ngữ và tăng cảm xúc... thì các con sẽ có sự quan tâm nhiều hơn tới sách văn học thiếu nhi.

Con gái nhà tôi năm nay chuẩn bị lên lớp 2 và cháu vẫn thích thú với thế giới cổ tích của Andersen, thơ Trần Đăng Khoa, truyện “Dế mèn phiêu lưu ký” của Tô Hoài... Con của các bạn bè tôi cũng không ít trẻ thích đọc truyện chữ. Chính vì thế, tôi tin văn học thiếu nhi vẫn luôn có chỗ đứng.

Có những nhà xuất bản khá nhạy về tâm lý thích xem tranh đẹp, sinh động đã tăng phần nhìn trong những tác phẩm văn học. Ví dụ như cuốn “Thơ 5 mùa” của NXB Kim Đồng, sau vài tháng in đã tái bản. Đó là điều bất ngờ cho thơ thiếu nhi, sau suốt bao nhiêu năm các em chỉ biết tới Trần Đăng Khoa, Phan Thị Thanh Nhàn, Định Hải... Hay như cuốn cổ tích “Thiện và Ác”, tập truyện đồng thoại “Xóm bờ giậu” của nhà văn Trần Đức Tiến cũng tái bản sau vài tháng ra mắt sách.

Sự ít quan tâm tới văn học thiếu nhi một phần vì các phương tiện giải trí khác ngày càng phong phú, đa dạng, càng khiến văn hóa đọc giảm dần. Ở thế hệ chúng tôi (tức thế hệ 8x, 9x trở về trước), thiếu nhi chỉ có sách thì giờ đã có ipad, có phim hoạt hình bom tấn ra rạp thường xuyên.

Trước nhiều sự cạnh tranh như vậy, để thiếu nhi không phớt lờ sách văn học, trước hết sách phải hấp dẫn, phụ huynh cần là người nâng cao văn hóa đọc cho các con. Tác phẩm thiếu nhi cần được chủ động giới thiệu nhiều hơn tới các em (hiện nay rất ít nhà văn, nhà xuất bản làm ra mắt sách văn học thiếu nhi), sau đó tự khắc các con sẽ tìm sách chữ để đọc.

Bên cạnh đó, để các em nhỏ quan tâm tới sách viết cho thiếu nhi thì nhà văn cần gác cái tôi cá nhân mình lại, quan sát và lắng nghe thiếu nhi nhiều hơn để viết. Những câu chuyện phải gần gũi với cách nghĩ của độc giả mới gắn kết được độc giả và trang viết. Nếu viết cho các em thệ hệ 10X đọc mà vẫn khư khư giữ cách nghĩ, cách nhìn và cách viết dài dòng của 8X trở về trước thì tôi nghĩ sẽ khó hấp dẫn được các em.

Những tác giả trẻ viết cho thiếu nhi vẫn thường có sự kết nối, gặp gỡ nhau. Chúng tôi coi đó là niềm vui gặp gỡ những bè bạn chung đường, cũng là cơ hội học hỏi, khích lệ lẫn nhau. Bên cạnh sự quan tâm của người viết với nhau, sự quan tâm của độc giả - đặc biệt là độc giả nhí là liều thuốc tinh thần vô cùng đáng quý với tác giả viết cho thiếu nhi.

Với những người viết cho thiếu nhi ở lứa tuổi của tôi, đủ tự tin để nghĩ mình có thể đi dài hơi hơn với niềm yêu thích của mình. Dù nhuận bút sách viết cho thiếu nhi vẫn khá khiêm tốn với công sức bỏ ra nhưng quả thực, với công việc sáng tác, đặc biệt là sáng tác cho lứa tuổi thiếu nhi, không riêng tôi, nhiều nhà văn đã và đang cảm thấy vui với việc chọn cho mình một lối đi không rộn ràng, không nhiều lợi ích nhưng vẫn luôn dễ thương.

PGS.TS Bùi Thanh Truyền, Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh: Cần giải thưởng riêng dành cho văn học thiếu nhi

Nếu như giai đoạn trước, trẻ em bị xem là “gà công nghiệp” vì không có nhiều cơ hội, điều kiện để lựa chọn các món ăn tinh thần, giờ đây họ có sự chủ động, dễ dàng trong việc tìm đến với những sản phẩm văn hóa, văn học mà mình ưa thích. Những cuốn sách xấu xí, nội dung nghèo nàn, việc người lớn gây áp lực hay dạy dỗ khô cứng để trẻ phải đọc sách, cách quảng bá, tiếp thị đơn điệu, nghèo cũ... sẽ chỉ làm được một việc: biến sách văn học thành ... nỗi ám ảnh kinh người của trẻ!

Chính vì thế, để văn học thiếu nhi phát triển một cách đầy đủ, đúng hướng, công tác xã hội hóa cần chú trọng chế độ khuyến khích, bảo trợ cho những người viết, đặc biệt là ưu đãi về chế độ nhuận bút, chủ động chào sách với những gói hỗ trợ, ưu đãi nhất định. Cần có cách thức đầu tư theo chiều sâu cho từng tác giả, từng nhóm đề tài để có tác phẩm hay cho các em.

Các đơn vị làm sách cần kiếm lãi nhưng trước hết phải có sách hay cho trẻ em để hướng dẫn thị hiếu lành mạnh, đúng đắn cho các em trong việc thưởng thức văn học, lạ hóa sách văn học không chỉ ở nội dung mà còn ở hình thức in ấn, minh họa...

Cho đến nay, Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh cũng như Hội Nhà văn Việt Nam vẫn chưa có giải thưởng văn học thiếu nhi thường niên (cả hạng mục sáng tác lẫn nghiên cứu) như trước đây. Giải Sách hay hằng năm của Hội xuất bản thảng hoặc cũng có trao cho văn học tuổi hoa nhưng hiệu ứng lan tỏa còn thấp. Nếu có một giải thưởng thường xuyên dành riêng cho lĩnh vực này do các “Mạnh Thường Quân” đảm trách thì sẽ là động lực không nhỏ cho sự khởi sắc của văn học thiếu nhi địa phương.

Làm sao có được đội ngũ phê bình và nghiên cứu chuyên nghiệp song hành với đội ngũ sáng tác, làm sao xây dựng được trung tâm đọc sách cộng đồng dành riêng cho tuổi thơ, mỗi năm có một hội sách hè cho các em... Thiết nghĩ những điều trên cũng là kế hoạch trước mắt và lâu dài của công tác xã hội hóa văn học thiếu nhi.

Nhà lý luận phê bình văn học Nguyễn Hòa - hội viên Hội Nhà văn - TP Hồ Chí Minh: Nhiều cây bút vẫn coi viết cho thiếu nhi là một cuộc dạo chơi

Sáng tác văn học cho thiếu nhi là một công việc cực kỳ công phu, nhọc nhằn hơn so với sáng tác văn học ở đội tuổi khác. Bởi sáng tác cho thiếu nhi, nhà văn bên cạnh tài năng và những phẩm chất cần có của người viết họ còn phải là người am hiểu tâm lý - sự phát triển của trẻ, hiểu biết một cách sâu sắc những vấn đề mình viết, mình phản ánh và chuyển tải một cách linh hoạt. Làm sao vừa gây được sự hứng khởi, thích thú với trẻ vừa có tác dụng giáo dục, bồi bổ, nuôi dưỡng tâm hồn cho các em.

Có thể nói, trong những thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI, văn học thiếu nhi Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể, khẳng định vị trí của mình trong nền văn học dân tộc thời kỳ hội nhập. Sự đa dạng trong phong cách, giọng điệu làm nên sức hấp dẫn của văn học thiếu nhi giai đoạn này.

Nhiều cây bút thành danh tiếp tục thể hiện sự già dặn của mình trên từng trang viết, những cây bút mới xuất hiện cũng đã có những thế mạnh của họ trong việc chiếm lĩnh, khai thác, mổ xẻ... đưa vào trang viết nhịp thở sinh động của thời đại. Mặc dù vậy, trong thời gian qua, mảng sáng tác văn học dành cho đối tượng người đọc có nhiều nét đặc thù này  lại chưa được quan tâm đúng mức.

Đối tượng, phạm vi, lực lượng sáng tác cho độ tuổi này của cả nước dù đã có tăng lên, có tính chuyên nghiệp hơn, năng động hơn nhưng vẫn còn rất nhiều điều đáng bàn vì chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Lực lượng các cây bút viết cho thiếu nhi hiện nay có sự kế thừa và tiếp nối các thế hệ nhà văn trước. Tuy nhiên, chỉ có một vài tác giả định hình, còn lại vẫn còn chưa thiết tha lắm nên tác phẩm vẫn còn mờ nhạt. Có chăng, họ sáng tác chỉ như là thử sức và giải trí vì nhìn chung mảng văn học viết cho lứa tuổi này còn chưa có sự quan tâm và đánh giá thích đáng.

Chúng ta chưa có đội ngũ thật sự gọi là chuyên nghiệp theo đúng nghĩa để sáng tác cho lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng. Những người viết chuyên nghiệp thì quá ít. Bởi đa phần các nhà văn, tác giả viết cho lứa tuổi này vẫn chỉ viết như là cuộc dạo chơi. Mà đã là cuộc dạo chơi thì họ muốn viết thì viết, muốn dừng thì dừng. Đa phần là các cây viết nghiệp dư, họ viết chỉ để thỏa nỗi đam mê.

Rồi sau đó vì công việc, vì miếng cơm manh áo, họ không viết nữa hoặc có thể họ chuyển hướng viết cho người lớn với nhiều triển vọng hơn. Bởi sáng tác cho thiếu nhi thường ít hấp dẫn hơn so với sáng tác văn học dành cho người lớn, lại đòi hỏi sự công phu, tỉ mỉ, nhọc nhằn. Với lại, các nhà văn thường khai thác những vấn đề nóng, mang tính thời cuộc thì dễ nổi tiếng hơn viết cho lứa tuổi thiếu nhi.

Người viết một cách tự phát, viết theo đam mê là điều đáng trân trọng, nhưng cũng có người chạy theo phong trào: thấy người ta viết thì cũng viết, trong khi đó mình không có kiến thức nền, hoặc chưa chuẩn bị tâm thế cho nên cũng chỉ viết qua loa, hời hợt. Viết văn đã khó, viết cho lứa tuổi thiếu nhi lại khó hơn gấp bội.

Điều đặc biệt phải lưu tâm là sáng tác văn học thiếu nhi có sự khác biệt so với văn học người lớn. Người viết không chỉ có kiến thức về vấn đề mình viết mà còn phải hiểu tâm lý lứa tuổi, phải diễn đạt khéo léo nội dung mình muốn đề cập. Người viết cần phải dựa trên những đặc trưng thẩm mỹ riêng mang tính đặc thù. Văn học thiếu nhi phải là những sáng tác được nhìn từ cái nhìn trẻ thơ, bằng con mắt trẻ thơ và được chấp nhận, trước hết, bởi độc giả là trẻ em, có nội dung hướng đến giáo dục, bồi dưỡng tâm hồn, nhân cách trẻ.

Văn học thiếu nhi không chỉ là câu chuyện của riêng các em mà còn là những câu chuyện mang nhiều vấn đề lớn của xã hội. Tuy nhiên, trong thực tế sáng tác, một số nhà văn lại luôn đề cao vấn đề này dẫn đến tác phẩm trở nên khô khan, giáo điều, thiếu đi sự hồn nhiên, trong trẻo.

Như vậy, để sáng tác cho thiếu nhi, để có tác phẩm hay thì nhà văn phải cần kết hợp nhiều yếu tố, trong đó có các yếu tố cơ bản như tính hồn nhiên, ngây thơ; tính giàu hình ảnh, vần điệu và nhạc điệu; tính ngắn gọn, rõ ràng; yếu tố truyện trong thơ, yếu tố thơ trong truyện và những bài học nhân văn nhẹ nhàng và sâu lắng được rút ra từ tác phẩm sau khi trẻ đọc.

Văn học thiếu nhi hiện nay vẫn còn thiếu những tác phẩm mang dấu ấn vùng miền cũng như những tác phẩm mang hơi thở, dấu ấn thời đại. Các tác giả thể hiện thái độ nhập cuộc nửa vời, chậm trễ trong việc phản ánh và truyền tải hiện thực. Đa phần viết theo lối cũ, mang tính hoài cổ, các kiểu nhân vật là mẫu số chung cho mọi thời đại.

Các tác giả vẫn xoay quanh những đề tài quen thuộc, chưa có nhiều tìm tòi, phát hiện và đột phá mang tính hấp dẫn. Các nhà văn chưa thực sự thâm nhập để nắm bắt và phản ánh hiện thực thời đại một cách mau lẹ. Vấn đề phát triển tâm sinh lý lứa tuổi, thói đua đòi, bắt chước, sống vô cảm, những giá trị đạo đức xuống cấp trong thế giới phẳng... chưa được người cầm bút khai thác thật sự hay và thời sự.

PV
.
.