Có một nỗi buồn từ “cái lò nóng” của showbiz Việt

Thứ Sáu, 08/09/2017, 08:04
MV (Music Video) ca khúc “Nóng như cái lò” của Huyền Sambi, Mr.A (sáng tác Khắc Hưng) ra mắt hôm 21- 8 vừa qua nhận được vô số phản ứng trái chiều của khán giả. Phần lớn khán giả cho rằng, MV là sự thụt lùi trong âm nhạc của cả nhạc sĩ, ca sĩ và ekip sản xuất vì ca từ ca khúc nhạt nhẽo, hình ảnh minh họa phản cảm. Đáng buồn hơn là ekip sản xuất ca khúc có nhiều nghệ sỹ trẻ được công chúng yêu mến và được đánh giá là những “hạt giống đỏ” tài năng của showbiz Việt.


Nóng như cái lò là nóng như cái gì?

“Nóng như cái lò” được nhiều bạn trẻ chờ đợi vì trong ekip sản xuất MV có những cái tên nghệ sỹ trẻ rất hot như Khắc Hưng, Huyền Sambi, Mr A, Min, Erik… Nhà sản xuất còn quảng cáo rằng, “Nóng như cái lò” là phần hai của ca khúc “Ghen” (do ca sĩ trẻ Min, Erik) trình diễn đã “làm mưa, làm gió” trong thị trường nhạc Việt thời gian qua. Hy vọng nhiều, thất vọng lắm. “Nóng như cái lò” thu hút hàng triệu lượt xem trong khoảng thời gian ngắn sau khi ra mắt nhưng số lượng lượt “dislike” (không thích) cao hơn nhiều lần so với lượng “like” (thích).

Không ít người đã gắn mác thảm họa cho ca khúc và bày tỏ sự thất vọng khi tác giả của ca khúc gây tranh cãi là Khắc Hưng – nhạc sĩ, ca sĩ trẻ vốn được coi là chuyên gia tạo hit (hit maker) của showbiz Việt. Có người đặt câu hỏi về cái tên ca khúc rằng, nóng như cái lò là nóng như cái gì?. Đó là chưa kể đến việc, “Nóng như cái lò” dễ làm người ta liên tưởng đến những thuật ngữ, hình ảnh không mấy văn hóa mà giới trẻ hay nói với nhau trên mạng xã hội.

Ca khúc “Nóng như cái lò” được cho là một bước “thụt lùi” trong sáng tác của nhạc sĩ trẻ Khắc Hưng.

Ca từ trong “Nóng như cái lò” đơn giản, thậm chí là nhảm, đại loại như: “Hôm nay trời nóng bức quá/Em đang cần một ly nước đá/Đừng bắt em phải đi ngoài đường/Em chỉ cần có bốn bức tường/Một điều hòa và một cái giường…”. Điệp khúc “Nóng, nóng như cái lò” được lặp đi, lặp lại nhiều lần. Đan xen trong lời hát là những tiếng thở mạnh, hình ảnh nóng bỏng, lăn, lê, bò toài… rất phản cảm.

Ekip sản xuất nói, đại ý rằng, ca từ ca khúc “Nóng như cái lò” không có vấn đề gì, chỉ do khán giả suy diễn quá mà thôi. Tuy nhiên, không suy diễn cũng khó bởi hình ảnh minh họa về cái nóng của dàn diễn viên làm người ta quên đi lời ca khúc mà phải liên tưởng đến chuyện khác. Tôi đồng tình cho rằng, “Nóng như cái lò” là ca khúc nhảm, không có giá trị về mặt nghệ thuật và là bước thụt lùi đáng tiếc của Khắc Hưng, Huyền Sambi – những gương mặt nghệ sỹ trẻ rất được khán giả kỳ vọng.

Còn nhớ, năm 2016, ca khúc “Nắng cực” sáng tác của Phạm Toàn Thắng do Trúc Nhân và Trương Thảo Nhi biểu diễn cũng bị khán giả ném đá không thương tiếc khi “trình làng”. Khán giả bất ngờ khi Phạm Toàn Thắng lại có thể cho ra đời ca khúc với ca từ như “Trời nóng bức làm ta bứt rứt/Nhiều khi ta muốn phát điên phát bực/Chạy xe dưới phố tìm nơi bóng mát/Đường phố hôm nay bỗng quá ngột ngạt/Sao oi quá đi (…) Chỉ muốn ở nhà lột sạch/Hey, sao vẫn chưa hết nắng…”

Vẫn biết rằng, xu hướng sáng tác của các nghệ sỹ trẻ hiện nay là tìm những đề tài gần gũi, khai thác nhiều khía cạnh trong đời sống, ngay cả việc lấy cảm hứng sáng tác từ cái nóng ngột ngạt của mùa hè như trường hợp của “Nóng như cái lò”, “Nắng cực” cũng không có gì là sai. Tuy nhiên, điều đáng nói là tác giả đã sử dụng đề tài như cái cớ để cho ra đời ca khúc mà ca từ và hình ảnh minh họa lại khiến người ta liên tưởng đến “cảnh nóng” khác.

Chuyên môn hay thị trường?

Thị trường nhạc Việt không thiếu những ca khúc nhảm như “Da nâu” (Phi Thanh Vân), “Oh my chuối” (Sĩ Thanh), “Nói dối” (Phương My), “Phiếu bé ngoan” (Yan và Mr T), “Mượn xe nhớ đổ xăng” (Yuki Huy Nam), “Đừng yêu em” (Lê Kiều Như), “Tự sướng” (Mai Khôi) … Tuy nhiên, trong bài viết này, tôi muốn đề cập đến việc những nghệ sỹ trẻ được đánh giá là tiềm năng, triển vọng của showbiz Việt lại cho ra đời những sản phẩm không có giá trị về âm nhạc. Đây thực sự là điều đáng buồn, đáng lo ngại cho sự phát triển của showbiz Việt trong tương lai.

Trở lại câu chuyện của “Nóng như cái lò”. Khắc Hưng, Huyền Sambi là những cái tên quá quen thuộc với nhạc Việt. Những sáng tác của họ đã có “thương hiệu”, “có số, có má” trong showbiz. Huyền Sambi, cô gái 9X từng “oanh tạc” giải thưởng của “Bài hát Việt” – một sân chơi nghiêm túc, chất lượng trong sáng tác ca khúc mới. Những ca khúc như “Trôi”, “Hồ nước”, “Nghiêng”, “Ngày khát”… của Huyền Sambi được Hội đồng chuyên môn, báo chí đánh giá cao về sự tìm tòi, lao động nghệ thuật nghiêm túc.

Trong khi đó, Khắc Hưng là tác giả của nhiều ca khúc hot hàng đầu trên các bảng xếp hạng âm nhạc như “Ghen” (Min và Erik),  “Ngại gì khác biệt” (Soobin Hoàng Sơn), “4 giờ sáng” (Nguyễn Trần Trung Quân), “Đâu chỉ riêng em” (Mỹ Tâm), “Sau tất cả” (Erik)… Chàng trai 25 tuổi này cũng nhận được nhiều giải thưởng âm nhạc uy tín, trong đó có giải “Nhà sản xuất của năm” và “Nhạc sĩ của năm” – “Giải thưởng Âm nhạc Cống hiến” 2016.

Tương tự như vậy, Phạm Toàn Thắng cũng là một nhạc sĩ trẻ đầy triển vọng của nhạc Việt. Những ca khúc như “Cô bé mùa đông” (biểu diễn Đăng Khôi, Thủy Tiên), “Uống trà” (biểu diễn Trương Thảo Nhi), “Bốn chữ lắm” (biểu diễn Trúc Nhân, Thảo Nhi), “Lạc” (biểu diễn Quốc Thiên), “Dấu mưa” (biểu diễn Trung Quân)… đã ghi dấu ấn đậm nét trong lòng công chúng yêu nhạc về tư duy âm nhạc và cách thể hiện mới mẻ, sáng tạo. Cái tên Phạm Toàn Thắng cũng xuất hiện trong nhiều giải thưởng âm nhạc, trong đó có hai lần được vinh danh ở “Giải thưởng âm nhạc Cống hiến” – vốn được đánh giá là “Grammy của nhạc Việt”.

Ca khúc “Nắng cực” của Phạm Toàn Thắng cũng từng bị “ném đá” vì ca từ nhạt nhẽo.

Khắc Hưng luôn được đánh giá cao khi dung hòa tốt yếu tố hàn lâm và thị trường. Phạm Toàn Thắng từng chia sẻ rằng, anh tìm được cách trung hòa giữa cá tính của mình với nhu cầu của thị trường, từ đó anh có thể sống được bằng sáng tác nhạc. Huyền Sambi cũng thẳng thắn thừa nhận, những ca khúc mang tính hàn lâm giúp cô nhận được nhiều giải thưởng nhưng không đem lại khán giả. Thực chất, để tăng lượng khán giả biết đến và nghe nhạc của mình thì cần thị trường hóa hơn.

Một vấn đề mà các nhạc sĩ trẻ phải giải quyết đó chính là bài toán dung hòa giữa yếu tố chuyên môn và thị trường. Những ca khúc quá hàn lâm, đề cập đến chủ đề “đao to, búa lớn” khó tiếp cận được đông đảo khán giả trẻ. Tuy nhiên, nếu sa đà quá vào yếu tố thị trường, giải trí đơn thuần, chạy theo thị hiếu thì bài hát không chuyển tải được giá trị tư tưởng, định hướng thẩm mỹ của tác phẩm nghệ thuật. Rõ ràng, lằn ranh giữa một tác phẩm nghệ thuật và tác phẩm bị gắn mác nhảm, nhạt rất mong manh. Nếu không có bản lĩnh, tỉnh táo thì người nghệ sỹ dễ sa đà vào thị trường giải trí đơn thuần.

Được biết, ở một số quốc gia, trong đó có Hàn Quốc, các cơ quan quản lý nhà nước luôn có “bản án” nghiêm khắc để “chỉnh” ca khúc có ca từ phản cảm. Ở Việt Nam, các quy định về âm nhạc, quản lý ca khúc nhảm, nhạt vẫn còn thiếu chặt chẽ. Tình trạng ca khúc, MV có ca từ, hình ảnh phản cảm vẫn xuất hiện trên các mạng xã hội. Khán giả trở thành người quyết định “vận mệnh” của ca khúc. Rất may mắn khi khán giả Việt ngày càng “khó tính” trong thưởng thức âm nhạc. Họ đã lên tiếng, bày tỏ quan điểm yêu, thích rõ ràng về những ca khúc mới. Chính vì vậy, những ca khúc như “Nóng như cái lò”, “Nắng cực”… dù có lượt người xem đông đảo cũng không thể có sức sống lâu bền trong lòng công chúng.

Tuy nhiên, tôi vẫn có một niềm tin vào thế hệ nhạc sĩ trẻ Việt. Hy vọng,“Nóng như cái lò”, “Nóng cực”… chỉ là “cú ngã nhẹ” của những tài năng trẻ như Khắc Hưng, Huyền Sambi, Phạm Toàn Thắng trên con đường sáng tạo nghệ thuật. Con đường sáng tạo nghệ thuật luôn có những thử thách và chông gai, vấp ngã sẽ giúp các nghệ sỹ trẻ trưởng thành hơn. Những thử nghiệm nghệ thuật, dù thành công hay thất bại cũng sẽ giúp các nghệ sỹ rút ra được bài học quý giá cho hành trang làm nghề của mình…

Tường Phạm
.
.