Trào lưu nghệ sỹ Việt “hâm nóng” tên tuổi bằng truyền hình thực tế: Cẩn thận khi chơi dao hai lưỡi…

Thứ Bảy, 24/12/2016, 08:00
Bỏ qua những sân chơi trên truyền hình dành riêng cho các nghệ sỹ, thực tế cho thấy, không ít nghệ sỹ đã tạo dựng được tên tuổi trong showbiz tìm đến các cuộc thi tìm kiếm tài năng để “khởi động” chặng đường phát triển mới. “Hâm nóng” tên tuổi bằng truyền hình thực tế có phải là giải pháp tối ưu cho các nghệ sỹ hay cũng chỉ là một chiêu câu khách của các nhà sản xuất trong bối cảnh bão hòa các các chương trình tìm kiếm tài năng?


Những ca sĩ triệu view thất thủ

Sau 5 tập lên sóng,“Sing my song - Bài hát hay nhất” (phát sóng 21h chủ nhật hằng tuần trên VTV3) đã gây được sự chú ý của công chúng. Điều đáng quan tâm là, nhiều nghệ sỹ “triệu view” đã đặt mình vào “vạch xuất phát”, tham gia với vai trò thí sinh của chương trình.

Nhìn ở một góc độ nào đó, điều này cũng có tính hợp lý khi mà tiêu chí của cuộc thi là tìm kiếm những nhạc sĩ - ca sĩ tài năng. Khi tham gia cuộc chơi, điều đó đồng nghĩa rằng, các nghệ sỹ phải tuân thủ luật chơi và cạnh tranh công bằng với nhau.

Thế mới có chuyện, Trịnh Thăng Bình, ca sĩ từng “gây sốt” trong cộng đồng nghe nhạc trực tuyến với hàng loạt ca khúc đình đám như “Người ấy”, “Lời chưa muốn nói”, “Đã biết có ngày hôm qua”… bất ngờ bị loại. Tham gia chương trình với ca khúc mới có tựa đề “Vỡ tan”, dù được không ít khán giả tại trường quay hò reo, cổ vũ nhưng Trịnh Thăng Bình vẫn “tẽn tò” khi cả bốn vị giám khảo của chương trình là nhạc sĩ Đức Trí, Lê Minh Sơn, Nguyễn Hải Phong, Giáng Son không nhấn nút lựa chọn.

Nhóm MTV đình đám một thời quyết định tìm đến sân chơi “Sing my song – Bài hát hay nhất”.

Cũng trong chương trình “Sing my song - Bài hát hay nhất”, một số “hit maker” (những nhà sản xuất âm nhạc tạo được ca khúc hot trên thị trường) cũng phải “ngậm ngùi” ra về như Vương Anh Tú (tác giả ca khúc “càn quét” tất cả các bảng xếp hạng âm nhạc trực tuyến thời gian qua “Anh cứ đi đi” do Hariwon thể hiện), Nguyễn Duy Anh (nổi tiếng với những ca khúc như “Buông” do ca sĩ Bùi Anh Tuấn thể hiện, “Nụ cười Việt Nam” do Đông Nhi thể hiện)...

Sự xuất hiện của nhóm nhạc đình đám một thời – MTV với ca khúc “Cám ơn ngày mới” của nhạc sỹ Nguyễn Dân trên sân chơi tìm kiếm nhạc sĩ – ca sĩ cũng gây nên những luồng dư luận trái chiều. Không ít người đặt câu hỏi, tại sao một nhóm nhạc từng có thời kỳ hoàng kim như MTV lại tham gia một chương trình vốn được định hình dành cho nghệ sỹ trẻ như “Sing my song – Bài hát hay nhất”.

Nhận xét về phần biểu diễn của MTV, nhạc sỹ Đức Trí đã thốt lên rằng, “sao các bạn lại ở đây. Tôi và Hải Phong chắc chắn là fan của các bạn. Các bạn đừng giành suất của các em”. Ưng Đại Vệ, cựu thành viên của nhóm nhạc GMC với nhiều ca khúc hit như “Đêm trăng tình yêu”, “Nỗi sầu đêm vắng”, “Kiếp lữ hành” cũng lựa chọn “Sing my song – Bài hát hay nhất” để đánh dấu sự trở lại sân khấu ca nhạc của mình sau nhiều năm vắng bóng.

Hai thí sinh từng giành ngôi vị quán quân ở các cuộc thi âm nhạc khác đã tìm đến “Thần tượng âm nhạc Việt Nam” 2016 để thử sức là Thảo Nhi (Quán quân “Học viện ngôi sao” 2015) và Ngô Thanh Huyền (Quán quân Sao Mai 2013 dòng nhạc nhẹ).

Mặc dù đã lọt vào vào chung kết nhưng cả hai thí sinh này không có cơ hội giành ngôi vị cao nhất của cuộc thi. Thảo Nhi dừng chân ở top 4 và không ít lần bị ban giám khảo chê là thiếu cá tính, phong cách biểu diễn “ủ dột”, thiếu sức sống của tuổi trẻ, hát không có năng lượng, cách thể hiện như “trả bài”. Tương tự như vậy, Ngô Thanh Huyền cũng có một hành trình gian nan và dừng chân ở top 8.

“Hâm nóng” tên tuổi bằng truyền hình thực tế - nên hay không?

Có nhiều lý do để các nghệ sỹ quyết định tìm đến các chương trình truyền hình thực tế để thi thố tài năng. Một số nghệ sỹ trẻ thổ lộ rằng, thông qua các chương trình tìm kiếm tài năng, họ muốn khẳng định rõ nét hơn phong cách, định hướng âm nhạc, đồng thời đưa hình ảnh của mình đến gần hơn với công chúng.

Bên cạnh đó, một số nghệ sỹ lại tìm đến các cuộc thi trên truyền hình để “hâm nóng” tên tuổi. Chẳng hạn như quyết định tham gia “Sing my song – Bài hát hay nhất” của nhóm nhạc MTV, ca sĩ Ưng Đại Vệ được coi là cột mốc đánh dấu sự trở lại sân khấu sau thời gian vắng bóng.

Một câu hỏi đặt ra là, các nghệ sỹ đã ít nhiều tạo được dấu ấn trong lòng khán giả có nên tham gia các cuộc thi tìm kiếm tài năng trên truyền hình hay không? Theo quan điểm cá nhân, tôi cho rằng, không nên bởi hai lý do: Thứ nhất, mục đích tìm kiếm, phát hiện tài năng của các chương trình truyền hình thực tế sẽ không đạt được vì chính các “nhân tố cũ” sẽ giành mất cơ hội của các nhân tố mới mà showbiz Việt đang trong tình trạng “khát” nhân tố mới.

Thứ hai, sử dụng truyền hình thực tế để “hâm nóng” tên tuổi giống như sử dụng con dao hai lưỡi, vừa có thể khiến khán giả “phát cuồng” nhưng cũng có thể khiến khán gia “tràn trề thất vọng”. Bên cạnh đó, không ít khán giả cho rằng, việc tự đặt mình vào vạch xuất phát, các nghệ sỹ đã tự phủ nhận những nỗ lực, cống hiến của mình cũng như niềm tin yêu của khán giả.

Ca sĩ “triệu view” Thịnh Thăng Bình không thành công trên sân chơi “Sing my song – Bài hát hay nhất”.

Nhìn lại những gương mặt nghệ sỹ đã tham gia các chương trình tìm kiếm tài năng trên truyền hình, có thể thấy rằng, không phải nghệ sỹ nào cũng thành công. Trong mắt khán giả, các nghệ sỹ được “mặc định” là phải thành công và việc họ được các huấn luyện viên lựa chọn là điều hiển nhiên. Nếu thất bại, họ sẽ bị hoài nghi về tài năng, thậm chí bị khán giả tuyên bố “tẩy chay”.

Khán giả Việt vẫn còn nhớ như in vụ việc ca sĩ Anh Thúy, cựu thành viên nhóm nhạc Mây Trắng xuất hiện trong chương trình “Nhân tố bí ẩn –X factor” 2014 với cái tên Huyền Minh cùng chiếc mặt nạ che kín gương mặt.

Cũng chính vì chiếc mặt nạ này mà một câu chuyện ly kỳ, đầy nước mắt về số phận của Huyền Minh đã được kể trên sóng truyền hình. Sự thật vỡ lở khi khán giả truyền hình phát hiện ra thân phận thực sự của thí sinh Huyền Minh. Anh Thúy cho rằng, sở dĩ có có hành động như vậy là muốn tìm lại cảm xúc khi đứng trên sân khấu, tuy nhiên, cách lý giải này không nhận được sự đồng tình của nhiều khán giả.

Đài Truyền hình Việt Nam đã phải lên tiếng xin lỗi khán giả truyền hình về sự cố này. Anh Thúy buộc phải dừng cuộc chơi và từ đó đến nay, cũng không có được sản phẩm âm nhạc nào đáng chú ý.

Rõ ràng, sử dụng truyền hình để “làm mới” bản thân, “hâm nóng” tên tuổi không phải là lựa chọn thông minh của các nghệ sỹ. Với lựa chọn này, các nghệ sỹ phải chịu áp lực rất lớn khi quyết định đứng chung sân khấu với vô số thí sinh chưa có tên tuổi trong showbiz. Trong khi đó, với tài năng và những gì đã tạo dựng được trước đó, các nghệ sỹ hoàn toàn có thể xây dựng và đi con đường nghệ thuật riêng của mình.

Nhận xét về phần dự thi của “hit maker” Vương Anh Tú trong “Sing my song – Bài hát hay nhất”, nhạc sỹ Nguyễn Hải Phong nói đại ý rằng, Vương Anh Tú có một thế giới nghệ thuật khác. Thế giới đó sẽ mang lại nhiều thành công hơn. Tú không cần đến sân chơi này mà vẫn có thể làm được công việc của mình và được nhiều người yêu thích.

Truyền hình thực tế vẫn tiếp tục “làm mưa, làm gió” và khẳng định sự ảnh hưởng đối với showbiz Việt. Một điều không thể phủ nhận rằng, khi tham gia truyền hình thực tế, dù thành công nhiều hay ít, thậm chí là thất bại thì tên tuổi của các nghệ sỹ cũng sẽ được công chúng biết đến nhiều hơn.

Khi đó, mục đích của nghệ sỹ đã đạt được và chương trình cũng có thêm “gia vị” để thu hút sự quan tâm của khán giả. Các chương trình truyền hình thực tế tìm kiếm tài năng đang bị nhiều nhà phê bình đánh giá là tạo ra các giá trị nghệ thuật ảo, những “ngôi sao bong bóng”. Có lẽ, sự tham gia của các nghệ sỹ vào các chương trình truyền hình thực tế cũng “tiếp tay” cho việc tạo ra những giá trị ảo cho showbiz Việt.

Tường Phạm
.
.