Kịch tương tác: Tìm nhiều hướng đi mới

Thứ Sáu, 08/05/2020, 08:02
Kịch tương tác tuy đã xuất hiện tại Việt Nam khá lâu nhưng vẫn còn mới mẻ với đại đa số khán giả. Giữa thời đại cạnh tranh khốc liệt của vô số loại hình giải trí hấp dẫn, kịch tương tác đang dần chuyển mình, tìm hướng tiếp cận mới với sự hỗ trợ của nền tảng công nghệ.


Kịch tương tác được hiểu nôm na là hình thức kịch phá vỡ bức tường ngăn cách giữa nghệ sĩ và khán giả, khích lệ khán giả chủ động tham gia vào tác phẩm. Có khá nhiều phong cách ứng dụng của kịch tương tác. Ở không gian vật lý, khán giả được đưa vào cùng một không gian với người biểu diễn chứ không tồn tại ranh giới phân định. Sân khấu có thể là bối cảnh thật như một nhà ga, một khu rừng… và khán giả di chuyển cùng người diễn viên, giữ đạo cụ cho ekip.

Ở mức cao hơn, khán giả không còn là người xem đơn thuần mà gợi ý hành động, lời thoại cho diễn viên, lái cốt chuyện sang một hướng khác. Thậm chí, họ có thể được mời trở thành nhân vật phụ hoặc nhân vật chính trong vở kịch để trải nghiệm những gì đang diễn ra là thật. Theo NSND Hồng Vân, kịch tương tác cũng kích thích suy nghĩ, đối thoại và thúc đẩy sự thay đổi thông qua sự tương tác giữa khán giả và diễn viên.

Nhờ tính năng này, nó giải quyết nhiều vấn đề trong cộng đồng và được sử dụng để hướng tới các mục tiêu khác nhau: giáo dục, đối thoại, thấu cảm, khám phá về niềm tin và hành vi, xem xét các lựa chọn và hệ quả, thúc đẩy hợp tác và hành động. Ở Việt Nam, kịch tương tác thường được dùng trong các chiến dịch tuyên truyền cộng đồng với chức năng chính là giáo dục, nâng cao nhận thức về một vấn đề xã hội nào đó.

Vở hài kịch tương tác “Sui gia đại phát” của Kịch Sài Gòn.

Riêng sân khấu kịch chuyên nghiệp, hình thức kịch tương tác đã xuất hiện từ chục năm trước với chuỗi chương trình “Thành phố cười năm mùa” của Nhà hát Tuổi trẻ. Tuy vậy, đến nay, số lượng kịch tương tác vẫn còn khá khiêm tốn do ít sân khấu ứng dụng. Đầu năm 2020, Kịch Idecaf chỉ có vài vở như "Mưu bà Tú", "Ác nhân cốc"…

Đời sống sân khấu nhiều năm qua gặp lắm khó khăn, thử thách bởi sự cạnh tranh của các loại hình nghệ thuật hấp dẫn khác. Kịch nói vẫn bị đánh giá là cũ kỹ, lạc hậu cả về nội dung lẫn hình thức. Số kịch bản khan hiếm khiến các đạo diễn, biên kịch xào nấu lại kịch bản cũ theo kiểu “bình mới, rượu cũ”. Có kịch bản tuổi đời lên tới hàng chục năm nhưng vẫn được nhiều sân khấu tái dựng, thêm mắm dặm muối. Số khác thì mượn kịch bản văn học để thêm sắc màu mới.

Không gian, đạo cụ, cảnh trí, cách vận hành của kịch nói cũng không theo kịp thời đại, khó hấp dẫn khán giả trẻ. Do vậy, với thế mạnh bắt kịp thị hiếu, tạo ra nhiều bất ngờ, kịch tương tác là một cách đổi mới để níu chân khán giả ở lại với sân khấu kịch nói. Tuy vậy, số khán giả yêu kịch, sẵn sàng lặn lội đường sá xa xôi đến nhà hát để thưởng thức trọn vở ngày càng rơi rụng. Trong khi với phim ảnh, gameshow, ca nhạc…, khán giả không phải mất công, chỉ cần ngồi tại nhà là vẫn có thể thỏa sức chọn lựa chương trình yêu thích. 

Bình thường, sân khấu kịch vốn đã đìu hiu thì mùa dịch Covid-19, kịch nói lâm ngay vào thế “chết lâm sàng”. Khán giả ngồi nhà, hạn chế ra đường khiến sân khấu đành phải tắt đèn. Trong cái khó ló cái khôn. Nghệ sĩ thử đưa vở diễn lên YouTube hoặc livestream trên Facebook. Tuy vậy, kịch trên YouTube vẫn gặp hạn chế là không truyền được hết cảm xúc cho khán giả như khi họ đến xem trực tiếp tại nhà hát.

Để khắc phục, NSND Hồng Vân chọn kịch tương tác. Bởi năm 2019, đã xuất hiện khá nhiều kịch mục trên YouTube thu hút lượt xem đông đảo. Những câu thoại thời thượng, bám xu hướng của giới trẻ lẫn vấn đề thời sự nóng hổi được dàn diễn viên trẻ lồng ghép vào kịch rất khéo léo, tinh tế. Ở kịch tương tác online, dù không được tương tác trực tiếp cùng diễn viên trong không gian nhà hát nhưng khán giả có thể cùng nghệ sĩ xây dựng cốt chuyện, lái nội dung sang một hướng khác.

Tận dụng tính năng bình luận, nút like (thích) hoặc dislike (không thích) của YouTube, Facebook, ekip thực hiện có thể nắm bắt được sự đón nhận lẫn phản hồi, mong muốn của khán giả. Đây là cách tương tác rất thuận lợi trong tình hình dịch bệnh hiện nay. Từ đó, họ có thể vừa diễn, vừa xây dựng cho những màn sau hấp dẫn hơn theo ý muốn của số đông công chúng.

Một cảnh trong kịch tương tác truyền hình “Gia môn bất hạnh”.

Hiện sân khấu kịch Hồng Vân đang thực hiện một số vở kịch để chuẩn bị lên sóng. Rục rịch theo hướng đi này còn có sân khấu Kịch Sài Gòn. Đại diện Kịch Sài Gòn cho biết họ đã dựng được vài kịch mục từ sự gợi ý, tương tác của khán giả như "1.2.3… chạy", "Sui gia đại phát"…

Kịch tương tác online là bước đi táo bạo nhưng sở hữu nhiều cái lợi hơn so với kịch tương tác truyền hình. Cách đây ba năm, kịch tương tác trên truyền hình đã được Truyền hình FPT thử nghiệm. Ở mỗi vở kịch, đến nút thắt cao trào, màn hình tivi sẽ hiện ra các tình huống để khán giả chọn lựa hướng phát triển, lối rẽ của nhân vật bằng nút điều khiển.

Chính điều đó giúp vở diễn ra theo ý muốn của người xem. Từ vở đầu tiên của Nhà hát Tuổi trẻ như “Soi gương”, “Mẹ thuê”… đơn vị sản xuất đặt hàng nhiều tác phẩm của kịch miền Nam nhằm mang lại phong vị đa dạng. Nổi bật trong số đó có Sân khấu kịch Hồng Vân với các vở theo thể loại kịch hài và kinh dị. Các vở kịch không chỉ để giải trí đơn thuần, không dễ dàng nương theo thị hiếu mà nâng tầm thưởng thức của khán giả khi gửi gắm nhiều bài học nhân văn, ý nghĩa thâm thúy.

Đặc sản của chương trình kịch tương tác trên truyền hình vẫn là hài kịch. Cái sâu cay, trào phúng của kịch Bắc hòa với sự phóng khoáng, dí dỏm của kịch Nam tạo ra những vở hài kịch giàu sức nặng và cuốn hút như “Xin việc”, “Làm anh làm mẹ”, “Sống thử”…

Thế nhưng, vì diễn xong rồi mới phát lại trên đài nên kịch tương tác truyền hình gặp khó khi các nghệ sĩ phải diễn rất nhiều phiên bản khác nhau cho một vở kịch. NSND Chí Trung cho biết có vở phải diễn đến 6, 7 phiên bản. Nhiều phiên bản khiến nghệ sĩ khó nhớ hết lời thoại.

Ngoài ra, không phải nghệ sĩ nào cũng có khả năng thay đổi tính cách nhân vật xoành xoạch theo nhiều phiên bản như thế. Thời gian quay và viết kịch bản cũng bị kéo dài. Nhưng nhiều phiên bản chưa chắc đã thỏa mãn được khán giả.

Dù được chọn lựa cái kết khác nhau nhưng khán giả cũng chỉ được chọn lựa những hướng đi do ekip đã vạch sẵn. Nếu muốn đóng góp tiếng nói riêng, bẻ câu chuyện theo cảm xúc, tâm lý của mình thì khán giả đành bất lực. Với kịch tương tác online, khán giả có thể chủ động đóng góp trực tiếp những nội dung táo bạo, thêm thắt nhân vật, tình tiết, định hướng cái kết… cho ekip, do đó cả nghệ sĩ lẫn người xem trở nên hào hứng hơn.

Đạo diễn Huỳnh Anh Tuấn, Giám đốc của Sân khấu kịch Idecaf mong muốn kịch tương tác online không chỉ là cách cứu nguy cho kịch nói trong thời điểm hiện tại mà còn tiến xa hơn, trở thành loại hình quen thuộc với người xem.

“Khán giả ngày càng khó tính nên tôi tin kịch tương tác sẽ không còn hài nhảm mà hướng tới nhiều sản phẩm chất lượng, giàu chiều sâu. Nó vừa đáp ứng nhu cầu của khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ, vừa đòi hỏi nghệ sĩ phải đầu tư chát xám, tài năng của mình nhiều hơn. Bên cạnh đó, nhờ kênh tiếp cận này, kịch nói có thêm nguồn khán giả tiềm năng. Vì tình yêu kịch, họ sẽ đến nhà hát xem trực tiếp, giao lưu với diễn viên, thưởng thức trọn vẹn cái hay, cái đẹp của kịch nói, cảm nhận sự lan truyền cảm xúc khi chứng kiến bao hỉ nộ ái ố của những nhân vật sống động ngay trước mắt mình. Đây chính là nguồn nhựa sống giúp sàn diễn truyền thống dần hồi sinh” – đạo diễn Huỳnh Anh Tuấn hy vọng.

Mai Quỳnh Nga
.
.