Chuyện đạo nhạc ở Việt Nam: Lùm xùm vì chưa có chế tài xử lý

Thứ Bảy, 01/09/2018, 08:31
Nếu ai đó lấy lại nhạc của bài hát của người khác, chỉnh sửa lại lời mà không được sự cho phép của tác giả, hành vi đó được xem là sao chép, vi phạm khoản 6 Điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi năm 2009. Tác giả có quyền yêu cầu người đó phải gỡ bỏ bài hát của mình hoặc phải xin phép và trả tiền thù lao hợp lý cho tác giả, khởi kiện hoặc nhờ pháp luật can thiệp.


Đất nước đang hội nhập quốc tế sâu, vấn đề bản quyền, quyền sở hữu trí tuệ nói chung và trong âm nhạc nói riêng trở nên nóng hơn bao giờ hết. Nếu các nghệ sĩ Việt bị tố đạo nhạc nước ngoài thì thường tuân thủ pháp luật một cách nghiêm túc do luật pháp từ phía họ chặt chẽ. Còn việc đạo nhạc của các nghệ sĩ trong nước thì cùng lắm chỉ có lời xin lỗi, im lặng hoặc gỡ ca khúc khỏi các phương tiện truyền thông mà chưa có chế tài xử phạt một cách công bằng và thỏa đáng...

Những nghi vấn gây tranh cãi lớn

Chỉ trong 2 tháng mới đây, ít nhất 4 ca sĩ Việt bị nghi ngờ đạo nhạc Hàn. Việc Vpop liên tục dính nghi án phản ánh tình trạng Kpop đang ảnh hưởng tới số đông nghệ sĩ Việt. Qua đây đặt ra câu hỏi rằng, nhiều nghệ sĩ đã thực sự nghiêm túc trong việc sáng tác sản phẩm âm nhạc của mình hay chưa? Họ đã thực sự nghĩ tới hình ảnh và trách nhiệm của mình đối với người hâm mộ và những nghệ sĩ khác khi xử lý những xì-căng-đan liên quan đến đạo, nhái?

Gần đây, nghi vấn nhạc sĩ Dương Khắc Linh đạo, nhái hai sáng tác "Lời chưa nói" và "Đã biết sẽ có ngày hôm qua" của Trịnh Thăng Bình từ 8 năm trước đã gây ra nhiều tranh cãi trong công chúng. Cụ thể, trong đêm chung kết chương trình “Giai điệu chung đôi”, ca sĩ Jaykii và Ngọc Duyên đã chinh phục khán giả bằng sáng tác mới của nhạc sĩ Dương Khắc Linh, mang tên "Đừng như thói quen".

Nhạc sĩ Dương Khắc Linh.

Tuy nhiên, ngay sau phần biểu diễn, Trịnh Thăng Bình đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm: "Đây là một tiết mục khá thành công, vì hai bạn mang cho chúng tôi cảm xúc khi nghe một bản ballad, nhưng khi nghe ca khúc này, Bình tự nhiên nhớ tới một ca khúc của Bình quá, ca khúc Bình viết từ 8 năm trước". Ngoài ra, anh còn hát một đoạn điệp khúc để so sánh.

Ngay lập tức, nhạc sĩ Dương Khắc Linh giải thích: "Những ca khúc ballad có vòng hoà âm như vậy rất dễ giống nhau ở giai điệu. Quan trọng là lời khác, cách hát khác, người khác hát là đã thành một bài mới". Phát ngôn này của nhạc sĩ đã nhanh chóng bị cộng đồng người hâm mộ phản đối và gây nhiều tranh cãi trái chiều. Dương Khắc Linh nhiều lần lên tiếng, nói rằng "sự giống nhau giữa các ca khúc này là sự trùng hợp ngẫu nhiên"; anh khẳng định "tôi không đạo nhạc, Jaykii cũng không và bản thân Trịnh Thăng Bình cũng đồng ý điều đó".

Lời giải thích này của nhạc sĩ Dương Khắc Linh đã gây tranh cãi lớn, rất nhiều khán giả khẳng định anh đạo nhạc của Trịnh Thăng Bình và phát ngôn không thuyết phục. Mặc dù nhạc sĩ Dương Khắc Linh sau đó đã lên tiếng và cho biết, bản gốc mà anh sáng tác đã đưa cho ca sĩ Jaykii sửa và phần thay đổi đó lại bị tố đạo, nhái.

"Bài hát do tôi sáng tác chung cùng Jaykii. Lúc đầu tôi có một bản khác và đã cho Sara thu thử. Bài hát cũng đã gần như hoàn chỉnh, tuy nhiên chưa đẩy lên cao trào và tương đối khó hát. Tôi có đưa cho Jaykii và nói bạn muốn sửa thêm gì cũng được. Điều này tôi làm với cả 4 cặp để phù hợp hơn với người hát. Sau đó Jaykii đã có đổi phần giai điệu và bổ sung lời điệp khúc.

Có thể nói thay đổi đến 50% bản gốc. Và phần thay đổi này lại bị cư dân mạng tố đạo, nhái", nhạc sĩ Dương Khắc Linh nói. Trước ồn ào từ dư luận, mới đây, ca sĩ Trịnh Thăng Bình đã chính thức lên tiếng, bày tỏ quan điểm của bản thân về sự việc.

Anh cho biết, nhạc sĩ Dương Khắc Linh có liên lạc để giải thích rằng không đạo nhạc. Đồng thời, nam nhạc sĩ cũng ngỏ ý muốn Trịnh Thăng Bình lên tiếng đính chính mọi việc để khán giả không nảy sinh thêm ồn ào. Tuy nhiên, theo Trịnh Thăng Bình, mọi cảm nhận anh đã chia sẻ trên sóng truyền hình và sẽ không thay đổi.

"Sau khi quay xong thì anh ấy không liên lạc gì, đến khi sự việc ồn ào thì anh ấy nhắn tin yêu cầu tôi đính chính lời nói của mình. Tôi có nói tôi đính chính thì được gì khi khán giả tự họ thấy được sự giống nhau đó", Trịnh Thăng Bình nói. Về phía Jaykii, nam ca sĩ trẻ cho biết, anh nhận được bản demo từ nhạc sĩ Dương Khắc Linh và khi đó, tác giả Hoàng Huy Long đã viết xong lời, bản thân nam ca sĩ chỉ là người sửa lại cuối cùng như mọi người thấy trên sân khấu.

Ca sĩ trẻ Jaykii lại cho rằng anh nhận được ca khúc đã viết lời xong và chỉ sửa lại lần cuối. Jaykii đính chính: "Việc viết chung lời ca khúc cũng là khó khăn vì cảm xúc của mỗi người lại khác nhau, rất khó để có thể chảy cùng một dòng suy nghĩ như người đã viết trước. Chính vì vậy, JayKii đã cố gắng mang câu chuyện của mình vào trong phần điệp khúc.

Trước giờ JayKii chỉ viết nhạc khi có piano và đây là lần đầu tiên trong đời mình sáng tác như thế này"… Những nghi vấn và tranh luận vẫn tiếp tục lan nhanh trong cộng đồng.

Các ồn ào khác

Đạo nhạc có nghĩa là đánh cắp giai điệu ca khúc và tự nhận đó là sáng tạo của bản mình. Là thật hay giả, vô tình hay cố tình, trước những tình huống như vậy, người nghệ sĩ càng cần có sự ứng xử khéo léo. Trên thế giới, câu chuyện "đạo nhạc" cũng không hề xa lạ bởi chính công chúng cũng rất khắt khe với nạn đạo, nhái sản phẩm trí tuệ của người khác. Nhiều nghệ sĩ quốc tế như: Meghan Trainor, Pharrell Williams, Ed Sheeran, Taylor Swift, Gwen Stefani, Madonna, Eric Clapton… đều bị tố cáo "đạo nhạc".

Trước đó, nhiều bài hit của những ca sĩ, nhạc sĩ Việt cũng bị nghi đạo nhạc. Có một thời, ca khúc nào của Sơn Tùng M-TP cũng bị cho là trùng giai điệu với một bài hát khác: ca khúc "Cơn mưa ngang qua" có beat giống hệt một bài hát của nhóm nhạc xứ Hàn - Namolla Family, "Em của ngày hôm qua" lấy beat của "Every night".

Ca sĩ Mỹ Tâm từng bị nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng tố cáo ca khúc "Anh thì không" vi phạm bản quyền. MV "Sống xa anh chẳng dễ dàng" của nữ ca sĩ Bảo Anh suýt bị xóa khỏi YouTube vì sử dụng đoạn nhạc từ hai bản hòa âm của nhà soạn nhạc phim Ivan Torrent mà không xin phép.

Ngoài ra, nhiều ca sĩ khác như Bảo Thy, Đông Nhi, Tóc Tiên… đều từng bị dư luận chỉ trích gay gắt vì bắt chước phong cách hoặc đạo nhạc. Tuy nhiên, khi bị tố cáo mỗi người có cách phản ứng khác nhau, Dương Khắc Linh thì phủ nhận và yêu cầu Trịnh Thanh Bình đính chính để không làm xôn xao dư luận, Mỹ Tâm thì xin lỗi nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng và gỡ bài hát khỏi trang mạng, còn với Bảo Anh, cô đã liên lạc ngay với tác giả để nhận lỗi và sẵn sàng nộp phí bản quyền cho đoạn nhạc đó. Khi bị tố đạo nhạc trong "Chắc ai đó quay về", Sơn Tùng M-TP thanh minh rằng, tác phầm do anh hoàn toàn tự sáng tác, và mọi thứ chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên…

Sơn Tùng-MTV từng dính nghi vấn đạo nhạc.

Khó xử lý

Trả lời phỏng vấn mới đây, nhạc sĩ Dương Khắc Linh chia sẻ: "Khi một bài hát bị tố đạo, nó cũng rất cảm tính. Khi ra toà, người ta cũng chỉ căn cứ vào cơ sở là giống 5 nốt, 6 nốt. Nhưng mà cũng rất khó để mà đưa ra đúng cái bằng chứng là bài này đạo hay bài kia không đạo.

Tôi nghĩ là trước đây có những nghệ sĩ bị vướng đạo nhái vì ca khúc của họ giống quá, giống hơn 50% từ giai điệu, beat nhạc…thì người ta sẽ dễ phát hiện ra và tố là đạo ngay. Sự giống nhau trong âm nhạc là vấn đề nhiều lần gây tranh cãi ở cả Vpop lẫn thị trường lớn như Kpop hay Âu - Mỹ. Trong mỗi vụ tranh cãi, sự vô tình là không thể tránh khỏi bởi lĩnh vực âm nhạc cũng có giới hạn, mà như các nghệ sĩ lý giải "vòng hòa âm như một cái khuôn có sẵn được sử dụng trong nhiều ca khúc".

Theo quy định của pháp luật hiện hành, tại Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009: Một bài hát được sáng tác ra là một tác phẩm âm nhạc được pháp luật bảo hộ quyền tác giả. Tác giả của ca khúc này có quyền đặt tên cho bài hát, đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm, có quyền không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc chế lại lời, giai điệu của bài hát dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.

Nếu ai đó lấy lại nhạc của bài hát của người khác, chỉnh sửa lại lời mà không được sự cho phép của tác giả, hành vi đó được xem là sao chép, vi phạm khoản 6 Điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi năm 2009. Tác giả có quyền yêu cầu người đó phải gỡ bỏ bài hát của mình hoặc phải xin phép và trả tiền thù lao hợp lý cho tác giả, khởi kiện hoặc nhờ pháp luật can thiệp.

Tùy theo tính chất và mức độ thực hiện, hành vi sao chép tác phẩm mà không xin phép tác giả có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự".

Tuy vậy, vẫn chưa có một văn bản pháp lý chính thức quy định và giải thích thế nào là đạo, nhái nhạc. Vì thế, những tố cáo, nghi vấn như câu chuyện của ca sĩ Trịnh Thăng Bình - nhạc sĩ Dương Khắc Linh phải nhờ đến khán giả làm "trọng tài phán xử". Nhưng khi sao Việt vướng phải nghi án đạo nhạc nước ngoài, thường câu chuyện sẽ căng hơn nhiều.

Người nghệ sĩ vừa bị mất đi hình ảnh vừa có nguy cơ phải hầu tòa vì kiện tụng. Từ đó nhìn lại, có thể thấy môi trường giải trí Việt vẫn chưa thực sự khách quan, chưa có các chế tài pháp luật xử lí và kiên quyết với vấn đề đạo, nhái sản phẩm âm nhạc, nên hiện tượng này mới tràn lan như vậy.

Văn Hùng
.
.