Vlog Việt - Rằng hay thật là hay...

Thứ Hai, 09/06/2014, 08:00

Vlog (Video Blog - nhật ký cá nhân bằng video) là trào lưu được nhiều bạn trẻ yêu thích trong mấy năm trở lại đây. Những cái tên Vlogger đình đám như Jvevermind, An Nguy, Toàn Sinoda... có hàng triệu bạn trẻ biết đến và được hâm mộ như thần tượng. Vlog của những nhân vật nổi tiếng này mỗi khi "trình làng" lại trở thành hàng "hot" và tạo "sóng" trên các diễn đàn. Tuy nhiên, có nhiều vấn đề đáng bàn xung quanh trào lưu này, nhất là ngôn ngữ được sử dụng trong các Vlog đôi khi đã đi quá giới hạn cần thiết...

1. Vlog mới nhất có tên "Biển Đông và lòng yêu nước" của Jvevermind (tên thật là Trần Đức Việt, sinh năm 1992, du học sinh tại Mỹ) được đưa lên mạng những ngày cuối tháng 5 này đang nhận được sự yêu thích và bình luận của nhiều bạn trẻ. Đây là vlog số 55 của một trong những vlogger hàng đầu Việt Nam.

Với thời lượng chưa đầy 7 phút, Jvevermind đã đề cập đến những vấn đề nóng bỏng liên quan đến tình hình Biển Đông dưới góc nhìn của một người trẻ. Jvevermind đã tự đặt ra những câu hỏi xoay quanh vụ việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, lý giải cách ứng xử của Việt Nam trước hành động hung hăng của Trung Quốc.

Nhìn chung, cách dẫn giải, lý luận của Jvevermind khá logic, chặt chẽ, cách thể hiện có "duyên". Trên mạng internet thời gian gần đây cũng xuất hiện nhiều vlog của các bạn trẻ thể hiện tình yêu, quan điểm của mình về tình hình căng thẳng trên Biển Đông, nhiều vlog được đầu tư công phu, thể hiện rõ quan điểm, trách nhiệm, nhận thức chính trị của các bạn trẻ.

Vlogger An Nguy bước ra từ thế giới ảo để thử sức trên sân khấu ca nhạc.

Nếu như trước đây, các bạn trẻ thường sử dụng blog (nhật ký cá nhân trên mạng) để ghi lại những cảm xúc, suy nghĩ của mình về những vấn đề trong cuộc sống thì hiện nay, blog đã "xưa như trái đất", thay vào đó là sự "lên ngôi" của vlog. Bản chất vlog là một dạng nhật ký cá nhân được thể hiện bằng ngôn ngữ nói, được đăng tải trên các mạng xã hội như Youtube, Facebook. Ưu điểm nổi bật của Vlog là sự sinh động, thể hiện được khả năng hoạt ngôn, lập luận chặt chẽ, thuyết phục của người nói, tính tương tác cao, phù hợp với cá tính và sở thích của người trẻ.

2. Nói đến cộng đồng vlogger thì phải kể đến Jvevermind. Chàng trai 22 tuổi này đã có hơn 50 vlog đăng tải trên Youtube với số lượng người theo dõi vào loại "khủng" trong cộng đồng vlog Việt với khoảng 1,3 triệu người. Những vlog như "Như thế nào là đàn ông", "Bố mẹ và chuyện tương lai con cái", "Những bài học sâu xa từ Flappy Bird", "Bắt nạt nhau", "Thời đi học: kiểm tra miệng", "Ra ở riêng"… đã thu hút hàng triệu lượt xem. Tiếp theo đó là Toàn Shinoda (tên thật là Trần Vũ Toàn, sinh năm 1987, từng học khối chuyên Anh của Trường Hà Nội - Amsterdam), Huy Me (tên thật là Phạm Công Thành, sinh năm 1993), Lâm Việt Anh, An Nguy (tên thật là Ngụy Thiên An, sinh năm 1987)…

Phải nói rằng, đó là những người sáng tạo và có khả năng hùng biện, lập luận tốt. Nhiều vlog ẩn chứa những thông điệp rất có giá trị về cuộc sống, được thể hiện sáng tạo, không hề khô cứng. Vì là sản phẩm của giới trẻ nên chủ đề của vlog Việt luôn là những vấn đề mà người trẻ quan tâm. Đó là chuyện học hành, chuyện tình yêu, tình bạn, chuyện công việc, fan cuồng… nhưng cũng có thể là mảng đề tài "nóng hổi" mang tính thời sự như vấn đề Biển Đông, thi đại học…

Một điểm rất đáng ghi nhận của vlogger Việt - đó cá tính riêng trong sáng tạo. Mỗi người mỗi vẻ đã tạo nên bức tranh đa sắc màu của vlog. Nếu đặc trưng trong vlog của Jvevermind là cách diễn đạt tốt, hài hước, mảng đề tài rộng và mang tính thời sự thì vlogger An Nguy, cô gái hiện có hơn 200 nghìn người theo dõi trên Youtube được đánh giá là thẳng thắn và cá tính. Cô nàng thuộc hàng "hiếm" trong vlog Việt cũng không ngại đụng chạm đến những vấn đề nhạy cảm như bình đẳng giới, tình dục hay hôn nhân, tiêu biểu như các vlog "Theo đuổi đam mê", "Yêu xa", "Chọn bạn mà chơi"…

Vlog của Toàn Shinoda mang phong cách riêng không thể trộn lẫn. Toàn Shinoda thường xuyên thay đổi chủ đề cũng như cách tiếp cận khán giả nên những sản phẩm của anh luôn tạo được dấu ấn và lôi cuốn đông đảo bạn trẻ. Những vlog của He Always Smile lại tạo sức hút bằng những câu chuyện giản dị nhưng mang ý nghĩa sâu sắc. Điều đặc biệt là, anh chàng này chưa từng một lần lộ diện với công chúng bởi mỗi khi xuất hiện anh đều đeo chiếc hộp carton vẽ hình mặt cười. Nét đặc trưng trong vlog của He Always Smile là tiết tấu chậm, giọng đọc thu hút, cách tiếp cận và trình bày vấn đề lôi cuốn và mạch lạc. He Always Smile luôn biết tiếp cận và đưa đến độc giả những vấn đề mới dưới góc nhìn gần gũi, giản dị.

3. Ở một góc độ nào đó, vlog giống như một diễn đàn để giới trẻ bày tỏ suy nghĩ, nói lên quan điểm của mình về những vấn đề đặt ra trong cuộc sống. Tuy nhiên, vấn đề rất đáng báo động là ngôn ngữ sử dụng trong vlog đôi khi dễ dãi một cách thái quá, thậm chí cả những từ ngữ tục tĩu, thiếu văn hóa cũng được sử dụng. Để câu like, câu view, những vlogger không ngại dùng những từ ngữ "khó nghe" như "vãi chốt", "dính phốt", "vãi chưởng", "cmnr"…

Vlog số 45 mang tên "Về nhà mà thể hiện" của Jvevermind bị "ném đá" vì những lời nói thiếu văn hóa sử dụng tràn lan trong vlog. Bên cạnh đó, một số vlogger còn bồi thêm những câu tiếng Anh, thậm chí là chửi thề vào phần thể hiện của mình rất phản cảm. Với tốc độ lan truyền chóng mặt của mạng internet, mỗi vlog ra đời thu hút số lượng người xem khổng lồ và đây cũng là lý do khiến nhiều thuật ngữ được sử dụng trong vlog trở thành "câu cửa miệng" của giới trẻ. Không khó để bắt gặp những thuật ngữ vô nghĩa như "Đừng khóc mà vui lên", "Củ lạc giòn tan"… từng được sử dụng rất "vô tư" trong vlog.

Những cuộc tranh cãi trên vlog đôi khi cũng rất "tào lao bí đao". Hồi cuối năm 2011, một vlog có tiêu đề "Bạn nghĩ là bạn giỏi tiếng Anh" của vlogger duhocsinhmy đã gây nên cuộc tranh cãi lớn. Theo duhocsinhmy thì nếu thực sự giỏi tiếng Anh thì phải làm được một trong hai việc: "tán đổ một cô gái Mỹ hoặc thuyết phục một thằng Tây đưa tiền cho". Phản bác lại quan điểm này, Jvevermind đã lập luận "việc giỏi ngoại ngữ hay không thì không phụ thuộc vào việc bạn có thể "tán" được một cô nàng bản địa mà nó thể hiện qua việc bạn chuyển tải thành công ý tưởng của mình đến người đối diện". Tiếp theo đó, Toàn Shinoda cũng "chém" bằng một vlog bày tỏ đồng quan điểm với Jvevermind. Cuộc tranh luận kéo theo "cuộc chiến" giữa fan hâm mộ của ba chàng trai này.

Vlog "4 điều con trai không thích về con gái" của Jvevermind cũng bị một nữ sinh cấp 3 phản pháo bằng vlog "4 điều con gái không thích ở con trai". Vlog mang tên "Tết hội nhập" của Jvevermind cũng bị vlogger mới nổi tên Nguyễn Minh Khuê phản bác, tạo nên "trận chiến" mang tên "Tết Tây - Tết Ta"…

Theo nhận định của nhiều bạn trẻ thì vlog Việt đang có xu hướng thoái trào. Không chỉ số lượng các vlog giảm mạnh mà chất lượng cũng không được "ổn" như những năm trước. Ngay cả vlogger hàng đầu Việt Nam là Jvevermind cũng rất "dè dặt" trong việc tung ra sản phẩm mới, nhất là sau khi vlog số 47 của anh dính phải nghi án "chôm" ý tưởng của nước ngoài. Bên cạnh đó, sự trùng giẫm ý tưởng, cách khai thác đề tài đã khiến các vlog mất dần cái riêng tạo nên sức hút của mình như vlog "Sự khác nhau giữa phim ảnh và đời thực" của Phở Đặc Biệt "na ná" với sản phẩm của Jvevermind và Lâm Việt Anh thực hiện trước đó; "Bạn thân và bạn xã hội" của Toàn Shinoda cũng có nhiều nét tương đồng với "Chọn bạn mà chơi" của An Nguy.

Vlog thoái trào và nhiều vlogger tìm cách bước vào showbiz từ thế giới ảo. Jvevermind bắt đầu xuất hiện ở các sự kiện, đi hát, chụp ảnh quảng cáo trong khi An Nguy tham gia đóng clip, chụp ảnh thời trang. Vlogger Toàn Shinoda, Lâm Việt Anh, Huy Me cũng có tần suất xuất hiện dày đặc ở các event, talk show, đóng phim quảng cáo… Rõ ràng, vlog cũng chỉ là bước đệm để một số bạn trẻ "quảng bá" bản thân và tìm cách tiến thân vào showbiz. Và như thế, vlog  cũng đơn giản chỉ là một cuộc chơi...

P.T.G.
.
.