Ngôn ngữ, văn hóa và phát triển kinh tế

Thứ Sáu, 07/04/2017, 10:37
Tại sao chúng ta lại phải nói tiếng Anh với nhau, khi tất cả những người cùng không gian hội thoại với ta là người Việt, hiểu tiếng Việt? Thói quen? Hay điều đó khiến ta thành thị hơn, hiện đại hơn, văn minh hơn? Hay đơn giản, tiếng Anh giúp ta nói những điều khó nói dễ dàng hơn?


Trong một quán café sang trọng ở trung tâm thành phố Hồ Chí Minh, nơi mà giá một bữa trưa độc thân có thể đủ cho một bữa trưa văn phòng cho bốn người, tôi đã không thể không "mất lịch sự" lắng nghe trộm bốn cô cậu thiếu niên bàn bên cạnh nói gì. Họ trạc 16 tuổi, và lý do họ khiến tôi phải nghe trộm là bởi tiếng Anh của họ quá tuyệt vời. Họ phát âm như người Mỹ, với câu chuyện thú vị, sôi nổi, sống động qua những giọng nói trôi chảy như tiếng mẹ đẻ.

Một thoáng phỏng đoán, theo kiểu đơn giản nhất, họ làm tôi liên tưởng đến việc họ hoặc là những đứa trẻ Việt sinh ra, lớn lên ở nước ngoài và trở về thăm quê hương; hoặc là những đứa trẻ châu Á khác mà mẹ cha chúng sang Việt Nam công tác. Nhưng suy đoán đơn giản ấy đã không chính xác, khi tôi nghe cách họ nói chuyện với người phục vụ của quán café bằng một thứ tiếng Việt mạch lạc, không lơ lớ kiểu Việt kiều, một thứ tiếng Việt của người sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, ăn gạo tẻ và nước mắm.

Có thể, họ là những đứa trẻ sinh ra trong một gia đình khá giả, được học trường quốc tế từ nhỏ, với giáo viên và bạn học là người nước ngoài, nên họ mới có được thứ tiếng Anh hoàn hảo đến vậy.

Cho con học Trường quốc tế đang là lựa chọn số 1 của nhiều người Việt giàu có.

Những đứa trẻ như thế, chúng ta sẽ không khó để kiếm tìm ở xã hội Việt Nam hôm nay, một xã hội mà không ít gia đình ở các đô thị lớn đã lựa chọn cho con mình một ngôi trường Tây, với kỳ vọng con mình được tiếp nhận một hệ thống giáo dục thân thiện và hiện đại hơn. Và chúng ta cũng rất hãnh diện khi thấy con mình nói tiếng Anh như gió ngay từ lúc nhỏ. Thậm chí, chúng ta còn chủ động giao tiếp với chúng bằng tiếng Anh trong các tình huống giao tiếp thông thường tại nhà.

Tại sao chúng ta lại phải nói tiếng Anh với nhau, khi tất cả những người cùng không gian hội thoại với ta là người Việt, hiểu tiếng Việt? Thói quen? Hay điều đó khiến ta thành thị hơn, hiện đại hơn, văn minh hơn? Hay đơn giản, tiếng Anh giúp ta nói những điều khó nói dễ dàng hơn?

Tất cả là những câu hỏi mà phương án trả lời sẽ rất khác nhau, nhưng đọng lại lại là một vấn đề rất chung. Phải chăng chúng ta đang vô tình và đồng loã làm nhạt nhòa dần văn hoá Việt trong những thế hệ trẻ, sự nhạt nhòa có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường trong tương lai lâu dài.

Người châu Âu lục địa, nhất là người từ các nước phát triển, vốn dĩ rất tự tôn và họ thường không nói tiếng Anh, thậm chí không học tiếng Anh trong quá khứ. Nhưng kể từ thời đại toàn cầu hoá mà mọi đường biên đã được mở toang, nhu cầu giao tiếp, di cư, công việc đã khiến tiếng Anh ngày một phủ sóng lên cả những vùng đất khó khăn nhất trước kia như Đức, Pháp hay Ý.

Cách đây chỉ vài tháng, trong lần nói chuyện với một đoàn khách đến từ Firenze, Italy, tôi đã được họ chia sẻ rằng: "Con cái chúng tôi bây giờ coi tiếng Anh như là một thứ mode. Chúng yêu thích nói ngôn ngữ ấy".

Và tất cả cùng thống nhất với nhau rằng sự phủ sóng của tiếng Anh có một phần lớn bắt nguồn từ tính phổ cập của Hollywood và âm nhạc Bắc Mỹ, một phần còn lại đến từ nhu cầu giao tiếp công việc. Nhưng dù sao, những người Italy tôi gặp vẫn nhận định rằng: "Dẫu vậy, bọn trẻ Italy vẫn coi trọng ngôn ngữ mẹ đẻ hết mực. Chúng không nói chuyện tiếng Anh với nhau, mà cùng lắm chỉ thỉnh thoảng chêm vài từ trong cuộc thoại mà thôi".

Sự chêm vài từ đó rất giống cách giới trẻ Anh - Mỹ bây giờ có cái mode chêm vài từ tiếng Pháp để thể hiện sự "tinh hoa" của gia đình mình. Và ở Việt Nam, chúng ta cũng vẫn chêm tiếng Anh vào trong mỗi cuộc thoại của mình. Sự chêm ấy dẫu sao cũng chấp nhận được. Còn việc thế hệ trẻ người Việt không giao tiếp với nhau bằng tiếng Việt lại là chuyện khác.

Tất nhiên, không phải tất cả giới trẻ đều như thế mà chỉ khu biệt ở một bộ phận nhỏ thị thành. Nhưng chúng ta không nên quên rằng, số nhỏ thị thành luôn là lực lượng cực mạnh mẽ trong việc xác lập xu hướng. Và khi xu hướng đã hình thành rồi thì cản trở lại nó là điều thậm khó.

Mục tiêu của chúng ta nhiều năm nay vẫn là kinh tế hàng đầu. Chúng ta dồn mọi nguồn lực cho kinh tế, dồn mọi nguồn lực để hướng ngoại nhằm giới thiệu một hình ảnh Việt Nam mới mẻ và từ đó thu lại các nguồn lợi kinh tế. Chúng ta cũng đầu tư rất nhiều để phát triển kinh tế, mà điển hình là gói tín dụng nông nghiệp 60 ngàn tỷ mới được thông qua gần đây. Nhưng chúng ta đã đầu tư vào văn hoá một cách tương xứng chưa, nhất là ở những lãnh địa văn hoá giúp gìn giữ tinh thần Việt? Câu hỏi này, xin nhường lại cho những người hoạch định chiến lược.

Chỉ xin nhắc lại rằng, với hơn 100 triệu người Việt trên toàn cầu, tiếng Việt là ngôn ngữ mẹ đẻ được nói nhiều thứ 17 trên thế giới. Chừng đó có đủ để tạo ra một cộng đồng thị trường lớn hay không? Các nhà kinh tế chắc chắn sẽ không chối từ rằng, đó là một thị trường lớn.

Vậy thì có cách nào để chúng ta chinh phục thị trường bằng việc gìn giữ ngôn ngữ và văn hoá không? Luôn luôn có cách, nếu ta biết làm việc cần làm đúng lúc.

Hà Quang Minh
.
.