Điện ảnh đang hờ hững với nguồn tài nguyên văn chương?

Chủ Nhật, 16/02/2020, 07:52
Những đạo diễn tài ba nhất luôn có ý thức xây dựng lương duyên điện ảnh và văn chương. Dựa trên nền tảng có sẵn của văn chương, từ chi tiết cho đến cấu trúc từng được nhà văn đầu tư hao tâm tổn trí, đạo diễn sẽ có được bộ khung tương đối vững chắc cho bộ phim...


Ngay trong tháng giêng Canh Tý, nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm đã có chút lộc văn chương, đó là tiểu thuyết lịch sử "Bắc Cung hoàng hậu" được Công ty điện ảnh S18 mua bản quyền để làm phim với giá 150 triệu đồng. Tin vui của nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm một lần nữa lại khiến công chúng phải suy tư về mối quan hệ giữa văn chương và điện ảnh. Phải chăng, nhiều năm qua điện ảnh Việt chưa khai thác hiệu quả giá trị văn chương Việt?

Tiểu thuyết lịch sử "Bắc Cung hoàng hậu" được Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2013. Dù không phải sở trường ở thể loại này, nhưng bằng niềm tự hào được sinh ra và lớn lên ở Ninh Hiệp - Gia Lâm - Hà Nội là quê mẹ của Lê Ngọc Hân, nên nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm viết "Bắc Cung hoàng hậu" như một cách tri ân tiền nhân. Tiểu thuyết lịch sử "Bắc Cung hoàng hậu" dựng lại bức tranh một thời tao loạn và hình ảnh một mỹ nhân tài sắc Lê Ngọc Hân hiện lên như điểm sáng rực rỡ.

Ở tuổi 80, nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm thổ lộ: "Tuy không rành về điện ảnh, nhưng tôi cũng hình dung được làm phim về Bắc Cung hoàng hậu sẽ rất tốn kém để dàn dựng, cả bối cảnh lẫn phục trang. Thế nhưng, đối tác vẫn hứng thú với đề tài này, và kiến quyết thực hiện. Đó cũng là điều đáng mừng!".

Tiểu thuyết "Bắc Cung hoàng hậu" được mua bản quyền 150 triệu đồng để làm phim.

Cuốn sách của nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm chỉ là một trong hàng trăm tiểu thuyết được ra đời hàng năm ở Việt Nam. Thế nhưng, dường như những nhà làm phim nước ta vẫn chưa chú ý đến nguồn tài nguyên này. Vì sao phải nói vậy? Vì hiện nay điện ảnh vẫn khan hiếm kịch bản. Thậm chí, phải mua lại kịch bản để làm phim, theo dạng re-make.

Đành rằng, không phải tiểu thuyết nào cũng có thể chuyển thành tác phẩm điện ảnh, nhưng quan trọng là các đạo diễn và các biên kịch lười đọc. Mà khi càng thờ ơ với văn chương, thì chất lượng điện ảnh càng gay go.

Không phải nói ngoa, hầu hết những bộ phim nổi bật nhất của điện ảnh Việt đều xuất phát từ văn chương. Trước đây, điện ảnh Việt tập hợp được cả một đội ngũ những nhà văn tài năng và tâm huyết như Vũ Bão, Nguyễn Khắc Phục, Nguyễn Mạnh Tuấn, Nhật Tuấn, Hoàng Văn Bổn, Chu Lai…

Đáng tiếc, giờ đây thưa vắng dần những nhà văn cộng tác với điện ảnh. Không dễ có được những đạo diễn có khả năng viết lách như Đặng Nhật Minh để tự sáng tác kịch bản cỡ "Thị xã trong tầm tay" hoặc "Bao giờ cho đến tháng Mười". Nếu đạo diễn quá lạc quan về khả năng biến hóa của mình để trưng dụng những cây bút thường thường bậc trung làm biên kịch thì không thể có được bộ phim hay. Bằng chứng là những phim ăn khách kiểu "Hai Phượng" hoặc "Cua lại vợ bầu" đều nông cạn về tư tưởng và thẩm mỹ.

Những đạo diễn tài ba nhất luôn có ý thức xây dựng lương duyên điện ảnh và văn chương. Dựa trên nền tảng có sẵn của văn chương, từ chi tiết cho đến cấu trúc từng được nhà văn đầu tư hao tâm tổn trí, đạo diễn sẽ có được bộ khung tương đối vững chắc cho bộ phim.

Chiều dài điện ảnh Việt đã chứng minh chân lý ấy với các bộ phim "Vợ chồng A Phủ", "Chị Dậu", "Làng Vũ Đại ngày ấy, "Thời xa vắng", "Mùa len trâu", "Trăng nơi đáy giếng" và gần đây là "Cánh đồng bất tận", "Hương Ga", "Thiên mệnh anh hùng", "Quyên", "Người trở về"… Đáng chú ý hơn, chỉ với tiểu thuyết "Bến không chồng" của nhà văn Dương Hướng, đạo diễn Lưu Trọng Ninh không chỉ có tác phẩm điện ảnh cùng tên, mà còn làm thêm bộ phim truyền hình "Thương nhớ ở ai".

Trong giai đoạn phim truyền hình ăn nên làm ra, văn chương được trưng dụng khá nhộn nhịp. Riêng khu vực phía Nam, đã có cả dòng phim chuyển thể từ tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh như "Con nhà nghèo", "Con nhà giàu", "Chúa Tàu Kim Quy", "Tình án", "Cay đắng mùi đời", "Lòng dạ đàn bà", "Tại tôi", "Ngọn cỏ gió đùa", "Khóc thầm", "Hai khối tình"…

Kịch bản phim truyền hình dựa theo lớp lang có sẵn của tiểu thuyết, dù sao cũng đơn giản hơn kịch bản điện ảnh. Chọn lấy mạch tình huống nào của tiểu thuyết để kể một câu chuyện dài 150-180 phút trên màn bạc, cũng là bài toán đầy thách thức.

Để có được bộ phim ăn khách "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh", đạo diễn Victor Vũ thổ lộ: "Khi nhận được kịch bản chuyển thể "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh", đọc xong thì tôi thấy có quá nhiều tuyến nhân vật nên tạm gác lại một thời gian vì chưa biết sẽ kể theo tuyến nhân vật nào. Về sau, tôi tìm mua và đọc nhiều tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh, cảm xúc trỗi dậy nên tôi cùng Đoàn Nhật Nam viết lại kịch bản lần thứ hai, tập trung vào tình cảm anh em và có được nội dung ưng ý trên phim!".

Bộ phim "Mắt biếc" dựa theo tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh.

Quan hệ giữa điện ảnh và văn chương là sự cộng sinh đáng trân trọng. Khi tác phẩm được làm phim thì số lượng bản in trên thị trường sách cũng tăng vọt. Tuy nhiên, có trường hợp ngoại lệ là sức hút của nhà văn ăn khách như Nguyễn Nhật Ánh lại khiến các đạo diễn hào hứng đi tìm tác phẩm để chuyển thể. Ngoài bộ phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" thì hai tác phẩm cũ của Nguyễn Nhật Ánh cũng được tái sinh trên màn bạc là "Cô gái đến từ hôm qua" và "Mắt biếc", đồng thời hai tác phẩm khác cũng được làm phim là "Ngồi khóc trên cây" và "Thiên thần nhỏ của tôi".

Hiện tượng Nguyễn Nhật Ánh trong điện ảnh, cần nhìn nhận như thế nào cho rành mạch? Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cho rằng: "Thật ra, một trong những lý do mà tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh thành công và luôn nằm trong trái tim người đọc chính là vì những câu chuyện của anh rất bình thường. Tôi chỉ cố gắng làm nên một bộ phim thật bình thường, giản dị, chân thật giàu cảm xúc với vài chấm phá về cách kể chuyện khác biệt để diễn tả sự mơ mộng của nhân vật. Tôi nghĩ cái khó nhất của bộ phim chính là tạo nên những cảm xúc lãng đãng từ truyện của Nguyễn Nhật Ánh".

Còn chính nhà văn Nguyễn Nhật Ánh thì đánh giá rất ôn hòa: "Nhà văn và các đạo diễn, biên kịch cùng làm công việc sáng tác, mỗi người có khung trời sáng tạo của mình, tôi tôn trọng điều đó. Nhà văn hãy làm tốt nhất nhiệm vụ viết văn của mình còn việc của điện ảnh cứ để các đạo diễn và biên kịch lo. Ê-kíp làm phim có quyền làm những gì tốt nhất cho tác phẩm điện ảnh nhưng tôi chỉ đề nghị giữ đúng tinh thần và thông điệp của tác phẩm. Phim đạt doanh số cao, chắc chắn do đạo diễn và đoàn phim đã làm rất tốt nhiệm vụ của họ!

Thật ra hai thể loại ấy khác nhau. Làm phim tức là đạo diễn kể lại câu chuyện của mình bằng điện ảnh theo cách kể của họ. Tôi hiểu điều đó, nên không lấy chuyện đạo diễn phải trung thành hoàn toàn tới từng chi tiết của tác phẩm gốc làm thước đo. Tôi chỉ nghĩ giản dị là từ tác phẩm của mình mà đạo diễn làm một bộ phim tốt. Như vậy tôi hài lòng rồi. Còn nếu làm phim, đạo diễn cứ bám sát, trung thành tuyệt đối truyện mà phim không hay thì tôi cũng đâu muốn. Độc giả văn học và khán giả điện ảnh khác nhau!".

Làm phim từ tác phẩm văn chương, không phải không có áp lực cho các đạo diễn. Nếu phim thành công, có khi bị mang tiếng là ăn theo nguyên bản. Ngược lại, nếu phim thất bại, thì bị công chúng phê phán làm hỏng nguyên bản. Thế nhưng, hơn bao giờ hết, điện ảnh Việt hôm nay không nên thờ ơ với nguồn tài nguyên văn chương đang có sẵn, như lý giải của nhà biên kịch Tô Hoàng: "Phần đông đạo diễn vẫn chịu sức ép cân đong lỗ lãi của nhà sản xuất.

Vì vậy, muốn hay không phim của họ vẫn phải tuân thủ công thức Tình+ Hành động + Hài+ Những tên tuổi diễn viên đang "hot". Để bổ cứu hoặc nắn chỉnh phần nào tình trạng sản xuất phim ở nước ta, tôi thiết tha kêu gọi các nhà sản xuất, các đạo diễn hãy quay trở lại với nền văn học của chúng ta, nếu thực sự muốn tìm đến một bộ phim hay.

Nhà văn hầu như đã bảo đảm 30- 40%, thậm chí hơn thế cho thành công trong bộ phim tương lai của các bạn. Tức bảo đảm cho cốt truyện trong phim rồi. Vấn đề còn lại là các bạn hãy dành tâm huyết, vốn hiểu biết và công sức để chuyển tải từ ngôn ngữ văn chương qua ngôn ngữ tổng hợp của điện ảnh mà thôi!".

Tuy Hòa
.
.