“Đỏ mắt” tìm phim chuyên nghiệp

Thứ Sáu, 08/11/2019, 08:54
Việc tìm kiếm một phim trường quy mô và chuyên nghiệp, đặc biệt phim trường cổ trang là bài toán hóc búa với ekip làm nghề. Cái gọi là phim trường hiện nay vẫn mang tính chất tạm bợ chứ chưa hướng đến việc biến phim trường thành địa điểm du lịch độc đáo, mang dấu ấn văn hóa Việt Nam


Ca sĩ Lady Phương Thùy vừa mới khai trương phim trường cổ trang Green tại huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh. Đây được coi là phim trường cổ trang đầu tiên tại Việt Nam. Phim trường có những bối cảnh dành riêng cho các nhà làm phim mang màu sắc cổ trang hoặc hoài niệm. Lady Phương Thùy chi hết 15 tỉ đồng cho việc xây dựng cảnh trí, từ nhà cổ, xe cộ kiểu cũ đến vườn tược, ao cá…

Tuy vậy, diện tích phim trường vẫn khá khiêm tốn, chỉ vỏn vẹn 6.000 mét vuông. Dù đã chính thức đi vào hoạt động nhưng nhiều hạng mục vẫn còn tiếp tục thi công. Do vậy, phim trường Green có vẻ phù hợp với những cảnh quay phục vụ MV ca nhạc hoặc các dự án phim nhỏ lẻ chứ không đủ sức đáp ứng dự án cần bối cảnh rộng lớn.

Lâu nay, các đạo diễn làm phim cổ trang luôn đau đầu với khâu tìm kiếm phim trường. Bởi với tốc độ đô thị hóa, những nơi có cảnh quan hoàn toàn sạch bóng thiết bị, vật dụng hiện đại quá hiếm hoi. Họ cần những nơi hoang sơ, nếu còn nguyên vẹn kiến trúc đền đài, cung điện xưa thì càng tốt. Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh than thở, một trong những khó khăn lớn nhất của dự án phim cung đấu "Phượng Khấu" chính là phim trường.

Phim trường Yên Tử, TP Uông Bí vẫn đang xây dựng dang dở, chưa thể đưa vào khai thác.

"Phượng Khấu" kể câu chuyện về cuộc đời Thái hậu Từ Dụ. Do đó, bối cảnh phải là kinh thành Huế. Tuy nhiên, kinh thành Huế hiện nay đã thay đổi nhiều. Không ít công trình mới của các đời vua sau dựng lên. Vì vậy, ekip khó tìm được bối cảnh hoàn toàn thuộc thời vua Thiệu Trị.

Mà dù cung điện, đền đài thời vua Thiệu Trị còn nguyên vẹn thì ekip cũng khó lòng quay được cảnh nội vì quần thể kinh thành Huế đã trở thành di tích được bảo vệ nghiêm ngặt. Để ứng phó, đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh phải nhờ đến các nhà kiến trúc, nhà sử học thiết kế mô hình phỏng theo cảnh trí, đồ đạc bên trong hoàng cung Huế. Tất cả được dựng lại tại các gian nhà thuộc làng cổ Phước Lộc Thọ, tỉnh Long An.

Đạo diễn Đào Bá Sơn cho hay vì không có phim trường nên rất nhiều phim phải chắp vá bối cảnh. Họ quay chỗ này một ít, quay chỗ kia một ít rồi lắp ghép lại. Do vậy, đoàn phim phải di chuyển liên tục, vừa mất công sức, khó khăn, vừa đội thêm kinh phí.

Việc phim trường mang tính tạm bợ, quay xong phim nào thì phá bỏ không chỉ gây lãng phí mà còn khiến việc làm phim không chuyên nghiệp, thiếu đồng bộ. Khi quay "Long Thành cầm giả ca", ekip của đạo diễn Đào Bá Sơn không tìm ra phim trường vừa ý mà phải dùng cảnh thật rồi thêm bớt, bố trí lại. Phim trường cũng là một trong những lý do khiến dự án phim về Nguyên phi Ỷ Lan phải dời lịch bấm máy.

Không chỉ phim trường cho phim cổ trang mà ngay cả trường quay cho phim hiện đại hoặc mang niên đại không xa xôi lắm cũng vô cùng khan hiếm. Nhà sản xuất phim "Tiếng sét trong mưa" phải bỏ ra số tiền không nhỏ để thuê những ngôi nhà cổ đạt chuẩn Nam Bộ xưa, mua đạo cụ cổ…

Riêng các phim thời hiện đại thì dường như nơi đâu cũng biến thành phim trường. Với các phim ở miền Nam, bối cảnh quen thuộc lặp đi lặp lại hết phim này đến phim khác khiến khán giả ngán ngẩm như quán cà phê, núi đồi Đà Lạt, khu đô thị Phú Mỹ Hưng, các trường đại học…

Năm 2014, giới làm phim hồ hởi khi hay tin một tập đoàn lớn đầu tư kinh phí "khủng" để xây dựng phim trường Yên Tử tại TP Uông Bí, Quảng Ninh. Đây là dự án phim trường hiện đại và lớn nhất dành cho phim cổ trang với diện tích lên tới gần 15 hecta. Phim trường Yên Tử ra đời bắt nguồn từ nhu cầu bức thiết của đoàn làm phim truyền hình "Phật hoàng Trần Nhân Tông".

 Trong lúc đi tìm bối cảnh cho bộ phim, đạo diễn Văn Lượng đã tìm nhà đầu tư để thiết kế, xây dựng bối cảnh. Sau khi du khảo nhiều nơi, ekip quyết định chọn vùng núi non hoang sơ Yên Tử. Nhận thấy đây là nơi có thể làm thành phim trường quy mô, phục vụ cho nền điện ảnh, nhà đầu tư đã quyết tâm xây dựng trường quay theo mô hình "Kinh thành Thăng Long thu nhỏ" gợi nhớ lại hào khí Lý - Trần.

Ngoài khung cảnh thiên nhiên thơ mộng, tĩnh mịch, phim trường còn xây dựng nhiều cụm kiến trúc, cảnh trí theo sát văn hóa, lịch sử dân tộc. Đó là cụm khu kinh thành, đại diện, khu nhà quan lại…; cụm cảnh quan mô phỏng đời sống văn hóa bản địa như chợ quê, bãi tập binh lính, đền-miếu dân gian và một số cụm kiến trúc mô phỏng khu sứ quán, trạm ngựa, nơi tiếp sứ thần, lầu gác, nhà sàn…

Với mỗi dự án khác nhau, các đoàn phim chỉ cần thay đổi hoa văn trang trí, một số đồ vật, đạo cụ… là sẽ ra bối cảnh của triều đại khác. Tuy nhiên đến nay, dự án vẫn đang thi công dở dang, chưa biết đến bao giờ sẽ đưa vào sử dụng.

Hiện nay, những nơi gọi là phim trường vẫn chỉ là mô hình mini, gọi cho đúng hơn là studio. Các trường quay quy mô như trường quay Cổ Loa tại Hà Nội (15 hecta) thì đang xuống cấp trầm trọng sau 50 năm khai thác.

Ekip phim "Phượng Khấu" chọn làng cổ Phước Lộc Thọ để dựng bối cảnh đại nội Huế.

Dù nhà nước đã bỏ hàng trăm tỉ đồng để quy hoạch lại nhưng phim trường này vẫn không phát huy được tiện ích bởi quá nhiều hạng mục hoang phế, không còn sử dụng được. Các phim trường như Long Phước, quận 9, TP Hồ Chí Minh; phim trường Chánh Phương… chỉ phục vụ được cho vài phim mang màu sắc hiện đại và không gian quá nhỏ nên đã trở nên cũ mòn trên màn ảnh.

Nếu có phim trường chuyên nghiệp, các đạo diễn sẽ được hỗ trợ rất nhiều. Họ không phải tốn kém quá nhiều chi phí mà còn được hỗ trợ tối đa về cảnh trí, phương tiện kỹ thuật, điều kiện ánh sáng, âm thanh thích hợp cho làm phim.

Diễn viên cũng tập trung hơn để diễn xuất. Việc khan hiếm phim trường quy mô, chuyên nghiệp đang khiến nền điện ảnh trong nước gặp nhiều khó khăn, nghiệp dư và thiếu sự đột phá. Rất nhiều dự án có nội dung hay, tuy nhiên vì vấn đề bối cảnh mà đành "đắp chiếu".

Phần lớn nhà làm phim phải tự mình xoay xở. Tai hại hơn, thiếu hiểu biết khiến họ tạo dựng, vay mượn những bối cảnh trật lất với nội dung phim, thậm chí là lai căng, phản cảm. Một bộ phim làm về nhân vật lịch sử thời Lý từng bị gác chiếu vĩnh viễn vì quá nhiều cảnh lai Tàu. Đến khi hỏi ra mới biết vì thiếu phim trường, ekip lặn lội sang Trung Quốc để quay.

Theo đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh, việc đầu tư, xây dựng phim trường cho nền điện ảnh nội địa chỉ còn là vấn đề thời gian. Trước tốc độ phát triển chóng mặt của nền điện ảnh trong nước như hiện nay, nhu cầu cấp bách về trường quay buộc các nhà đầu tư phải xông xáo vào cuộc. Bởi phim trường không đơn thuần chỉ là nơi để quay phim mà về lâu về dài nó sẽ trở thành địa điểm du lịch văn hóa hấp dẫn du khách thập phương. Thử nhìn lại các phim trường lớn trên thế giới như Hoành Điếm, Công viên Điện ảnh Thượng Hải, Hoài Nhu (Trung Quốc); Suncheon, Namyangju (Hàn Quốc)... đều được đầu tư hàng trăm triệu đôla. Những phim trường này là nơi ra đời của nhiều bộ phim nổi tiếng như "Hoàn Châu cách cách", "Tân dòng sông ly biệt", "Bến Thượng Hải", "Mỹ nhân tâm kế", "Diên Hy công lược" (Trung Quốc), "Tình yêu và tham vọng", "Phía đông vườn địa đàng" (Hàn Quốc)...

Chính sự phủ sóng rộng rãi và sức hút của tác phẩm điện ảnh, phim trường trở thành địa điểm lý tưởng để du khách trên thế giới đến tham quan bối cảnh đã đưa vào phim hay hóa trang thành các nhân vật trong phim. Từ đó, ngành du lịch trong nước được đà phát triển. Vẫn biết rằng ở nước ta, việc xây dựng phim trường quy mô, hoành tráng là điều không hề dễ dàng và không thể tiến hành trong ngày một, ngày hai.

Chúng ta vừa thiếu địa điểm, vừa thiếu kinh phí lẫn nguồn nhân lực tâm huyết, có chuyên môn. Riêng với phim trường cổ trang thì tư liệu lịch sử tin cậy để làm nguyên mẫu mô phỏng vô cùng hiếm hoi. Để vượt qua thách thức này, ngành điện ảnh cần sự chung tay của cả cộng đồng, đặc biệt là bộ ba nhân tố: nhà làm phim - doanh nghiệp đầu tư - nhà nước.

Mai Quỳnh Nga
.
.