Đạo diễn Trần Chí Thành: Phải biết ngượng với chính mình mới trưởng thành được

Thứ Ba, 02/08/2016, 08:10
Trần Chí Thành là đạo diễn của Hãng phim truyện Việt Nam. Anh được khán giả biết đến qua những bộ phim dài tập như "Chiến hạm nổ tung", "Khát vọng xanh", "Hạnh phúc trong tầm tay", "Ngự lâm không kiếm" và gần đây là "Đồng tiền quỷ ám" đang được phát sóng trong khung giờ vàng của VTV1. Trò chuyện với phóng viên Chuyên đề Văn nghệ Công an, đạo diễn Trần Chí Thành chia sẻ rằng: "Làm một bộ phim mà không được như mong muốn, tôi thấy ngượng với chính mình trước tiên. Phải biết ngượng với chính mình mới trưởng thành được...".


-Thưa đạo diễn Trần Chí Thành, bộ phim "Đồng tiền quỷ ám" do anh làm đạo diễn chiếu trên VTV1 đang được khán giả chú ý theo dõi. Điều khiến anh hài lòng nhất khi đóng máy bộ phim này là gì?

+ Khi nhận kịch bản phim “ Đồng tiền quỷ ám”, tôi và ê kíp làm phim rất lo lắng vì đây là một kịch bản khó làm với những vấn đề khá nhạy cảm. Để đáp ứng được quy mô của câu chuyện phim thì đòi hỏi một đội ngũ đông đảo diễn viên tham gia, với những bối cảnh dàn trải và đặc thù như sòng bài, trường gà… Tất cả phải được dàn dựng sao cho tạo được không khí để truyền tải được câu chuyện phim một cách tốt nhất…

Với diễn viên, chúng tôi luôn yêu cầu họ phải tập trung tối đa cho vai diễn mà họ được giao. Và với đội ngũ khá chuyên nghiệp, sự đầu tư thích đáng, chúng tôi khá hài lòng khi kết thúc thời gian tiền kỳ vì đã hoàn thành được một khối lượng công việc khổng lồ với chất lượng rất tốt.

Đạo diễn Trần Chí Thành.

- Kịch bản "Đồng tiền quỷ ám" từng được VTV kỳ vọng là sẽ "gây xôn xao" như phim sêri "Chạy án" cũng do Đại tá, nhà văn Nguyễn Như Phong làm biên kịch. Nhưng xem ra "Đồng tiền quỷ ám" đã không có được sức nóng như "Chạy án". Còn điều gì khiến anh cảm thấy nuối tiếc về bộ phim này hay nếu được làm lại anh sẽ làm khác đi không?

+ Không thể so sánh “Đồng tiền quỷ ám” với “Chạy án” được, vì mỗi câu chuyện phim đều có sự hấp dẫn khác nhau với lượng khán giả khác nhau, chưa kể đến thời điểm phát sóng đề tài nào được khán giả quan tâm… Với những người làm nghề chúng tôi, khi nhận một đề tài nào chúng tôi cũng cố gắng để làm tốt nhất có thể với hy vọng mang đến cho khán giả những bộ phim chất lượng vừa có tính giải trí vừa mang tính giáo dục cao…

Với “Đồng tiền quỷ ám”, chúng tôi đã làm tốt nhất trong điều kiện có thể, nếu cho làm lại, chưa chắc tôi sẽ làm hay hơn được. Và hiện tại khi phim đang phát sóng, tôi nhận được nhiều phản hồi tích cực từ khán giả xem phim và nếu đo rating thì hiện phim đang đạt lượng người xem nhiều nhất từ trước tới giờ trong khung giờ đang phát sóng phim này. Đây là điều khích lệ lớn nhất với những người làm nghề như chúng tôi.

Nói thật là chẳng gì bằng, cả ê kíp tham gia làm đều rất vui mừng vì công sức mình bỏ ra được khán giả ghi nhận.

- Gần đây, thấy anh có vẻ "bén duyên" với thể loại phim hình sự, đặc biệt là từ sau phim "Chiến hạm nổ tung". Anh có thấy mình bị cuốn hút hay mê hoặc bởi mảng đề tài này không? Tại sao?

+ Thời gian gần đây, thể loại phim hình sự đang được ưa chuộng, các nhà sản xuất đua nhau đặt hàng, nhưng không phải phim nào cũng thành công, vì nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Đặc biệt là câu chuyện phim phải mới lạ, đề tài phải có tính thời sự, đang được khán giả quan tâm thì mới tạo được sự hấp dẫn…

Phim hình sự luôn là một đề tài khó làm với các đạo diễn, nó đòi hỏi sự dày công nghiên cứu về nghiệp vụ chuyên ngành, khi thực hiện cũng vất vả hơn so với các thể loại phim khác. Nhưng bù lại dễ tạo được sự hấp dẫn cho khán giả vì thể loại này luôn đan xen giữa xung đột nội tâm và những hành động ngoại tuyến để tạo sự hấp dẫn cho câu chuyện…

Với tôi, đã từng làm các đề tài khác nhau, từ phim thiếu nhi, hài, tâm lý xã hội, gia đình, trinh thám, chiến tranh, giờ là hình sự thì mỗi một đề tài, một câu chuyện khi tôi đọc đều phải tạo được sự hấp dẫn và cuốn hút tôi trước, tôi mới nhận lời làm đạo diễn, chứ không riêng gì thể loại phim hình sự. Mỗi một thể loại tôi luôn tìm cách để thể hiện thành phim sao cho phù hợp với nội dung và ý tưởng câu chuyện của tác giả kịch bản.

- Nghe nói, anh là người rất kỹ lưỡng trong việc tuyển chọn diễn viên cho các vai diễn trong phim của mình như việc đã thuyết phục được nghệ sĩ violon Bùi Công Duy và nghệ sĩ Quyền Văn Minh vào phim "Chiến hạm nổ tung". Với anh, tiêu chí quan trọng nhất trong việc chọn diễn viên là gì?

+ Việc thành bại của một bộ phim thì diễn viên góp phần quan trọng nhất vì họ chính là những người hóa thân vào từng nhân vật trong mọi câu chuyện phim. Không có diễn viên thì không thể có một bộ phim truyện được. Cho nên khi nhận làm phim thì tôi cũng như những đạo diễn khác luôn chú trọng chọn diễn viên thật tốt, phù hợp với nhân vật…

Với tôi, khi chọn diễn viên cho mỗi bộ phim, điều đầu tiên là tính cách và thần thái của diễn viên phải phù hợp với nhân vật. Tôi luôn suy nghĩ nhân vật của mình theo cách đa chiều, nghĩa là tìm mọi cách thể hiện khác nhau và tìm cách nào để làm nổi bật nhất tính cách của nhân vật đó. Sau đó chọn diễn viên phù hợp với cách thể hiện tốt nhất đó, truyền đạt cho họ ý đồ mình muốn cho diễn viên hiểu và diễn theo cách mình đã tưởng tượng.

Với phim “Chiến hạm nổ tung” là một bộ phim nói về chiến công của Công an Việt Nam đánh đắm chiến hạm lớn nhất Đông Dương thời kỳ 1948 - 1950. Kịch bản phim dựa trên tiểu thuyết “Câu lạc bộ chính khách” của nhà văn Lê Tri Kỉ. Tôi làm từ năm 2011, thì cũng là một bộ phim khó làm.

Tôi chọn diễn viên Bùi Công Duy và Quyền Văn Minh tham gia đóng phim vì họ có thần thái rất hợp với nhân vật trong phim. Khi tôi tiếp xúc và nói cách để diễn cho hợp vai, họ đều nắm bắt rất tốt, nhiều khi thấy họ diễn thú vị hơn nhiều so với diễn viên chuyên nghiệp và họ là một trong số nhiều người góp phần thành công cho bộ phim này.

Một cảnh trong phim "Đồng tiền quỷ ám".

- Một dạo, thấy anh làm đạo diễn một số phim ngắn, phim một tập. Người ta nói rằng đây là cách các đạo diễn hay làm phim dài tập "làm mới mình". Với bản thân anh thì sao?

+ Khi mới vào nghề tôi đã làm một số phim ngắn tập và từ khi học trong trường, chúng tôi đã được các thầy dạy bảo rằng làm phim càng ngắn thì càng khó, khi ra thực tế thì đúng là như vậy. Phim càng ngắn, chúng tôi càng phải chú trọng tới từng chi tiết, chắt lọc những gì tốt nhất để thể hiện câu chuyện phim thành một bộ phim cụ thể. Cách thể hiện cũng gần với phim điện ảnh, nhiều ngôn ngữ hình hơn.

Thực ra khi trở lại làm phim một tập cũng là dịp chúng tôi kiểm tra lại nghiệp vụ của mình, xem sức sáng tạo của mình tới đâu, tìm tòi cách thể hiện mới… Cũng là để làm sao có được một bộ phim với chất lượng tốt nhất theo nội dung câu chuyện.

- Nhiều người nói rằng, giờ đạo diễn chỉ thích làm phim dài tập, vì dự án dài với các phim dài, đạo diễn hơi "dễ nổi tiếng" hơn, lại có tiền "ra tấm ra món" hơn. Điều này có đúng với anh không?

+ Điều này có thể đúng với nhiều người, nhưng với tôi là sai. Vì với những người làm nghề thì bất cứ phim dài hay ngắn, thì điều đầu tiên là kịch bản phải tốt và thuyết phục được đạo diễn. Nếu kịch bản phim ngắn hay và một kịch bản phim dài mà chất lượng không bằng thì tôi sẽ chọn phim ngắn để làm khi thấy thích câu chuyện, đề tài đó chứ không nghĩ tới vấn đề tiền bạc. Bản thân tôi, khi làm ra một bộ phim mà không được như mong muốn, tôi thấy ngượng với chính mình trước tiên. Phải biết ngượng với chính mình thì mới trưởng thành được. Cho nên khi tôi được giao kịch bản phim một tập, tôi thấy hào hứng hơn vì phim ngắn thường là câu chuyện cô đọng, có “đất” để cho chúng tôi thể hiện…

- Trở thành đạo diễn được khán giả biết đến với phim truyền hình, anh có đang dự định hay tìm kiếm cơ hội thử sức với phim truyện nhựa không?

+ Với những người làm nghề như chúng tôi thì không phân biệt phim truyện nhựa hay truyền hình. Khi nhận được kịch bản là chúng tôi luôn phải làm tốt nhất có thể để có được một bộ phim tốt. Đối với phim truyền hình, đôi khi còn phải làm kỹ hơn nhiều vì lượng khán giả của phim truyền hình nhiều hơn phim nhựa... nên mọi cái hay, cái đẹp trong phim mang tính phổ cập hơn. Còn phim truyện nhựa đôi khi còn kén khán giả hơn nhiều vì tính nghệ thuật thể hiện cái tôi của tác giả nhiều hơn và đôi khi không thể phục vụ số đông…

Bản thân tôi hiện đang công tác tại Hãng phim truyện Việt Nam, là nơi chuyên làm phim truyện nhựa cho nên đó cũng là điều tôi luôn hướng tới, khi gặp được một kịch bản tốt tôi sẽ thử sức mình với những đam mê làm một bộ phim nghệ thuật theo đúng nghĩa của nó.

Nguyệt Hà (thực hiện)
.
.