Khi nhân vật văn học “tái sinh” trong MV ca nhạc

Thứ Sáu, 05/07/2019, 07:38
Không thể phủ nhận, trong đời sống âm nhạc, các ca sĩ trẻ luôn đi đầu trong việc tạo ra các xu hướng mới. Sau khi phong cách cổ trang, hài hước, ngôn tình... thoái trào thì việc đưa nhân vật văn học vào MV là một xu hướng nhiều ca sĩ trẻ ưa chuộng...


Thay vì thực hiện theo phong cách cổ trang, ngôn tình hay kinh dị, hài hước, gần đây việc đưa nhân vật văn học vào MV ca nhạc đang trở thành xu hướng được các ca sĩ trẻ yêu thích. Chính vì thế, những nhân vật như Tấm, Cám, Mị, nàng Kiều, A Phủ, Chí Phèo, lão Hạc... ngoài việc hiện lên qua trang sách thì còn "tái sinh" ở lĩnh vực âm nhạc. Xu hướng này không chỉ giúp cho thị trường ca nhạc có thêm những sản phẩm thú vị mà còn góp phần đưa văn học đến gần giới trẻ hơn.

Vừa mới ra mắt vào trung tuần tháng 6 vừa qua nhưng MV "Để Mị nói cho mà nghe" của ca sĩ Hoàng Thùy Linh đã tạo nên một cơn sốt trong giới trẻ. Điều đặc biệt ở MV này, Hoàng Thùy Linh không chỉ hóa thân vào Mị, một nhân vật trong tác phẩm "Vợ chồng A Phủ" của nhà văn Tô Hoài mà còn có sự xuất hiện của một loạt nhân vật quen thuộc trong các tác phẩm văn học Việt Nam.

Đó là anh Tràng trong tác phẩm "Vợ nhặt" của nhà văn Kim Lân; Chí Phèo, Thị Nở, lão Hạc trong các tác phẩm của nhà văn Nam Cao; chị Dậu trong tác phẩm "Tắt đèn" của nhà văn Ngô Tất Tố; Xuân Tóc đỏ trong tác phẩm "Số đỏ" của nhà văn Vũ Trọng Phụng... Nhiều người cho rằng, Hoàng Thùy Linh đã rất khôn ngoan khi lấy nhân vật Mị - một nhân vật từ trang sách của nhà văn Tô Hoài gần đây thường xuyên được nhắc trên các trang mạng xã hội.

Nhân vật Chí Phèo - Thị Nở xuất hiện trong MV “Để Mị nói cho mà nghe”.

Ngoài ra, việc cô tung MV vào thời điểm mùa thi cũng là một bước tính toán thông minh. Hẳn là các cô cậu học trò chú ý đến MV nhiều hơn. Chưa bàn về giai điệu hay ca từ của MV, chỉ riêng việc cho các nhân vật văn học xuất hiện trong câu chuyện âm nhạc của Mị đã khiến MV nhận được nhiều lời khen ngợi. Nào là: "Hoàng Thùy Linh đã đưa một vũ trụ văn học vào MV", hay "MV như một bài ôn tập môn văn cho các sĩ tử trước kỳ thi quan trọng"...

Rõ ràng, ý tưởng độc đáo đó đã mang lại khá nhiều điểm cộng cho MV "Để Mị nói cho mà nghe" dù ca từ không quá xuất sắc. Điều đáng nói là các nhân vật văn học được phản ánh trong MV "Để Mị nói cho mà nghe"có một tinh thần lạc quan, vui tươi khác với phiên bản gốc.

Nhân vật Mị không còn âu sầu, tuyệt vọng mà căng tràn sức sống, tung tăng ngắm hoa ban nở, nhảy múa trong tiếng khèn của trai bản... Các nhân vật khác cũng có một cuộc sống tươi sáng hơn so với trong tác phẩm văn học.

Đây không phải là lần đầu tiên Hoàng Thùy Linh làm MV lấy ý tưởng từ tác phẩm văn học. Trước đây, ca sĩ này cũng khiến khán giả trẻ thích thú với MV "Bánh trôi nước". Bên cạnh sự đầu tư kỹ lưỡng về trang phục, hình ảnh thì việc hát ca khúc có ý tưởng từ 4 câu thơ trong bài thơ cùng tên của nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương đã khiến khán giả và giới chuyên môn bất ngờ.

Không thể phủ nhận, trong đời sống âm nhạc, các ca sĩ trẻ luôn đi đầu trong việc tạo ra các xu hướng mới. Sau khi phong cách cổ trang, hài hước, ngôn tình... thoái trào thì việc đưa nhân vật văn học vào MV là một xu hướng nhiều ca sĩ trẻ ưa chuộng. Hoàng Thùy Linh không phải là ca sĩ tiên phong của trào lưu này.

Cùng với sự thành công về mặt doanh thu của bộ phim "Tấm Cám - Chuyện chưa kể", ca khúc của phim "Bống bống bang bang" đã tạo được cơn sốt chưa từng thấy trong cộng đồng nghe nhạc trực tuyến cũng như trong đời sống.

Ra mắt vào tháng 6 - 2016, đến nay MV đã cán mốc 400 triệu lượt view. Vượt lên một ca khúc thông thường, "Bống bống bang bang" là một câu chuyện cổ tích được kể bằng âm nhạc với những giai điệu vui tươi, sôi động. Điều hữu ích mà ca khúc mang lại là ngay cả với những em bé còn ở lứa tuổi nhỏ, chưa biết đọc, biết viết đã có thể biết tới câu chuyện cổ tích nổi tiếng này thông qua giai điệu dễ thuộc, dễ nhớ.

Từ truyện cổ tích ''Tấm Cám'', cuối tháng 4 vừa qua, ca sĩ Chi Pu cũng cho ra mắt MV "Anh ơi ở lại". Nếu như trong văn học, nhân vật Cám là đại diện cho cái ác thì ở trong MV này, Chi Pu lý giải cho hành động của Cám bằng những tâm sự: "Vì sợ cô đơn nên em mặc kệ đúng sai/ Mặc kệ anh có đưa đôi bàn tay ấm áp cho ai/ Chỉ cầu xin anh, em đã từng đau đừng làm mắt em vương vấn thêm buồn...".

MV “Chàng vinh quy” của Phạm Phương Thảo mang đậm không khí khoa cử như trong các tác phẩm văn học.

Các nhân vật văn học không chỉ xuất hiện trong MV với mục đích minh họa mà còn trở thành chủ đề cho một số ca khúc. Những khán giả của chương trình "Sing my Song" hẳn còn nhớ ca khúc "Chí Phèo" của Bùi Công Nam.

Lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học "Chí Phèo" của nhà văn Nam Cao, bằng phong cách nhạc đồng quê, Bùi Công Nam đã viết lên một ca khúc gây ấn tượng ngay từ lần đầu tiên ra mắt. Thông qua giai điệu, ca từ độc đáo, ca khúc không chỉ toát lên được tâm tư, khát khao của nhân vật nổi tiếng này mà còn lồng ghép vào đó ý tưởng nhân văn sâu sắc.

Trong đêm thi đó, sự bình chọn của 4 huấn luyện viên đã khẳng định "Chí Phèo" phiên bản âm nhạc đã chinh phục được khán giả và giới chuyên môn khó tính, đưa tên tuổi nhạc sĩ/ ca sĩ này tới gần công chúng hơn. Cũng tại chương trình này, ca khúc "Thủy thần" do Bùi Hoàng Nam Đức Anh sáng tác, lấy cảm hứng từ truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh một cách đầy sáng tạo khiến khán giả trẻ vô cùng thích thú.

Hay, ca khúc "Kiều" của Bá Hưng cũng chứa đựng trong đó ý tưởng sáng tạo khá thú vị. Còn nhân vật Hoạn Thư trong truyện Kiều của Nguyễn Du, lại trở thành cảm hứng cho nhạc sĩ Sa Huỳnh viết nên ca khúc cùng tên.

Tuy nhiên, nhân vật Hoạn Thư trong âm nhạc của Sa Huỳnh được xây dựng với những lý giải rất phụ nữ và đầy sự chia sẻ: "Chuyện ghen tuông đâu dễ nói bằng lời/ Vì khen ai cũng lại đớn đau thôi/ Vì đau khi yêu quá dại cuồng/ Phụ nhau chi ai oán rồi xót thương".... Trước đó, "Vợ chồng A Phủ" cũng được Đen - một ca sĩ của giới trẻ đưa vào bài hát cùng tên.

Không chỉ những ca sĩ trẻ mới theo trào lưu này, "Sao mai" Phương Thảo cũng bắt kịp xu hướng bằng MV "Chàng vinh quy" lấy ý tưởng từ câu chuyện về Trạng trong văn học. Bên cạnh sự đầu tư kỹ lưỡng với sự tham gia của 200 diễn viên quần chúng, quay tại nhiều địa điểm, "Chàng vinh quy" đã cho khán giả được sống lại không khí vinh quy bái tổ, truyền thống tôn vinh đạo học của dân tộc Việt Nam. Ngoài ra, câu chuyện tình nên thơ, xúc động giữa quan trạng và người con gái dịu dàng thuở còn là cậu học trò trường làng cũng là một điểm nhấn thu hút của MV này.

Việc đưa nhân vật văn học vào MV ca nhạc đang trở thành một trào lưu hot trong giới ca sĩ trẻ hiện nay. Mặc dù chất lượng MV khác nhau nhưng rõ ràng trào lưu này mang tới nhiều tín hiệu vui. Để tái hiện nhân vật văn học vào ca khúc là chuyện không hề dễ dàng. Người sáng tác phải lồng ghép khéo léo nhiều yếu tố từ từ câu chuyện văn học chuyển sang ca từ trong ca khúc với giai điệu sao cho hợp thị hiếu của khán giả trẻ.

Có ý kiến cho rằng, một số nhân vật văn học khi đi vào âm nhạc đã không đúng tính cách, số phận như trong văn học liệu có dẫn đến cái nhìn sai lệch với quan niệm lâu nay. Tuy nhiên, điều này không đáng lo ngại. Bản chất của nghệ thuật là sáng tạo, là đưa ra những góc nhìn mới. Nếu sự sáng tạo đó phù hợp với logic tâm lý hay đời sống và có giá trị nghệ thuật sẽ tồn tại.

Ngược lại, sẽ nhanh chóng bị lãng quên. Thực tế cho thấy những sản phẩm âm nhạc lấy cảm hứng từ một tác phẩm văn học nào đó thường nhận được sự ủng hộ và thích thú của khán giả. Ngay từ khi ra mắt, những ca khúc "Thủy Thần", "Chí Phèo" nhanh chóng trở thành những bài hát phổ biến trong giới trẻ. Và giờ đây là sự thu hút của "Để Mị nói cho mà nghe".

Những nỗ lực của các nghệ sĩ trẻ khi chọn con đường đi khó là điều cần được cổ vũ. Bởi họ không chỉ mang đến cho thị trường âm nhạc những sản phẩm thú vị mà còn khơi gợi niềm hứng khởi với văn chương - lĩnh vực đang đứng trước nguy cơ kém thu hút giới trẻ. Thông qua bài hát, các nhân vật văn học thêm một lần nữa được nhắc đến sẽ góp phần khiến nhiều khán giả trẻ có nhu cầu đọc lại các tác phẩm văn học và thấy yêu văn học Việt Nam hơn.

Khánh Thảo
.
.