Showbiz Việt thời loạn danh xưng

Thứ Hai, 04/09/2017, 08:03
Câu chuyện của "Giáo sư âm nhạc" tự phong Ngọc Sơn vẫn nóng ran trên các mặt báo những ngày gần đây. Từ câu chuyện của nam ca sĩ Ngọc Sơn ngẫm ra mới thấy, showbiz Việt đang loạn danh xưng. Một câu hỏi đặt ra là, danh xưng có ảnh hưởng gì đến sự phát triển của showbiz hay không?. Liệu nó có tạo ra những giá trị ảo trong showbiz, làm cho showbiz Việt vốn đã "vàng thau lẫn lộn" càng trở nên lộn xộn?


Nở rộ những "ông hoàng", "bà chúa" của showbiz Việt

Có lẽ, không showbiz nào trên thế giới lại có nhiều ông hoàng, bà chúa, thần đồng, thánh nữ… như ở Việt Nam. Mỗi nghệ sỹ dường như đều tự phong hoặc được phong một danh hiệu nào đó. Danh hiệu này trở thành "thương hiệu" gắn liền với tên tuổi của họ khi được nhắc đến trên các phương tiện truyền thông.

Đàm Vĩnh Hưng được nhắc đến với danh xưng "Ông hoàng nhạc Việt", "Nữ hoàng giải trí" Hồ Ngọc Hà, "Vua nhạc sến" Ngọc Sơn, "Nữ hoàng phòng trà" Lệ Quyên, "MC quốc dân" Phan Anh, "Hoa hậu quốc dân" Phạm Hương, "Nữ hoàng khiêu vũ Khánh Thi", "Công chúa Châu Á và Việt Nam" Lý Nhã Kỳ…

Với những bức hình mặc bikini nóng bỏng, sexy, Ngọc Trinh nghiễm nhiên được gắn mác "Nữ hoàng nội y". Ngọc Trinh không lên tiếng phản đối, thậm chí còn tự hào với danh xưng này. Danh xưng "Nữ hoàng nội y" được ê kip của Ngọc Trinh sử dụng mọi nơi, mọi lúc và là "trang sức" để cô tiến thân vào showbiz. Sau nhiều lần phẫu thuật thẩm mỹ, Phi Thanh Vân được tặng danh xưng "Nữ hoàng dao kéo", Người mẫu Hạ Vi được biết đến với tên gọi "Mỹ nữ vạn người mê", ca sĩ Lâm Chí Khanh chuyển giới thành Lâm Khánh Chi được "phong" danh hiệu "Nữ hoàng chuyển giới"…

Báo giới lại một lần nữa gây tranh cãi về việc liệu Mỹ Tâm có phải là Diva thứ 5 của nhạc Việt.

Ai là "Diva", "Divo" nhạc Việt cũng là câu chuyện được phân tích, mổ xẻ trên nhiều phương tiện truyền thông. Sự xuất hiện của Mỹ Tâm trong đêm nhạc "Nhớ mùa thu Hà Nội" tổ chức thời gian gần đây cùng với Mỹ Linh, Hồng Nhung, Thanh Lam, Hà Trần (bốn nữ ca sĩ được coi là Diva của Việt Nam) lại một lần nữa gây tranh cãi về việc liệu Mỹ Tâm có phải là Diva thứ 5 của nhạc Việt hay không.

Trước đó, đã có những bài báo phân tích, tranh luận về việc ai xứng đáng là Diva của Việt Nam trong số danh sách các nữ nghệ sỹ như Thu Phương, Thu Minh, Phương Thanh, Uyên Linh… Tranh luận thì tranh luận là vậy nhưng thú thực mà nói, không biết ai là người quyết định trao danh hiệu Diva cho các nghệ sỹ hay đó đơn thuần là sự tung hô của giới truyền thông?

Truyền hình thực tế nở rộ và những cuộc thi tìm kiếm tài năng trên các lĩnh vực nghệ thuật xuất hiện với tuần suất dày đặc trên các cánh sóng. Ngồi trên hàng ghế giám khảo, các nghệ sỹ không tiếc dùng những lời khen "có cánh" cho các thí sinh. Các danh hiệu như "Thần đồng", "Thiên tài", "Thánh nữ", "Hoàng tử", "Công chúa"… được sử dụng khá phổ biến. Nếu đúng như những gì giám khảo nhận xét thì có lẽ, showbiz Việt sẽ phát triển mạnh mẽ bởi có quá nhiều tài năng vượt trội được phát hiện.

Nhiều người cho rằng, danh xưng nghệ sỹ ở Việt Nam quá dễ dãi và ai cũng có thể khoác lên mình tấm áo nghệ sỹ dù chẳng có hoạt động nghệ thuật nào đáng chú ý. Người mẫu, diễn viên đổ xô đi hát cũng được gọi là ca sĩ, cho dù giọng hát cũng chỉ ở mức… karaoke. Chỉ cần xuất hiện theo kiểu "tráng men" ở một chương trình truyền hình thực tế nào đó, "hot boy kẹo kéo", nhân viên trông xe đạp, quán nét cũng có thể xuất hiện trên tấm poster chương trình ca nhạc với danh xưng nghệ sỹ. Đơn giản hơn, chỉ cần một vài bức ảnh gây sốc, video clip lố lăng, nhảm nhí… Tùng Sơn, Lệ Rơi, Bà Tưng, Kenny Sang, Quân Kun "sịp vàng" cũng "ngang nhiên" khoác lên mình danh xưng nghệ sỹ, ca sĩ để bước chân vào showbiz.

Danh xưng người mẫu có lẽ còn đơn giản hơn nhiều. Chỉ cần có chút sắc vóc, vài hoạt động trình diễn thời trang nhỏ lẻ, một chàng trai, cô gái có thể trở thành người mẫu, thậm chí còn được gọi là siêu mẫu. Có người còn nói vui rằng, số lượng siêu mẫu của Việt Nam nhiều bằng cả thế giới cộng lại?

Giá trị ảo không tạo nên sự phát triển của showbiz

Ai là người "phong tặng" danh xưng "ông hoàng", "bà chúa"… cho các nghệ sỹ? Thực tế cho thấy, những danh xưng này do truyền thông, người hâm mộ trên mạng xã hội phong tặng hay do chính nghệ sỹ tự phong để đánh bóng tên tuổi của mình. Đó không phải là các danh hiệu chính thống do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phong tặng cho nghệ sỹ.

Suy cho cùng thì bản thân danh xưng không có lỗi và báo chí, người hâm mộ dành tặng danh xưng cho các nghệ sỹ cũng không có lỗi nếu sự tôn vinh "đúng người, đúng việc". Xét ở một góc độ nào đó, danh xưng là cách thể hiện tình yêu, sự ngưỡng mộ của khán giả đối với nghệ sỹ mà mình yêu thích.

Được công chúng đón nhận bằng những danh xưng, điều đó cũng có nghĩa là, nghệ sỹ đã có được chỗ đứng nhất định trong lòng công chúng. Là nghệ sỹ, ai cũng muốn được công chúng yêu mến và càng tuyệt vời hơn nếu những đóng góp, cống hiến nghệ thuật nghiêm túc của nghệ sỹ được công chúng ghi nhận. Ở góc độ này, danh xưng là nguồn động viên tinh thần rất lớn đối với nghệ sỹ trên con đường sáng tạo nghệ thuật.

Nhìn ở một góc độ khác, tình trạng loạn danh xưng đã góp phần làm cho showbiz Việt thêm lộn xộn, lẫn lộn những giá trị nghệ thuật, tạo ra giá trị ảo. Tình trạng lạm dụng danh xưng ca sĩ làm ảnh hưởng không nhỏ tới giá trị cũng như thương hiệu "ca sĩ". Trở thành ca sĩ đâu phải chỉ là việc xuất hiện trên sân và cầm mic hát. Hành trang của người nghệ sỹ chân chính đòi hỏi tài năng, niềm đam mê nghệ thuật, quá trình khổ luyện và sự lao động nghệ thuật nghiêm túc.

"Nữ hoàng giải trí" Hồ Ngọc Hà và "Ông hoàng nhạc Việt" Đàm Vĩnh Hưng xuất hiện trong một chương trình ca nhạc.

Những danh hiệu ảo do nghệ sỹ "tự sướng" được tung hô mọi nơi, mọi lúc có thể làm cho  nghệ sỹ ảo tưởng và ngộ nhận về khả năng của bản thân. Kèm theo danh xưng đó, người nghệ sỹ có thể đường hoàng tiến thân vào showbiz, nhận được nhiều show diễn, cát xê cũng vì danh hiệu ảo đó mà tăng lên gấp nhiều lần. Sự phát triển của showbiz cần tài năng đích thực chứ không phải giá trị ảo được tạo ra từ những danh xưng ảo.

Một vấn đề nữa cũng cần phải bàn luận trong khuôn khổ bài viết này là những danh xưng, lời khen "lên tận cung mây" mà các huấn luyện viên, ban giám khảo giành tặng cho các thí sinh tham gia chương trình tìm kiếm tài năng trên truyền hình thực tế. Chỉ thể hiện một bài hát, diễn một tiểu phẩm hài hay trình diễn một tài năng nào đó trong vài phút ngắn ngủi, thí sinh đã trở thành "thần đồng", "thiên tài"… liệu có phải là sự "thái quá". Điều đáng quan tâm hơn là không ít thí sinh nhỏ tuổi được "gắn" với danh hiệu này trong khi tài năng của các em cũng mới chỉ khá hơn mặt bằng chung của các thí sinh khác một chút.

Những lời khen tưởng chừng như "vô thưởng vô phạt" ấy sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến suy nghĩ, nhận thức của các thí sinh, trong đó có các em nhỏ. Kèm theo đó là sự "vào cuộc", tung hô của các phương tiện truyền thông. Sự tự mãn, tự cao của một bộ phận nghệ sỹ trẻ có thể cũng "khởi nguồn" từ những lời khen tặng, danh xưng "ảo" như thế.

Showbiz nói chung và showbiz Việt nói riêng không thể thiếu những danh xưng. Dẹp "loạn" danh xưng là câu chuyện không hề dễ dàng. Với truyền thông, người hâm mộ, cần quan điểm rõ ràng, công tâm, khách quan khi gọi ai đó bằng một danh xưng, tránh tình trạng tung hô tràn lan. Với các nghệ sỹ, điều quan trọng nhất là cần sự tỉnh táo, biết cái gì là của mình và cái gì chỉ là bọt bèo, phù du không cần phải quá bận tâm. Nhạc sĩ, ca sĩ Thanh Bùi từng chia sẻ với báo giới rằng, chúng ta không nên tập trung vào những danh xưng, những tranh cãi mà hãy tập trung vào chiều sâu của âm nhạc. Phải làm sao để thế hệ sau nhìn vào và thấy được những điều tích cực. Có như thế mới xứng đáng là nghệ sỹ chân chính. Thiết nghĩ, đây là quan điểm mà các nghệ sỹ cần phải suy nghĩ một cách nghiêm túc…

Phạm Thiên Giang
.
.