Phim Việt hè 2019: Mùa hy vọng… còn xa

Thứ Sáu, 28/06/2019, 08:04
Theo lịch công chiếu chính thức, đến hết tháng 7 - 2019 sẽ có khoảng 8 phim Việt ra rạp trong mùa hè này. Đây được coi như một tín hiệu đáng mừng vì cùng với số lượng phim ngày càng tăng, điện ảnh Việt đang bắt kịp xu hướng thế giới bằng cách tạo nên "mùa phim" vào những thời điểm đặc biệt như Noel, Tết, phim hè... 


Mặc dù phải đối đầu với nhiều phim “bom tấn” quốc tế nhưng sự có mặt của những bộ phim Việt cho thấy sự dũng cảm của các nhà sản xuất nội địa để bước đầu tạo dấu ấn cho mùa hè phim Việt.

Với điện ảnh quốc tế, mùa phim hè đã trở nên quá quen thuộc và thường bắt đầu từ tháng 4 đến hết tháng 7. Đây là thời điểm khá nhiều bộ phim “bom tấn” của Hollywood ra mắt và đổ bộ vào thị trường Việt Nam. Mặc dù Việt Nam có mùa nghỉ hè dài tới 3 tháng dành cho học sinh, sinh viên; là mùa dành cho nhiều hoạt động vui chơi giải trí của đại đa số gia đình, nhưng sự thực là lâu nay chúng ta không có mùa phim hè.

Nguyên nhân chủ yếu là do tâm lý "né" mùa hè của các đạo diễn Việt để tránh phải cạnh tranh với phim “bom tấn” nước ngoài. Tuy nhiên, một vài năm trở lại đây, hiện tượng này đã có những thay đổi đáng mừng. Lượng phim ra rạp vào dịp này tăng lên đáng kể. Hè 2017, 2018 cũng đã đánh dấu sự ra rạp của hàng chục phim Việt. Và năm nay cũng tiếp tục được trào lưu đó.

Bộ phim "Lật mặt 4: Nhà có khách" của Lý Hải ra mắt vào tháng 4 được coi như phim mở màn cho mùa hè năm nay. Không biết có phải số lượng phim “bom tấn” của Hollywood đổ bộ vào Việt Nam không rầm rộ như những hè trước hay không mà bộ phim hài kinh dị của Lý Hải đã có được thành công ở phòng vé như mong đợi.

Liệu bộ phim “mắt biếc” của đạo diễn Victor Vũ có tạo được cơn sốt như “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”?

Theo con số mà nhà sản xuất phim này cho biết, phim đã đạt được doanh thu hơn 100 tỷ đồng. Tháng 5 có tới 4 phim Việt cùng ra mắt là "Người vợ ba", "Ước hẹn mùa thu", "Cà chớn anh đừng đi" và "Vô gian đạo" tiếp tục tạo nên sự xôm tụ cho mùa hè phim Việt. Tháng 6 lẽ ra là sự góp mặt của "Thiên linh cái" - một bộ phim kinh dị được quảng bá khá rầm rộ trước đó.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, phim vẫn chưa ra rạp vì chưa được cấp phép do có một số yếu tố liên quan tới mê tín dị đoan. Có thể nói, nếu không có sự cố phải dừng chiếu giữa chừng của "Người vợ ba" thì cùng với "Lật mặt 4: Nhà có khách" đã tạo nên dấu ấn doanh thu cho phim Việt hè này. Sự hút khách của những bộ phim này hoàn toàn có thể tương xứng với đại diện một số bộ phim hè năm trước.

Ví dụ như, về mặt doanh thu phòng vé, phim Việt hè 2017 có 2/10 phim thắng lớn là "Em chưa 18" (171 tỷ đồng) và "Tháng năm rực rỡ" (84 tỷ đồng). Hè năm 2018 có "Lật mặt 3: Ba chàng khuyết" (85 tỷ đồng), "100 ngày bên em" (hòa vốn). Các nhà chuyên môn cho rằng, khi ra mắt vào thời điểm hè thì sự hòa vốn của phim Việt cũng được coi là sự thành công dù ít hay nhiều, phim Việt đều phải đối mặt với sự cạnh tranh rất lớn từ các đối thủ đáng gờm...

Một điểm dễ nhận thấy ở các phim Việt ra mắt năm 2019 nói chung và mùa hè nói riêng là sự thống lĩnh của đề tài tuổi trẻ, thanh xuân. Ngoài bộ phim "Hai Phượng" thuộc thể loại hành động và "Người vợ ba" thuộc dòng phim nghệ thuật thì hầu hết đều là những bộ phim với đề tài này. Không khó để kể ra một danh sách dài những bộ phim lấy đề tài về tình yêu, tuổi trẻ để khai thác như "90 ngày hạ", "Yêu anh nhé chàng trai", "Người lạ ơi - yêu mất rồi", "Oppa phiền quá nha", "Tháng ngày thanh xuân ấy", "Mỹ nhân thần sách"...

Có lẽ, sau sự thành công của một số bộ phim trước đó về đề tài này mà tiêu biểu là "Tháng năm rực rỡ" mà một loạt các đạo diễn đổ xô vào khai thác những vấn đề của lứa tuổi này. Bộ phim "Tháng 5 để dành" (đạo diễn Lê Hà Nguyên) chuyển thể từ tiểu thuyết "Ranh giới" của tác giả Rai8x là những trăn trở, băn khoăn của lứa tuổi mới bước vào đời.

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, người đã thành công với "Tháng năm rực rỡ" cả ở mặt doanh thu lẫn các giải thưởng dường như vẫn chưa hết cảm xúc với đề tài này. Năm nay, anh lại tiếp tục với chủ đề tình bạn, tình yêu với bộ phim có tên "Ước hẹn mùa thu". Bộ phim là câu chuyện lãng mạn, hài hước về tình yêu của một chàng trai 17 tuổi và cô bạn cùng lớp. Khi tình yêu chớm nở cũng là lúc chàng trai bất ngờ bị tai nạn, trở thành "hotboy hôn mê"...

Ông vua phòng vé Victor Vũ cũng không cưỡng lại sức hấp dẫn của đề tài thanh xuân bằng bộ phim "Mắt biếc". Đây là bộ phim có kịch bản được chuyển thể từ tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Sau "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh", đây là lần thứ 2 đạo diễn Victor Vũ thử sức mình bằng một kịch bản chuyển thể của nhà văn này.

Chủ đề thanh xuân ở phim hè Việt 2019 còn nối dài bằng sự có mặt của phim hài, hành động "Vô gian đạo" (đạo diễn trẻ Trần Việt Anh) và "Ngôi nhà bươm bướm" (đạo diễn Huỳnh Anh Tuấn) đều là những câu chuyện về gia đình, xã hội, tình yêu đồng giới...

Sự đổ bộ của đề tài thanh xuân là một nét đặc biệt của phim Việt hè 2019. Sở dĩ đề tài này được nhiều đạo diễn khai thác vì thực ra đây là đề tài mà hầu hết các đạo diễn đều có thể làm được. Tất nhiên, để có được phim hay lại là một câu chuyện khác. Chưa kể, đây là đề tài có thể đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng khán giả.

Phim “Tháng 5 để dành” chưa thật sự tạo được đột phá cho dòng phim thanh xuân.

Với người trẻ, xem phim về tuổi thanh xuân là xem về những băn khoăn, trăn trở của mình ở hiện tại. Còn với những người đã qua tuổi trẻ thì như một cách để gặp lại ngày hôm qua của mình. Ngoài ra, câu chuyện thanh xuân cũng là một đề tài mang tính "quốc dân", đang khá phổ biến ở cả lĩnh vực ca nhạc, sân khấu nên có mặt ở điện ảnh cũng là điều dễ hiểu. Nhưng rõ ràng, đổ xô vào một đề tài vô hình trung lại khiến cho bộ mặt phim hè trở nên một màu và kém hấp dẫn. Đẩy sự cạnh tranh giữa các bộ phim lên cao.

Có thể nói, về mặt số lượng, phim Việt ra mắt vào hè 2019 vẫn giữ được phong độ ổn định như những năm trước đó. Có những bộ phim đạo diễn chủ động ra rạp mùa hè, có phim tình cờ ra mắt nhưng điều đó cũng cho thấy, các đạo diễn Việt đã dần cởi bỏ được tâm lý "né" mùa hè để cạnh tranh thị trường với những phim “bom tấn” thế giới.

Sự thành công của một số phim ra mắt vào mùa hè 2017, 2018 và năm nay thêm khẳng định với các đạo diễn có nghề, họ hoàn toàn có khả năng biến khó khăn thành thuận lợi.

Mặc dù phim hè Việt đã có những dấu hiệu đáng mừng, nhưng để có được một mùa phim hè đúng nghĩa vẫn còn là một khoảng cách khá xa. Với các nền điện ảnh tiên tiến trên thế giới, họ luôn chuẩn bị khá kỹ càng cho phim mùa hè để tung ra các siêu phẩm điện ảnh. Các bộ phim luôn đa dạng từ tâm lý tình cảm đến hài, hành động.

Đặc biệt, dòng phim dành cho thiếu nhi là điều các nhà sản xuất chưa khi nào bỏ qua. Chính vì thế, lâu nay, trẻ em Việt luôn háo hức chờ đón những bộ phim nước ngoài hấp dẫn dành cho mình trong mùa hè. Tuy nhiên, với điện ảnh Việt tâm lý làm phim cho mùa hè vẫn chưa được các đạo diễn thực sự quan tâm dẫn tới dòng phim cho thiếu nhi vẫn là một khoảng trống. Theo quan điểm của các nhà chuyên môn thì phim dành cho mùa hè thường được ưu tiên các bộ phim giải trí vui nhộn, đa dạng về đề tài, thể loại. Điều này chưa nhìn thấy ở điện ảnh Việt Nam.

Trong khi học sinh, sinh viên Việt Nam có một mùa hè khá dài để thư giãn, giải trí nhưng các nhà làm phim Việt vẫn bỏ lỡ thị trường nội địa tiềm năng này. Theo con số thống kê, một vài năm gần đây mỗi năm trung bình có khoảng 35 - 40 phim ra rạp.

Theo dự tính, năm nay số phim Việt ra rạp có thể đạt tới con số 70 phim. Tuy nhiên, thị phần phim Việt so với phim nước ngoài vẫn chỉ chiếm hơn 20%, chưa đạt được mức độ 50% như đề ra. Đặc biệt, chúng ta vẫn đang bỏ lỡ mùa hè - một thời điểm vàng của giải trí. Hy vọng rằng, với sự phát triển của thị trường, sự nhanh nhạy của các đạo diễn trẻ, điện ảnh Việt nhanh chóng lấp được khoảng trống này, tạo nên mùa phim hè bội thu.

Khánh Thảo
.
.