Đã đến thời thoái trào của Vlog Việt?

Chủ Nhật, 05/04/2020, 07:40
Thời gian gần đây, Vlog (Video blog) Việt có dấu hiệu “hạ nhiệt” khi xuất hiện không nhiều gương mặt mới trong khi sản phẩm của những Vlogger không còn nhận được sự quan tâm của đông đảo công chúng. Phải chăng, Vlog Việt đã qua thời kỳ đỉnh cao và tất yếu rơi vào tình trạng thoái trào?


Những gương mặt Vlogger “hot” giảm sức hút

Những Vlog về đề tài ẩm thực, du lịch luôn có sức hấp dẫn mạnh mẽ với khán giả. Điều này được minh chứng rằng, những Vlog hot nhất đều thuộc hai lĩnh vực này. Bà Tân Vlog được coi là hiện tượng mạng khi thường xuyên xuất hiện với những món ăn “siêu to khổng lồ”, thu hút hàng chục triệu lượt người xem, bình luận, chia sẻ.

Sự chân thật, hài hước của người phụ nữ nông thôn với những sản phẩm ẩm thực “khủng” trở thành món ăn tinh thần của nhiều cư dân mạng. Tuy nhiên, những video clip của Bà Tân Vlog thời gian gần đây không nhận được sự ủng hộ nồng nhiệt của khán giả. Sự hào hứng, rôm rả - nét đặc trưng trong những Vlog của Bà Tân không còn xuất hiện mà thay vào đó là khung cảnh tĩnh mịch, bà Tân không còn tương tác với khán giả nhiều như trước.

Nhiều quảng cáo chèn vào giữa đoạn clip làm người xem cảm thấy khó chịu. Phải thấy rằng, những video clip của Bà Tân ngày càng chuyên nghiệp hóa. Hình ảnh, màu sắc trong video sắc nét và đẹp mắt hơn, một số video đã sử dụng âm nhạc nền để tăng sức hấp dẫn cho sản phẩm.

Được biết, Bà Tân Vlog đã có cả quản lý riêng và nhận hợp đồng quảng cáo… Nhiều người cho rằng, hình ảnh người phụ nữ nông dân chất phác, thật thà ở Bà Tân Vlog đã ngày bị “mai một” và đây là một trong những nguyên nhân khiến các sản phẩm kém hấp dẫn hơn.

Những sản phẩm gần đây của Bà Tân Vlog không còn hấp dẫn khán giả như trước kia.

Ngoài ra, một số “công thức” nấu ăn của Bà Tân cũng bị là cho là “có vấn đề” như ăn phô mai với rau sống, trứng vịt lộn được chế biến với món cháo yến… Ê kip sản xuất cũng “chuyển hướng”, không tập trung làm những món ăn “siêu to khổng lồ” mà làm những món ăn bình thường. Những món ăn này bị cho là “na ná” một số kênh ẩm thực của nước ngoài.

Một trong những kênh Youtube ẩm thực có số lượng đông đảo người theo dõi là “Ẩm thực Tam Mao” với hơn 1,6 triệu người. Bên cạnh những video ẩm thực về cách chế biến các món ăn dân dã, được quay với khung cảnh thiên nhiên vùng nông thôn tươi đẹp, “Ẩm thực Tam Mao” cũng từng bị chỉ trích dữ dội khi đăng tải đoạn video quay cảnh xẻ thịt một loài chim quý hiếm. Trước ý kiến phản đối của dư luận, kênh này đã phải nhanh chóng gỡ bỏ đoạn video trên.

Khoa Plug từng được biết đến là một vlogger “chịu chơi, chịu chi” khi sẵn sàng bỏ khá nhiều tiền đi du lịch, nghỉ dưỡng để làm video clip. Kênh Youtube của chàng trai trẻ này có hơn 2 triệu lượt người theo dõi. Những đoạn video nhìn nhận, đánh giá chân thực của Khoa Plug về dịch vụ du lịch, ẩm thực nhận được nhiều nhận xét tích cực của khán giả. Tuy nhiên, thời gian gần đây, Khoa Plug không “trình làng” nhiều video clip lên trang Youtube cá nhân. Ngoài ra, một số sản phẩm của anh cũng bị chỉ trích vì “thiếu hiểu biết” trong đánh giá sản phẩm hay “giật title câu view”.

Những Vlog bị đánh giá là “làm màu”, câu view như một vài nghệ sĩ chuyên “đập hộp hàng hiệu”, đánh giá, nhận xét về những sản phẩm hàng hiệu. Khán giả luôn tò mò về cuộc sống xa xỉ của giới nghệ sĩ. Tuy nhiên, sự thiếu chừng mực, thiếu hiểu biết của một vài nghệ sĩ đã khiến video clip trở nên lố bịch, nhảm nhí.

Ngoài ra, những vlog nấu ăn hoặc nhận xét, đánh giá đồ ăn của Quỳnh Trần JP, “Ẩm thực mẹ làm”… cũng không còn nhận được sự quan tâm của đông đảo khán giả như thời gian đầu mới xuất hiện. Bên cạnh đó, hàng loạt hot Vlogger đình đám một thời như Pew Pew, Jvevermind, Huy Me, An Nguy… đã không còn “trình làng” sản phẩm mới. Những Vlogger “thế hệ đầu” này cho hay, muốn tập trung vào công việc khác hoặc dành thời gian nhiều hơn cho gia đình, bạn bè và bản thân.

Nội dung vẫn là yếu tố “sống còn” của Vlog

Theo dõi Vlog từ những ngày đầu xuất hiện, có thể thấy rằng, Vlog Việt đã có một chặng đường phát triển và không ngừng thay đổi để phù hợp với thị hiếu khán giả. Thế hệ Vlog Việt đầu tiên như Jvevermind, Huy Me, An Nguy, Toàn Shinoda, Dưa Leo… phần lớn là du học sinh, trẻ trung, tài năng, năng động. Những Vlogger này khai thác nhiều vấn đề trong xã hội xoay quanh cuộc sống của du học sinh, vấn đề học tiếng Anh cũng như các vấn đề “nóng hổi” khác mà giới trẻ quan tâm.

Sự hấp dẫn của Vlog thời điểm này phụ thuộc vào vấn đề, khả năng diễn đạt, sự dí dỏm, hài hước của Vlogger. Video clip không màu mè, thường được quay ngay tại phòng ở với sự độc diễn của Vlogger trước máy quay. Xuất phát điểm của các Vlogger là tạo diễn đàn để tương tác với khán giả, chia sẻ với khán giả những vấn đề mà mình quan tâm.

Về sau, Vlog Việt phát triển theo hướng đa dạng hơn, khai thác nhiều đề tài trong đời sống xã hội. Các Vlogger đầu tư nhiều về kỹ thuật để có các sản phẩm đẹp mắt hơn khi đăng tải trên mạng xã hội. Trong sự phát triển ồ ạt đó, bắt đầu xuất hiện tình trạng câu view, câu like bằng câu chuyện, đề tài vụn vặt hoặc những thứ khác biệt. Người ta dùng thuật ngữ “làm màu” để đề cập đến những Vlog không có nội dung hoặc nội dung vụn vặt với mục đích đánh vào tâm lý tò mò của khán giả. Vlog có nội dung rõ ràng, mang tính định hướng thưa vắng.

Vlogger Khoa Plug (bên trái) trong một sản phẩm nhận xét, đánh giá ẩm thực.

Nhan nhản Vlog và các Vlogger xuất hiện. Suy cho cùng, mục đích của các Vlogger là sử dụng Vlog như một phương thức để kiếm tiền. Việc kiếm tiền được nhiều hay ít phụ thuộc vào số lượng người xem, yêu thích, chia sẻ sản phẩm của họ. Khi có số lượng người xem nhiều, doanh thu từ quảng cáo mang lại cũng không hề nhỏ.

Theo thống kê kênh Youtube của Bà Tân Vlog có thể mang lại khoản thu nhập lên đến hàng chục ngàn USD mỗi tháng. Tương tự như vậy, kênh Youtube của Quỳnh Trần JP cũng có doanh thu hơn 20 nghìn USD mỗi tháng. Kênh Youtube “Ẩm thực Tam Mao” hay Khoa Pug cũng mang lại cho “chủ nhân” không ít doanh thu mỗi tháng.

Doanh thu “khủng” là động lực trực tiếp để các Vlogger cho ra mắt sản phẩm mới.

Khi mục đích làm Vlog bị chi phối bởi kinh tế thì rõ ràng, các nhà sản xuất phải tìm cách làm thế nào để sản phẩm của mình tiếp cận được nhiều khán giả nhất có thể. Với khán giả, nhất là khán giả trẻ, sức hấp dẫn chưa hẳn nằm ở nội dung mà đôi khi chỉ đơn giản là “độc”, “lạ”, thậm chí là có phần dị biệt.

Tôi cho rằng, chiều theo thị hiếu khán giả là điều cần thiết vì xét ở góc độ nào đó, khán giả chính là người quyết định sự thành bại của một sản phẩm giải trí. Tuy nhiên, chiều khán giả ở mức độ nào để sản phẩm có định hướng, không trở nên phản cảm cần đến lương tâm, trách nhiệm, tri thức của nhà sản xuất. Đó không thể là một sản phẩm mang tính giải trí đơn thuần khi có hàng chục triệu người theo dõi sản phẩm của họ.

Trở lại câu chuyện của Bà Tân Vlog, nhiều khán giả đều cho rằng, kênh đã “chạm đáy tăng trưởng” do nội dung nhàm chán và nếu không có sự thay đổi, Bà Tân Vlog sẽ tự đánh mất khán giả. Nói gì thì nói, để thu hút khán giả và đi đường dài, nội dung vẫn là yếu tố sống còn của Vlog. Nếu không chú trọng đầu tư mạnh vào nội dung thì sớm hay muộn, Vlog cũng không thể tồn tại.

“Video Blog” (viết tắt là Vlog) được hiểu một cách đơn giản là truyền tải những câu chuyện, vấn đề dưới dạng video clip. Vlog là hình thức dùng ngôn ngữ nói thay vì ngôn ngữ viết (blog) để đưa đến người xem. “Vlogger” là từ ghép giữa “video” và “blogger”, dùng để nói về những người chuyên tạo dựng những nội dung trên nền tảng video. Ở Việt Nam, xu hướng làm Vlog được cho là bắt nguồn từ cuối năm 2011, thông qua một tài khoản có tên là duhocsinhmy với sản phẩm đầu tiên gây nhiều tranh cãi mang tên “Bạn nghĩ là bạn giỏi tiếng Anh”.
Tường Phạm
.
.