Nhà văn Minh Chuyên: Suốt đời viết về đề tài hậu chiến

Thứ Năm, 12/07/2018, 14:17
Trong số những bạn bè văn chương hàng ngày hay nhấc máy alô cho nhau thì nhà văn Minh Chuyên gây cho tôi một ấn tượng khá sâu đậm - ông là một trong số ít nhà văn hầu như suốt đời văn chỉ trung thành với đề tài hậu chiến.


Còn nhớ, thập niên đầu công cuộc đổi mới đất nước (1986 - 1996), trên Báo Văn nghệ xuất hiện một loạt truyện ngắn, bút ký viết về những vấn đề nóng hổi, không né tránh chuyện gai góc, cấm kỵ, gây được tiếng vang trong bạn đọc. Minh Chuyên xuất hiện với những bút ký như thế. Tôi đặc biệt chú ý đến truyện ký "Thủ tục để làm người còn sống" và bút ký "Vào chùa gặp lại".

"Thủ tục để làm người còn sống" viết về sự hy sinh thầm lặng của một người lính: chiến sĩ Trần Quyết Định. Trong trận chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, bị thương nặng, Định được chuyển về trạm phẫu trung đoàn, rồi chuyển tiếp lên quân y viện tuyến sau điều trị. Chỉ huy tưởng anh đã hy sinh liền gửi giấy báo tử về địa phương.

Sau khi báo tử, gia đình Định đã được nhận các khoản tiền chế độ chính sách như bao liệt sĩ khác. Nhưng gần một năm sau, Định khoác ba lô đường đột trở về. Hóa ra sau khi chữa lành vết thương, Định tìm về nơi trung đoàn đóng quân thì cả trung đoàn đã hành quân sang Campuchia chiến đấu.

Nhà văn Minh Chuyên (bên trái) và tác giả.

Thương tật và sức khỏe khiến Định đành tìm về quê chữa chạy, nghe ngóng tin tức, chờ trung đoàn trở về Việt Nam, Định sẽ tìm vào. Nhưng nhiều lần đi tìm đều không thấy. Định sao lục tất cả những giấy tờ, đi đến hết cơ quan này đến cơ quan khác xin làm "thủ tục để làm người còn sống", nhưng do thói quan liêu, cửa quyền, tiêu cực, cơ quan này "kính chuyển" cơ quan kia, lòng vòng, không sao có kết quả.

Đã có lần ngồi tàu hỏa đi xin làm thủ tục, Định và nhà văn Minh Chuyên bị kẻ cắp nẫng cả ba lô, mất hết tiền bạc, họ phải ngửa tay ăn xin để có tiền đáp tàu về nhà. Ở quê thì bị hàng xóm láng giềng dị nghị, nghi ngờ, coi Định như một kẻ đào ngũ. Đã có lúc vì phẫn uất, Định toan tự tử cho vợ con bớt khổ. Nhưng rồi, cái phẩm chất gan góc của người lính chiến đã nâng anh đứng dậy tiếp tục chiến đấu với số phận. Bút ký kết thúc ở đó.

 "Vào chùa gặp lại" nói về sự hy sinh mất mát của những quân nhân là phụ nữ. Cuộc kháng chiến chống Mỹ hao người tốn của, kéo dài và khốc liệt đến độ hàng vạn quân nhân nữ cũng được huy động hành quân vào chiến trường. Kết thúc cuộc chiến, ở Thái Bình, quê hương của nhà văn Minh Chuyên, trong số những quân nhân nữ sống sót trở về có khá đông người xuống tóc đi tu.

Riêng trong bút ký "Vào chùa gặp lại", tác giả điểm mặt phải tới hơn ba chục người. Đó là sư bác Trương Thị Minh, sư thầy Nguyễn Thị Phương, sư bác Đỗ Thị Vui, sư bác Bùi Thị My, sư thầy Phạm Thu Thủy, sư thầy Đoàn Thị Hoa, sư thầy Vũ Thị Mừng, sư thầy Đào Thị Ngọc Hân, sư bác Nguyễn Thị Chiêm, ni trưởng Lương Đàm Thanh…vv…

Mỗi người một đơn vị, một khu vực chiến trường. Họ đã dũng cảm chiến đấu, đa số mang thương tích trong người, được tặng thưởng huân huy chương. Có người vì quá lứa lỡ thì, không còn nhan sắc mà đi tu, song số đông bị phơi nhiễm chất độc da cam, nghĩ đến cảnh tượng lấy chồng rồi sinh ra những đứa con dị dạng sẽ làm gánh nặng cho gia đình và xã hội mà họ tìm đến cửa Phật. Vào chùa họ siêng năng kinh bổn, tu đắc đạo nhưng trong lòng đâu đã yên, họ vẫn tìm mọi cách giúp đời. Họ trồng trọt chăn nuôi như những nông dân thực thụ để tự nuôi sống mình và giúp đỡ những đồng đội gặp khó khăn trong mưu sinh, nuôi dưỡng những đứa trẻ tàn tật, những người già không nơi nương tựa, …

Trong bút ký ấy, nhà văn dành nhiều số trang nói về sư thầy Lương Thị Thân - Thích Đàm Thân - một cô gái quê Thái Bình xinh đẹp, có học vấn, vốn là sĩ quan công tác ở trạm quân y đường dây 559, rồi chuyển sang phụ trách trạm xá của trung đoàn 8. Từng nhiều phen đối mặt với cái chết, nhưng sự đối mặt đáng nhớ nhất là khi Thân tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, tháng 2 năm 1975.

Thân theo đoàn xe từ Lao Bảo - Quảng Trị, tiến quân về đến dốc Chu Linh thì gặp máy bay địch bổ nhào đánh phá. Đoàn xe trúng bom, nhiều chiếc bốc cháy, xô nghiêng, rơi xuống vực. Thân bị ba vết thương: ở đầu, ở đầu gối chân và ở cột sống, bất tỉnh.

Thân được đưa tới một trạm phẫu dã chiến sơ tán trong dân. Khi tỉnh lại Thân mới biết cô sống được là nhờ hai chiến sĩ cùng đơn vị khiêng cô đi cấp cứu và một trong số hai người đó đã hiến máu cứu sống cô. Khi hai chiến sĩ đó từ trạm phẫu trở về, gặp pháo bầy, họ đã hy sinh cả hai, khiến Thân cứ day dứt khóc thương.

Cái gia đình nơi đặt trạm phẫu rất sùng đạo Phật. Hàng ngày nằm dưỡng thương nghe tiếng tụng kinh, Thân lẩm nhẩm học theo, lúc đầu chỉ là để cầu cho vong linh hai người đồng đội, nhưng sau khi biết anh Quân người yêu của Thân cũng đã hy sinh thì cô nguyện cầu cho cả anh Quân và tất cả những người lính khác đã hy sinh.

Rồi một đêm, Thân nằm mơ thấy hàng trăm chúng sinh, hầu hết là bộ đội, người mất đầu, người cụt chân tay, ngồi im phăng phắc như những pho tượng nghe cô cầu kinh, thỉnh thoảng họ lại cúi rạp xuống, có ý nói với Thân rằng hãy cầu nguyện để những cái đầu, những cẳng chân, cẳng tay của họ nhập trở về cho thân xác họ lành lặn trở lại. Cái "căn tu" của Thân bắt đầu từ đó.

Khi phục viên về quê, Thân tìm cửa Phật khiến bao nhiêu người nuối tiếc. Thậm chí có người đàn ông mê Thân tìm đến tận chùa cầu hôn, nhưng cô đều từ chối, bởi cô biết mình không còn khả năng mang lại hạnh phúc cho họ: sau khi bị thương, cô không còn khả năng có con.

Tác phẩm của nhà văn Minh Chuyên.

Thời Minh Chuyên viết những bút ký ấy, ông còn là một phóng viên Báo Thái Bình. Chỉ vì khai phá những vấn đề còn chưa nhiều người đụng đến mà tác giả cũng từng gặp những phiền hà, nhưng rồi lẽ phải đã thuộc về ông, nhân dân ủng hộ ông, tạo đà cho ông viết tiếp nhiều bút ký khác và "cất cánh" về Thủ đô.

Về Đài Truyền hình Việt Nam, Minh Chuyên càng có điều kiện phát huy thế mạnh của mình. Những tác phẩm truyện ký, bút ký, phóng sự truyền hình về đề tài hậu chiến của ông nối tiếp nhau đến với công chúng. Ông đã nhận giải thưởng Quốc tế - Giải Cúp vàng - với tác phẩm "Cha con người lính", 2006; giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam với tác phẩm "Di họa chiến tranh", 1998; giải A của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam trao cho tác phẩm "Những cột mốc người"…và nhiều giải thưởng danh giá khác. Đặc biệt năm 2017 ông vinh dự được nhận giải thưởng nhà nước về Văn học nghệ thuật.

Tôi hỏi:

- Thưa nhà văn Minh Chuyên, căn nguyên nào khiến ông suốt một đời văn chỉ viết một đề tài hậu chiến?

 - Căn nguyên chính là - Minh Chuyên đáp -  Mười năm công tác và chiến đấu tại chiến trường miền Đông Nam Bộ, sống trong đạn bom, tôi chỉ bị thương mà không chết. Trong khi đó, đồng đội của tôi hầu hết đã hy sinh và bị thương rất nặng.

Tôi được hưởng cuộc sống hoà bình. Bạn bè và đồng đội tôi hầu hết không được trở về. Những người được trở về thì thương tích đầy mình. Bệnh tật, thương tật và di chứng chiến tranh đã biến họ thành những con người bất hạnh. Tôi dẫu có suốt đời viết về họ, ngợi ca hành động anh hùng của họ và bênh vực họ khỏi những nỗi oan khiên cũng không bao giờ hết, không bao giờ trả hết được ân nghĩa của đồng đội đã hết lòng vì nước, vì dân.

  - Trong tác phẩm truyện ký - bút ký của ông có khá nhiều nhân vật, có những nhân vật tuy chỉ xuất hiện ở thể ký nhưng xứng đáng là nhân vật tầm vóc của văn chương, ông tâm đắc với những nhân vật nào?

- Đó là hình tượng anh Nguyễn Văn Thắng trong truyện: "Trở lại kiếp người" - Minh Chuyên đáp - Anh là nhân vật điển hình của người lính hoá thân ở lại Trường Sơn. Anh được chứng kiến cảnh tượng bộ xương của đồng đội bất hạnh nằm trên chiếc võng nilon, mắc ở hai đầu cây sấu. Cây sấu cứ lớn dần, 20 năm sau đã nâng bộ xương của người đồng độ bất hạnh lên tít trên ngọn cây. Còn anh Nguyễn Văn Thắng, số phận cũng không "ngọt ngào" hơn số phận người đồng đội  ấy.

Thắng bị tâm thần do vết thương sọ não, sống lang thang với bầy vượn giữa rừng sâu, 20 năm sau, người mẹ già cùng với những đồng đội lặn lội vào rừng tìm thấy anh; nhờ tình mẫu tử anh mới được trở lại kiếp người.

Ba nhân vật tiếp theo  tôi cũng rất tâm đắc: Trần Quyết Định  trong tác phẩm "Thủ tục làm người còn sống'', Nguyễn Đình Thúc trong tác phẩm "Người lang thang không cô đơn''. Đặc biệt nhân vật làm rung động trái tim tôi mãnh liệt là sư thầy Thích Đàm Thân trong tác phẩm "Vào chùa gặp lại''. Sư thầy Đàm Thân là bóng hình của Lương Thị Thân ngoài đời, một trung uý quân y sĩ mà tôi đã gặp ở Trường Sơn. Bản chất anh hùng trong con người Lương Thị Thân và hậu quả của chiến tranh đã biến nhân vật Lương Thị Thân thành một nhà sư.

- Hiện nay ông còn có ý định viết về đề tài Chiến tranh cách mạng và hậu chiến nữa không?

 - Tôi vẫn tiếp tục viết. Nhà xuất bản Văn học đang chuẩn bị in hai tác phẩm của tôi, đều là đề tài chiến tranh và hậu chiến…

Hà Nội, hè 2018.

Lê Hoài Nam
.
.