Tiếng khóc mẩy

Thứ Sáu, 13/07/2018, 08:04
Nhiều người nói với tôi, nhà văn Hữu Tiến đi từ thơ đến với văn xuôi. Điều này không có gì lạ, bởi hầu hết những người mới cầm bút ở ta đều như thế. Khởi đầu họ làm thơ, rồi chuyển sang viết văn. Thậm chí có người nghĩ làm thơ dễ hơn văn xuôi?! Dùng ít chữ hơn văn xuôi. Chỉ cần nghe có vần là được...


Không! Thơ giống như lấy hai cục đá đánh thật mạnh vào nhau mới đủ sức bật ra tia lửa. Cũng thế, nếu cảm xúc không tới, không đủ mạnh  thì chỉ được một bài văn vần. Nghĩa là còn xa mới đến thơ, chỉ ở mức dưới thơ mà thôi. Văn xuôi như củi đã chất lên thành đống. Lửa bén dần vào củi, rồi cứ thế thúc dần, củi biến thành than. Than nuôi sức ấm nóng lâu bền cho đời.

Nhớ vào những năm đầu thập niên tám mươi của thế kỷ trước, có một anh công nhân lái xe, chuyên chở xăng dầu trong mỏ thiếc Thin Tốc (tôi muốn dùng hai chữ Thin Tốc, nghĩa tiếng Tày là đá rơi.) Anh lái xe có dáng người to cao, đi hơi lòng khòng. Anh mang đến chỗ tôi một chùm thơ, ký tên dưới mỗi bài là Nguyễn Hữu Tiến.

Chữ ký rất hiền lành. Thơ viết khá đằm, và tình cảm cũng khá thành thật. Thơ anh so với mặt bằng ở tỉnh lẻ khi đó cũng có nhỉnh hơn. Tôi chọn ngay một bài, đề nghị đăng trên tờ Văn nghệ, do Ty Văn hóa Cao Bằng xuất bản. Hình như đó là những tháng cuối năm 1981. Kể từ đó, Tiến chăm chỉ viết và gửi cho tôi khá đều đặn.

Nhà văn Hữu Tiến (bên phải)  và nhà thơ Hữu Thỉnh.

Rồi bẵng đi một dạo, tôi thấy Hữu Tiến bắt đầu viết văn xuôi, không làm thơ nữa. Văn của Hữu Tiến khá mạch lạc và sinh động. Kết cấu truyện chặt chẽ. Các tuyến nhân vật có đường đi lối lại và đã có cá tính. Tôi thực sự mừng vì Hữu Tiến đã tìm thấy cái tạng của mình. Kể từ đấy một loạt tập truyện "Trăng Gần" - xuất bản năm 1993; "Ngọn suối chân rừng" - xuất bản năm 1997; "Đèo không lặng gió" - xuất bản năm 2000; "Cô gái nhặt bông gạo" - xuất bản năm 2004; "Sông hát" - xuất bản năm 2006. Và cuốn tiểu thuyết "Dòng đời" - xuất bản năm 2007. Ấy là chưa kể Hữu Tiến đã từng cùng với Cao Duy Sơn tham gia viết kịch bản phim về Bác.

Tập thơ song ngữ Tày - Việt "Gừn Muổt" (Sau Đêm) ra đời năm 2008. Tập thơ hãy còn nóng sốt, lần này Tiến lại khiến cho tôi bị bất ngờ. Bất ngờ vì tôi nghĩ Tiến đã bỏ thơ bao năm nay. Tưởng bạn đã “cai” hẳn được thơ rồi, nay bỗng dưng Tiến quay lại với thơ. Một tập thơ đĩnh đạc, có chất lượng.

Ngày nay, nhiều người làm thơ có lòng tự trọng, họ tự nguyện “cai” hẳn thơ. Là vì… có khá nhiều người coi thơ là thứ nghệ thuật dễ dãi. Ai cũng có thể làm thơ. Cả nước làm thơ. Các câu lạc bộ thơ ra đời như nấm sau mưa. Thơ in tới tấp. Thơ in trả bữa. Thơ của các nhà doanh nghiệp. Các vị tổng giám đốc. Các cán bộ lão thành. Các giáo viên nghỉ hưu… các câu lạc bộ thơ ra đời ồ ạt, phỏng có ích gì cho quá trình kiếm tìm cái đẹp.

Dĩ nhiên nhiều bài trong đấy không phải thơ. Thơ ấy dùng để tặng bạn bè. Song bạn bè cũng mấy ai đọc. Thơ làm mát mặt. Thơ tự sướng. Thơ tự làm sang cho mình. Thế thôi. Vì thế thơ ngày nay bị nhàm.

Còn nhớ cái thời các ông Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Huy Cận… cho in thơ quá ư chặt chẽ, nghiêm khắc. Nhưng đúng nghĩa là thơ. 

Thơ như một chiếc chìa khóa
Mở nghìn cánh cửa…

(Nhà thơ Chile - Vincente Hunldobro, 1893-1948.)

Có một nhà văn hóa vĩ đại nói đại ý rằng, thơ là thứ văn chương khó vào hàng bậc nhất của nghệ thuật ngôn từ. Vì thế thơ được các nhà thơ danh tiếng chọn in rất ít, nhưng hay và kén người đọc.

Hồi ấy, có một bài thơ được đăng trên Báo Văn nghệ, Văn nghệ Quân đội là niềm vinh dự. Một tập thơ xuất bản coi như một tấm vé vào cửa Hội Nhà văn. Ngày đó, thơ đúng là một ngôi đền thiêng. Người nào tự biết mình, không bao giờ dám lảng vảng đến gần ngôi đền thơ.

Thơ, dĩ nhiên thời nào cũng cần thiết. Thơ quan trọng đến mức, các bậc thi bá nổi tiếng từ đời xưa từng tuyên bố xanh rờn “bất độc thi bất tri ngôn”. Không đọc thơ thì không có lời nói đẹp. Hay có câu này trong "Minh đạo gia huấn", cho rằng “Nhân sinh bách nghệ, văn học vi tiên, thi thư vị bảo…”. Người sinh trăm nghề, văn học là trước tiên, (trong văn học) thơ ca là quý nhất. Nói thế để biết thơ có tầm quan trọng như thế nào.

Ở tập thơ này, Hữu Tiến tìm được những góc khuất và anh đã lôi nó ra ánh sáng. Những vỉa quặng lẩn sâu trong tâm hồn dần dần phát lộ. Với chỉ vài dòng chấm phá, mà văn xuôi khó lòng đạt được.

…Bóng tôi gãy trên ruộng bậc thang…

…Bản thảo dày thêm vài trang
Còn tôi chết đi một ít…  

...không gặp được em
Anh lại cõng nỗi nhớ quay về…

Chỉ một chữ “gãy”, một chữ “chết”, một chữ “cõng” đã ra tay gánh đỡ cuộc đời của Hữu Tiến. Tôi biết bạn có nỗi lòng riêng tư sâu lắng. Nỗi buồn được giấu kín nơi đáy mắt. Bạn thật thân, Tiến mới thì thọt kể. Kể tới đâu mi mắt Tiến khô giòn đến đấy. Nhưng rồi, bỗng có một ngày, biết bao thương mến ngọt ngào, bù lại cho Tiến:

…Nắng thu như thể thêm vàng
 …Tiếng khóc tròn như trăng rằm,
Mẩy như hạt lúa ngoài đồng…

Thật đúng là “khổ tận cam lai”. Cho dù có đắng đót đến mức nào rồi cũng có ngày tràn đầy ngọt ngào hạnh phúc. Cuộc đời bù cho bạn bằng những “tiếng khóc mẩy”.

Y Phương
.
.