Núp bóng nghệ thuật để câu like

Thứ Sáu, 21/07/2017, 08:02
Mặc kệ dư luận lên án thậm tệ, tay máy P.N.T vẫn khăng khăng khẳng định bộ ảnh “Ấu dâm” của mình là nghệ thuật và đầy ý nghĩa tốt đẹp. Những bộ ảnh dung tục, phản cảm nhưng nhân danh nghệ thuật như thế tồn tại nhan nhản với cái nhìn méo mó của người làm nên nó.


Ấu dâm là chủ đề nóng, gây bức xúc dư luận thời gian gần đây. Ngoài các thông tin trên báo chí, ở lĩnh vực nghệ thuật đã có nhiều dự án âm nhạc, điện ảnh, văn học khai thác chủ đề này. Bộ ảnh “Ấu dâm” ra mắt đầu tháng 7  đương nhiên ngay lập tức tạo được sự chú ý và được chia sẻ rầm rộ trên mạng xã hội.

Thế nhưng, trái ngược với những gì như tác giả hô hào là “tác phẩm nhằm mục đích tuyên truyền, chống lại nạn ấu dâm” thì bộ ảnh “có gì đó sai sai”  khiến người ta cười lăn cười bò. Sai thứ nhất: nạn nhân đáng lẽ là trẻ em thì trong ảnh lại giao vai này cho hai cậu thanh niên cơ bắp. Họ “cưa sừng làm nghé” bằng cách mặc đồng phục học sinh, đeo khăn quàng đỏ.

Sai thứ hai: thay vì nét mặt hoảng sợ, kinh khiếp thì gương mặt của các nhân vật gần với sự thỏa mãn trước hành vi xâm hại hơn là sợ hãi. Có người ví kẻ xâm hại với nạn nhân nằm ưỡn ẹo, tay trong tay, ôm ấp nhau trong rừng cao su cứ như chụp ảnh cưới. Sai thứ ba: Photoshop trang điểm quá đậm, tô môi của hai nạn nhân thành màu cam càng khiến nhân vật học sinh trở nên lố bịch. Một trào lưu ảnh chế với lời thoại hài hước lấy cảm hứng từ bộ ảnh “Ấu dâm” như bão mạng khiến mọi việc bị đẩy đi quá xa.

Nhiều ảnh, nhân vật đóng vai tên thủ ác còn đụng chạm vùng kín khiến bộ ảnh trần trụi, khiêu dâm và bệnh hoạn. Người ta không thấy chút ám ảnh nào từ hành vi ấu dâm, thương cảm cho các nạn nhân mà chỉ thấy ám ảnh bởi sự dung tục, buồn cười cho sự vụng về, nghiệp dư của cả ekip. Thông điệp bảo vệ trẻ em hay hồi chuông cảnh tỉnh với bậc phụ huynh chẳng thấy đâu mà chỉ thấy kiểu câu khách rẻ rúng với lời kêu gọi “hãy like mạnh và chia sẻ đến mọi người nhé”.

Nổi tiếng với bộ ảnh phản ánh cuộc sống của người đồng tính nam mang tên “Những kẻ mộng mơ” hay bộ ảnh làm mẹ đơn thân “Gà mái”, nhiếp ảnh gia Tâm Bùi cho rằng bộ ảnh “Ấu dâm”  không phải là nghệ thuật. Theo anh, chụp ảnh nghệ thuật, nhất là khai thác đề tài xã hội rất khó. Làm không khéo sẽ gây phản cảm và mang tiếng ăn theo. Ấu dâm là đề tài nóng nhưng khá nhạy cảm và tế nhị. Nếu muốn phản ánh nó dưới con mắt của nghệ thuật thì người nghệ sĩ phải có tay nghề vững, tư duy sắc bén, chọn những góc phản ánh dễ chịu, giàu cảm xúc để truyền tải thông điệp chứ không nên nói trực diện.

Ảnh nghệ thuật chỉ thực sự mang lại giá trị khi đưa đến cho khán giả những thông điệp về cái đẹp.

Bộ phim “S.O.S Sói trắng” của đạo diễn Lê Hoàng cũng khai thác đề tài ấu dâm và phim bị chê tơi tả bởi chất lượng phim không tới. Nhưng trường đoạn thể hiện hành vi xâm hại tình dục trẻ em được đạo diễn lồng ghép đến cảnh nhân vật Nương bị cưỡng hiếp trong phim “Cánh đồng bất tận” được đánh giá là khôn khéo và sáng tạo. Cách làm này giúp người xem không chứng kiến trực tiếp cảnh xâm hại nhưng vẫn cảm nhận rõ nỗi đau, sự hoảng loạn mà nạn nhân chịu đựng.

Bộ ảnh “Ấu dâm” không làm được như thế mà chỉ cốt phơi bày trần trụi bằng cách diễn (mà diễn không đạt, chứ đừng nói là diễn không tới) khiến nó hóa ra một trò hề thô vụng, cẩu thả.

Những tác phẩm dung tục đội cái mác sang trọng của nghệ thuật vốn nhan nhản. Trước đây, tác giả hai bộ ảnh “Tuyệt tình cốc” và “Hai cô gái cùng ông già ở lò gốm” cũng bảo rằng đó là tác phẩm nghệ thuật. Vậy nhưng trong “Tuyệt tình cốc” người ta chỉ thấy các cô gái ăn mặc hở hang, khoe hàng giữa hồ xanh, núi biếc. Cách tạo dáng của hai cô không hề cho thấy nét đẹp thiếu nữ mà chỉ giống hình minh họa trong sách ảnh khiêu dâm.

“Tuyệt tình cốc” chưa lắng thì ekip này tiếp tục gây sốc với bộ ảnh chụp trong lò gốm. Hai cô hóa thành thôn nữ (hay yêu nữ?) mặc mỗi tạp dề ngắn và nội y rồi uốn éo, bưng bê người bên cạnh cụ già râu tóc bạc phơ đang chăm chỉ  làm việc.

Thiên hạ giãy nảy thì cả ekip lao ra phản pháo. Họ nhao nhao bảo rằng thiên hạ chê bai nghĩa là trình độ cảm thụ nghệ thuật của thiên hạ chưa cao (!?). “Trình” chưa cao nên thiên hạ toàn thấy đồi trụy, khoe thân chứ không thấy được nét đẹp e ấp của cô thôn nữ, tình phụ tử thiêng liêng (?). Phụ tử thiêng liêng gì mà đứa con gái mặc đồ hở hang, mắt ánh đầy nét dâm dục, đứng uốn éo hoặc ngồi xoa nắn các vòng trước mặt cha?

 Tương tự, phớt lờ phản ứng của dư luận, tác giả bộ ảnh “Ấu dâm” vẫn thản nhiên cho biết mình chẳng hề bất ngờ trước một lô một lốc “gạch đá”. P.N.T cho biết cả ekip của mình làm việc rất nghiêm túc, hoàn toàn không câu like hay muốn đánh bóng tên tuổi, có chăng là mọi người đã hiểu lầm thông điệp bộ ảnh. Anh ta hào hứng: “Mình vừa làm được một việc có ích khi cho mọi người thấy được cái thật nhất về tình trạng ấu dâm. Thật đến mức kinh tởm”.

Đồng ý rằng ý tưởng của P.N.T là tốt nhưng cách anh trình bày ý tưởng đó lên tác phẩm khiến người ta không khỏi ngán ngại. Đừng tưởng mình có ý định tốt đẹp thì những gì mình làm ra cũng tốt đẹp. Bộ ảnh bị phản tác dụng bởi sự non tay, cẩu thả, bởi suy nghĩ nông cạn của ekip. Đáng lẽ trước khi thực hiện bộ ảnh về một vấn nạn đau lòng và nhạy cảm như nạn ấu dâm, họ phải suy xét cho kỹ rằng họ có đủ khả năng và nguồn lực để thực hiện nó đến nơi đến chốn hay không?

Một vấn nạn nhức nhối của xã hội, gây bao nỗi đau cho các nạn nhân ấu dâm đã bị bộ ảnh biến thành trò cười. Có người còn cho rằng bộ ảnh ấy không khác gì đang cổ súy cho những kẻ thủ ác. Bởi ai không hiểu về ấu dâm sẽ nhìn bộ ảnh và nghĩ rằng “ấu dâm là thế này à”.

Theo lý thuyết của GS Chu Quang Tiềm, khoảng cách tâm lý văn nghệ ở các trường hợp trên bị kéo sát đáy cuộc sống thực dụng trần trụi. Nghệ thuật không thể tồn tại ở khoảng cách quá gần ấy. Nghệ thuật chỉ được nhận diện khi nó có khoảng cách vừa tầm, thoát hẳn cuộc sống thực dụng tầm thường, lúc đó ta mới thấy được cái đẹp của nó, lúc đó cái được gọi là nghệ thuật mới là đối tượng thưởng thức.

Tài năng của nghệ sĩ chính là ở chỗ họ có thể thoát ra khỏi cái vòng vây của thói quen, đem đặt sự vật ra ngoài một khoảng cách thích đáng để quan sát, vứt bỏ những liên tưởng quen thuộc, dồn hết tình ý cho sự khám phá cái chân diện mục vốn có. Khoảng cách ấy cũng không thể quá xa thực tế, bởi nghệ thuật từ thực tế  mà bước ra, nếu quá xa thực tế,  nghệ thuật sẽ trở nên cao siêu, khó hiểu. Duy trì khoảng cách này đòi hỏi cái tầm, cái tâm của người nghệ sĩ.

Thế nên, đừng tưởng làm nghệ thuật là dễ, chỉ cần dựng vài thứ sơ sài, hời hợt rồi vội trùm lên nó chiếc áo thông điệp to tát và vỗ ngực tự phong là nghệ thuật.

Phan Thi Uyên
.
.