Sân khấu kịch Tết 2019: Khan hiếm vở mới

Thứ Tư, 23/01/2019, 08:00
Tết là dịp ăn nên làm ra của sân khấu kịch nói. Nhiều sân khấu cố “ém hàng mới” chỉ để chờ dịp này. Vậy mà mùa Tết 2019, các sân khấu kịch phía Nam chủ yếu dựng lại kịch bản cũ theo kiểu thêm mắm dặm muối. Số lượng vở mới vô cùng khiêm tốn.


Thông thường, tầm đầu tháng 12, các vở diễn phục vụ dịp Tết Nguyên đán đã được giới thiệu rầm rộ. Mỗi sân khấu có tầm 3, 4 vở mới (chưa kể vở cũ dựng lại) để phục vụ công chúng. Nhưng năm nay, gần Tết dương lịch mới thấy các sân khấu rục rịch quảng bá.

Và cũng chỉ có Sân khấu Thế giới trẻ duy trì được phong độ khi ra mắt 4 vở mới, trong đó có các vở đáng chú ý như: “Ván bài của sói” (tác giả Nam Thư - Bảo Ngọc), “Ngôi làng ma ám” (tác giả Phan Ngọc Liên), “Người vô hình” (tác giả Bùi Quốc Bảo).

Còn nhìn chung, không khí kịch mục ở các sân khấu khác đều ảm đạm và lặng lẽ. Mỗi sân khấu chỉ giới thiệu lác đác một, hai vở mới xen vào vở cũ. Là một trong những cánh chim đầu đàn của sân khấu xã hội hóa phía Nam, Tết này Sân khấu kịch Idecaf chỉ có duy nhất “Mơ tình” là vở diễn mới.

Một cảnh trong vở “Đẹp bất chấp” của Nhà hát sân khấu nhỏ 5B.

Đây là bản dựng tốt nghiệp của đạo diễn Hoàng Giang được cảm tác từ tác phẩm kinh điển “Giấc mộng đêm hè” của William Shakespeare. Sân khấu Hoàng Thái Thanh cũng chỉ trình làng duy nhất một vở mang tên “Bên kia nửa đời ngơ ngác” (tác giả: Hoàng Thái Thanh, đạo diễn: Ái Như) với sự tham gia của dàn diễn viên gạo cội: Nghệ sĩ Thành Hội, Ái Như, Tuyết Thu... Đây là phần nối dài của vở kịch nổi tiếng “Nửa đời ngơ ngác” trước đây. Tương tự, Nhà hát sân khấu nhỏ 5B cầm cự với một vở mới: “Duyên ai”của tác giả Mộc Nhiên.

Khá hơn một chút, Sân khấu kịch Hồng Vân cố gắng dựng hai vở mới. Đề tài về cộng đồng người LGBT (cộng đồng người đồng tính, song tính và chuyển giới) tiếp tục được sân khấu này khai thác trong vở “Thân sâu hồn bướm” do Bùi Quốc Bảo viết kịch bản kiêm đạo diễn. “Tắt đèn là chạy” của tác giả Thái Sơn cũng là vở mới được NSND Hồng Vân tung ra mùa Tết 2019. Đó là câu chuyện đời về những người đứng sau cánh gà sân khấu, lo hậu kỳ, đạo cụ… cho mỗi suất diễn.

Còn lại toàn là vở cũ. Ngoài vở mới “Mơ tình”, Sân khấu kịch Idecaf có thêm một vở Tết là “Vẻ đẹp hoàn hảo” đã từng ra mắt cách đây 3 năm. Nhà hát Sân khấu nhỏ 5B dựng lại “Ảo và thật” (tác giả: Vương Huyền Cơ, đạo diễn: Chánh Trực) xoay quanh vấn đề mạng xã hội đã ra mắt năm 2014 và “Đẹp bất chấp” được làm lại từ “Công chúa sao hỏa”. “Vàng hay bạc nhái” của 10 năm trước được Sân khấu kịch Quốc Thảo đưa trở lại với cái tên mới “Chồng nhái”…

Việc thiếu kịch bản mới và hay đã trở thành căn bệnh nan giải nhiều năm qua của sân khấu kịch nói nhưng mùa Tết này càng trầm trọng. Sự cạnh tranh của truyền hình, phim ảnh đã lôi cuốn đội ngũ biên kịch chắc tay đầu quân. Khán giả vì vậy cũng bị kéo dạt sang các lĩnh vực này.

Đời sống sân khấu ngày càng èo uột, doanh thu bèo bọt, mà nói như ông bầu Huỳnh Anh Tuấn (Sân khấu Idecaf): không lỗ đã là thành công. Nhiều sân khấu phải hoàn tiền vé cho khán giả vì suất diễn quá ít người xem.

Là sân khấu non trẻ của làng kịch nói phía Nam nhưng Thế giới trẻ vẫn sống khỏe qua nhiều mùa Tết. Đạo diễn Ngọc Hùng, Giám đốc điều hành của Thế giới trẻ tiết lộ một phần thành công của sân khấu này là chọn những đề tài ăn khách, phù hợp tâm lý khán giả chứ không dám mạo hiểm nhiều ở đề tài khó.

Tết là thời gian công chúng thư giãn, vui chơi sau một năm làm việc mệt nhọc nên họ cần món ăn nhẹ nhàng, giải trí. Và để chuẩn bị cho mùa Tết, anh chủ động tìm kiếm và đặt hàng kịch bản với tác giả trẻ tài năng. Nhờ đó, họ có được nguồn kịch bản mới đảm bảo chất lượng.

Nghệ sĩ Ái Như sẽ hội ngộ khán giả trong vở kịch Tết “Bên kia nửa đời ngơ ngác” của Sân khấu Hoàng Thái Thanh.

Thành công của Thế giới trẻ là đốm sáng nhỏ giữa đêm đông mịt mù của đời sống sân khấu kịch phía Nam. Vắng khách, khó khăn chồng chất, các sân khấu sống cầm cự qua ngày. Để duy trì hoạt động của Nhà hát Sân khấu nhỏ 5B khi nó sáng đèn trở lại sau hai năm đóng cửa sửa chữa, NSƯT Mỹ Uyên, Giám đốc Nhà hát phải vay mượn nhiều nơi để bù lỗ cho mỗi suất diễn. Vắng khách nên thay vì diễn hằng ngày, sân khấu chỉ diễn định kỳ dịp cuối tuần.

Số tiền vay mượn đã lên tới bạc tỷ. Cơ sở vật chất của 5B dù được sửa chữa, nâng cấp nhưng vẫn thiếu thốn, bó hẹp và gây khó khăn cho người lớn tuổi khi di chuyển lên nhiều bậc cầu thang. NSND Hồng Vân thì suýt phải đóng cửa hai Sân khấu Hồng Vân và Super Bowl vì thua lỗ liên tục mà chi phí mặt bằng đội lên đắt đỏ. Đến giờ, hai sân khấu này vẫn sáng đèn cầm chừng, nhưng nói như NSND Hồng Vân, không biết việc cầm chừng này kéo dài được bao lâu.

Chính sự chật vật, èo uột của kịch nói khiến đội ngũ tác giả không mấy mặn mà sáng tạo kịch bản mới vì nhuận bút không được bao nhiêu. Tình trạng khan hiếm kịch bản chạm đến “báo động đỏ” càng khiến sân khấu kém thu thút, kém sức cạnh tranh. Vòng luẩn quẩn này đẩy kịch nói rơi vào bế tắc. Làm mới kịch bản cũ bằng cách thêm thắt tình tiết, nối dài hoặc thay bằng dàn diễn viên mới là cách người làm nghề bám víu nhằm vượt qua giai đoạn khó khăn này. Tuy nhiên, ai cũng biết đó chỉ là giải pháp tình thế tạm thời.

Ngay tại Liên hoan Sân khấu kịch nói toàn quốc 2018 diễn ra hồi tháng 4 ở TP Hồ Chí Minh - một sân chơi lẽ ra các đoàn phải trưng trổ những vở mới, độc đáo nhất của đơn vị mình - cũng đa phần là “bổn cũ soạn lại”. Cái khác là dàn diễn viên cũ được thay bằng gương mặt mới hoặc bổ sung các ngôi sao nổi tiếng. Nhiều đoàn lấy kịch bản từ 20 năm trước đem ra dàn dựng lại.

NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam phân tích: “Tác phẩm khai thác kịch bản cũ thì cũng phải có tính hiện đại. Những vấn đề cũ bước lên sân khấu thì tính tư tưởng phải gắn với đời sống hôm nay chứ không phải mô tả, nói lại điều đã cũ. Đáng tiếc, các tác giả hiện nay, đặc biệt là tác giả trẻ chưa làm được điều đó”.

Điều mà những người trong giới được an ủi nhất chính là số lượng khán giả đến hưởng ứng Liên hoan tăng lên trông thấy. NSƯT Trịnh Kim Chi, “bà bầu” Sân khấu Trịnh Kim Chi hồ hởi cho hay: “Một vở rặt đề tài cách mạng, chính kịch như “Rặng trâm bầu” của chúng tôi mà các suất diễn phục vụ Liên hoan đều kín ghế. Thậm chí thiếu ghế, khán giả sẵn sàng đứng để xem. Điều đó chứng tỏ khán giả không hề quay lưng với sân khấu. Điều quan trọng là chúng ta mang đến cho họ những vở kịch ra sao, chất lượng thế nào? Tín hiệu tích cực này tạo động lực rất lớn để thời gian tới chúng tôi xây dựng kịch mục tốt hơn phục vụ công chúng”.

Nhiều ý kiến cho rằng do các đoàn dự Liên hoan đều phát vé miễn phí nên vở diễn mới đông khán giả. Nhưng hãy nhìn lại sự thành công của Sân khấu Idecaf. Những vở như “Tấm Cám”, “Ngôi nhà không có đàn ông”, “Tiên Nga” đều thắng đậm, liên tục sáng đèn mà vẫn cháy vé. Riêng vở “Tiên Nga” mới ra mắt gần đây đã lập nên kỷ lục khi có đến 20 nghìn khán giả mua vé. Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn cho hay: “Các vở này được coi là tác phẩm “đinh” của chúng tôi. Rõ ràng, tác phẩm hay, chất lượng thì mới đủ sức kéo khán giả đến rạp. Nhưng đó cũng là thách thức lớn cho chúng tôi vì việc tìm kiếm được nguồn kịch bản hay, tươi mới không hề dễ”.

NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam thì nhấn mạnh: “Thiếu kịch bản là nỗi buồn của kịch nói mà tôi mong tình trạng này sẽ được khắc phục, xuất hiện nhiều vở diễn nhìn thẳng vào cuộc sống ngồn ngộn, xoáy sâu các vấn đề nóng hổi, nhức nhối đương thời. Thời gian tới có lẽ chúng tôi phải tổ chức trại sáng tác. Trong đó phải yêu cầu các tác giả bám vào hiện thực đời sống nóng bỏng có rất nhiều điều đáng để nghệ sĩ sân khấu khai thác hiện nay”.

Uyên Thi - Xuân 2019
.
.