Trào lưu khai thác đời tư trên truyền hình thực tế: Sự quá đà của truyền thông

Thứ Sáu, 10/02/2017, 08:16
Nhìn lại năm 2016 đã đi qua và dự báo xu thế phát triển trong năm 2017, có thể thấy rằng, truyền hình thực tế vẫn tiếp tục là "miếng bánh màu mỡ" của các Đài truyền hình từ trung ương đến địa phương. Không chỉ mở rộng lĩnh vực mới, các nhà sản xuất còn sử dụng nhiều chiêu tròđể thu hút khán giả. Đời tư của các thí sinh, người chơi được coi là "địa hạt" đầy tiềm năng để các nhà sản xuất khai thác.


Khi đời tư không còn là câu chuyện riêng

"Sing my song - Bài hát hay nhất" (phát sóng 21 giờ, chủ nhật hàng tuần trên VTV3)-một trong những chương trình tìm kiếm tài năng âm nhạc hot nhất thời điểm hiện nay đang gặp phải sự phản ứng từ dư luận vì đề cập quá nhiều đến chuyện đời tư của các thí sinh.

Với mong muốn tìm được những nghệ sỹ vừa có khả năng sáng tác, vừa có thể tự thể hiện ca khúc của mình, trong những tập đầu lên sóng, "Sing my Song - Bài hát hay nhất" được đánh giá là điểm sáng trong làng nhạc Việt những ngày cuối năm 2016. Tuy nhiên, đi đường dài mới thấy, dường như tài năng của thí sinh đang bị lu mờ bởi những câu chuyện bên lề đượcnhà sản xuất khai thác một cách quá đà.

Trong vòng thi "Tranh đấu và sáng tác", Chương trình "Sing my song - Bài hát hay nhất" lên sóng thời gian gần đây, ca khúc "Mùi của mẹ" của thí sinh Jack Nguyễn (đội Huấn luyện viên Lê Minh Sơn) khiến không ít khán giả xúc động. Bài hát là lời tâm sự của người con về mẹ. Đó là lời cảm ơn sâu sắc của người con trước những khó khăn, vất vả, gian lao trong cuộc sống mà người mẹ đã phải trải qua.

Em gái khuyết tật, nhân vật chính trong ca khúc "Đã có anh hai"của Phạm Hồng Phước xuất hiện trên sân khấu "Sing my song - Bài hát hay nhất".

Theo lời tâm sự của Jack Nguyễn thì ca  khúc "Mùi của mẹ" được viết dựa trên câu chuyện có thật mà gia đình anh đã trải qua. Khi trình diễn ca khúc, Jack Nguyễn đã khóc vì xúc động.Nghệ thuật bắt nguồn từ cuộc sống và chính cảm xúc chân thành đã giúp Jack Nguyễn có được một sản phẩm âm nhạc thành công.

Chuyện đáng nói ở đây là Ban Tổ chức chương trình đã kỳ công xây dựng một video clip giới thiệu về hoàn cảnh sáng tác ca khúc, trong đó mẹ và Jack Nguyễn "diễn" lại cảnh người mẹ tần tảo phải thức khuya, dậy sớm bán cá ngoài chợ. Chính video clip tái hiện lại cảnh đời tư của gia đình Jack Nguyễn lại gây phản cảm, khiến người xem cảm thấy hoàn cảnh sáng tác ca khúc bị dàn dựng, thiếu chân thực.

Trước đó, ca khúc "Đã có anh hai" viết dành tặng cô em gái khuyết tật đã giúp Phạm Hồng Phước chinh phục được cả bốn huấn luyện viên của chương trình "Sing My Song - Bài hát hay nhất" là Nhạc sỹ Đức Trí, Lê Minh Sơn, Giáng Son và Nguyễn Hải Phong.

Sau phần trình diễn của Phạm Hồng Phước, thật bất ngờ khi người em gái khuyết tật - nhân vật chính trong ca khúc "Đã có anh hai" xuất hiện trên sân khấu.Trong phút chốc, khán giả quên đi ca khúc "Đã có anh hai" mà tập trung vào câu chuyện đời tư đầy xúc động của thí sinh Phạm Hồng Phước.

Tương tự như vậy, sau phần trình diễn ca khúc "Người mù" của thí sinh Bùi Caroon, người đàn ông mù - nhân vật khơi nguồn cảm hứng cho nhạc sỹ sáng tác ca khúc cũng được đưa lên sân khấu như để minh chứng về tính chân thực của hoàn cảnh sáng tác.

Lê Thiện Hiếu hiện vẫn là thí sinh gây được sự chú ý nhiều nhất trong "Sing My song - Bài hát hay nhất". Liệu đây có phải là một tài năng âm nhạc đích thực hay không?. Chưa thể đưa ra câu trả lời nếu chỉ nhìn vào hai ca khúc hit mà thí sinh này mang đến chương trình là "Ông bà anh" và "1+1".

Nhiều người cho rằng, sự thành công trong những sáng tác của Lê Thiện Hiếu có sự "hậu thuẫn" từ đời tư gây tò mò của anh. Khi "Ông bà anh" xuất hiện trong tập đầu tiên của chương trình cũng là lúc thông tin Lê Thiện Hiếu là người chuyển giới xuất hiện dày đặc trên các phương tiện truyền thông. "Ông bà anh" là ca khúc hay, lạ, thu hút người nghe từ những giai điệu đầu tiên nhưng thông tin cá nhân của Lê Thiện Hiếu cũng gây tò mò không kém.

Tương tự như vậy, Cao Bá Hưng được đánh giá là một tài năng trẻ, tư duy âm nhạc hiện đại, văn minh nhưng có lẽ, điều đó không được nhiều người quan tâm bằng việc anh là cháu đời thứ bảy của cụ Cao Bá Quát.

Một "chiêu" của truyền hình thực tế

"Sing My song - Bài hát hay nhất" chỉ là một trong rất nhiều chương trình truyền hình thực tế khai thác đời tư của các thí sinh hay người chơi. Hương Giang Idol từng được coi là "con át chủ bài" của "Việt Nam Idol" 2012 không phải nhờ giọng hát hay mà vì câu chuyện chuyển giới của cô.

Sở hữu một giọng hát yếu, thường xuyên hát chênh, phô khi biểu diễn nhưng Hương Giang Idol lọt vào tận top 4 chung cuộc. Với "Việt Nam Idol", sự ra đi hay ở lại của thí sinh phụ thuộc vào lượng tin nhắn bình chọn của khán giả. Chính câu chuyện đời tư của Hương Giang đã lấy nước mắt khán giả, khiến khán giả bình chọn cho cô chứ không phải vì tài năng âm nhạc.

Hương Giang Idol từng được coi là "con át chủ bài" của "Việt Nam Idol" 2012 không phải nhờ giọng hát hay mà vì câu chuyện chuyển giới.

Cũng trong chương trình này, chàng trai dân tộc Churu Yasuy thường xuyên được Ban Tổ chức cho xuất hiện với hình ảnh mộc mạc, giản dị, có phần ngây ngô trong cuộc sống gia đình riêng ở Tây Nguyên. Yasuy vượt qua giọng ca đẹp, nội lực Hoàng Quyên trở thành quán quân cuộc thi "Việt Nam Idol" 2012 không phải nhờ tài năng mà nhờ đời tư "lạ" được nhà sản xuất khai thác khá kỹ.

Hồ Văn Cường, quán quân "Thần tượng âm nhạc nhí" 2016 được khán giả yêu thương nhiều như vậy một phần do câu chuyện em đi hát đám cưới kiếm tiền được đưa lên sóng truyền hình. Câu chuyện về người mẹ quét rác của thí sính Quang Anh, quán quân "Giọng hát Việt nhí" mùa đầu tiên cũng được Ban Tổ chức kể lại bằng hình ảnh đầy cảm xúc.

Ngoài ra, câu chuyện về thí sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn, thí sinh bán kẹo kéo, hát rong, mắc bệnh trầm cảm… cũng được nhà sản xuất đưa lên truyền hình thông qua video clip được dàn dựng rất bài bản.

Phải nói rằng, trong thời kỳ bùng nổ truyền hình thực tế hiện nay, thật khó tìm một chương trình thiếu vắng những câu chuyện đời tư của các thí sinh hay người chơi.Khai thác đời tư của thí sinh là một "chiêu" của truyền hình thực tế.Nó đánh trúng tâm lý tò mò, thích quan tâm, tìm hiểu câu chuyện bên lề về cuộc thi, các thí sinh tham gia cuộc thi.

Nhiều người cho rằng, đời tư thí sinh, người chơi là "mồi ngon" của truyền hình thực tế.Không có được thí sinh "đặc biệt" tham gia thì chương trình sẽ rất khó để gây sự chú ý cho khán giả. Sự chú ý của khán giả đồng nghĩa với chỉ số rating (số lượng người xem) của chương trình tăng, kéo theo đó là giá quảng cáo trước, trong và giữa chương trình cũng tăng cao. Điều này lý giải vì sao các nhà sản xuất luôn tìm cách đưa câu chuyện đời tư của thí sinh, người chơi lên sóng truyền hình.

Nghệ thuật luôn cần sự sáng tạo và đổi mới để thu hút khán giả. Tôi cho rằng, xét cho cùng thì việc khai thác đời tư của các thí sinh cũng chỉ nên coi làcách thêm "gia vị" cho chương trình.Vì là "gia vị" nên người "đầu bếp" phải tính toán liều lượng cho vừa phải, phù hợp.

Sự khai thác đời tư của thí sinh, người chơi một cách quá đà sẽ làm chương trình trở nên nhàm chán, nhảm nhí.Chất lượng vẫn là yếu tố quyết định sự thành bại, khả năng đi đường dài của chương trình truyền hình thực tế.Với những chương trình truyền hình thực tế tìm kiếm tài năng thì tài năng mới là yếu tố cốt lõi tạo nên thành công.

"Đánh lạc hướng khán giả" bằng câu chuyện ngoài tài năng là có lỗi với những tài năng đích thực. Cần khoảng lặng riêng cho những câu chuyện đời tư và có cả những chuyện đời tư mà người mang muốn chúng ngủ yên mãi mãi…

Tường Phạm
.
.