Văn học thiếu nhi: Phải viết hấp dẫn

Thứ Hai, 09/06/2008, 14:30
"Hiện nay, với sự cạnh tranh từ phim ảnh, ca nhạc, games, làm sao để văn học lôi cuốn độc giả nhỏ tuổi thật sự là một bài toán khó. Riêng tôi, ở vị trí người viết, tôi chỉ đặt ra yêu cầu với chính mình là viết hấp dẫn" - Nhà văn trẻ Phan Hồn Nhiên cho PV VNCA biết.

- Thưa chị Phan Hồn Nhiên, bạn đọc tuổi mới lớn đã được đọc rất nhiều tác phẩm văn học của chị. Xin hỏi, nguyên cớ nào khiến chị quan tâm đến mảng đề tài này thường xuyên và lâu dài như vậy?

+ Thật ra, ở điểm khởi đầu, tôi hoàn toàn không có ý hướng viết cho tuổi teen, mà hướng thẳng đến các đề tài của người trưởng thành. Sau đó, khi sinh hoạt với hội bút Hương đầu mùa, tôi thử viết cho teen và cũng được chấp nhận.

Sau ngày tốt nghiệp, tôi về làm ở báo Sinh viên Việt Nam và Hoa học trò. Trong môi trường báo nhà, tôi có điều kiện và cơ hội để viết cho teen nhiều hơn. Kể từ đó, tôi luôn duy trì song song hai dòng văn: viết cho người lớn và viết cho teen. Thành thật mà nói, nếu không làm việc ở báo Hoa học trò, chắc chắn tôi không đủ hiểu biết và cảm hứng để có thể viết cho teen nhiều đến thế.

- Các nhà văn trẻ cùng thế hệ với chị rất ít người dành thời gian, tâm sức của mình để viết cho các em, theo chị vì sao?

+ Theo quan sát riêng, tôi nhận thấy có hai type người viết cho trẻ em. Thứ nhất là viết bằng kỷ niệm và cảm hứng. Điều này lý giải vì sao các cây bút trẻ khi bắt đầu viết thì dễ viết hay về tuổi thơ. Nhưng về sau họ có những đề tài hấp dẫn hơn, gần gũi hơn và thời sự hơn để theo đuổi. Khi đó, hứng thú viết cho trẻ em sẽ nhường chỗ cho các quan tâm mới.

Còn type thứ hai thì có lẽ chuyên nghiệp hơn, họ viết cho trẻ em bằng quan sát, phân tích và hiểu biết nên có thể làm dài hơi mà không sợ bị đuối. Tôi nghĩ, nếu có cùng một quỹ thời gian, lựa chọn giữa viết cho người lớn và trẻ em, thì như lẽ đương nhiên, người viết trẻ sẽ chọn viết cho người lớn mà thôi.

- Một tác phẩm văn học viết về các em và được các em đón nhận, theo chị cần phải đáp ứng những yếu tố nào?

+ Có lẽ không riêng đối tượng trẻ em, ngay với cả độc giả trưởng thành, yếu tố hấp dẫn luôn là tiêu chí để một tác phẩm có thể chinh phục số đông. Hiện nay, với sự cạnh tranh từ phim ảnh, ca nhạc, games, làm sao để văn học lôi cuốn độc giả nhỏ tuổi thật sự là một bài toán khó.

Riêng tôi, ở vị trí người viết, tôi chỉ đặt ra yêu cầu với chính mình là viết hấp dẫn. Tuy nhiên, một mình người viết thì chưa đủ để các em chú ý đến tác phẩm đâu. Trong bối cảnh hiện nay, công tác quảng bá hay vẫn gọi là PR vô cùng quan trọng để một tác phẩm tốt đến được với các em.

- Chúng ta đang có một khoảng trống rất lớn trong mảng văn học viết cho thiếu nhi. Con số người viết trẻ quan tâm đến mảng văn học này có thể đếm được trên đầu ngón tay. Theo chị, Hội Nhà văn cần phải làm gì để có được một đội ngũ những người viết cho thiếu nhi đông đảo hơn, có nhiều tác phẩm hay hơn?

- Thú thật là tôi không biết rõ nên không thể nói Hội Nhà văn "phải làm gì". Tôi thấy Hội vẫn duy trì các trại viết, các cuộc thi sáng tác cho trẻ em. Đó vẫn là cách để có tác phẩm mới cho trẻ em khả thi nhất.

Nhưng tôi nghĩ, một mình Hội thì không thể xoay chuyển tình thế. Chỉ khi nào các tác phẩm văn học cho trẻ em được chú ý, được đầu tư và quảng bá mạnh, thì mới có thể thay đổi suy nghĩ của người viết, thúc đẩy một số cây bút tiềm năng đầu tư hẳn vào mảng đề tài này.

- Là phóng viên của một tờ báo dành cho tuổi teen, chị thấy nhu cầu đọc sách văn học của các em ngày hôm nay có điều gì khác so với các thế hệ đi trước?

+ Một khi đã muốn tìm hiểu cuộc sống thông qua sách văn học, tôi nghĩ độc giả nhỏ tuổi ở thế hệ nào cũng như nhau. Chính vì thế, những tác phẩm có giá trị của nhiều thập niên trước đến nay vẫn gây hứng thú với các em. Thế nhưng, nhu cầu đọc tác phẩm mới, gần gũi với thời đại các em đang sống vẫn luôn rất cao. Làm sao viết để các em đọc thấy đúng là mình, không lên gân dạy dỗ, không "giả giọng" các em là một thử thách với người sáng tác.

Theo quan sát của tôi, sau một thời gian bị truyện tranh mê hoặc, các em đang có nhu cầu đọc sách văn học trở lại. Có lẽ điều này cũng không nằm ngoài xu hướng chung của thế giới. Thậm chí, sách càng dày càng được các em chú ý. Vấn đề là nội dung và tựa sách đó có được quảng bá để thu hút chú ý của các em hay không mà thôi

Vũ Quỳnh (thực hiện)
.
.