Nhà văn Nguyễn Bắc Sơn: Người kể chuyện đời nay

Thứ Sáu, 01/06/2018, 08:23
Từ năm 2013 đến nay, gần như năm nào Nguyễn Bắc Sơn cũng có một đầu sách xuất bản, chủ yếu là tiểu thuyết. Sức làm việc của nhà văn đã qua tuổi thất thập thật đáng nể. Nhân tiểu thuyết “Gã tép riu” trọn bộ 2 tập ra mắt bạn đọc (tập 1 xuất bản từ năm 2013), Văn nghệ Công an có cuộc trao đổi cùng nhà văn.


- Nhà văn Ma Văn Kháng cho rằng, ông là cây bút tiểu thuyết sung sức hiện nay. Ba bộ tiểu thuyết, mỗi bộ chỉ mất hai năm là cùng. Vì sao bộ “Gã tép riu” mất những 5 năm?

+ “Gã tép riu” tập 1 ra đầu năm 2013 thì cuối năm đó tôi cũng đã viết xong tập 2, nhưng vì những lí do thuộc biên tập của NXB mà mãi không ra được, dù tác giả đã phải tự biên tập lại, đã thỏa hiệp, nhân nhượng, nhún nhường cuối cùng cũng không xong, phải nhờ NXB Đà Nẵng mới ra được.

- Tiểu thuyết của ông phải chăng có nhiều vấn đề “nhạy cảm”?

+ Có những vấn đề nhạy cảm phải tránh thì không nói làm gì, nhưng bây giờ có những cái thật sự không hiểu.

- Nhà văn Nguyễn Bắc Sơn trước kia là Trưởng phòng Quản lý Báo chí và Xuất bản của Sở Văn hoá - Thông tin Hà Nội, đọc “Gã tép riu”, thấy có vẻ như là tự truyện?

+ Nhiều người bắt đầu viết tiểu thuyết đều lấy mình làm nguyên mẫu như tác giả “Thép đã tôi thế đấy”. Bộ “Luật đời & Cha con” và “Lửa đắng” của tôi là hư cấu hoàn toàn. Đến bộ này, do gợi ý của nhà phê bình Nguyễn Chí Hoan nên tôi mới dựng lại. Có điều tất cả sự việc đều có thật. Thật 100% đến từng chi tiết.

Cả thành phố biết, cả nước biết. Chỉ có quan hệ với phụ nữ của nhân vật chính là bịa (chuyện bịa y như thật, theo định nghĩa của Nguyễn Công Hoan). Nhà báo biết nhà tôi là bác sĩ nhi khoa, còn vợ Tùng -nhân vật chính là cán bộ cấp vụ, rồi Thứ trưởng.

Vì những lí do nào đó, cuối cùng anh ta bỏ để lấy một cô vốn là cave. Đến khi tòa hỏi tại sao thì anh ta trả lời: "Một người vốn bán trôn nuôi miệng, còn một người đang bán miệng nuôi trôn”. Vì câu ấy, anh ta bị vợ cũ đá hộc máu mồm trước tòa. Thế là tòa cho li dị.

- Cái kết ghê quá! Nhưng có vẻ được dư luận chấp nhận!

+ Thì người xưa nói rồi, người ta lấy đĩ về làm vợ chứ không lấy vợ về làm đĩ. Tôi nói cái lẽ đời chứ không nhắc đến “Gã tép riu” tập 1 đã được giải 3 cuộc thi tiểu thuyết Việt Nam lần thứ 3 đâu. Dư luận bạn đọc cũng khen ở khía cạnh đã nêu, đó là vấn đề cán bộ được đặt ra một cách quyết liệt đến thế.

- Đã có nhà báo nhận xét, có vẻ như là ông ủng hộ phương án công nhận nạn mại dâm?

+ Tôi có để tâm nghiên cứu giải pháp về mại dâm. Ăngghen đã nói trong cuốn “Nguồn gốc gia đình”, chế độ xã hội và nhà nước “Mại dâm và ngoại tình là phái sinh tất yếu của chế độ hôn nhân một vợ một chồng?”. Tôi có nhận xét: Chính mại dâm còn hạn chế được hiện tượng ngoại tình. Còn theo Báo Tuổi trẻ, ngày 26/4 vừa rồi Liên hiệp quốc còn đề nghị công nhận nạn mại dâm. Nhiều nước đã công nhận từ lâu. Nhiều nước… ngầm công nhận.

- Tôi biết ông mấy chục năm nay (làm báo ở Hà Nội) là một người sống nghiêm cẩn, nhưng rất bất ngờ khi đọc “Gã tép riu” thấy nhà văn hiểu kỹ về gái mại dâm thế?

+ Cảm ơn nhà báo đã thẳng thắn nêu câu hỏi. Tôi dám chắc không một ai hiểu kỹ, hiểu đến ngọn ngành những người bán dâm như tôi.

- Nhà văn có chủ quan không?

+ Tất nhiên tôi đã phải đọc nhiều tiểu thuyết về họ, trước hết là đọc lại “Số đỏ” (Vũ Trọng Phụng); hai cuốn tự truyện: 1 của Thái Lan (đã dịch), 1 của Việt Nam và nhiều cuốn khác. Nhưng thế thì chưa dám mạnh mồm, nếu không được một người tặng mấy trăm phiếu phỏng vấn sâu do Quỹ Fo (Mỹ) tiến hành (nêu ra một bộ câu hỏi, tập huấn các tình nguyện viên, cấp kinh phí, tiến hành phỏng vấn). Sau đó họ họp báo, ra thông cáo báo chí để sau đó ra một cuốn sách. Khai thác xong mấy chục phiếu, biết tôi viết tiểu thuyết, họ cho. Phải một năm sau mới nghĩ ra cách biên tập tư liệu ấy thành chất liệu cho “Gã tép riu”.

- Thế còn “Gã tép riu” tập 2, ông muốn gửi thông điệp gì đến người đọc?

+ Cô Dự vốn học sinh chuyên văn là cave, được sự cảm thông chia sẻ của chồng (Tùng đã bỏ bà vợ Thứ trưởng) dù có lần đã theo một khách làng chơi cũ, nhưng nhờ thật thà thú tội với chồng nên được Tùng tha thứ và quyết học nuôi dạy trẻ, có sáng kiến trong nghề, bắt đầu viết chuyện nghề, được chính vợ cũ của chồng trao giải trong cuộc thi. Đang vững bước trong nghề thì gặp “gã mắt lươn”, kẻ lừa lấy trinh mình, Dự đã là một người khác, đã cùng chồng cho hắn vào bẫy. Hắn thoát bẫy nhờ cấp trên bao che và quay lại dùng đòn tâm lí tác động vào phụ huynh học sinh trường tư thục Hoa Lộc Vừng, nên cô phải nghỉ việc.

Trên VTV1 chuyên mục 24h ngày 27/12/2017, có tâm sự của một người khách mời (giấu mặt, chỉ nghe thấy tiếng nói) về cái khó nhất của những người đã một thời lầm lỡ muốn trở về đời thường là bị cộng đồng kỳ thị.

Bìa tác phẩm “Gã tép riu” của nhà văn Nguyễn Bắc Sơn.

Đã có một năm Liên hợp quốc chọn là năm Quốc tế khoan dung. Lẽ nào chúng ta không thể độ lượng khoan dung cho những người lầm lạc? Nếu tác giả giải thưởng Nobel về kinh tế từng khẳng định trong cuốn sách “Tất cả chúng ta đều hành xử cảm tính” (Sự hình thành kinh tế học hành vi) thì trong việc hành xử của cộng đồng Việt Nam và nhiều cộng đồng khác, có lẽ đều đang hành xử rất cảm tính với những người như Dự trong “Gã tép riu” của tôi.

- Thế còn người vợ Thứ trưởng mà Tùng bỏ thì đường đời thế nào? Có lên được Bộ trưởng nhờ tiếng nói của “chú” không?

+ Đoạn sau đời Diệu Thủy mới đầu rất triển vọng, sang hẳn Bộ nọ để được gần cận người tình Bộ trưởng. Nếu biết mình biết người thì không sao. Chết nỗi, được “chú” động viên nên cũng muốn... "tiến bộ". Kết cục sau một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm đã mất hết chỗ đứng trong tình cảm mọi người, mất cả người tình Bộ trưởng. Cuộc đời bà Thứ trưởng như là minh họa cho mấy nghịch lý… thuận: “Đằng sau sự thành đạt của một người đàn ông có bóng dáng của một người phụ nữ. Còn đằng sau sự thành đạt của một người phụ nữ hãnh tiến có bóng dáng của nhiều người đàn ông”. Và “Mười năm phấn đấu không bằng một lần cơ cấu. Mười lần cơ cấu không bằng một lần... giao cấu”.

- Trong tiểu thuyết “Lửa đắng” ông có nhận xét: “Không gì vô tổ chức bằng công tác tổ chức của cơ quan này”. Sao trong “Gã tép riu” tập 2 lại có chương cuối cùng: “Tổ chức rất có… tổ chức?”?

+ Bởi, tôi không vơ đũa cả nắm. Tôi từng nói… là ở một cơ quan cụ thể nhất định. Còn khi nói tổ chức rất có… tổ chức là dự báo, là ước muốn, là hy vọng đúng như tôi viết trong “Gã tép riu” tập 2.

- Theo suy nghĩ chủ quan của nhà văn, “Gã tép riu” sẽ hấp dẫn bạn đọc vì lẽ gì?

+  Khi một tác phẩm văn chương hay nghệ thuật ra đời, sự thẩm định, đánh giá của các nhà chuyên môn và đông đảo bạn đọc, bạn xem, bạn nghe là rất quan trọng. Tôi xin mượn lời nhà văn Ma Văn Kháng nhận xét ở đầu sách: “Gã tép riu hấp dẫn bạn đọc vì những câu chuyện mang ý nghĩa xã hội được viết bằng một ngôn ngữ hàn lâm đầy kịch tính và một phẩm chất hiếm hoi nữa: một giọng kể đầy chất hoạt kê hóm hỉnh tươi ròng sự sống. Chúng tạo nên một không gian nghệ thuật mới mẻ, không nhàm chán.

Trong văn xuôi hôm nay, tôi đọc thấy phẩm chất này ở Hồ Anh Thái, Lê Minh Khuê, Nguyễn Quang Lập. Và bây giờ ở Nguyễn Bắc Sơn. Đủ biết đó là của hiếm!... Các trang viết hài hước khiến cho cuốn sách mang một sắc thái hấp dẫn riêng, không lẫn lộn. Tùng là nhân vật sinh động, gây ấn tượng, một thành công mới của nhà văn, là kết quả của sự sống kĩ lưỡng đến cùng mà nhà văn với nhân vật của mình”.

- Nhà văn Nguyễn Bắc Sơn nổi tiếng ở những tiểu thuyết mang tính luận đề, đến 2 tập của “Gã tép riu”, như nhận xét của nhà văn Ma Văn Kháng, đây là tiểu thuyết về xung đột gia đình, xung đột nhân cách. Tức là ông đặt ra vấn đề về xã hội, về gia đình… Một số ý kiến cho rằng Nguyễn Bắc Sơn đang trở thành người kể chuyện đời nay, ông thấy thế nào?

+ Tôi cứ dốc hết sức mình trên trang giấy, còn sự luận bàn, đánh giá tôi rất trân trọng (cả những ý kiến chê).

- Xin trân trọng cảm ơn nhà văn Nguyễn Bắc Sơn.

25-5-2018

Cao Minh (thực hiện)
.
.