Trách nhiệm xã hội khi tham gia mạng xã hội

Thứ Năm, 03/08/2017, 08:06
Không phải ngẫu nhiên mà facebook yêu cầu người dùng khai tên tuổi thật. Càng không phải ngẫu nhiên mà facebook ngày càng kiểm soát độ bảo mật thông qua việc kiểm tra chéo với số điện thoại. Sẽ đến lúc, tài khoản mạng xã hội buộc người dùng với nó bằng những ràng buộc pháp lý chặt chẽ hơn...


Khoảng hơn hai tuần trước, một video được chia sẻ rộng rãi trên facebook cho thấy hình ảnh một cô gái ngồi ở vị trí bán nước trà chén vỉa hè ở Hà Nội đã rửa chân vào xô nước rồi sau đó múc nước ấy bán cho khách. Nó lập tức tạo nên sự giận dữ trong cộng đồng cho đến khi người ta phát hiện ra rằng, hoá ra đó chỉ là một video được dàn dựng, bởi chính những người làm ở tiệm tóc ngay phía sau quán nước ấy.

Mục đích của họ rất rõ ràng. Họ muốn "câu" sự quan tâm của dư luận, kéo theo đó sẽ có những người tò mò tìm đến quán nước ấy và tiệm tóc sẽ được hưởng lợi trong việc khuếch trương hình ảnh (?). Nhưng sự thất bại của câu chuyện dàn dựng kia đã kéo theo hệ quả ngược lại với những gì họ mong muốn. Sự giận dữ sau đó đổ dồn lên chính những người làm trong tiệm tóc kia. Thậm chí, có những người quá khích còn đòi... đánh.

Mới đây thôi, một cô gái nhanh nhảu tung tin máy bay rơi ở Nội Bài và khi kiểm chứng lại, cô vội vàng xoá ngay dòng thông tin mình đưa ra nhưng đã không còn kịp nữa. Người ta đã chia sẻ nó với tốc độ chóng mặt. Cô gái kia đến lúc ân hận thì đã muộn. Cô không chỉ phải nhận án phạt theo pháp luật mà còn phải nhận cả những chỉ trích mạnh mẽ của cộng đồng mạng, thậm chí từ những người vừa trước đó còn nhanh tay chia sẻ thông tin mà cô đưa ra để nhằm mục đích câu like, tăng lượng view người theo dõi tiện cho việc bán hàng online của cô.

Facebook là con dao hai lưỡi. Người dùng facebook phải luôn tỉnh táo trước cám dỗ của thói câu like.

Đúng dịp 27-7, Ngày Thương binh Liệt sỹ, một video cũng được đưa lên facebook, mô tả lại một cuộc trà dư tửu hậu của vài văn nghệ sỹ, vài trí thức có tên tuổi và câu chuyện họ nói xoay chung quanh Anh hùng, liệt sỹ Võ Thị Sáu. Video ấy được chia sẻ với tốc độ chóng mặt, cùng nhiều bình phẩm ác ý, thậm chí có cả những bình phẩm mang tính chống phá Nhà nước. Để rồi cuối cùng, chính người khơi mào câu chuyện đã phải thừa nhận rằng, điều người ấy kể cũng chỉ là "nghe nói lại" mà thôi. Và thông tin "nghe nói lại" thì chắc chắn khó có thể được coi là xác thực.

Nhưng nguy hiểm hơn, cái "nghe nói lại" ấy đã được "nghe nói lại" thêm nhiều lần nữa, từ nhiều người khác nữa! Hậu qủa để lại là không thể khắc phục được, bằng bất kỳ cách nào. Và tồn tại song song với hai ví dụ điển hình kể trên là hàng loạt chia sẻ về nạn bắt cóc trẻ em, có những chia sẻ khiến cho nhiều người bị đánh oan, bị đốt ôtô…

Phải thừa nhận, ở thời đại này, khi mà hiểm nguy rình rập nhiều nơi, mỗi bậc phụ huynh đều cảm thấy lo lắng cho con cái của mình và do đó, mỗi lần đọc một chia sẻ về sự bắt cóc trẻ em, ai cũng cảm thấy run sợ thực sự. Nỗi sợ đó đã được khai thác một cách "triệt để", với mật độ tung tin và chia sẻ đến chóng mặt nhờ vào các công cụ mạng xã hội. Và khi nó được khai thác một cách "triệt để" như thế, nó hoàn toàn có khả năng mang lại một nguy cơ đáng sợ: những bất ổn và những xáo trộn lớn trong xã hội.

Thực tế, ở vào giai đoạn thay đổi mạnh mẽ của thế giới thông tin, nhiều người đã xem facebook như một dạng báo chí cá nhân với cơ hội đưa tin của mỗi con người đều bình đẳng như nhau. Thậm chí, có một số tòa soạn sử dụng facebook như một nguồn cung cấp nguồn tin, bài cho độc giả bởi thói quen của người dùng đã chuyển hướng từ đọc báo trực tiếp sang đọc báo gián tiếp từ mạng xã hội.

Và với sự hỗ trợ đắc lực của điện thoại thông minh, mỗi người đều có khả năng trở thành một phóng viên thực địa năng nổ và hiệu quả. Một tai nạn, một vụ ẩu đả, một vụ hỏa hoạn ư? Tất cả đều có thể xuất hiện trên facebook, trực tiếp, với sự tham gia đưa tin của chính những người chứng kiến. Nhưng quan trọng là những người đưa tin ấy đính kèm theo mỗi nội dung của mình thông điệp gì?

Nếu họ bóp méo sự việc, sẽ có cả ngàn vạn người tin vào nội dung bị bóp méo ấy bởi tất cả đều nghĩ rằng hình ảnh có độ tin cậy rất cao. Và khi những người đưa tin lại là người có uy tín trong xã hội, điểm tựa niềm tin của công chúng vào họ càng cao hơn. Như trường hợp các "trí thức già" nói về Anh hùng Võ Thị Sáu chẳng hạn. Người xem tin vào họ bởi vì họ "có tên tuổi". Còn nếu người nói ra chỉ là một kẻ vô danh nào đó, mức độ tin cậy chắc chắn thấp hơn rất nhiều.

Điều đó cho ta nhận thấy rõ mỗi người phải mang trách nhiệm xã hội lớn thế nào khi tham gia mạng xã hội. Mỗi lời nói, mỗi nhận định của mình đều có một kết quả kéo theo nhất định của nó. Chính vì thế, khi có quyền phát ngôn, chúng ta càng phải kiểm soát mình để nghĩa vụ của mình với chính phát ngôn đó phải là tuyệt đối.

Không phải ngẫu nhiên mà facebook yêu cầu người dùng khai tên tuổi thật. Càng không phải ngẫu nhiên mà facebook ngày càng kiểm soát độ bảo mật thông qua việc kiểm tra chéo với số điện thoại. Sẽ đến lúc, tài khoản mạng xã hội buộc người dùng với nó bằng những ràng buộc pháp lý chặt chẽ hơn, để tài khoản ấy như một nhân thân ảo nhưng không phải là nặc danh bởi lẽ chính những người điều hành facebook cũng nhận ra rằng tin giả (fake news) đang làm đảo lộn trật tự như thế nào.

Hiện nay, rất nhiều tổ chức, công ty, tập đoàn coi mạng xã hội là kênh phát ngôn chính thức của họ. Và khi nó được coi là kênh phát ngôn chính thức, điều con người ta nói ra cũng phải có tính chính danh và chính đính. Xưa các cụ dạy uốn lưỡi bảy lần nhưng dường như khi ta không nói bằng lời, trực diện với người nghe mà chỉ thông qua một màn hình, ta đang liều lĩnh bất chấp để nói xằng, nói bậy nhiều hơn bất chấp kết quả cuối cùng có thể là bi kịch rất lớn.

Hà Quang Minh
.
.