Đạo diễn, NSND Nguyễn Hoàng Tuấn: Người “bay lên từ mặt nước”

Thứ Sáu, 15/07/2016, 07:57
NSND Nguyễn Hoàng Tuấn hiện là Giám đốc Nhà hát múa rối Thăng Long - đơn vị nghệ thuật duy nhất của Việt Nam "đỏ đèn" suốt năm và từng được tổ chức Kỷ lục châu Á ghi nhận là "Nhà hát duy nhất của châu Á biểu diễn rối nước suốt 365 ngày trong năm". 


Rối nước là bộ môn nghệ thuật độc đáo có một không hai trên thế giới được khán giả nước ngoài vô cùng thích thú khi đến với Việt Nam. Là người đứng đầu nhà hát, trưởng thành từ một nghệ sĩ múa cả rối cạn và rối nước, NSND Nguyễn Hoàng Tuấn rất thấu hiểu nỗi vất vả của người nghệ sĩ múa rối, đặc biệt là rối nước. Vì vậy, suốt hơn 30 năm gắn bó với nghệ thuật rối nước, anh vẫn luôn nặng lòng, nhiều trăn trở và vẫn dành cho rối nước những giấc mơ bay bổng.

Phải nói ngay rằng, Nguyễn Hoàng Tuấn là nghệ sĩ đầu tiên của bộ môn nghệ thuật rối được trao danh hiệu NSND. Gắn bó với bộ môn rối cạn rồi rối nước suốt mấy mươi năm, nghệ sĩ Nguyễn Hoàng Tuấn là người đã góp phần không nhỏ để bộ môn nghệ thuật truyền thống đặc biệt riêng có của Việt Nam này có sự thăng hoa.

Nói cách khác, anh thực sự là một nghệ sĩ bằng những sáng tạo không giới hạn của mình đã "bay lên từ mặt nước", đạt được thành công cho riêng mình và có những đóng góp đáng kể cho nghệ thuật rối nước truyền thống nước nhà.

Đạo diễn, NSND Nguyễn Hoàng Tuấn.

"Bay lên từ mặt nước" cũng là một tiết mục rối nước thử nghiệm được đạo diễn, NSND Nguyễn Hoàng Tuấn và NSƯT Chu Lượng dàn dựng, từng giành Huy chương Bạc tại Liên hoan Múa rối quốc tế lần thứ IV (2015) tổ chức tại Hà Nội. Đây là tiết mục rối nước được chuyển thể từ tác phẩm ba-lê kinh điển "Hồ Thiên Nga" đã tạo ra sức hấp dẫn mạnh mẽ cũng như sự bất ngờ đối với khán giả trong và ngoài nước.

Từ tác phẩm múa ba-lê chuyển thể sang rối nước đòi hỏi ngoài sự sáng tạo còn là kỹ thuật của người diễn viên phải vô cùng khéo léo, điêu luyện mới có thể khiến con rối lướt đi, bay lên cùng các vũ điệu ba-lê từng khiến khán giả khắp thế giới say đắm.

Tiết mục "Bay lên từ mặt nước" biểu diễn trong Liên hoan Múa rối quốc tế lần thứ IV (2015) tại Hà Nội đã khiến các đồng nghiệp quốc tế vô cùng ngạc nhiên, cảm phục. Từ khi ra mắt đến nay, tiết mục này được đưa vào nhiều chương trình biểu diễn và luôn được khán giả hoan nghênh, thích thú.

NSND Nguyễn Hoàng Tuấn tâm sự rằng, quan niệm của anh về nghệ thuật là luôn phải sáng tạo ra cái gì mới, dù cái mới đó có thể chưa hay, chưa được công chúng cũng như đồng nghiệp tiếp nhận, ủng hộ ngay, nhưng nó phải luôn bao hàm "cái gì đó mới". Vì thế, bản thân anh luôn có những trăn trở, suy nghĩ trong việc tìm lối đi cho rối cũng như sáng tạo ra những tiết mục mới, trò diễn mới, sản phẩm mới, trong đó tiết mục "Bay lên từ mặt nước" là một ví dụ điển hình.

Không chỉ kết hợp giữa nghệ thuật rối truyền thống với các bộ môn nghệ thuật hiện đại, nghệ sĩ Nguyễn Hoàng Tuấn còn có các thử nghiệm kết hợp giữa múa rối với người, giữa rối cạn với rối nước như các vở "Tấm Cám", "Nàng Hến" (phỏng theo tích "Nghêu, Sò, Ốc Hến"), "Huyền thoại tiên rồng"... Mấy năm trở lại đây, với vai trò đạo diễn và chỉ đạo nghệ thuật, NSND Nguyễn Hoàng Tuấn đã liên tục có được những thành công đáng nể.

Qua 4 kỳ Liên hoan Múa rối quốc tế tổ chức tại Việt Nam, lần nào anh cũng đoạt được những giải thưởng. Tại Múa rối quốc tế lần thứ III cũng tổ chức tại Hà Nội năm 2012, tiết mục rối nước "Linh thiêng hai tiếng đồng bào" do anh làm đạo diễn đã đoạt Huy chương Vàng và anh cũng đồng thời "giật" thêm giải cá nhân: "Chỉ đạo nghệ thuật xuất sắc".

Những thành công liên tiếp trong một thời gian ngắn đã khiến Nguyễn Hoàng Tuấn được "thăng hạng" lên thành NSND chỉ sau 3 năm sau khi được phong danh hiệu NSƯT. Điều này đúng là một sự bất ngờ lớn đối với chính nghệ sĩ Nguyễn Hoàng Tuấn và nhiều đồng nghiệp của anh. Đối với giới sân khấu, đây quả là một "kỳ tích" mà anh đã lập nên cùng với một người đồng nghiệp khác là đạo diễn, NSND Hoàng Quỳnh Mai.

NSND Nguyễn Hoàng Tuấn cho biết, nhà hát đang chuẩn bị cho dàn dựng vở rối thử nghiệm "Hồn Trương Ba - Da hàng thịt". Vở kịch nổi tiếng này của cố nhà thơ Lưu Quang Vũ đã được thể hiện trên sân khấu thành công với nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau nhưng với rối thì quả là một thử thách lớn mà anh và các đồng nghiệp của mình đang nỗ lực hết sức để có thể tái hiện thành công.

NSND Nguyễn Hoàng Tuấn kể rằng, từ nhỏ anh đã có thiên hướng yêu thích các hoạt động nghệ thuật. Cũng là có duyên nợ với nghề múa rối là bởi khi xưa, nhà anh ở phố Hàng Giấy, ngay cạnh rạp Bắc Đô là nơi Đoàn múa rối Kim Đồng (tiền thân của Nhà hát Múa rối Thăng Long) lấy làm trụ sở tập luyện và biểu diễn.

Mỗi ngày đi học về, cậu bé Nguyễn Hoàng Tuấn vẫn hay chạy sang xem các cô chú diễn viên tập luyện, biểu diễn nên từ thích thú chuyển thành đam mê rối từ lúc nào. Thế nhưng, trước khi trở thành nghệ sĩ rối anh lại theo học bộ môn kịch nói và trở thành diễn viên kịch nói của Đoàn kịch Hà Nội, cùng thời với các nghệ sĩ tên tuổi như NSND Hoàng Dũng, nghệ sĩ Minh Trang, nghệ sĩ Hồng Sơn...

Nhận thấy với ngoại hình "thấp bé nhẹ cân" của mình rất khó để phát triển thành một diễn viên chính kịch thành công, vì thế khi Đoàn Múa rối Kim Đồng tổ chức chiêu sinh lớp đào tạo diễn viên đầu tiên, Nguyễn Hoàng Tuấn lại tiếp tục thi tuyển và lại trúng tuyển. Thêm 3 năm "vừa học vừa hành" tại đoàn, Nguyễn Hoàng Tuấn đã được nhận vào làm việc chính thức từ năm 1981 đến nay. Anh sớm được tham gia các vai chính trong các vở diễn nổi tiếng một thời của đoàn như "Tấm Cám", "Thạch Sanh", "Kim Đồng", "Aladin và cây đèn thần", "Alibaba"... Sau đó nghệ sĩ Nguyễn Hoàng Tuấn lựa chọn con đường trở thành đạo diễn và ở đây năng lực sáng tạo của anh mới thực sự trở nên rõ nét với nhiều tác phẩm ghi dấu ấn trong lòng khán giả.

Tiết mục “Huyền thoại tiên rồng” của Đạo diễn, NSND Nguyễn Hoàng Tuấn.

Với Nhà hát Múa rối Thăng Long, Nguyễn Hoàng Tuấn đã có thời gian gắn bó suýt soát 40 năm - từ lúc học việc cho đến khi chuẩn bị nghỉ hưu, từ lúc còn là một diễn viên chạy loong toong cho đến khi trở thành Giám đốc nhà hát với hơn 100 nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công. Bởi thế, anh quá thấu hiểu nỗi nhọc nhằn, cơ cực của nghề diễn viên rối nước.

Anh cho biết: "Ngoài phẩm chất, năng khiếu của một diễn viên, bộ môn rối nước còn đòi hỏi ở người nghệ sĩ rất khắt khe về mặt thể lực. Nếu không có một thể lực tốt, không thể dầm mình trong nước để biểu diễn trong những mùa đông giá lạnh. Dù có mặc quần áo bảo hộ nhưng riêng đôi tay diễn viên luôn phải để trần thì mới có thể điều khiển được rối.

Vì thế, nhiều khi bàn tay bị thương do va chạm với những mảnh sắt thép làm dụng cụ để điều khiển rối nhưng cũng không thể phát hiện ra bởi đôi tay ngâm trong nước lạnh đã mất hết cảm giác từ lâu...". Thấu hiểu nỗi vất vả, nhọc nhằn của người nghệ sĩ múa rối nước, nên từ khi trở thành Giám đốc Nhà hát Múa rối Thăng Long, anh tích cực cùng các đồng nghiệp của mình tiếp tục đưa chương trình múa rối nước vào các "tua" du lịch, để nhà hát đỏ đèn thường xuyên từ 4-6 suất diễn/ ngày, cải thiện mức thu nhập cho anh chị em nghệ sĩ, để anh chị em nghệ sĩ, diễn viên sống được bằng nghề và yên tâm làm nghề.

Cho đến nay, NSND Nguyễn Hoàng Tuấn đã đưa rối nước Việt Nam đi biểu diễn ở trên 50 quốc gia. Đi đến đâu, đoàn múa rối nước Việt Nam cũng nhận được sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả bởi sự độc đáo, lạ mắt có một không hai của nghệ thuật rối nước Việt Nam.

NSND Nguyễn Hoàng Tuấn chia sẻ: "Có lẽ bởi tính độc đáo, duy nhất của múa rối nước Việt Nam mà năm nào nhà hát cũng được các nước, các tổ chức mời đi lưu diễn. Việc đi lưu diễn rất vất vả bởi đạo cụ của đoàn rất cồng kềnh, ít nhất là phải 1,5 tấn, chưa kể đến nơi phải bơm tới 40 khối nước vào "bể nhân tạo" mà đoàn mang theo mới biểu diễn được, nên những năm gần đây nhà hát cũng rất cân nhắc khi đi lưu diễn ở nước ngoài...".

Nhưng có lẽ, điều khiến anh chạnh buồn là, trong khi du khách quốc tế rất thích thú với nghệ thuật rối nước thì ngay ở thủ đô Hà Nội, vẫn rất ít khán giả người Việt chủ động tiếp cận với bộ môn nghệ thuật này. Chỉ trừ các hợp đồng được ký với các cơ quan, đơn vị, trường học thì có người Việt đi xem rối nước, còn lại ở các suất diễn liên tục các ngày trong tuần, hầu như chẳng có bóng dáng người Việt mua vé vào xem.

Đây cũng là một điều khiến anh trăn trở nhiều và vì thế đã cho ra ðời những vở diễn mang đậm chất dân gian như "Múa tiên", "Lễ dâng hương", "Bù nhìn rơm", "Thánh Gióng"... NSND Nguyễn Hoàng Tuấn có niềm mong mỏi rằng, nghệ thuật múa rối và rối nước sẽ có được sức sống mãnh liệt ngay tại mảnh đất đã khai sinh và dung dưỡng nó hàng ngàn năm nay...

Nguyệt Hà
.
.