Vlog Việt: Tiệc vui rồi cũng sẽ tàn?

Chủ Nhật, 14/08/2016, 08:49
Vlog (Video Blog – nhật ký cá nhân bằng video) từng tạo nên cơn sốt trên mạng xã hội một vài năm trước. Những đoạn video ngắn với cách diễn đạt thông minh, dí dỏm, hài hước của Vlogger (người làm Vlog), đề cập đến nhiều mặt của đời sống xã hội đã nhận được hàng triệu lượt xem, chia sẻ, bình luận của cư dân mạng. Tuy nhiên giờ đây, đó chỉ còn là câu chuyện của quá khứ bởi Vlog Việt đang thoái trào giống như rất nhiều trào lưu khác trên internet...


Tre già mà măng chưa mọc

Sau cái chết của Vlogger đình đám Toàn Sinoda vào tháng 7/2014, trào lưu Vlog giảm nhiệt trông thấy. Những cái tên "triệu view" một thời như Duhocsinhmy, Jvevermind, An Nguy, Huyme, Lâm Việt Anh, Phở đặc biệt, He Always Smile... cũng hoạt động "cầm chừng", sau đó dần chuyển hướng hoạt động sang các lĩnh vực khác.

Ghi nhận nhất đến thời điểm hiện nay là Vlogger An Nguy vì ít nhiều, cô gái này vẫn "tung" ra sản phẩm mới, mặc dù thưa thớt và cũng không có sức hấp dẫn như trước. Một số Vlog mới của An Nguy "trình làng" thời gian gần đây như "Nhà là nơi như thế nào", "Người thứ ba", "Khi người yêu ngoại tình rồi quay lại xin lỗi có nên tha thứ không", "Tình yêu không có lỗi, thế lỗi tại ai", "Bạn thân cả em gái"...

Trong những Vlog này, An Nguy vẫn giữ được phong cách riêng của mình. Đó là sự "tưng tửng" đặc trưng trong cách nói chuyện, hoạt ngôn, dẫn dắt khéo léo, không đề cập trực diện đến vấn đề hay đưa ra thông điệp một cách khiên cưỡng, cứng nhắc. An Nguy thường lồng ghép những gì muốn truyền tải thông qua câu chuyện đời thường nên dễ nhận được thiện cảm của các bạn trẻ. Những Vlog mới của An Nguy vẫn thu hút khá đông lượng người theo dõi trên mạng Internet nhưng so với lượng fan hùng hậu của cô vài năm về trước thì đã giảm đi trông thấy.

Một số Vlogger "triệu view" từng "làm mưa làm gió" trên mạng internet một thời.

Vlogger Jvevermind là một trong những người có công rất lớn trong việc khơi dậy trào lưu Vlog ở Việt Nam. Với 60 Vlog đăng tải trên Youtube với khoảng 1,3 triệu người theo dõi, Jvevermind là cái tên hot không kém bất cứ nghệ sỹ Việt nào. Những "đứa con tinh thần" của Jvevermind được đánh giá cao ở cách diễn đạt, hài hước, mảng đề tài rộng và mang tính thời sự cao.

Tuy nhiên, Jvevermind gần như im hơi, lặng tiếng trong thời gian gần đây. Vlog hiếm hoi của Jvevermind khi chia tay người yêu có tên gọi "Ba giai đoạn của cuộc chia tay" gây nên những tranh luận trái chiều với người trong cuộc nhưng cũng không gây được nhiều tiếng vang.

Không chỉ giảm mạnh về số lượng, chất lượng các Vlog cũng là điều rất đáng bàn. Theo nhận định chung của nhiều bạn trẻ thì đề tài, nội dung Vlog hiện nay rơi vào tình trạng "nhảm và nhạt". Nếu như trước kia, Vlog Việt luôn đề cập đến những vấn đề mà người trẻ quan tâm như chuyện học hành, chuyện tình yêu, tình bạn, chuyện công việc, fan cuồng, mảng đề tài “nóng hổi” mang tính thời sự như vấn đề biển Đông, thi đại học… thì giờ đây, mảng đề tài mà Vlog Việt khai thác "quanh đi quẩn lại" chủ yếu vẫn là chuyện tình yêu, chia tay, người thứ ba... Cạn kiệt ý tưởng, đề tài bị thu hẹp là một trong những nguyên nhân khiến Vlog không còn hấp dẫn.

"Tre già mà măng chưa mọc" là thuật ngữ mà nhiều người dùng để nói về thực trạng Vlog Việt. Sau thế hệ đầu tiên, còn được gọi là thế hệ vàng của những người đặt nền móng xây dựng Vlog thì sau đó, không tìm được người kế cận xứng đáng.

Ngoài ra, những Vlogger mới xuất hiện không tạo được nét đặc trưng sáng tạo riêng trong các sản phẩm của mình. Trước đây, khán giả có thể thấy rõ sự hài hước, đề tài rộng, mang tính thời sự trong các Vlog của Jvevermind, Vlogger An Nguy thẳng thắn và cá tính, Toàn Shinoda với cách diễn đạt lưu loát, ngôn ngữ châm biếm, đôi khi sử dụng từ ngữ nhạy cảm, thường xuyên thay đổi chủ đề cũng như cách tiếp cận khán giả, He Always Smile với những câu chuyện giản dị nhưng mang ý nghĩa sâu sắc... Tuy nhiên, giờ đây, Vlog Việt bị đánh giá là nhạt nhòa, thiếu màu sắc riêng.

Không ít Vlogger dấn thân vào showbiz khi kết thúc cuộc chơi Vlog. Trong ảnh: Vlogger An Nguy (đội mũ trắng) trong chương trình "The Face - Gương mặt thương hiệu" mùa đầu tiên.

Nói một cách công bằng thì không phải là Vlog Việt không có "chiến binh" mới mà điều quan trọng là thiếu những "chiến binh" thực sự tài năng với sản phẩm có khả năng thu hút đông đảo cộng đồng mạng. Một vài nhân tố mới, ít nhiều tạo được dấu ấn là Huy Cung và Đu Đồ Đút (Doodle Dude). Với cách nói chuyện hài hước, tưng tửng, Vlog của Huy Cung - chàng trai sinh năm 1995 này xoay quanh những vấn đề mà giới trẻ quan tâm như "Soái ca", "Girl vi diệu sống ảo trên mạng xã hội", "Gấu và Game", "Cách ăn uống hoàng tộc", "Tình yêu tuổi học trò", "Nỗi khổ của dân FA", "Nỗi khổ của Vlogger và sức mạnh của thế lực đen tối"...

Trong khi đó, Đu Đồ Đút gây ấn tượng với cộng đồng mạng bằng cách làm Vlog hài hước, thông minh, đề tài gần gũi và đặc biệt là không bao giờ chịu lộ diện. Trong tất cả các Vlog đã "trình làng", Đu Đồ Đút chọn cách vẽ minh họa bằng bút lông, bảng trắng để diễn đạt các vấn đề thay vì trực tiếp trình bày qua camera. Chính cách thể hiện này khiến Đu Đồ Đút giống như "nhân tố bí ẩn", gây thích thú, tò mò cho khán giả. Tuy nhiên, những cái tên mới như Huy Cung hay Đu Đồ Đút rất hiếm hoi trong Vlog Việt hiện nay.

Nuối tiếc một trào lưu...

Thực tế cho thấy, không ít Vlogger Việt đã bước vào showbiz sau khi dừng hoạt động trên thế giới ảo. Rõ nhất phải kể đến Vlogger An Nguy khi mới đây, cô xuất hiện trong chương trình "The Face - Gương mặt thương hiệu". Mặc dù sở hữu số lượng fan đông đảo, được nhiều người đánh giá là "con át truyền thông" của nhà sản xuất nhưng do kém về sắc vóc và thiếu tố chất cần có của một người mẫu, An Nguy đã phải dừng bước sớm.

Sau "The Face - Gương mặt thương hiệu", An Nguy tiếp tục thử sức mình trong gameshow hoàn toàn mới mang tên "Người đứng vững", lên sóng khung giờ vàng thứ hai hằng tuần trên kênh HTV7. Tương tự như vậy, sau khi thành lập nhóm hài online "Thích ăn Phở", Vlogger Phở đặc biệt đã lấn sân sang điện ảnh, làm MC, Vlogger Huyme tham gia bộ phim điện ảnh "Siêu trộm" của đạo diễn Hàm Trần, Jvevermind gây bất ngờ khi tung sản phẩm âm nhạc kết hợp với Miss Teen Cao Thanh Thảo My. Chính vì vậy, nhiều người cho rằng, Vlog cũng chỉ là bước đệm để một số bạn trẻ PR bản thân, tìm cách tiến thân vào showbiz.

Còn rất nhiều vấn đề cần phải tranh luận về mặt tích cực cũng như ảnh hưởng tiêu cực của Vlog. Xét ở góc độ nào đó, Vlog là một diễn đàn để giới trẻ bày tỏ suy nghĩ, nói lên quan điểm của mình về những vấn đề đặt ra trong cuộc sống.

Cách thể hiện của Vlog sinh động, tính tương tác cao, phù hợp với cá tính và sở thích của người trẻ. Nhiều Vlog ẩn chứa những thông điệp rất có giá trị về cuộc sống, được thể hiện sáng tạo, không hề khô cứng. Tuy nhiên, vì là sản phẩm mang đậm dấu ấn cá nhân nên Vlog cũng đặt ra nhiều vấn đề đáng suy ngẫm, nhất là ngôn ngữ sử dụng trong Vlog đôi khi dễ dãi một cách thái quá, thậm chí là tục tĩu, thiếu văn hóa. Điều này có ảnh hưởng không tốt đến các bạn trẻ khi mỗi Vlog ra đời thu hút hàng triệu lượt người xem.

Vlog là một trào lưu và cũng giống như bất kỳ trào lưu nào trong thời kỳ công nghệ số, qua thời kỳ phát triển "đỉnh cao" tất yếu sẽ rơi vào thoái trào. Nhất là trong thời kỳ hiện nay, khán giả trẻ có quá nhiều lựa chọn trong thực đơn giải trí. Một số trào lưu mới như cover ca khúc của người nổi tiếng, trào lưu làm phim ngắn, quay video ca nhạc... xuất hiện khá rầm rộ trên internet đã "lấn át" Vlog.

Khi không thể "tự làm mới mình", không còn đủ sức cạnh tranh thì tất yếu Vlog phải "dừng cuộc chơi", nhường sân cho trào lưu mới. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là, nếu xét với tư cách là một trào lưu, Vlog đã có chặng đường đi khá dài và tạo được dấu ấn với khán giả trẻ. Không ít thông điệp từ Vlog đã có sức lan tỏa, động viên, cổ vũ, định hướng tư tưởng cho cộng đồng mạng.

Tường Phạm
.
.