Đạo diễn Lưu Bạch Đàn: Người khởi đầu phim nhựa màu ở miền Nam

Thứ Sáu, 10/06/2016, 09:11
Ở miền Nam Việt Nam từ năm 1954 đến năm 1975, nghệ thuật điện ảnh phát triển khá mạnh. Những thập niên 50, 60 vẫn còn phim nhựa đen trắng. Sang nửa đầu thập niên 70 đã bắt đầu xuất hiện phim nhựa màu, đẹp và hấp dẫn khán giả. Người đầu tiên sản xuất phim nhựa màu là Lưu Bạch Đàn, một trong những đạo diễn tài ba ở đất Sài Gòn trước năm 1975. Sau ngày giải phóng miền Nam, ông tiếp tục công tác trong ngành điện ảnh, thực hiện nhiều bộ phim có giá trị để phục vụ khán giả.


Xếp bút nghiên lên đường tranh đấu

Đạo diễn Lưu Bạch Đàn, sinh năm 1929, tại làng Minh Hương, tổng Phú Triêm, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (nay thuộc thành phố Hội An) trong một gia đình trí thức yêu văn học nghệ thuật. Lưu Bạch Đàn vừa là tên thật vừa là nghệ danh của ông trong quá trình hoạt động nghệ thuật.

Thuở nhỏ, Lưu Bạch Đàn học Trường Tiểu học Pháp - Việt tại thị xã Hội An - tỉnh lỵ của tỉnh Quảng Nam thời bấy giờ. Trong thời gian đi học, ông tham gia sinh hoạt trong đoàn Hướng đạo sinh của thị xã Hội An.

Ông đỗ tốt nghiệp Trường Tiểu học Pháp - Việt vào thời gian đất nước diễn ra sự kiện trọng đại là cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công. Độc lập chưa được bao lâu thì thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta. Cuối năm 1946, ông Cao Văn Khánh - một nhà cách mạng hoạt động tại địa phương, sau này là Trung tướng, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam - đã đến Hội An triệu tập các hội viên của Hội hướng đạo, vận động các hội viên mà đa số là học sinh tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp. Hầu hết các hội viên đều hăng hái lên đường kháng chiến. Lưu Bạch Đàn cũng tạm gác lại việc ra Huế tiếp tục học lên bậc trung học để trực tiếp tham gia cuộc kháng chiến nơi quê nhà.

Từ năm 1948 - 1949, ông được cấp trên cử đi học tập văn hoá ở Trường Trung học bình dân Liên khu V đóng tại miền núi tỉnh Quảng Ngãi. Đến năm 1950, trường học giải tán và giáo viên, học sinh của nhà trường được phân bổ về các đơn vị trên địa bàn Liên khu V. Lưu Bạch Đàn được phân công về Đoàn văn nghệ thuộc Phòng Chính trị Liên khu V. Ông đã tham gia nhiều chiến dịch cùng các đơn vị bộ đội hoặc xuống các cơ sở quần chúng để sáng tác và biểu diễn văn nghệ phục vụ kháng chiến.

Đến với nghệ thuật điện ảnh

Năm 1952, Lưu Bạch Đàn bị bệnh nặng phải ngừng làm việc và vào chữa trị tại Bệnh viện Quân y của Liên khu V. Bệnh ông ngày càng nặng, cấp trên đã cho phép ông được trở về thị xã Hội An - nơi thực dân Pháp kiểm soát - để chữa bệnh. Khỏi bệnh, ông không có điều kiện trở lại đơn vị cũ vì chính quyền thực dân kiểm soát chặt chẽ, phong toả khắp nơi, ông đành phải ở lại vùng tạm chiếm và xin làm giáo viên dạy âm nhạc tại Trường Trung học Trần Quý Cáp (Hội An) để chờ cơ hội. Chỉ được mấy tháng thì ông bị chính quyền Bảo Đại gọi nhập ngũ.

Ông bỏ trốn vào Sài Gòn, sống nhờ tại nhà người anh ruột. Để tránh bị bắt lính, ông đã làm lại giấy tờ mới với quốc tịch Trung Hoa, mang tên Lữ Gia Thuận, xin vào làm việc cho một công ty của Pháp để kiếm sống. Thời gian này ông lập gia đình với cô bạn học cũ ở Trường Tiểu học Hội An.

Năm 1955, người Mỹ đưa Ngô Đình Diệm về nước, thành lập nhà nước Việt Nam Cộng hoà riêng rẽ ở miền Nam Việt Nam. Công ty nơi ông làm việc đã chuyển trở về nước Pháp, Lưu Bạch Đàn mất việc. Để mưu sinh và tránh sự chú ý của chính quyền đối với những người kháng chiến cũ, Lưu Bạch Đàn xin vào làm nhân viên ở cơ quan thông tin của chính quyền Sài Gòn. Gia đình ông trở thành một cơ sở cách mạng, cưu mang nhiều người kháng chiến trước đây bị khủng bố, trong đó có ông Phạm Văn Diêm là cháu của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từ Quảng Ngãi tạm lánh vào Nam.

Năm 1958 chính quyền Việt Nam Cộng hoà mở Trường Điện ảnh tại Sài Gòn, ông nộp đơn thi tuyển và đỗ với số điểm khá cao. Năm 1959, ông thi đỗ tốt nghiệp khoá đào tạo đạo diễn đầu tiên của Trường Điện ảnh Sài Gòn.

Từ năm 1960, nhờ sự ủng hộ tài chính của một số anh em, bạn bè thân hữu, ông thành lập nhà in, nhận in các báo, tạp chí đủ các thứ tiếng Anh, Pháp, Việt và in các ấn phẩm văn hoá như sách văn học, âm nhạc... Ông vừa phụ trách công việc in ấn, vừa làm việc cho Trung tâm Điện ảnh, chủ trương thành lập tờ tuần báo Điện ảnh. Ban biên tập gồm những tinh hoa trong làng nghệ thuật thứ 7, trong đó có 4 đạo diễn điện ảnh là Lưu Bạch Đàn, Lê Hoàng Hoa, Thân Trọng Kỳ và Nguyễn Văn Tường. Tờ báo có số lượng độc giả rất lớn.

Năm 1968, Lưu Bạch Đàn tìm được học bổng du học tại Australia về ngành Điện ảnh và Vô tuyến truyền hình. Năm 1969, ông tốt nghiệp và trở về nước. Thời gian này, chương trình truyền hình đầu tiên đã được phát sóng. Ông xin chuyển qua làm việc tại cơ quan truyền hình và bắt đầu nghề đạo diễn.

Một năm sau, Lưu Bạch Đàn thành lập hãng phim tư nhân Trùng Dương. Bộ phim nhựa màu đầu tiên của miền Nam là "Bão tình" do Lưu Bạch Đàn đạo diễn. Ngày đó phải mua phim nhựa của Nhật Bản với giá tiền rất đắt. Khi hoàn thành phải gửi sang nhờ các xưởng phim ở Tôkyô giúp rửa, in, tráng… rất tốn kém kinh phí, một bộ phim tốn kém tính ra hàng nghìn lượng vàng. Đam mê nghệ thuật và tinh thần vượt khó, đạo diễn Lưu Bạch Đàn đã dần dần đứng vững được với nghề.

Đến trước khi miền Nam giải phóng, đạo diễn Lưu Bạch Đàn đã thực hiện được khá nhiều bộ phim chất lượng cao về nội dung lẫn nghệ thuật, được khán giả yêu thích: Bão tình, Người tình không chân dung, Chàng ngốc gặp hên… Thành công nhất và cũng gặp nhiều trắc trở nhất là bộ phim Người tình không chân dung, một bộ phim có nội dung phản chiến.

Lý Hùng và Diễm Hương từng được khán giả ưu ái gọi là đôi “tiên đồng, ngọc nữ” màn ảnh Việt thập niên 90.

Để thực hiện bộ phim này, Lưu Bạch Đàn đã cộng tác với hai bạn hữu là Vĩnh Lộc và Kiều Chinh. Ba người cùng hùn vốn được gần 1.500 cây vàng để chi phí. Khi phim hoàn thành, chính quyền Sài Gòn cấm không cho phát. Nguy cơ phá sản, phải đóng cửa hãng phim lồ lộ. Ba vị Lưu Bạch Đàn, Vĩnh Lộc và Kiều Chinh phải làm đơn gửi cho ông Ngô Khắc Tĩnh - Bộ trưởng Bộ Thông tin của chính quyền Sài Gòn- đề nghị xem xét lại.

Đơn được chấp nhận nhưng bộ phim bị Bộ Thông tin kiểm duyệt, cắt một số đoạn được cho là "nhạy cảm". Qua cơn sóng gió, bộ phim được công chiếu rộng rãi ở các rạp tại Sài Gòn và các tỉnh, thành ở miền Nam, được sự hoan nghênh đặc biệt của khán giả. Dự Liên hoan phim hay châu Á được tổ chức ở thủ đô Đài Bắc (Đài Loan), phim nhận được giải thưởng. Tên tuổi của đạo diễn Lưu Bạch Đàn lên đến đỉnh cao trong làng nghệ thuật điện ảnh.

Các hãng phim ở Sài Gòn lúc bấy giờ hầu như hoạt động riêng rẽ, gặp nhiều khó khăn trong quá trình sản xuất phim. Ông đã thuyết phục 4 hãng phim cùng hợp nhất thành một tổ chức là: Trùng Dương của Lưu Bạch Đàn, Việt Nam Phim của Thẩm Thuý Hằng, Rạng Đông Phim của Đinh Văn Phát và Thiên Mã Phim của giới Hoa kiều ở Chợ Lớn, cùng lấy tên Công ty Điện ảnh Liên Việt Nam. Lưu Bạch Đàn giữ vai trò là Giám đốc điều hành của công ty này.

Đất nước thống nhất, nhiều bạn bè, người thân của ông đã ra đi định cư, sinh sống tại nước ngoài nhưng Lưu Bạch Đàn vẫn quyết định ở lại quê hương và tiếp tục hoạt động nghệ thuật. Ông tiếp tục thực hiện những bộ phim có giá trị như: "Phạm Công Cúc Hoa", "Tình người kiếp rắn", "Người về từ nghìn trùng"… trong đó đặc biệt bộ phim "Phạm Công Cúc Hoa" ra đời năm 1989 được khán giả nhiệt liệt đón chào. Bộ phim cuối cùng trong cuộc đời đạo diễn của ông là phim "Con lai Mỹ", đáng tiếc là đang thực hiện dở dang thì ông ngã bệnh phải ngừng lại. Ông qua đời năm 2010 tại TP Hồ Chí Minh, hưởng thọ 82 tuổi. Ông ra đi nhưng tác phẩm của ông vẫn còn ở lại.

Hoàng Tuấn
.
.