Sân khấu kịch thiếu nhi hè 2019: Đến hẹn lại... sôi động

Thứ Năm, 23/05/2019, 08:30
Trung tuần tháng 5 cũng là lúc các trường học kết thúc việc học hành, thi cử, chuẩn bị tổng kết và nghỉ hè. Năm nào cũng vậy, "đón lõng" nghỉ hè bắt đầu bằng dịp Quốc tế Thiếu nhi 1-6, nhiều đơn vị nghệ thuật tung ra những chương trình nghệ thuật nhằm phục vụ đối tượng khán giả thiếu nhi...


Theo kiểu "đến hẹn lại lên", các chương trình này hầu hết sẽ kết thúc sau dịp Tết Trung thu hàng năm, cũng là lúc các trường bước vào năm học mới...

Sôi động nhiều chương trình "Chào hè"

Đã thành thông lệ, hàng năm cứ mỗi dịp hè về, Nhà hát Tuổi trẻ lại cho ra mắt những chương trình nghệ thuật phục vụ đông đảo thiếu nhi mọi lứa tuổi. Với đặc thù là một nhà hát dành cho thế hệ trẻ, nên những dịp như Quốc tế Thiếu nhi hay Tết Trung thu, Nhà hát Tuổi trẻ luôn có những đầu tư đáng kể khiến các chương trình - kịch mục biểu diễn rất phong phú, phù hợp với thị hiếu của trẻ em.

Bằng việc tăng thời lượng, tiết mục có tính chất giải trí - tạp kỹ, "thực đơn" của Nhà hát Tuổi trẻ đưa ra hàng năm trở thành một kênh tham khảo hữu ích cho các nhà trường, cơ quan đơn vị có ý tưởng tổ chức một chương trình vui vẻ cho trẻ là con em của cán bộ nhân viên của mình.

Vở kịch "Sơn Tinh - Thủy Tinh" được Nhà hát Tuổi trẻ dàn dựng công phu, hoành tráng.

Trong nhiều năm qua, sân khấu của Nhà hát Tuổi trẻ được biết đến là địa chỉ quen thuộc của các bậc phụ huynh và các em nhỏ ở Hà Nội tới để thưởng thức những món ăn tinh thần bổ ích, vui nhộn, giàu tính nhân văn và giáo dục.

Nhân dịp Quốc tế Thiếu nhi năm nay, Nhà hát Tuổi trẻ giới thiệu đến khán giả nhỏ tuổi 3 vở diễn: "Sơn Tinh - Thủy Tinh", "Con chim xanh", "Giấc mơ của nàng tiên cá". Trong đó, "Sơn Tinh - Thủy Tinh" là vở diễn mới nhất được các nghệ sỹ Nhà hát Tuổi trẻ dàn dựng từ cốt truyện "Sơn Tinh - Thủy Tinh" quen thuộc với nhiều thế hệ trẻ em Việt Nam.

Vở kịch được sân khấu hóa trên sàn diễn Nhà hát Tuổi trẻ với một không gian nghệ thuật rực rỡ sắc màu và âm nhạc sôi động, những tình tiết trong cốt truyện gốc được làm mới khiến câu chuyện trở nên hấp dẫn và thu hút, kích thích trí tưởng tượng của trẻ nhỏ, mang lại những trải nghiệm thú vị cho các em. Theo chia sẻ của đại diện Nhà hát Tuổi trẻ, "Sơn Tinh - Thủy Tinh" được kỳ vọng là sẽ đem đến cho các em nhỏ những giây phút thư giãn vui vẻ "chơi mà học" đầy màu sắc kỳ ảo, hấp dẫn.

Còn với "Con chim xanh" là vở kịch thần thoại dàn dựng từ kịch bản của nhà văn người Bỉ Maurice Maeterlinck viết về cuộc hành trình của hai bạn nhỏ, là anh trai và em gái con của một người thợ rừng nghèo khổ, đi tìm kiếm "Con chim xanh" được biết đến là sứ giả của hạnh phúc mang về chữa bệnh cho một em bé hàng xóm.

Cuộc hành trình của hai bạn nhỏ diễn ra trong một thế giới kỳ diệu mộng tưởng cùng những thử thách hiểm nguy. Với sắc màu huyền diệu được khai thác tối đa, vở diễn hứa hẹn mang đến cho các em nhỏ những cảm nhận sâu sắc về giá trị của hạnh phúc, tình bạn và lòng nhân ái, giúp nuôi dưỡng những tình cảm trong sáng thiện lành trong trái tim trẻ thơ.

Với "Giấc mơ của nàng tiên cá" lại đem đến cho các em nhỏ những cảm nhận khác vui tươi bởi đây là chương trình tạp kỹ ca - múa - nhạc - kịch được dàn dựng khá công phu, sinh động dành cho lứa tuổi mẫu giáo và bậc tiểu học. Chương trình được ra mắt lần đầu trong năm 2018 và tiếp tục được trình diễn phục vụ khán giả trong dịp hè năm nay - là một lựa chọn hữu ích cho các trường, cơ sở mầm non có ý định tổ chức hoạt động vui chơi cho các bé thơ.

Không có nhiều chương trình, kịch mục đa dạng như Nhà hát Tuổi trẻ nhưng Rạp xiếc Trung ương - Liên đoàn Xiếc Việt Nam luôn là địa chỉ mà các bậc phụ huynh tìm kiếm mỗi dịp hè và Tết Trung thu. Năm nay, Rạp xiếc Trung ương sẽ cho ra mắt chương trình biểu diễn mang tên "Cuộc phiêu lưu của chú Tễu".

Với sự tham gia của 49 diễn viên đến từ 3 đoàn xiếc (đoàn Dân gian, đoàn Đương đại, đoàn Xiếc thú), chương trình là câu chuyện kể về một chú Tễu thông minh, học giỏi và đam mê bộ môn khoa học. Ước mơ của chú Tễu lớn lên sẽ trở thành một chàng trai dũng mãnh bay vào vũ trụ để nghiên cứu về vũ trụ quan. Vì có lòng say mê khoa học, nên trong những giấc ngủ chú thường mơ thấy mình bay vào không gian vũ trụ bao la, khám phá những hành tinh pha lê huyền ảo.

Ở nơi đó, có chú Cuội khôi hài, có Trâu thần hiền từ và chị Hằng xinh đẹp cùng những Chiến binh không gian có phép thuật biến hóa khôn lường. Trong những cuộc phiêu lưu đó, chú Tễu tuy không ít lần đối mặt với hiểm nguy và quỷ quái luôn rình rập nhưng đã học được nhiều điều mới lạ, kỳ thú.

Poster giới thiệu chương trình "Cuộc phiêu lưu của chú Tễu" của Liên đoàn Xiếc Việt Nam.

Với tấm lòng nhân hậu, dũng cảm, khát khao bảo vệ lẽ phải, cùng tài trí thông minh và sự điều khiển tinh thông phép thuật, viên ngọc thần chị Hằng Nga ban tặng và cây đàn thần vua Thủy Tề, chú Tễu đã vượt qua mọi hiểm họa, chiến thắng quỷ dữ, bảo vệ được trái đất và các hành tinh pha lê mãi mãi xanh tươi.

Ngày vui ngắn chẳng tày gang?

Không chỉ có những đơn vị "đầu tàu" như đã kể ở trên đầu tư cho các chương trình dành cho thiếu nhi, một số đơn vị nghệ thuật khác như Nhà hát Múa rối Việt Nam, Nhà hát Múa rối Thăng Long... cũng đều có những chương trình để thu hút khán giả nhỏ tuổi. Năm nay, còn có thêm Sân khấu Lệ Ngọc của NSND Lệ Ngọc sẽ trình diễn vở "Tấm Cám" bắt đầu từ giữa tháng 5.

Điều đó có nghĩa là, Sân khấu Lệ Ngọc cũng chính là đơn vị làm sân khấu tư nhân đầu tiên ở Hà Nội đầu tư, dàn dựng vở diễn dành riêng cho đối tượng thiếu nhi. Với những ấn tượng mà Sân khấu Lệ Ngọc đã tạo dựng được với khán giả Thủ đô trong thời gian gần đây và những nỗ lực không mệt mỏi để tạo dựng thương hiệu, quảng bá các vở diễn, nhiều người hi vọng rằng, Sân khấu Lệ Ngọc sẽ có chỗ đứng trong lòng khán giả. Và với "Tấm Cám" mà Sân khấu Lệ Ngọc dàn dựng vừa biểu diễn ra mắt đã góp thêm một món ăn "lạ mà quen" cho "mâm cỗ" món ăn tinh thần cho các em thiếu nhi dịp hè 2019.

Nhiều người cho rằng, nếu với "mâm cỗ" tương đối thịnh soạn như thế này, thì sân khấu kịch, sân chơi nghệ thuật dành cho thiếu nhi quả là đã có nhiều khởi sắc và nhiều tín hiệu vui. Nhưng thực ra, năm nào cũng thế, sân chơi này cũng chỉ sôi động được trong 2 dịp mỗi năm đó là ngày Quốc tế Thiếu nhi và Tết Trung thu, sau đó lại chìm vào quên lãng.

Hầu như không có nhà hát, đơn vị nghệ thuật nào duy trì được việc biểu diễn các kịch mục này trong suốt mùa hè, mà vẫn chỉ làm theo thời vụ: có những ngày phải tổ chức 5-7 suất diễn mới đáp ứng hết nhu cầu của khán giả.

Sự sôi động thời vụ này, đương nhiên khiến cho nhiều nhà quản lý, tổ chức biểu diễn mơ ước giá mà những ngày vui như thế này cứ mãi kéo dài thì thật không có niềm vui nào sánh bằng. Thế nhưng, "ngày vui ngắn chẳng tày gang" sau 2 dịp này, sân khấu kịch dành cho đối tượng thiếu nhi lại "im thin thít và lặn mất tăm" đợi đến mùa hè sang năm.

Những nghệ sĩ có thâm niên trong ngành biểu diễn như NSƯT Chí Trung - Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ hay NSND Tạ Duy Ánh - Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho hay, 2 đơn vị này luôn mong muốn duy trì chương trình biểu diễn cho thiếu nhi trong suốt năm. Thế nhưng "lực bất tòng tâm". Bởi vì phụ huynh Việt cũng chỉ quan tâm đến nhu cầu giải trí của trẻ em những dịp lễ, Tết, chứ không có thói quen duy trì việc làm này một cách thường xuyên như một kênh giáo dục, bồi dưỡng tâm hồn cho con em mình.

Vì thế, các nhà hát cũng chỉ có một cách đó là làm việc này theo "thời vụ" hoặc sau đó có các buổi biểu diễn ở nhà trường, nhóm cộng đồng theo các chương trình hợp tác mà thôi. Có lẽ đến giờ, chỉ có 3 đơn vị là có chương trình biểu diễn có đối tượng thiếu nhi đến xem, đó chính là Rạp xiếc Trung ương (Liên đoàn Xiếc Việt Nam), Nhà hát Múa rối Thăng Long, Nhà hát Múa rối Việt Nam. Bởi vì, bản thân các chương trình, tiết mục của họ đều là dành cho mọi đối tượng độc giả, trong đó đối tượng trẻ em lại phù hợp, yêu thích hơn cả.

Nhiều ý kiến của các nghệ sĩ tâm huyết với sân khấu đều cho rằng, muốn sân khấu nước nhà phát triển, chúng ta buộc phải "đào tạo khán giả", bắt đầu đào tạo khán giả từ khi còn là trẻ em thì mới mong có một nền sân khấu bền vững và rực rỡ. Đó cũng chính là cách để dẫn dắt trẻ thơ đến với ngôi nhà nghệ thuật, làm phong phú đời sống tinh thần, làm đẹp tâm hồn.

Còn nếu vẫn với cách làm manh mún, thời vụ như hiện nay, thì sân khấu cố gắng lắm cũng chỉ đủ ăn, đủ tiêu một cách tùng tiệm, theo kiểu giật gấu vá vai, lấy những ngày sôi động bù vào những ngày trống vắng mà thôi. Nhưng để làm được việc đào tạo khán giả từ sớm, thì cần phải  có những cơ chế, chính sách phù hợp. Mà điều này thì lại chẳng biết bao giờ mới đến...

Nguyệt Hà
.
.